Chương ba: Bằng chứng tài liệu


Các tiểu sử của Chúa Giêsu có được bảo tồn cách đáng tin cậy cho chúng ta không?

Là một phóng viên của tờ Chicago Tribune, tôi là “con chuột lục tìm tài liệu”. Tôi dành vô số giờ lục lọi các hồ sơ tòa án và ngửi hơi xem có món tin tức nào ngon không. Việc này rất vất vả và tốn thì giờ, nhưng phần thưởng thì rất đáng giá. Tôi đã giành trước được nhiều cuộc đua tranh với những câu truyện thường xuyên ở trang nhất.

Thí dụ, có lần tôi tình cờ lượm được bản ghi tối mật của đại bồi thầm đoàn người ta vô tình xếp vào hồ sơ công cộng. Bài báo sau đó của tôi đã vạch trần được một cuộc đấu thầu gian lận đàng sau các dự án công chánh lớn nhất của Chicago, kể cả việc xây dựng các siêu xa lộ chính.

Nhưng mẻ tài liệu lác mắt tôi từng khám phá thuộc vụ nổi tiếng trong đó công ty Ford Motor bị kết tội bất cẩn giết người đối với cái chết của ba thiếu niên trong chiếc Pinto loại nhỏ. Đó là lần đầu tiên một hãng sản xuất Hoa Kỳ bị kết tội hình sự vì đã bán một sản phẩm nguy hiểm.

Khi tôi kiểm tra hồ sơ tòa án ở thị trấn Winamac nhỏ bé của Indiana, tôi thấy rất nhiều thông tư mật của Ford cho thấy rằng công ty sản xuất xe hơi này biết trước chiếc Pinto có thể phát nổ khi bị đụng từ phía sau vào khoảng 20 dặm một giờ. Các tài liệu cho biết công ty quyết định không cải thiện tính an toàn của chiếc xe để tiết kiệm vài dollars một chiếc xe và gia tăng chỗ chứa đồ.

Một luật sư của Ford, tình cờ lúc đó đang tha thẩn ở tòa án, thấy tôi đang sao các tài liệu. Hốt hoảng, ông ta chạy xô tới tòa án xin lệnh phong tỏa hồ sơ khỏi công chúng.

Nhưng đã quá muộn. Câu truyện của tôi, tựa là, “Ford làm ngơ Chiếc Pinto Có Nguy Hiểm Bốc Lửa, Các Thông Tư Mật Tiết Lộ” đã được đăng trên Tribune và truyền đi khắp đất nước (1).

Chứng thực các tài liệu

Lấy được các thông tư bí mật của các tập đoàn là một chuyện; chứng thực sự chân chính của chúng lại là một chuyện khác. Trước khi một nhà báo có thể công bố nội dung của chúng, hay một công tố viên có thể công nhận các tài liệu như bằng chứng tại tòa, nhiều biện pháp phải được thực hiện để làm cho chúng chân chính.

Liên quan tới các tài liệu về chiếc Pinto, liệu tên Ford ở đầu trang giấy trên đó chúng được viết ra có phải là giả mạo hay không? Các chữ ký có giả hay không? Làm thế nào tôi biết chắc được? Và vì các thông tư này hiển nhiên đã được sao chép nhiều lần, làm thế nào tôi biết chắc nội dung của chúng không bị sửa bậy? Nói cách khác, làm thế nào tôi biết chắc được rằng mỗi tài liệu sao chép giống hệt bản thông tư nguyên thủy, bản mà tôi không có?

Hơn nữa, làm thế nào tôi có thể quả quyết rằng các thông tư này kể hết mọi chuyện? Dù sao, chúng cũng chỉ đại diện cho một phần nhỏ của các thư từ văn kiện của Ford. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu còn các thông tư khác, hiện vẫn còn giấu ẩn ở đâu đó, nhưng rõi một thứ ánh sáng khác hẳn lên vấn đề, nếu chúng được phát hiện?

Đó là những câu hỏi quan trọng và chúng liên quan không kém tới việc khảo sát Tân Ước. Khi tôi cầm một cuốn KinhThánh trong tay, trong yếu tính, tôi đang cầm một bản sao các ghi chép lịch sử cổ thời. Các bản chép tay nguyên thủy của các tiểu sử về Chúa Giêsu, Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan, và mọi sách khác của Cựu và Tân Ước, từ lâu, đã thành tro bụi. Nên làm thế nào tôi biết chắc các bản thời nay, thành phẩm cuối cùng của vô số vụ sao chép qua rất nhiều thời đại, mang được dáng dấp tương tự như những điều các tác giả viết khởi đầu?

Hơn nữa, làm thế nào tôi có thể biết liệu các cuốn tiểu sử này kể trọn câu truyện? Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu có những cuốn tiểu sử khác về Chúa Giêsu nhưng bị kiểm duyệt vì Giáo Hội sơ khai không thích hình ảnh về Chúa Giêsu được mô tả trong đó? Làm thế nào tôi biết chắc nền chính trị của Giáo Hội không làm câm họng các cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu tuy cũng chính xác như 4 cuốn cuối cùng đã được cho vào Tân Ước nhưng rõi một ánh sáng mới quan trọng về lời lẽ và việc làm của người thợ mộc gây tranh cãi của Nadarét này?

Hai vấn đề đó, các cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu có được duy trì một cách đáng tin cậy cho chúng ta không và liệu có chăng các cuốn tiểu sử cũng chính xác như thế nhưng bị Giáo Hội dẹp bỏ, đáng được cẩn thận xem xét. Tôi biết có một học giả được mọi người công nhận như là thế giá hàng đầu về những vấn đề này. Tôi bay tới Newark và lái chiếc xe thuê tới Princeton để gặp ông.



Cuộc phỏng vấn thứ hai: Bruce M. Metzger Ph.d.

Tôi tìm được Bruce Metzger, 84 tuổi, vào một buổi chiều Thứ Bẩy tại nơi ông hằng lui tới, thư viện của Chủng viện Thần học Princeton, nơi ông mỉm cười nói với tôi, “tôi thích phủi bụi mấy cuốn sách”.

Thực ra, ông từng viết một số sách giá trị nhất, nhất là khi chủ đề là bản văn Tân Ước. Tính chung, ông là tác giả và chủ biên 50 cuốn sách, trong đó có The New Testament: Its Background, Growth, and Content [Tân Ước: Hậu cảnh, Phát triển, và Nội dung]; The Text of the New Testament [Bản văn Tân ước]; The Canon of the New Testament [Qui điển Tân ước]; Manuscripts of the Greek Bible [Các Bản chép tay của Kinh thánh tiếng Hy Lạp]; Textual Commentary on the Greek New Testament [Chú giải Văn bản về Tân ước tiếng Hy lạp]; Introductio too the Apocrypha [Dẫnnhập và Ngụy thư]; và The Oxford Companion to the Bible [Sổ tay Oxford về Kinh Thánh]. Một số cuốn đã được dịch sang tiếng Đức, Trung Hoa, Nhận Bản, Đại Hàn, Mã Lai Á, và nhiều ngôn ngữ khác. Ông cũng đồng chủ biên bộ The New Oxford Annotated Bible with the Apocrypha [Kinh thánh có chủ giải mới của Oxford với phần ngụy thư] và tổng biên tập hơn 25 cuốn trong loạt New Testament Tools and Studies [Các Dụng cụ và Nghiên cứu Tân Ước].

Nền giáo dục của Metzger bao gồm bằng cao học của Chủng viện Thần học Princeton và cả bằng cao học lẫn tiến sĩ của Đại Học Princeton. Ông từng được cấp bằng tiến sĩ danh dự của 5 cao đẳng và Đại Học, trong đó, có Đại Học St. Andrews ở Tô Cách Lan, Đại Học Munster ở Đức, và Đại Học Potchefstroom ở Nam Phi.

Năm 1969, ông phục vụ trong tư cách học giả thường trú tại Tyndale House, Cambridge, Anh. Ông là học gỉa thỉnh giảng tại Clare House, Đại Học Cambridge, năm 1974 và tại Wolfson College, Oxford, năm 1979. Ông hiện là giáo sư hưu trí của Chủng viện Thần học Princeton sau 46 năm dạy Tân Ước tại đây.

Metzger là chủ tịch Ủy ban New Revised Standard Version Bible, viện sĩ hàm thụ của Hàn lâm viện Anh và phục vụ tại Viện Kuratorium of Vetus Latina ở Đan việc Beuron, Đức. Ông là cựu chủ tịch Hội Văn chương Kinh thánh, Hội Nghiên cứu Tân Ước Quốc tế và Hội Giáo phụ học Bắc Mỹ.

Nếu bạn đọc các ghi chú của bất cứ cuốn sách có thể giá nào về Tân Ước, chắc chắn bạn sẽ thấy Metzger được trích dẫn hết lần này tới lần khác. Các sách của ông là sách đọc bắt buộc tại các Đại Học và chủng viện khắp thế giới. Ông được sự kính trọng cao nhất của các học giả thuộc lãnh vực rộng lớn của nghiên cứu thần học.

Xét theo nhiều cách, Metzger, sinh năm 1914, là người của thời xưa, thuộc một thế hệ trước. Tới bằng chiếc Buick mầu xám được ông gọi là “con bọ chạy bằng xăng của tôi”, ông mặc bộ complê mầu xám đậm và chiếc cà vạt có hoạ tiết cánh hoa mầu xanh da trời, khá xuề xòa khi vào thư viện, cả vào cuối tuần. Mớ tóc trắng của ông được chải lược gọn gàng; trên đôi mắt sáng và tỉnh táo của ông là cặp kiếng không vành. Ông bước đi chậm chạp hơn trước, nhưng không có khó khăn gì trong việc thận trọng leo cầu thang lên lầu hai nơi ông tiến hành việc nghiên cứu của mình trong một văn phòng tối tăm và thiếu tiện nghi.

Và ông không thiếu khiếu hài hước. Ông chỉ cho tôi chiếc hộp nhỏ thừa hưởng được lúc làm chủ tịch Ủy ban New Revised Standard Version Bible. Ông mở chiếc nắp cho thấy tro tàn của một cuốn Kinh thánh Revised Standard Version bị đốt trong một vụ đốt rác năm 1952 trong một cuộc phản kháng của một giảng viên cực đoan.

Metzger giải thích với một cái chắc lưỡi, “xem ra ông ta không thích ủy ban đổi chữ ‘fellows’ (các đồng bạn) của Bản King James thành ‘comrades’ (các đồng chí) ở câu Dt 1:9. Ông tố cáo họ là cộng sản!”

Dù lối nói của Metzger có lúc ngập ngừng và ông hay trả lời bằng những kiểu nói lạ như “Quite so” (hết sức như thế), ông vẫn tiếp tục là người có những hiểu biết mới nhất trong lãnh vực bác học Kinh thánh. Khi tôi hỏi một số thống kê không được ông cho vào cuốn sách năm 1992 về Tân Ước; ông đã tìm những con số mới để cập nhật. Đầu óc lanh lợi của ông không gặp trở ngại nào trong việc nhắc lại các chi tiết về người và nơi chốn và ông hoàn toàn rành rẽ mọi cuộc tranh luận hiện nay giữa các chuyên gia về Tân Ước. Thật vậy, họ tiếp tục nhờ ông cho các tầm nhìn thông sáng và lời khuyên đầy khôn ngoan.

Văn phòng của ông bằng cỡ một phòng nhà giam, không có cửa sổ và sơn mầu xám định chế. Nó chỉ có hai ghế gỗ; ông nhất định mời tôi dùng chiếc êm hơn. Đó là thành phần trong sức lôi cuốn của ông. Hết sức tốt bụng, nhũn nhặn và hạ mình một cách đầy ngạc nhiên, với một tinh thần dịu dàng khiến tôi muốn một ngày kia về già với một loại duyên dáng dịu dàng như thế.

Chúng tôi làm quen với nhau trong giây lát, rồi tôi đề cập tới vấn đề thứ nhất: làm thế nào ta biết chắc các cuốn tiểu sử viết về Chúa Giêsu đã được trao đến ta một cách đáng tin cậy?

Các bản sao của các bản sao lại

Tôi nói với Metzger, “Tôi xin trung thực với ông. Khi lần đầu tiên tôi thấy không còn nguyên bản Tân Ước nào sống sót, tôi thực sự hoài nghi. Tôi nghĩ, nếu chúng ta chỉ có các bản sao của các bản sao lại, làm thế nào tôi tin chắc Tân Ước mà chúng ta có ngày nay mang dáng dấp giống như bất cứ điều gì nguyên thủy được viết ra? Ông trả lời ra sao?”

Ông trả lời, “Đây không hẳn là vấn đề độc đáo đối với Kinh Thánh; mà là vấn đề ta có thể nêu ra về các các tài liệu khác được truyền đến ta từ cổ thời. Nhưng điều thuận lợi của Tân Ước, nhất là khi so sánh với các trước tác cổ thời khác, là nó có số lượng các bản sao rất lớn còn sống sót tới ngày nay”.

Tôi hỏi, “Tại sao điều đó lại quan trọng?”

“À, ông càng thường xuyên có các bản sao phù hợp với nhau, nhất là nếu chúng xuất hiện ở các vùng địa lý khác nhau, ông càng đối chiếu chúng với nhau để tìm ra tài liệu nguyên thủy trông ra sao. Cách duy nhất chúng phù hợp với nhau là khi chúng trở lại gia phả mô tả nguồn gốc các bản chép tay”.

Tôi nói, “Vâng, tôi có thể thấy việc có nhiều bản sao phát xuất nhiều khu vực khác nhau là điều có lợi. Nhưng còn về tuổi của các tài liệu thì sao? Chắc chắn điều ấy cũng quan trọng, phải không?”

Ông trả lời, “Hết sức như thế. Và đây là một điều khác có lợi cho Tân Ước. Chúng ta có các bản sao bắt đầu trong khoảng vài thế hệ từ lúc viết các nguyên bản, trong khi trong các bản văn cổ thời khác, có lẽ là 5, 8 hay 10 thế kỷ trôi qua giữa nguyên bản và bản sao sớm nhất còn sống sót.

“Ngoài các bản chép tay tiếng Hy Lạp, chúng ta cũng có các bản dịch các sách Tin Mừng sang các ngôn ngữ khác trong thời gian tương đối sớm sủa, sang tiếng Latinh, Syria, và Ai cập. Và hơn thế nữa, chúng ta còn có điều người ta gọi là bản dịch thứ hai thực hiện sau đó không lâu, như bản tiếng Acmêni và Gôtích. Và một số ngôn ngữ nữa như Giorgia, Êthiôpia...”

“Việc ấy hữu ích ra sao?”

“Vì cho dù ngày nay, ta không có bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp đi nữa, nhờ gom nhặt lại với nhau thông tri từ những bản dịch sớm sủa này, ta vẫn có thể dựng lại nội dung của Tân ước. Thêm vào đó, dù chúng ta mất hết các bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp và cả các bản dịch sớm nhất, ta vẫn có thể tái dựng nội dung Tân Ước từ rất nhiều trích dẫn trong các cuốn chú giải, bài giảng, thư từ, và v.v... của các giáo phụ tiên khởi”.

Dù điều đó gây ấn tượng, nhưng vẫn khó mà phán đoán bằng chứng này cách riêng rẽ. Tôi cần một bối cảnh nào đó để đánh giá tốt hơn tính độc đáo của Tân Ước. Tôi thắc mắc, làm thế nào so sánh nó với các công trình nổi tiếng của cổ thời?

Hàng núi các bản chép tay

Tôi nói, “Khi ông nói tới rất nhiều các bản chép tay, việc ấy tương phản ra sao với những cuốn sách cổ khác vốn được các học giả chấp nhận như là đáng tin? Chẳng hạn, xin ông cho hay việc viết lách của các tác giả cùng thời với Chúa Giêsu”

Như đã dự đoán được câu hỏi, Metzger trích dẫn một số ghi chép tay ông mang theo.

Ông lên tiếng, “ông hãy xem Tacitus, sử gia La Mã, người từng viết cuốn Biên niên sử Đế quốc La Mã vào khoảng năm 116 CN. Sáu cuốn đầu của ông hiện chỉ còn trong một bản chép tay, và đã được sao chép năm 850 CN. Các cuốn 11 tới 16 nằm trong một bản chép tay khác có niên biểu thế kỷ 11. Các cuốn 7 tới 10 bị thất lạc. Thành thử có một khoảng trống lớn giữa lúc Tacitus tìm kiếm tài liệu và viết xuống và các bản sao hiện có.

“Liên quan tới sử gia thế kỷ thứ nhất Josephus, chúng ta có 9 bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp công trình của ông tức cuốn Chiến tranh Do Thái, và những bản này được viết vào thế kỷ thứ 10, thứ 11 và thứ 12. Có một bản dịch tiếng La tinh từ thế kỷ thứ 4 và các tư liệu Nga thời Trung Cổ từ thế kỷ thứ 11 và thứ 12”.

Những con số trên đáng ngạc nhiên. Nhưng các bản chép tay này chỉ có một sợi chỉ rất mỏng nối các công trình cổ kính này với thế giới ngày nay. Tôi hỏi, “so sánh ra, ngày nay có bao nhiêu bản Tân Ước chép tay bằng tiếng Hy Lạp?”

Metzger mở tròn đôi mắt. “Hơn 5 ngàn đã được lên danh mục” ông nói thế một cách phấn khởi, giọng ông lên cao hẳn một bát độ.

Quả là một ngọn núi các bản chép tay so với các tổ kiến Tacitus và Josephus! Tôi hỏi, “Điều ấy có bất thường trong thế giới cổ thời không? Đâu là công trình xếp hạng tiếp theo?”

Ông nói, “Số lượng các tư liệu Tân Ước gần như gây bối rối so với các công trình khác của cổ thời. Sau Tân Ước, số lượng các bản chép tay lớn nhất là cuốn Iliad của Homer, một thứ Kinh thánh của người Hy Lạp cổ thời. Ngày nay, còn non 650 bản chép tay bằng tiếng Hy Lạp. Một số bản chỉ còn vài mảnh. Chúng được truyền lại cho chúng ta từ thế kỷ thứ 2 và thứ 3 CN và sau đó. Khi ông xét Homer soạn cuốn anh hùng ca của ông ta vào khoảng năm 800 TCN, ông sẽ thấy khoảng cách rất dài như thế nào”.

“Rất dài” tôi nói; cả ngàn năm trời! Thật ra, không so sánh nổi: bằng chứng bản chép tay của Tân Ước quả áp đảo khi đặt bên cạnh các trước tác đáng kính của cổ thời, các trước tác mà các học giả hiện nay tuyệt đối coi là chân chính.

Sau khi sự tò mò của tôi về các bản chép tay Tân Ước đã được khêu gợi, tôi hỏi Metzger mô tả một số.

Ông nói, “Những bản chép tay sớm sủa nhất là các mảnh giấy cói (papyrus), vốn là chất liệu để viết được làm từ cây cói mọc ở các đầm lầy Châu thổ Sông Nile bên Ai Cập. Hiện có 99 mảnh giấy cói chứa 1 hoặc nhiều hơn các đoạn hay sách Tân Ước.

“Quan trọng nhất đã ra ánh sáng là Các Bản Giấy Cói Kinh Thánh của Chester Beaty, được khám phá vào khoảng năm 1930. Trong số này, bản giấy cói số 1 chứa nhiều phần của 4 sách Tin Mừng và sách Công vụ, và nó có từ thế kỷ thứ 3. Bản giấy cói thứ 2 chứa phần lớn 8 bức thư của Thánh Phaolô, thêm nhiều phần của thư Do Thái, có từ khoảng năm 200. Bản giấy cói thứ 3 chứa phần lớn sách Khải Huyền, có từ thế kỷ thứ 3.

Một nhóm các bản chép tay trên giấy cói quan trọng khác được nhà yêu sách người Thụy Sĩ, M. Martin Bodmer mua. Sớm nhất trong nhóm này, có từ khoảng năm 200, chứa vào khoảng 2 phần 3 Tin Mừng Gioan. Một bản giấy cói khác, chứa nhiều phần của Tin Mừng Luca và Gioan, có từ thế kỷ thứ 3”.

Đến điểm này, khoảng cách giữa việc soạn thảo các tiểu sử của Chúa Giêsu và các bản chép tay sớm nhất chỉ còn rất nhỏ. Nhưng đâu là bản thảo xưa nhất hiện chúng ta có? Tôi thắc mắc, làm thế nào chúng ta có thể tiến gần, về phương diện thời gian, tới việc soạn thảo nguyên thủy, mà các chuyên gia gọi là “bản thảo chép tay của tác giả”?

Mảnh giấy thay đổi lịch sử

Tôi nói, “Về toàn bộ Tân Ước, đâu là phần sớm nhất chúng ta hiện có ngày nay?”

Metzger không cần đắn đó, trả lời ngay, “Đó có lẽ là mảnh chép Tin Mừng Gioan, chứa các tư liệu của chương 18. Nó có 5 câu, 3 câu ở một mặt, 2 câu ở mặt kia, và nó vào khoảng 2.5 tới 3.5 “inches”.

“Nó được khám phá ra sao?”

“Nó được mua ở Ai Cập khoảng năm 1920, nhưng nằm yên không ai chú ý tới hàng nhiều năm giữa các bản giấy cói tương tự. Rồi năm 1934, C.H. Roberts thuộc Cao Đẳng Sainh John, Oxford, lúc ấy đang sắp xếp các bản giấy cói tại Thư viện John Rylands ở Manchester, Anh. Ông lập tức nhận ra bản này chứa một phần Tin Mừng Gioan. Ông đã có thể định niên biểu cho nó do văn phong của bản chép”.

Tôi hỏi, “Và đâu là kết luận của ông ta? Nó trở về bao xa?”

“Ông ta kết luận nó phát nguyên khoảng giữa năm 100 CN tới năm 150 CN. Phần lớn các nhà nghiên cứu chữ cổ, như Ngài Frederic Kenyon, Ngài Harold Bell, Adolf Deissmann, W.H.P. Hatch, Ulrich Wilcken, và các vị khác, đã nhất trí với sự đánh giá của ông. Deissmann xác tín rằng ít nhất nó cũng đã có từ thời Hoàng Đế Hadrian, tức là từ các năm 117-138, và thậm chí Hoàng Đế Trajan, tức từ các năm 98-117”.

Quả là một khám phá đầy kinh ngạc. Lý do: các nhà thần học ưa hoài nghi người Đức ở thế kỷ vừa qua lập luận một cách hăm hở rằng Tin Mừng thứ tư thậm chí không được soạn thảo cho tới tận năm 160, quá cách xa các biến cố trong đời Chúa Giêsu và do đó không ích lợi bao nhiêu về phương diện lịch sử. Họ từng có khả năng ảnh hưởng hàng thế hệ các học giả vốn chỉ trích tính đáng tin cậy của Tin Mừng này”.

Tôi nhận định, “Điều này chắc chắn bác bỏ hoàn toàn ý kiến đó”.

Ông bảo, “Đúng thế, nó quả bác bỏ. Ở đây, ở một niên biểu rất sớm, chúng ta có một mảnh chép Tin Mừng Gioan ở ngay chính cộng đoàn sống dọc Sông Nile bên Ai Cập, rất xa Ephêsô bên Tiểu Á, nơi có lẽ Tin Mừng này đã được soạn thảo khởi thủy”.

Việc tìm ra này, theo nghĩa đen, đã viết lại quan điểm lịch sử thường có, đẩy việc soạn thảo Tin Mừng Gioan gần ngày Chúa Giêsu đi lại trên mặt đất rất nhiều. Tôi nhủ thầm phải kiểm tra với các nhà khảo cổ về việc liệu có bất cứ khám phá nào khác có thể làm tăng niềm tin của chúng ta vào 4 sách Tin Mừng hay không.

Còn 1 kỳ

 Vietcatholic News