Trang

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Simone Weil, một suy nghĩ cho ngày hôm nay

  Simone Weil, một suy nghĩ cho ngày hôm nay

Việc làm, linh đạo, dấn thân… Lời huấn dạy của triết gia người Pháp Simone Weil (1909-1943), lời báo trước thời, bây giờ vẫn còn phù hợp.

la-croix.com, Élodie Maurot, 2021-02-21

1 – Việc làm và tự do

Đối với Simone Weil, công việc là một hoạt động không thể thay thế được, vì qua việc làm, con người tiếp xúc với thế giới thực và tham gia vào. Bà tin, qua việc làm, mỗi người đều có thể bước ra khỏi thế giới của những ảo ảnh, và không phải chỉ có các nhà hiền triết, các thánh nhân mới làm được. Vì vậy, việc làm không phải là một hoạt động như các hoạt động khác. Triết gia Robert Chenavier nhấn mạnh: “Dưới mắt Simone Weil, đó là yếu tố cấu trúc của đời sống xã hội, tạo nên mối quan hệ với thế giới thấm đậm qua tất cả các lãnh vực khác của sự sống, kể cả lĩnh vực cao nhất, như văn hóa, nghệ thuật hay tâm linh”.

Vì thế tước việc làm của một người là tấn công nghiêm trọng vào nhân phẩm và vào sự phát triển của người đó. Nhưng triết gia, người rành nhà máy, bà không ngây thơ. Nếu công việc là cần thiết, thì công việc vẫn phải là công việc thực sự, có liên kết tích cực với “nhu cầu của tâm hồn”: tự do, bình đẳng hay trách nhiệm.

Và theo bà, chúng ta không thể tìm thấy loại công việc này theo kiểu làm việc dây chuyền của nhà máy. Simone Weil tố cáo chủ nghĩa Taylor, cách tổ chức làm việc này phân chia nhiệm vụ, thời gian, khi cá nhân bị cắt đứt khỏi bản thân, không nhận thức được gì, không suy nghĩ gì… Trong bài viết Trải nghiệm cuộc sống nhà máy (Expérience de la vie d’usine, 1941), bà viết: “Cá nhân tùy thuộc vào nhà máy, đôi khi đến một giới hạn cùng cực, những gì mình có tốt nhất, khả năng suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc; nhà máy nuốt họ, vì họ cạn sức khi ra về; vậy mà họ không cống hiến bản thân mình trong công việc, không suy nghĩ, không cảm xúc, ngay cả, nếu không muốn nói là ở một mức độ rất nhỏ, tự quyết định chấm dứt công việc. Chính cuộc sống của họ tách ra khỏi họ mà không để lại một dấu ấn nào xung quanh họ.”

Vì thế, theo bà, thách thức là giải phóng khỏi công việc. Để làm điều này, bà không ngừng đặt vấn đề về mục đích của nó. Bà tưởng tượng các công ty với tầm vóc con người, được kết nối trong một mạng lưới, thay thế các cấu trúc lớn mà trong đó con người không có chỗ đứng. Bà biện hộ để công nhân được đào tạo, để họ tham gia vào công việc của họ, chứ không phải chịu sức nặng của một hệ thống cấp bậc. Triết gia Robert Chenavier nói: “Bà làm biến đổi mô hình công ty đến mức chúng ta có thể nói đây là chủ nghĩa cải cách mang tính cách mạng.”

Simone Weil không tưởng tượng một giải phóng khỏi công việc. Vì luôn có mối đe dọa, thời gian được giải phóng lại được dùng cho những sở thích vô bổ, những đam mê tồi tệ và cuối cùng là làm chiến tranh. Ông Chenavier nói tiếp: “Có lẽ Simone Weil là nhà triết học vĩ đại cuối cùng theo nghĩa bà vẫn cố gắng dung hòa giữa công việc và tự do. Bà tin rằng có thể đạt được lao động tự do trong phạm vi lao động cần thiết.”

Trên điểm này, suy nghĩ của bà không phù hợp với các triết lý đương đại về công việc, vốn tìm kiếm sự giải phóng khỏi công việc, bằng cách giảm thời gian làm việc hoặc tạo ra thu nhập phổ thông có thể tách thù lao và thời gian làm việc. Robert Chenavier tóm tắt: “Đối với Simone Weil, phải giải phóng công việc hơn là mơ được giải phóng khỏi công việc.”

2 – Đối diện với sự bất công của thế giới

Trong sự sôi sục của cách mạng giữa hai thế chiến, Simone Weil vẫn giữ cái đầu lạnh. Không giống như các triết gia và các nhà hoạt động khác, bà ý thức được những khó khăn của sự thay đổi chính trị và xã hội. Cách mạng ư? Bà hầu như không tin vào điều đó, bởi vì theo bà, những kẻ thống trị già nua luôn tái tạo những quá độ của những kẻ thống trị mà họ thay thế. Triết gia Olivier Mongin, cựu giám đốc tạp chí Tinh thần (Esprit) nhận xét: “Simone Weil cực kỳ sáng suốt về những ràng buộc do tập thể tạo ra và các thái quá của vũ lực: bà giải thoát chúng ta khỏi mọi ảo tưởng trong các cam kết tập thể. Câu hỏi lớn của bà, đó là phải hành động như thế nào, làm sao để kẻ yếu bớt yếu đuối hơn, không nhượng bộ mình trước vũ lực…”

“Để mô tả ngắn gọn một trạng thái của các sự việc, sẽ tốt hơn cho trạng thái của nó, đó là luôn xây dựng điều không tưởng. Tuy nhiên, không có gì cần thiết cho cuộc sống hơn là những mô tả tương tự.” / Isabel Espano

 

Sự sáng suốt này không ngăn sự dấn thân, nhưng là một cảnh giác nhanh nhẹn cao độ. Triết gia Olivier Mongin tiếp tục: “Theo bà, dấn thân là tìm lại kinh nghiệm thiêng liêng của dấn thân. Những người chống lại uy lực thì quay trở lại với uy lực. Điều này kể cả chấp nhận sự yếu đuối, tôn trọng nỗi bất hạnh của người đau khổ.”

Để thay đổi tình trạng bất công của thế giới, Simone Weil không tin vào hành động cứu rỗi của dân chúng cũng như của giai cấp vô sản. Triết gia Olivier Mongin giải thích: “Bà cũng không đánh giá quá cao chế độ dân chủ so với các chế độ khác, vì từ rất sớm, suy nghĩ của bà khởi đi từ chế độ thực dân của Pháp ở Algeria. Theo bà, nền dân chủ thuộc địa dự phần vào việc tiêu diệt chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa toàn trị.” Bà tin nhiều hơn nữa vào sự cần thiết của một sự chuyển đổi sâu đậm của văn hóa. Không thể có sự thay đổi nếu không có một hệ thống phân cấp giá trị mới, trong đó đam mê vũ lực là nô dịch cho “kẻ mạnh cũng như cho kẻ yếu” và thậm chí nô dịch cho kẻ mạnh nhiều hơn cho kẻ yếu, bà viết trong Suy nghĩ về các nguyên nhân của tự do và áp bức xã hội (Réflexions sur les causes de la liberté et de l’oppression sociale).

Vì thế, theo bà, cuộc chiến được tiến hành nơi mỗi cá nhân. Bà viết: “Các nguyên nhân của tiến hóa xã hội không còn tìm đâu khác ngoài những nỗ lực hàng ngày của những người được cho là cá nhân”, bà thấy “nơi thiện chí được khai sáng của những người hành động với tư cách cá nhân (…) là nguyên tắc khả dĩ duy nhất của tiến bộ xã hội.”

Chống lại sự cam chịu khi đối diện với bất công, chống lại sự khô cạn của trí tưởng tượng chính trị, Simone Weil làm sống lại khái niệm về lý tưởng. Bà viết: “Phải xác định điều tệ nhất và điều tốt nhất, nếu không chúng ta không biết điều nào ít xấu hơn.” “Để mô tả ngắn gọn một trạng thái của các sự việc, sẽ tốt hơn cho trạng thái của nó, đó là luôn xây dựng điều không tưởng. Tuy nhiên, không có gì cần thiết cho cuộc sống hơn là những mô tả tương tự.”

3 – Bám rễ để chống lại sự xáo trộn

Đối với Simone Weil, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và xã hội hiện đại dẫn con người sống ngoài-mặt đất, bị bứng khỏi gốc rễ của mình. Bà dùng thuật ngữ “bứng gốc rễ” để nói lên tình trạng bị vứt vào một thế giới không trật tự, không có cái gì liên quan đến cái tốt và sự thật, cắt đứt với quá khứ và văn hóa của mình. Trong tác phẩm “Bám rễ”, bà lấy làm tiếc về điều này, bà viết: “Chúng ta sống trong một thế giới mà không có gì tương xứng với tầm mức con người.” “Mọi thứ đều mất cân bằng.” Bà đề nghị “bám rễ” là phương thuốc. “Có lẽ đó là nhu cầu quan trọng nhất và ít được biết đến nhất của tâm hồn con người.” Bà mô tả: “Người có cội rễ là người có tham dự đích thực, tích cực và tự nhiên vào sự tồn tại của một cộng đồng, nơi lưu trữ một vài kho tàng nào đó của quá khứ và một vài linh cảm cho tương lai”.

“Người có cội rễ là người có tham dự đích thực, tích cực và tự nhiên vào sự tồn tại của một cộng đồng, nơi lưu trữ một vài kho tàng nào đó của quá khứ và một vài linh cảm cho tương lai”.

Khái niệm này có thể là chủ đề của những biến dạng và lèo lái. Một số người đã tìm cách lôi kéo nó về một căn tính và xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Triết gia Robert Chenavier chỉnh lại: “Đây hoàn toàn là một quan niệm sai lầm. Với Simone Weil, rễ không bao giờ là một bản sắc, bởi vì nó không bao giờ là duy nhất. Chúng ta luôn có những cội rễ khác nhau, gắn liền với những môi trường khác nhau của đời sống: gia đình, làng xóm, khu phố, quốc gia, công việc, văn hóa, tâm linh…” Simone Weil chính xác nói, chúng ta không được “giam giữ” cội rễ. Bà nói: “Ngược lại, chưa bao giờ thông thoáng lại thiết yếu như bây giờ. Cội rễ và sự nhân lên các mối liên hệ là bổ sung cho nhau.”

Bám rễ có được là qua sự công nhận các “nhu cầu của tâm hồn”, Simone Weil cho rằng, nó cũng quan trọng như “nhu cầu cơ thể”, nhưng “khó nhận biết và khó liệt kê hơn so với nhu cầu của cơ thể”. Trong phần đầu tiên của quyển Bám rễ, bà cố gắng xác định chúng: nhu cầu về thứ trật, tự do, trách nhiệm, bình đẳng, thứ bậc, danh dự, trừng phạt, tự do quan điểm, an toàn và rủi ro, tài sản tư nhân và tài sản tập thể, sự thật.

Sẽ là lỗi thời nếu cho Simone Weil là triết gia về sinh thái, nhưng không thể phủ nhận suy nghĩ của bà về bám rễ có liên hệ đến các quan tâm hiện nay về sinh thái chính trị. Triết gia Olivier Mongin nói: “Chống lại sự bứng gốc rễ, đó là cùng với Simone Weil tái tạo một cách tập thể các khoảng không gian-thời gian, môi trường, quy mô con người, sự cân bằng. Đó không phải là vấn đề sinh thái khoa học, mà là sinh thái cảnh quan, chúng ta có thể nói…”

Bà Christiane Rancé, tác giả quyển sách Simone Weil, lòng can đảm của điều không thể (Simone Weul, le courage de l’impossible, nxb. Seuil) phân tích: “Để chống lại việc bứng gốc rễ, triết gia đề nghị mọi người hãy giành lại quyền kiểm soát những gì họ làm và thời gian họ dành cho nó, hay nói cách khác là từ chối việc làm dây chuyền theo nghĩa rộng, việc di dời như chúng ta đang chứng kiến hiện nay, ở Trung Quốc hay ở những nơi khác. Vì vậy, bà xem trọng công việc thủ công, nghề thủ công, những công việc duy trì mối liên kết và tinh thần bằng hữu giữa người lao động, điều cần thiết cho bất kỳ một xã hội hài hòa nào.”

Sự bám rễ này kéo dài trong sự quan tâm đến tạo dựng. Tác giả Christiane Rancé nói tiếp: “theo Simone Weil, việc chiêm ngắm thiên nhiên là phương cách để tìm lại tầm mức con người và tinh túy của nét đẹp. Nó dẫn dắt con người làm mới lại giao ước ban đầu mà Chúa đã tạo ra cho con người với vũ trụ”.

4 – Một nhu cầu siêu việt

Tại London, cùng với phong trào Nước Pháp Tự do, Simone Weil suy nghĩ để chuẩn bị cho một dự thảo luật về quyền cho nước Pháp thời hậu chiến. Bà tìm cách hiểu những gì đã sai trong các nền dân chủ để chủ nghĩa toàn trị nổi lên.

Chính trong bối cảnh này, bà chất vấn và chỉ trích một chủ nghĩa thế tục đã phá vỡ các nguồn gốc tôn giáo. Bà viết trong quyển Bám rễ: “Hiện nay, thói sùng bái thần tượng của chủ nghĩa toàn trị chỉ có thể bị trở ngại trong một đời sống thiêng liêng đích thực. Nếu chúng ta quen hướng dẫn trẻ em không nghĩ đến Chúa, thì chúng sẽ thành người phát xít hoặc cộng sản vì chúng cần phải hiến thân cho một cái gì đó.”  Để tránh sự sai lệch này, bà đề nghị mở rộng việc giảng dạy các minh triết tôn giáo. Bà dứt khoát: “Một nền giáo dục không bao giờ đặt vấn đề tôn giáo là một nền giáo dục phi lý.”

Hiện nay, thói sùng bái thần tượng của chủ nghĩa toàn trị chỉ có thể bị trở ngại trong một đời sống thiêng liêng đích thực. / Isabel Espanol

Tầm nhìn của bà về chủ nghĩa thế tục là một chủ nghĩa thế tục cởi mở, không phải là thế phẩm tôn giáo ngăn cản sự thể hiện công khai của các tôn giáo và tâm linh. Bà Christiane Rancé nhấn mạnh: “Đối với Simone Weil, không thể có sự tách biệt giữa hoạt động cá nhân và tâm linh, vốn phải thấm nhuần trong mọi hành động của cá nhân và mọi lĩnh vực của xã hội.”

Diễn ngôn chính trị của bà mời chúng ta xem “các nhu cầu của tâm hồn”, từ vựng không bình thường trong triết học chính trị. Nhưng theo triết gia Marcel Gauchet, người xuất bản toàn bộ tác phẩm của Simone Weil cho nhà xuất bản Gallimard phân tích thì “suy nghĩ của bà hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với những độc giả không tin. Simone Weil tạo một suy tư chính trị không độc lập với quan điểm tôn giáo, nhưng rất tự lập. Ý tưởng về chủ nghĩa thế tục không loại trừ gì ý tưởng tâm linh và theo bà, thiêng liêng hoàn toàn xa lạ với bất kỳ ý tưởng nào về một thể chế tu hành.”

Simone Weil bác bỏ ý tưởng về một quyền lực trần thế giao vào tay các giáo sĩ (hoặc những người chung quanh giáo sĩ) một tinh thần thế tục sai lầm mà cuối cùng buộc người tín hữu kitô phải “phi tôn giáo trong tất cả các phần thế tục của chính cuộc sống của họ”. Bà nói trong quyển Bám rễ: “Trong cả hai trường hợp, chức năng riêng của tôn giáo bị loại bỏ, đó là thấm đậm ánh sáng trong mọi đời sống thế tục, riêng cũng như công, mà không bao giờ thống trị nó theo bất cứ một cách nào”.

Điều quan trọng là con người không bị tách rời khỏi hơi thở siêu việt hàng ngày. Bà viết trong bài Các hình thức của tình yêu ẩn giấu của Chúa (Formes de l’amour implicite de Dieu): “Chúa Kitô sẽ không vắng mặt nơi chúng ta làm việc, nơi chúng ta học.” Nhưng bà cũng không đề cao một sự hiện diện phô trương. Bà viết tiếp: “Tôn giáo không gì khác hơn là một ánh nhìn. Khi tôn giáo cho mình là một cái gì khác, thì điều không tránh khỏi là tôn giáo sẽ bị khép mình bên trong các nhà thờ hoặc làm nghẹt thở mọi thứ ở bất kỳ nơi nào có tôn giáo.”

5 – Tin nhưng không có Giáo hội

Sau cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Simone Weil muốn rửa tội. Bà bày tỏ ước muốn, do dự, nhưng cuối cùng đã không vượt qua ngưỡng cửa của Giáo hội công giáo, khi cái chết làm gián đoạn sự phân định của bà năm 1943. Vấn đề rửa tội luôn ở trong lòng bà, dày vò bà, các trao đổi của bà với các linh mục Dòng Đa Minh Joseph -Marie Perrin và Marie- Alain Couturier cho thấy, bà đặt câu hỏi về tính chính thống của các quan điểm của bà, sự cự lại của bà… Thần học gia Michel Fédou nhấn mạnh: “Bà diễn tả rất nhiều các khó khăn của mình với Giáo hội, nhưng bà cũng tiếp xúc và thảo luận với các tu sĩ, bà rất thích tham dự thánh lễ… Nhưng mối quan hệ của bà với Giáo hội phức tạp hơn là những gì bà chỉ trích Giáo hội”.

Các giáo điều của đức tin là những điều cần được nhìn với một khoảng cách nào đó, với chú tâm và tình yêu. Giáo hội có thể đòi hỏi chúng ta quan tâm đến, nhưng không yêu cầu chúng ta gia nhập / Isabel Espanol

Những lời chỉ trích của bà với Giáo hội công giáo quả thực rất sâu sắc. Bà cho rằng Giáo hội đã quá đè nặng về lương tâm, hạn chế trí thông minh, thiết lập một hình thức thống trị tâm trí mà thậm chí bà xem đó là độc tài. Bà tuyên bố: “Trí thông minh phải được thực hiện với sự tự do hoàn toàn, hoặc im lặng”, bà đã là người có lòng tin nhưng vẫn là một triết gia. Bà bác bỏ ý kiến cho rằng những giáo điều có thể áp đặt lên trí thông minh.

Trong Thư gởi cho một tu sĩ (Lettre à un religieux), bà viết: “Các giáo điều của đức tin không phải là điều cần được khẳng định. Đây là những điều cần phải được nhìn với một khoảng cách nào đó, với sự chú tâm, tôn trọng và yêu thương. Giáo hội có thể đòi hỏi chúng ta quan tâm đến, nhưng không yêu cầu chúng ta gia nhập.” Sự chỉ trích này đối với Giáo hội bắt nguồn từ sự không tin tưởng vào tất cả các tập thể đã thành lập, đương nhiên là dễ bị lạm dụng quyền lực. Bà viết: “Điều làm tôi sợ hãi là Giáo hội như một thứ xã hội.”

Simone Weil phân biệt hai hình thức Giáo hội mà bà xem hai hình thức này cùng tồn tại. Một, kế thừa từ đế chế la-mã, bị ô nhiễm bởi tinh thần thống trị của đế quốc. Đó là Giáo hội của  các cuộc thập tự chinh và tòa án dị giáo, của vạ tuyệt thông. Bà viết: “Khi tôi đọc giáo lý của Công đồng Trent, dường như tôi không có điểm chung nào với tôn giáo được nói ở đây.” Thứ hai, là Giáo hội của các nhà thần bí, mà bà cảm thấy mình thuộc về. “Khi tôi đọc Tân Ước, các thần bí, phụng vụ, khi tôi nhìn thánh lễ được dâng, tôi cảm nhận với một xác quyết, rằng đức tin này là của tôi.”

Sự cự lại không vào Giáo hội của bà cũng có một khía cạnh tích cực. Nó diễn tả một tương quan ngưỡng phục với thế giới và với tạo vật mà bà muốn có thể dự phần, không loại trừ. Bà viết: “Bao nhiêu thứ còn ở ngoài đạo công giáo, bao nhiêu thứ tôi yêu thích và không muốn từ bỏ, rất nhiều thứ mà Chúa yêu thương vì nếu không, thì chúng không tồn tại.” Không vào Giáo hội cũng không phải là tách khỏi những người có tín ngưỡng, những người có tín ngưỡng nhưng không tốt.

“Các truyền thống tôn giáo đích thực khác nhau là những phản ánh khác nhau của cùng một sự thật; và có lẽ cũng quý như nhau.”

6 – Tính phổ quát và đa dạng của các tôn giáo

Nhận đức tin công giáo là của mình, Simone Weil không thu mình, ngược lại là đàng khác. Bà vẫn giữ lòng ngưỡng mộ của mình với triết học Hy Lạp – thần học gia Michel Fédou nhấn mạnh: “Bà choáng người khi thấy nơi các triết gia cổ đại Aeschylus hay Plato có cùng thứ trật với chân lý của Tin Mừng” và bà tiếp tục hăng hái theo đuổi nghiên cứu của mình về các minh triết khác nhau và các linh đạo của thế giới. Tính hiếu kỳ của bà là vô hạn. Bên cạnh các văn bản Hy Lạp, bà quan tâm đến Đạo Lão, Phật giáo, các vị thần Ai Cập, văn bản Cathar, Bhagavad-Gita, văn hóa dân gian truyền thống và các chuyện cổ tích. Trong Thư gửi một tu sĩ,  bà cố gắng tìm sự đồng nhất với thần học kitô giáo, đôi khi một cách vụng về nhưng luôn gợi mở.

“Các truyền thống tôn giáo đích thực khác nhau là những phản ánh khác nhau của cùng một sự thật; và có lẽ cũng quý như nhau.” / Isabel Espanol

Tầm nhìn của bà về tính phổ quát kitô giáo bắt nguồn từ việc suy gẫm Tin Mừng Thánh Gioan. “ ‘Ngôi Lời là ánh sáng chiếu soi cho mọi người’. Ai có thể mong một câu nào chính thức hơn?”, đó là ghi chú trong sổ tay của bà khi bà ở New York năm 1941. Triết gia Michel Fédou xác nhận: “Chính nhờ sự thật được lan truyền khắp thế giới mà bà giải quyết được câu hỏi về sự đa dạng của các tôn giáo. Bà không ở trong thái độ đồng bộ hoặc tương đối hóa, vì bà ý thức được điều gì là duy nhất trong kitô giáo: theo bà, đó là sự thật làm cho nó có thể trật tự, gần như hài hòa, sự đa dạng tôn giáo này, và đó là sự thật được chứng nhận, được xác định bởi tình yêu và sự khiêm nhường của Đấng Kitô trên thập giá.”

Tinh thần cởi mở của bà thật ấn tượng, vào thời điểm mà Giáo hội công giáo vẫn chưa chính thức công nhận quyền tự do tôn giáo. Bà viết trong Thư gởi cho một tu sĩ: “Người tín hữu kitô được giáo dục tốt nhất vẫn có thể học được nhiều điều thiêng liêng từ các truyền thống tôn giáo khác, ánh sáng nội tâm có thể làm cho họ thấy mọi thứ qua chính bản thân mình.”

Trong văn bản này, bà so sánh các tôn giáo khác nhau như các căn phòng của một ngôi nhà được thấm trong ánh sáng thần thánh. Bị ngăn cách nhau bởi những bức tường, các tôn giáo bị chặn để không nhận thức được ánh sáng dồi dào của Chúa chiếu rọi nơi những người lân cận… bà lấy làm tiếc: “Các truyền thống tôn giáo đích thực khác nhau là những phản ánh khác nhau của cùng một sự thật; và có lẽ cũng quý như nhau. Nhưng chúng ta không thấy vì mỗi người chúng ta chỉ sống một trong những truyền thống này và nhìn những truyền thống khác từ bên ngoài.”

Vẫn còn một vấn đề tế nhị về đạo do thái, là đạo của gia đình bà. Simone Weil rất phê phán đạo do thái, đến mức bà đã bị buộc tội chống do thái giáo và thậm chí còn nuôi dưỡng một hình thức bài do thái. Nhưng các bài viết của bà cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết của bà về truyền thống do thái, mà bà hầu như không biết gì. Trong suy nghĩ của bà, do thái giáo bị thu gọn lại trong một vài điểm: qua đó, bà bác bỏ bạo lực tôn giáo, ý tưởng về một chọn lựa của Chúa bị cho là một đặc ân không thể chấp nhận được, và hình thức của một chủ nghĩa dân tộc bị pha tạp. Do thái giáo được xây dựng như một công cụ có lực đẩy mãnh liệt từ bên trong, một tôn giáo khó “thuần hóa” – Đế chế la-mã có cùng số phận như vậy trong công việc của mình – nhưng định kiến này không bào chữa cho bạo lực của sự khó hiểu của nó.

Marta An Nguyễn dịch


https://phanxico.vn/2021/04/09/simone-weil-mot-suy-nghi-cho-ngay-hom-nay/

Bài đọc thêm: Simone Weil: người canh gác trong thời kỳ đen tối

Chiara Lubich và Simone Weil: “Hai phụ nữ đánh dấu thế kỷ XX”


Suy niệm Kinh Lạy Cha với triết gia Simone Weil


Triết gia Simone Weil trong bảy câu trích




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét