Trang

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Suy Tư TM Lễ Lá: Nghịch lý của tình yêu và đau khổ

 

Suy Tư TM Lễ Lá: Nghịch lý của tình yêu và đau khổ

Các bạn thân mến!

Bạn và tôi đang bước vào Tuần Thánh cao điểm của năm phục vụ. Tuần Thánh mở đầu bằng Lễ Lá  và kết thúc bằng Lễ Phục Sinh. Phụng vụ Lễ Lá  cho bạn và tôi thấy hai chuyển đồng trái ngược nhau: hân hoan, huy hoàng, vinh quang và u buồn, u tối và thất bại. Tuy nhiên vượt trên tất cả những chuyển động này biểu lộ con đường tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho con người.

Lễ Lá bắt đầu với việc tưởng niệm việc Chúa được rước vào thành thánh Giê-ru-sa-lem như một vị Vua trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển. Người biết rằng, giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha. Giờ mà Ngài được tôn vinh qua cái chết. Ngài biết những điều đang chờ đợi mình ở phía trước. Dân chúng tung hô Người, các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị tìm cách loại bỏ Ngài. Ngài đã vâng phục ý Cha cho đến hơi thở cuối cùng, tự nguyện hiến mình vì Cha và vì nhân loại bằng một tình yêu vô điều kiện. Hiến lễ tình yêu mặc khải căn tính thần linh của Ngài. Ngài mặc khải trọn vẹn khuân mặt của Thiên Chúa khi Ngài bị treo lên.     

Bước vào Lễ Lá, bạn và tôi thấy Đức Ki-tô được tôn vinh như là một vị Vua nhưng Ngài là vị Vua không ngai. “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”[1] Khi Chúa Giê-su bước vào thành thánh Giê-ru-sa-lem đám đông dân chúng đi theo Người, họ trải áo choàng, chặt cành nhặt lá trải lối đi. Họ cùng nhau tung hô. “Hoan Hô con Vua Đavid.” “9 Dân chúng, người đi trước kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời. 10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” 11 Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.”[2] Dân chúng xem Ngài là con Vua Đavid đến phục hồi vương quyền và mang lại thời hoàng kim, nhưng trong số những con người vốn tung hô Ngài hôm đó lại cũng có kẻ giơ tay đòi đóng đinh Người. Chính những kẻ được Ngài yêu thương, chữa lành, giải phóng lại hô hào giết chết Ngài. Nơi những khuân mặt hiện diện trong buổi hôm đó có những kẻ từng được chia sẻ cùng một tấm bánh với Người, van xin người cứu chữa, nghe Ngài rao giảng, chứng kiến Ngài làm phép lạ nhưng cũng chính những khuân mặt ấy lại quay lưng với Ngài. Có những kẻ vừa tung hô Ngài nhưng cũng ngay lập tức kết án Ngài. Sự tương phản của hai nhóm người, hai thái độ biểu hiện tình trạng hiện hữu của một thực tế lịch sử, biểu hiện bản chất của thế gian và sự tương phản nơi bản ngã và nơi trái tim con người. Sự xung đột và tương phản ở thế giới bên ngoài phản ánh sự xung đột và sự tương phản của thế giới nội tâm. Tình yêu và ghét bỏ, trung thành và phản bội, ánh sáng và bóng tối không nằm đâu xa nhưng nằm ngay nơi nội tâm con người. Nơi bản chất và nội tâm con người có sự trái ngược. Một mặt đó là sự xung đột nội tại được ngọai tại hóa bằng những chọn lựa trong sự tự do của con người. Mặt khác sự xung đột cũng biểu hiện một tình trạng hiện hữu về điều gì đó lớn lao hơn sự tự do và nội tâm của con người và ảnh hướng đến cách con người chọn lựa. Nói cách khác sự xung đột nơi trái tim con người cũng chịu sự tác động bởi những tác nhân bên ngoài con người. Chính điều này tác động đến cách mà họ hành xử với Đức Giê-su. Những đau khổ và sự sỉ nhục ném vào vị Vua phơi bầy bộ mặt tráo trở của thế gian, đồng thời nơi đó cũng hé lộ niềm tín thác, trung thành tuyệt đối vào con đường cứu độ và tình yêu của Cha. Hình ảnh người tôi tớ đau khổ, bị hành hạ, thân thể tan nát, bị mắc nhiếc phỉ nhổ phản ánh khuân mặt của sự dữ và tình yêu tín thác tuyệt đối vào kế hoạch của Cha. “6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.”[3]  

Đức Giê-su là Vua nhưng là vị Vua không ngai. Vị Vua không dùng quyền bính theo kiểu thế gian nhưng là vị Vua của hòa bình. Ngài khiêm tốn cưỡi lên con lừa con. Đây là dấu chỉ biểu hiện Ngài là một vị vua nhân từ, Ngài là Hoàng Tử của Hòa Bình. Ngài vào trần thế không bằng quyền lực nhưng bằng tình thương và sự khiêm hạ.“9 Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.”[4] Ngài không đáp trả sự dữ bằng sự dữ nhưng bằng tình thương và tha thứ. Ngài đem những kẻ tin Ngài vào vương quốc tình yêu.

Lễ Lá cũng mặc khải con đường của tình yêu và chỉ con người cách đối diện với những đau khổ. Một mặt Lễ Lá dẫn bạn bước theo và thông hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, những gánh nặng và đau khổ mà Ngài đã phải chịu trong cuộc khổ nạn vì lòng yêu mến Cha và lòng yêu mến nhân loại nhưng mặt khác những đau khổ mà Chúa Giê-su đang đối diện lại khơi mào niềm hy vọng. Qua đau khổ sẽ đến vinh quang. Phụng vụ Tuần Thánh không kết thúc ở chiều thứ sáu nhưng kết thúc bằng Lễ Phục Sinh. Đấng Phục Sinh ra khỏi mồ đánh bại sự chết và đem lại sự sống mới.  

Ngài là hiện thân của đau khổ, hiện diện trong đau khổ và gánh chịu những đau khổ do chúng ta gây ra. Ngài liên kết đau khổ của con người với đau khổ của Ngài và mang những đau khổ vào trong thân thể Ngài. Chúa Giê-su mang những đau khổ của nhân loại vào trong thân thể Ngài và chỉ cho bạn cách vượt quan đau khổ bằng tình yêu và tín thác, bằng hy vọng và trung kiên. Nói cách khác, khi chết đi, Ngài mang lấy cái chết vốn là thuộc tính của thế gian vào trong thân thể Người, để khi sống lại, Ngài trả lại cho con người sự sống mới. Những đau khổ và cái chết thảm thương không phải là câu trả lời cuối cùng cho niềm tin Ki-tô Giáo nhưng là cánh cửa dẫn đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu.

Lễ Lá cho bạn thấy một nghịch lý. Đấng được tôn vinh như một vị Vua lại bị chết như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa, sự thất bại của giấc mơ Thiên Sai lại biểu lộ vinh quang chiến thắng, quyền uy tuyệt đối được biểu hiện trong sự hoàn toàn trống rỗng. Nhưng giữa những nghịch lý phi logic đó Thiên Chúa lại biểu hiện sự khôn ngoan của Người. “Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái.“Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin.”[5] Trên hết chỉ khi mỗi người thực sự được dìm mình trong tình yêu hiến tế của Ngài, bạn và tôi mới hiểu được thế nào là nghịch lý của sự khôn ngoan.   

Gioan Phạm Duy Anh SJ

[1] Ga 18, 36

[2] Mt 21, 9-11

[3] Is 50, 6-7

[4] Dc 9, 9

[5] 1 Cr 19-25


https://dongten.net/suy-tu-tm-le-la-nghich-ly-cua-tinh-yeu-va-dau-kho/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét