Trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô

 

Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô

 
  •  
  •  


ĐỌC KINH THÁNH LÀ HỎI Ý KIẾN CỦA CHÚA KITÔ

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (28.3.2023) – “Nếu không biết, cứ hỏi bác Google, hỏi Chat GPT.” Đây là câu nói vui nhưng có thể hiểu được trong thế giới Internet như hiện nay. Bạn có thể biết rất nhiều điều trên không gian mạng. Nếu biết tiếng Anh nữa, biên độ tiếp cận thông tin của bạn lại càng tăng lên gấp bội. Còn về ứng dụng GPS[1] cùng thế. Ngày nay chúng ta dễ dàng đi đến bất cứ nơi đâu với chiếc điện thoại nối Internet. Hệ thống chỉ đường sẽ chỉ từng chi tiết để bạn đến được đích tương đối dễ dàng. Đó là cuộc ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Đời sống thiêng liêng thì sao?

Chúng ta cần hạnh phúc và bình an. Với niềm tin, ai cũng biết một trong những điều kiện để đạt được điều này là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Giáo hội tin rằng thánh ý là ý Thiên Chúa muốn cho tất cả và từng thụ tạo, đặc biệt là con người, được hạnh phúc tốt đẹp. Tuy nhiên, trong những quyết định lớn nhỏ, con người không phải lúc nào cũng thuận theo ý Chúa. Thực tế là trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta không biết quyết định thế nào để phù hợp ý Thiên Chúa. Trong những trường hợp như thế, lời khuyên của Giáo hội là người ấy nên dành giờ cầu nguyện. Chính trong bầu khí của thinh lặng, họ hy vọng nghe được tiếng Chúa. Tiếng ấy có thể vang vọng trong tâm trí họ. Bên cạnh đó, truyền thống tu đức cho rằng Kinh Thánh là nguồn mạch của thánh ý Chúa. Hoặc nói như Thánh Phanxicô Assisi: “Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô.”

1. Ta hỏi, Chúa trả lời

Có thể nói Kinh Thánh là kho tàng khôn ngoan của cả nhân loại. Kinh Thánh chứa đựng những chân lý để giúp con người đạt được hạnh phúc bình an. Kho tàng ấy không chỉ để nghiên cứu, nhưng còn để con người hưởng dùng. Ai cũng có quyền tiếp cận kho tàng này với những hoàn cảnh khác nhau. Dù vui hay buồn, chúng ta cũng có thể để Lời Chúa là ngọn đèn soi cho mình bước đi trong ánh sáng. Nhất là khi có những thắc mắc, chúng ta có quyền hỏi Thiên Chúa. Câu hỏi càng rõ, Thiên Chúa càng muốn trả lời. Dĩ nhiên Thiên Chúa có muôn vàn cách để giúp bạn có được câu trả lời. Cần chú ý ngay rằng con đường ngắn nhất để có câu trả lời tốt, đó là trong Kinh Thánh.

Giả sử bạn đang khắc khoải điều gì đó, cứ mở Kinh Thánh ra đọc. Hoặc khi lắng nghe đoạn Kinh Thánh nào đó, bạn thử hỏi trong hoàn cảnh lúc này, Chúa muốn nói với tôi điều gì. Khi tâm hồn u tối, hãy tìm kiếm Chúa Giêsu và Người luôn trả lời chúng ta[2]. Hãy bắt chước các thánh: để Lời Chúa thay đổi cuộc đời. Chẳng hạn đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, thánh Augustinô nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.” (Rm 13,13-14). Kết quả là vị thánh của chúng ta từ một tội nhân, đã trở nên một linh mục, giám mục và một vị thánh vĩ đại.

Ví dụ khác về thánh Phanxicô Xaviê. Từ một người ham mê danh vọng, ngài đã hoán cải và muốn phụng sự Thiên Chúa. Số là trong những thao thức của thế thái nhân tình, vài lần Ngài nghe được câu Kinh Thánh: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì.” (Lc 9,25). Chúa đã cho Phanxicô Xaviê câu trả lời thỏa đáng: nên tu sĩ linh mục truyền giáo khắp miền Á Châu.

Hai ví dụ trên đây tôi không muốn nói tất cả những ai nghe tiếng Chúa cần đi tu. Không! Trong bậc sống nào đi nữa, Lời Chúa vẫn cùng một hiệu quả, nghĩa là giúp họ được hạnh phúc trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Quan trọng là người ta có dám hỏi Chúa, có giám đọc những câu trả lời của Ngài ở trong Kinh Thánh? Điều thú vị là “Thiên Chúa không bị buộc phải tự mặc khải cho ta. Người mặc khải chỉ vì yêu thương. Cũng như trong tình yêu loài người, ta chỉ có thể biết được sự gì của người mình yêu khi họ mở lòng ra cho ta. Đối với Thiên Chúa ta cũng chỉ đạt tới chỗ hiểu biết một chút gì đó về các tư tưởng sâu kín nhất của Người, bởi vì người là Đấng vĩnh cửu và cao siêu, Người đã chỉ vì yêu mà đã tỏ lộ cho ta.” Nếu trong thời Cựu ước, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa nói với dân qua các sách Cựu Ước. Còn vào thời Tân Ước, Thiên Chúa đã gửi Con Một của Ngài trực tiếp đến nói với con người trong Tân ước. Do đó, “Hạnh phúc mà bạn kiếm tìm, hạnh phúc mà bạn có quyền hưởng có một tên, một khuôn mặt: đó là Chúa Giêsu Kitô ở Nadarét.” (Đức Bênêđictô). Lời của Ngài được ghi lại và đang nói với bạn trong chính cuốn Thánh Kinh. 

2. Chúa nói, ta lắng nghe

Khi đọc Kinh Thánh với thái độ cầu nguyện, chúng ta dễ lắng nghe được Tiếng Chúa. Từng nội dung câu chuyện Tin Mừng có sức chuyển tải thông điệp vào trong tâm hồn chúng ta. Thông điệp ấy sẽ tương tác vào những băn khoăn, suy nghĩ và tình cảm của mình. Chính nơi đó sẽ trồi lên một tiếng lòng, tiếng nói thiêng liêng mà chúng ta gọi là tiếng của Chúa. Kinh nghiệm của thánh Phanxicô Assisi cho chúng ta cách chiêm niệm thánh ý của Chúa ngay trong Kinh Thánh. Càng chiêm ngắm, càng dễ thấy Chúa; càng lắng nghe, ta càng dò được “tần sóng” âm thanh của tiếng Chúa.

Rõ ràng vai trò của thinh lặng quá quan trọng để chúng ta tập chung vào những Lời của Kinh Thánh. Âm thanh đó không chỉ lưu lại trong trí nhớ, nhưng còn vang vọng trong tâm hồn sau khi ta đọc Thánh Kinh. Lúc này chắc không cần nói nhiều, cho bằng thinh lặng để Chúa nói. Truyền thống tu đức gọi thời gian này này chiêm niệm; nghĩa là “chiêm ngắm Chúa Giêsu trong đức tin, tham dự vào các mầu nhiệm của Người, lắng nghe Lời Chúa, và yêu mến trong thầm lặng.” (GLHTCG 274). Đây là một hồng ân Chúa dành cho con người. Nhờ vào hành vi chiêm niệm mà con người có thể nâng tâm hồn và kết hợp hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa; qua đó, con người được làm cho trở nên “giống Thiên Chúa”. Nói cách khác, cung cách hành xử của chúng ta lúc này giống với thánh ý của Thiên Chúa. Nhờ đó, những ai đã có kinh nghiệm thiêng liêng này đều cảm thấy no thỏa. Ngôn ngữ linh đạo chúng ta gọi đây là trạng thái “an ủi thiêng liêng”, hoặc gần giống với “thần hiệp-được kết hợp với Thiên Chúa”.   

Tới đây ta thấy Kinh Thánh như là lối vào của thần hiệp, của những câu trả lời mà ta mong muốn. Giáo hội tin rằng Kinh thánh được linh hứng, nghĩa là ảnh hưởng của Thiên Chúa trên các nhà viết Kinh Thánh, giúp ta có thể coi chính Thiên Chúa như là tác giả của Kinh Thánh. Vì điểm này mà chúng ta có lý khi lắng nghe tiếng của Chúa trực tiếp từ Kinh Thánh. Trước Lời của Ngài, hãy cứ mở lòng nghe Chúa nói: “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe.” (1 Sm 3,9-10).

3. Tập hỏi ý Chúa hằng ngày

Cầu nguyện nói chung và với Kinh Thánh nói riêng thực sự quá khó với chúng ta. Ngay cả tu sĩ và linh mục cũng bị thách đố. Nói như thế để chúng ta cần khiêm tốn tập từ từ. Thói quen này tập cả đời. Càng tập chúng ta càng dễ lắng nghe được tiếng Chúa. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Suy gẫm thường ngày Lời Chúa và để cho Chúa Thánh Thần làm thầy của bạn, bạn sẽ thấy tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của loài người, bạn sẽ đạt tới chiêm ngắm Thiên Chúa thật, và nhìn mọi biến cố bằng con mắt của Chúa, bạn sẽ được nếm một niềm vui dồi dào phát xuất từ sự thật.” (Youcat 16).

Nếu không đọc, không cầu nguyện với Kinh Thánh hằng ngày, ít ra chúng ta hãy bắt đầu để ý đến những Lời Chúa trong mỗi Chúa Nhật. Nhất là khi gặp vấn đề, hãy để Kinh Thánh như là chỗ bạn hỏi trực tiếp ý kiến của Thiên Chúa. Ngài ở trong Kinh Thánh, Ngài đang nói lớn tiếng trong từng câu chuyện Lời Chúa. Thú vị là Thiên Chúa có thể làm cho mọi người hiểu được tiếng của Ngài. Xin đừng bi quan hoặc tự ti mà bỏ qua nguồn trợ giúp này. Chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Mt 7,7-12). Chúng ta cũng có thể hiểu: “cứ mở Kinh Thánh ra đọc, cầu nguyện và lắng nghe, chúng ta sẽ nhận được thánh ý của Thiên Chúa!”

Ước gì bạn cũng đọc Thánh Kinh để tìm hiểu về ý kiến và giáo huấn của Chúa Kitô. Theo ý này, chúng ta có thể đi đúng đường. Hơn nữa, việc đọc Kinh Thánh có thể giúp cho mọi người cải thiện tình cảm với Chúa và gần hơn với ý Thiên Chúa, và cũng có thể giúp họ tìm thấy yên tâm hơn và thấy ý chúa trong cuộc sống hằng ngày.




[1] Hệ thống Định vị Toàn cầu -The Global Positioning System.

[2] Đây là tựa đề bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-11/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-tam-hon-u-toi-tim-kiem-chua-giesu.html (truy cập 28.01.2023)


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/doc-kinh-thanh-la-hoi-y-kien-cua-chua-kito-50536

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét