Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

Những lời hứa của Đức Phanxicô: mùi cách mạng

 Những lời hứa của Đức Phanxicô: mùi cách mạng

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023

Mười năm trước, các hồng y họp mật nghị, họ muốn thay đổi Giáo triều. Nhưng họ không bao giờ đoán trước được điều gì sẽ xảy ra.



ici.radio-canada.ca, Alain Crevier, 2023-03-10

Kể từ khi năm 2013 khi Đức Phanxicô đứng đầu Vatican, ngài đã được lòng giáo dân.

Mùa xuân năm 2013, một người ngồi xuống hôn và rửa chân cho 12 tù nhân. Trong số đó có hai phụ nữ, một trong số họ là người hồi giáo. Cử chỉ mang tính biểu tượng cao làm mọi người chú ý. Báo L’Obs nhấn mạnh: “Giáo hoàng rửa chân cho các nữ tù nhân”. Ở châu Phi, người ta nói: “Đây là lần đầu tiên.” Ở các nơi khác: “Ngài đi ngược dòng.”

Năm đó, Tạp chí Time, Vanity Fair và quan trọng nhất là The Advocate của cộng đồng LGBTQ đã vinh danh Đức Phanxicô là Nhân vật của năm. Giáo hoàng, anh hùng của cộng đồng đồng tính? Chưa từng thấy!

Một làn gió mạnh đang thổi qua Giáo hội công giáo 2.000 năm tuổi. Nhanh chóng, Đức Phanxicô nổi tiếng vượt ra ngoài biên giới Giáo hội. Ngay cả những người vô thần và nữ quyền cũng tìm một chút hy vọng ở ngài. Một số nói về cuộc cách mạng của Đức Phanxicô.

Mười năm sau, lời hứa của Đức Phanxicô còn lại những gì?

Năm 2013, Đức Phanxicô nổi bật so với các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài, đặc biệt qua cách ngài đến gần với người nghèo, người bị tổn thương, các tù nhân, những người ngài rửa chân.



Ảnh: Reuters / Osservatore Romano

Lời hứa về một Giáo hội mới

Giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, giáo hoàng không phải người Âu châu đầu tiên được bầu. Việc bầu chọn hồng y Bergoglio không có gì là bình thường. Ngay từ những ngày đầu tiên, người ta hiểu giáo hoàng ít thích lui tới Vatican càng ít càng tốt và đặc biệt không thích đến Rôma, đã có chút niềm vui láu lỉnh muốn làm lung lay hàng giáo sĩ và các truyền thống, như nhà báo  Loup Besmond de Senneville của nhật báo La Croix đã viết:

“Tháng 7 năm 2013, chuyến đi đầu tiên của ngài đến Brazil trong Ngày Thế Giới Trẻ, ngài gặp các người trẻ Argentina ở một sân vận động. Ngài nói với họ: ‘Xin các bạn khuấy động Giáo hội!’ Ngài tin chắc phải lay động mọi chuyện để có một cái gì đó tốt hơn thoát ra.”  – Loup Besmond de Senneville báo La Croix, Rôma

Người ta thấy như có một cái gì đó thôi thúc mọi người nổi dậy! Với những câu ngắn gọn là những khẩu hiệu cho triều giáo hoàng của ngài, ngài đã khuấy động đám đông. Câu nổi tiếng nhất là câu, “nếu một người chân tình đi tìm Chúa, tôi là ai để phán xét họ?”, ngài đã thẳng thắn khi nói về những người đồng tính và đức tin.

Thật khó để tin! Từ 2000 năm, Giáo hội chỉ làm điều đó, phán xét. Mà lại bắt đầu từ đồng tính! Sau đó là những phụ nữ bị từ chối quyền bình đẳng. Và những người ly dị muốn tái hôn, những người bị cấm yêu. Và hàng ngàn nạn nhân của những tội phạm mặc áo chùng, họ bị tước mất công lý và nhân phẩm. Vì vậy danh sách của những người ‘tôi là ai để phán xét họ’ còn dài.

Từ buổi tối ngày được bầu chọn, Đức Phanxicô đã càn quét và đánh mạnh. Như thể có một khẩn cấp ngài phải hành động trước khi không còn sức. Người di cư, ly dị, phá thai, cộng đồng đồng tính và ngay cả người bản địa Canada. Như thể ngài đã nghiền ngẫm từ lâu cách ngài sẽ làm trước khi được bầu chọn.

Cá tính của ngài? Nhà xã hội học người Pháp Dominique Wolton, người đã có hàng chục cuộc gặp riêng với giáo hoàng để thảo luận về chính trị, xã hội và tất cả mọi chuyện cho biết ngài là người giận dữ. Ngài giận vì những bất công. Vì vậy, ngài đặc biệt không dịu dàng.

Cơn giận thánh?

Giận dữ ư?! Nhưng đó không phải là hình ảnh chúng ta có về giáo hoàng lúc nào cũng tươi cười hôn các em bé ngài gặp. Vậy mà tức giận này giải thích mọi thứ.

“Ngài muốn một Giáo hội của người nghèo. Với ngài, Giáo hội là người nghèo. Không có người giàu. Các bạn có thể hình dung quan điểm này sẽ không được chia sẻ. Thật không thể chịu nổi.”  – Trích lời ông Dominique Wolton, nhà xã hội học người Pháp

Đức Phanxicô hôn em bé, điều mà ngài làm thường xuyên trong các buổi tiếp kiến chung ở Rôma. Ảnh: Reuters / Alessandro Bianchi

Người ta sẽ nói đây là giáo hoàng của một Giáo hội mới. Khiêm tốn, cởi mở và nhân văn. Đó là chương trình của Đức Phanxicô. Một tầm nhìn của một thể chế công giáo không thể nào khác đi, trực diện với những người sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn các truyền thống Giáo hội.

Nội chiến trong Giáo hội?

Với những người theo chủ nghĩa truyền thống, giáo hoàng này đã bình thường hóa những điều thiêng liêng và thần thánh. Chẳng hạn về thể chế hôn nhân. Nhân danh thẩm quyền đạo đức hay thần thánh nào mà ngài cho phép mình mở cửa ra cho người công giáo đã ly dị muốn làm lại cuộc đời?

Dưới mắt của những người truyền thống, Đức Phanxicô chỉ là người dị giáo mà Giáo hội phải loại bỏ! Họ làm kiến nghị, nghi ngờ thẩm quyền của ngài, tổ chức các cuộc biểu tình.

Theo ông Marco Politi, một trong những chuyên gia giỏi nhất về các vấn đề của Vatican, đó là cuộc nội chiến trong Giáo hội. Phe đối lập cảm thấy được tự do hơn và rất hiếu chiến. Ông nói, một vài giám mục gần như đang cầu nguyện cho Đức Phanxicô chết trước khi ngài hủy hoại Giáo hội.

Ngay từ năm 2015, nhà sử học theo chủ nghĩa truyền thống Roberto de Mattei đã lo sợ, ông cảnh báo, cuối cùng ngài sẽ tạo tai họa, một ly giáo trong Giáo hội. Một xấu hổ! Tại một thời điểm nào đó, tất cả những điều này sẽ bùng nổ và khi đó, cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra rất nhanh và rất dữ dội.

Quyết tâm và sự phản kháng của những người theo chủ nghĩa truyền thống như ông Roberto de Mattei là không lay chuyển. Họ nghĩ rằng họ có thể hạ bệ giáo hoàng, buộc ngài phải từ chức.

Một cuộc chiến không ai thắng

Gần đây tôi gặp ông Roberto de Mattei ở ngoại ô Rôma.  Người đàn ông trước mặt tôi bây giờ hoàn toàn không như trước. Ông thất vọng. Một chút thất bại. Tôi rất ngạc nhiên. Với giáo hoàng bây giờ ngồi xe lăn, tôi đã nghĩ họ sẽ sớm chiến thắng.

Nhưng những người tự cho mình là người canh giữ đức tin đang bị trệch hướng.

Ông Roberto de Mattei công nhận Đức Phanxicô đã gieo được sự nhầm lẫn trong phe những người theo chủ nghĩa truyền thống đang bực mình. Một số đã mất ý chí chiến đấu. Những người khác rời Giáo hội và đến với Giáo hội chính thống Matxcova.



Đức Phanxicô gặp vấn đề sức khỏe và đã có một thời gian phải ngồi xe lăn. Ảnh: Getty Images / Christopher Furlong

Tôi thú nhận tôi đã giật nẩy mình! Khi nghe ông Roberto de Mattei nói, những người bạn của ông, những người theo chủ nghĩa công giáo truyền thống đã chọn về với thượng phụ Kyrill của Matxcova, người đã công khai ủng hộ Putin trong cuộc chiến chống Ukraine. Không thể hiểu được.

Có những người cho rằng Putin là nhà vô địch đấu tranh cho các giá trị truyền thống, Putin được chế độ phụ hệ của Giáo hội Chính thống Nga hỗ trợ.

Tôi rời buổi gặp này với tâm tư ngạc nhiên và trầm ngâm.

Còn cuộc cách mạng?

Mười năm. Đức Phanxicô chống lại sự tấn công dữ dội của những người theo chủ nghĩa truyền thống.

Ngài đã làm sạch các tài khoản ngân hàng của Vatican. Ngài đã cải cách chính quyền và hiến pháp. Ngài đã sắp đặt trật tự trong phủ giáo hoàng. Ngài đã hôn hàng ngàn em bé ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài chào tất cả những người di cư trên thế giới. Và ngài đã có nhiều buổi cầu nguyện cho hòa bình.

Nhưng còn cách mạng kia thì sao? Cách mạng mà mọi người đang chờ đợi? Thay đổi thái độ của Giáo hội, làm cho Giáo hội bớt xét đoán, khiêm tốn và có trách nhiệm hơn? Một Giáo hội có phương châm Tôi là ai để phán xét? có phải đây chỉ là ảo ảnh?

Thay đổi hiến pháp là một chuyện. Thay đổi các não trạng là một chuyện khác. Mười năm là quá ít để thiết kế lại một thể chế có 2000 năm tuổi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2023/03/12/nhung-loi-hua-cua-duc-phanxico-mui-cach-mang/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét