Các nhân vật tại cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kỳ cuối
Vu Van An
Những người theo Chúa Giêsu
Từ lịch sử, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã chết vì Người bị thẩm quyền Do Thái kết án tử hình và giao Người cho người La Mã để hành quyết. Người bị xử tử, vì Người nói rằng Người là Đấng Mêxia, Con Thiên Chúa, là Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho quyền phán xét mọi người. Lời tuyên bố này bị coi là phạm thượng, nên Thượng công nghị Do Thái cho rằng Người phải chết. Thượng công nghị Do Thái tuân theo lời dạy của Môsê một cách nghiêm nghặt. Họ không tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia. Trong suốt dòng lịch sử Israel, các ngôn sứ thường phải chịu những bất công khi thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao phó.
Trên đây, Cha Pelavendran đã nói về một số người chống lại Chúa Giêsu. Họ đã gây ra rất nhiều đau đớn và nhục mạ cho Chúa Giêsu. Giờ đây, cha muốn nhắc đến những người đã yêu mến, tin cậy và đi theo Chúa Giêsu suốt cuộc đời và sự chết của Người.
Đức Trinh Nữ Maria
Mẹ của Chúa Giêsu là người trung thành nhất trong số các môn đệ của Người. Từ biến cố Truyền Tin đến biến cố Đóng Đinh của Con mình, Đức Maria có thể được coi là sự xác minh tối hậu của Thiên Chúa đối với ý chí tự do. Ngài đã vâng lời Thiên Chúa khi Người sai Thiên Thần Gabrien đến với ngài. Ngài còn rất trẻ, nhưng đức tin của ngài vào Thiên Chúa rất mạnh mẽ. Ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa yêu cầu ngài. Ngài và Thánh Giuse là cha mẹ rất yêu thương. Các ngài đã bảo vệ Chúa Giêsu từ khi Người ra đời, và trong suốt những năm Người trưởng thành. Các ngài dạy Người và đưa Người đến đền thờ, nơi Người học luật Do Thái về Thiên Chúa.
Thánh Giuse qua đời trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, nhưng Đức Maria vẫn tiếp tục theo Chúa Giêsu cho đến chết. Đức Maria thực sự là tông đồ đầu tiên của Người. Ngài là người đầu tiên hôn lên mặt Chúa và là người đầu tiên tin Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mình. Ngài là Kitô hữu đầu tiên. Có lẽ ngài cũng là môn đệ duy nhất của Chúa Giêsu không bao giờ lìa bỏ Người hay nghi ngờ Người. Ngài đã ở lại và chấp nhận cho đến cùng, ngay cả khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá. Trải qua các thời đại, Đức Maria khóc than của Thập giá chứng kiến sự tra tấn và cái chết của con trai mình đã liên đới với tất cả các tín hữu cũng đau khổ và sống dưới bóng của Thập giá. Bạn có thể tưởng tượng Đức Maria cảm thấy thế nào khi chứng kiến con mình chết một cách khủng khiếp như vậy không? Ngài bất lực và tất cả những gì ngài có thể làm là đứng nhìn. Ngài ở lại dưới chân Thánh Giá cho đến cùng. Ngài không bao giờ rời đi cả buổi sáng và ở đó vào buổi chiều khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Khi xác Chúa được hạ xuống khỏi Thánh Giá, ngài đã theo Chúa tới mồ. Ngài muốn ở lại với Người càng lâu càng tốt, mặc dù ngài đau lòng khi nhìn thấy Người đau khổ. Đức Maria yêu con trai mình rất nhiều, Ngài không muốn rời xa Người ngay cả sau khi Người đã chết.
Là Kitô hữu, chúng ta biết mình phải chấp nhận rằng đau khổ và cái chết chỉ là một phần của cuộc sống. Không dễ dàng hơn khi chúng ta đang sống qua nó, nhưng chúng ta nên nhìn vào Đức Maria như một tấm gương. Chúng ta có thể bắt chước sức mạnh và sự dũng cảm của ngài vì lợi ích của gia đình và làm bất cứ điều gì chúng ta có thể vì tình yêu thương, điều đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những thời điểm đó. Đức Maria đã thể hiện tình yêu thương, lòng dũng cảm và sức mạnh phi thường.
Thánh Phêrô tông đồ
Thánh Phêrô là một ngư phủ. Ngài và anh trai Anrê, là một trong bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kêu gọi và các ngài bỏ lại mọi thứ phía sau, kể cả thuyền và dụng cụ đánh cá. Phêrô luôn là một nhà lãnh đạo. Ngài muốn bảo vệ Chúa Giêsu và giữ Người an toàn. Khi Chúa Giêsu nói với ngài rằng Người sẽ chịu khổ hình và chịu chết, Phêrô không tin. Khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Diệsimani, Phêrô rút gươm chém đứt tai người lính. Phêrô đã ở với Chúa Giêsu và chứng kiến tất cả các phép lạ, kể cả việc chữa lành mẹ vợ của ngài, và tại nhà của Giaia. Phêrô có mặt trong biến cố biến hình, trong bữa ăn tối cuối cùng và ở Vườn Diệsimani. Trong cuộc khổ nạn, ngài theo Chúa Giêsu trên đường lên đồi Canvê. Chúa Giêsu trao cho ngài chìa khóa để ngài trở thành người đứng đầu Giáo Hội. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên của chúng ta, dù đã chối Chúa ba lần.
Thánh Gioan Tông đồ
Ngay từ đầu thừa tác vụ công khai, Chúa Giêsu đã chọn Gioan và anh ngài làm môn đệ. Hai người là con trai của Zêbêđê một người đánh cá. Chúa Giêsu gọi họ là “Những đứa con của sấm sét”. Đó là một danh hiệu mà Giacôbê và Gioan có được nhờ sự phán đoán nhanh chóng của họ về người khác và sự nhiệt tình háo hức của họ. Các sách Tin Mừng trao cho Gioan một vị trí quan trọng trong số mười hai tông đồ. Ngài là một trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi.
Ngay từ đầu việc kêu gọi, Gioan đã luôn ở với Chúa Giêsu. Ngài là một trong số ít người ở với Chúa Giêsu trong thừa tác vụ công khai. Ngài có lẽ là một trong số ít môn đệ được chứng kiến tất cả các phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện. Trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Gioan đã ở với Người. Ngài thậm chí còn ở dưới chân Thập giá khi Chúa Giêsu chịu khổ hình và chịu chết.
Thánh Gioan cũng là tác giả của Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng của ngài là Tin Mừng duy nhất cho chúng ta biết rằng Thánh Gioan và Đức Maria nằm trong số những người ở dưới chân Thánh giá khi Chúa Giêsu qua đời. Khi Chúa Giêsu hấp hối, Người nhìn xuống họ và phán; “Thưa bà, đây là con bà!” Rồi Người nói với môn đệ, “Đây là mẹ con.” Và từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19:26–27) Khi Chúa Giêsu nói điều này, thực ra Người đang ban Đức Maria cho tất cả chúng ta trong tư cách Mẹ thiêng liêng của chúng ta. Thánh Gioan dưới chân Thánh Giá là một người bạn trung thành. Chung thuỷ và trung thành chính là Tình Yêu.
Viên Bách quản La Mã
Trong Kinh Thánh, chúng ta được thoáng thấy viên bách quản La Mã. Ông là chỉ huy của hơn 100 binh sĩ trong quân đội La Mã. Ông chịu trách nhiệm giám sát việc đóng đinh Chúa Giêsu. Ông có thể chịu trách nhiệm bắt giữ Chúa Giêsu. Và ông sẽ đồng hành với Chúa Giêsu trên đường Gôngôtha. Ông có lẽ đã chủ trì việc đóng đinh hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người đàn ông và có lẽ đã trở nên vô cảm trước nỗi thống khổ mà những người đàn ông này phải chịu đựng.
Viên Bách quản La Mã này được đề cập trong ba trình thuật Tin Mừng. Ông không được nhắc đến vì sự tàn ác của mình, nhưng vì một sự biến đổi kỳ diệu xảy ra khi Chúa Giêsu qua đời. Hầu hết những người đàn ông bị đóng đinh là tội phạm, kẻ trộm và kẻ giết người. Họ kêu gào trong đau đớn và van xin tha mạng. Khi Chúa Giêsu qua đời, ông biết rằng đây không phải là một cuộc hành hình thông thường. Bóng tối, động đất và tiếng kêu bị bỏ rơi của Chúa Giêsu đã thuyết phục những người lính rằng đây KHÔNG phải là một người bình thường. Các sự kiện làm họ khiếp sợ. Viên bách quản La Mã nói rằng người đàn ông này ĐÚNG LÀ CON THIÊN CHÚA.
Tên Trộm Tốt lành
Nhờ Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta biết rằng có hai tên trộm bị đóng đinh với Chúa Giêsu, ở hai bên Người. Một trong những tên trộm nhạo báng Chúa Giêsu rằng: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình và cứu chúng tôi!” Nhưng tên trộm kia nói với anh ta: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:39.43) Tên tội phạm thứ hai này được chúng ta biết đến với cái tên Thánh Dismas, ông là vị thánh bảo trợ của tất cả tội phạm và tù nhân, đặc biệt là những tên trộm.
Maria Mađalêna
Tin Mừng Thánh Luca cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã đuổi bảy con quỷ ra khỏi Maria Mađalêna. Thánh Luca cũng nói với chúng ta rằng bà vừa đổ dầu thơm đắt tiền lên chân Chúa Giêsu vừa khóc. Bà lau khô chân Người bằng mái tóc dài của mình. Maria Mađalêna, Đức Maria mẹ của Chúa Giêsu và một số phụ nữ khác đã đi theo Chúa Giêsu trên đường đến Gôngôtha, và ở lại dưới chân Thập giá, thậm chí đi theo đến nơi chôn cất Người. Bà là một môn đệ trung thành, theo Chúa Giêsu trong hầu hết thừa tác vụ công khai, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người.
Giuse Arimathêa và Nicôđêmô
Giuse Arimathêa được mô tả là một người đàn ông tốt và công chính, rõ ràng ông rất giàu có và là môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi bị đóng đinh, ông đã xin phép Philatô để tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thánh giá. Với sự giúp đỡ của Nicôđêmô, ông bọc thi thể trong vải lanh mịn và đặt trong ngôi mộ chưa có người chôn của chính mình. Cả hai người này đều là thành viên của Thượng công nghị Do Thái, tức hội đồng tối cao của họ. Các ông là những môn đệ bí mật của Chúa Giêsu. Nicôđêmô bí mật đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm để thảo luận về luật Do Thái.
Cả Giuse lẫn Nicôđêmô đều đã làm một sự hy sinh vĩ đại— Giuse từ bỏ ngôi mộ của mình còn Nicôđêmô trả tiền mua hương liệu và dầu thơm đắt tiền cho việc chôn cất. Tin Mừng Gioan (19:39) nói rằng đó là một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương, một số lượng phi thường. Đây là một hành động yêu thương về phía Giuse và Nicôđêmô. Hai viên chức tôn giáo cao cấp, dốc hết sức mình để tôn vinh Chúa của họ.
Đêm tồi tệ nhất trong cuộc đời họ, khi bóng tối dường như bao trùm thế giới, đã trở thành bình minh của một điều gì đó mới mẻ. Những người nam và nữ chứng kiến phiên tòa, việc đóng đinh, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đã nhìn thấy nhiều điều mà không lời nào có thể diễn tả được. Những gì họ đã thấy trong cuộc đời của họ, chúng ta đã thấy trong sách thánh, và kết quả giống nhau một cách đáng kinh ngạc. Chúng ta có thể không nhìn thấy Người về mặt thể chất, nhưng chúng ta nhìn thấy Người trong Đức tin của mình.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét