Vì sao tôi đưa các con tuổi vị thành niên của tôi đi lễ dù chúng cự lại
Hình minh họa
americamagazine.org, Sherry Antonetti, 2023-04-20
Mỗi năm đều có một ai đó viết về những em bé chập chững biết đi, những em bé sơ sinh trong thánh lễ, họ xin cộng đoàn hiểu, cha mẹ các em đã làm mọi cách có thể; các cha mẹ này chỉ đơn giản muốn có mặt trong thánh lễ. Tôi biết cuộc đấu tranh này vì tôi đã sống kinh nghiệm này. Tôi đã thấy những ánh nhìn chằm chằm và những lời ngầm trách. Bây giờ các con tôi đã ở tuổi vị thành niên.
Và bây giờ tôi đã là bà mẹ lớn tuổi, các con tôi đang đấu tranh với đức tin mà tôi hy vọng chúng sẽ xem đó là đức tin của chúng ngay từ bước đầu. Chúng vẫn còn đi lễ. Đúng, một đứa có mái tóc che kín mắt và mặc chiếc quần jean rách, nó ngồi yên lặng cả buổi. Đúng, một đứa khác mặc quần đùi (dù mùa đông) và áo có mũ trùm đầu. Còn cô con gái thì lôi điện thoại ra, dù tôi đã xin cháu cất điện thoại. Và khi cha giảng thì chúng thay phiên nhau đi vệ sinh.
Tôi chỉ mong các con tôi có mặt đầy đủ ở đây. Sẽ lý tưởng nếu tôi thuyết phục được chúng ăn mặc đàng hoàng. Nhưng lúc này tôi rất vui vì chúng đi lễ. Nhớ lại câu chuyện hai người con trong Phúc âm làm tôi được an ủi, một người nói “có” nhưng không làm, người kia nói “không” nhưng cuối cùng lại làm. Ai đã làm theo ý của người cha? Người đã làm những gì người cha xin. Tôi đã xin các con tôi đi lễ và chúng đã đi. Và như thế là đủ với tôi.
Cứ đi lễ như thế này, tôi hy vọng với thời gian, các con tôi sẽ tìm thấy một điều gì đó nói với chúng. Rằng đời sống của chúng có thể làm cho chúng nhận ra, chúng có thể hy vọng nhiều hơn và khám phá chính nơi đây đã và luôn là niềm hy vọng của chúng. Đó sẽ là niềm vui lớn cho cá nhân tôi, nhưng không hẳn chỉ là niềm vui đơn thuần của tôi. Tôi chỉ muốn chúng biết, Chúa tồn tại, Chúa yêu thương và Chúa nghe tiếng kêu khóc của trái tim chúng. Tôi mong chúng biết, nơi này, nhà thờ này, thánh lễ này, từng mỗi thánh lễ là lời mời gọi cho riêng chúng. Tôi mong các con tôi biết chúng thuộc về một nơi chốn dù chúng ăn mặc như thế nào khi đến đây.
Chúng có thể tự hỏi: “Ồ, nếu Chúa nghe tiếng kêu của mẹ để chúng con quay về với Chúa, vì sao chúng con không quay về? Chúng con biết mẹ có đức tin.” Tôi có thể nói, đây là món quà của một ý chí tự do, một khoan dung quảng đại của một Thiên Chúa yêu thương. Dù bất cứ lúc nào trong đời sống, Ngài sẽ không bao giờ khăng khăng giữ ý của Ngài trên ý của chúng ta. Các con tôi luôn được tự do lựa chọn đức tin của chúng. Đôi khi tôi cũng rất muốn Chúa khăng khăng giữ ý của Chúa. Tuy nhiên, tôi tin tưởng và biết Chúa muốn chúng yên nghỉ trong trái tim Ngài với sự đồng ý của chúng, còn hơn là tôi muốn. Và tôi biết Chúa không ngại chinh phục chúng trong suốt cuộc đời của chúng với các ơn Ngài có trong tay. Vì vậy, tôi hân hoan chờ ngày Phục sinh, ngày Giáng sinh sẽ đến trong đời sống đức tin của các con tôi, khi tất cả niềm vui mà Thiên Chúa ban tặng đổ tràn vào trái tim chúng, khi chúng ưng thuận. Đó là hy vọng của tôi, lời cầu nguyện của tôi, tiếng khóc của trái tim tôi. Và tôi biết Chúa nghe thấu tâm tình của tôi.
Là cha mẹ của những đứa con đã lớn và chống lại đức tin công giáo, tôi phải hy vọng một ngày nào đó, các con tôi sẽ tôn kính và đào sâu đức tin của chúng. Tôi hy vọng các bạn công giáo ngồi ở hàng ghế nhà thờ của tôi sẽ cho các con tôi thấy, theo nghĩa rộng Giáo hội cũng muốn chúng ở đây. Với chúng, con đường sẽ khó khăn hơn nếu qua thánh lễ chúng thấy cái nhìn khó chịu: “Các con không thuộc về nơi này.”
Nếu đức tin phải hoàn hảo mới là tấm vé để đi lễ, thì không ai trong chúng ta có thể đi được.
Nếu đức tin phải hoàn hảo mới là tấm vé để đi lễ, thì không ai trong chúng ta có thể đi được. Không ai trong chúng ta trưởng thành trong đức tin ở tuổi 15 hay 21, thậm chí đôi khi ở tuổi trưởng thành hiện tại của chúng ta. Ở một thời điểm nào đó, chúng ta – tất cả chúng ta – đều tức tối, đều lang thang. Tất cả chúng ta đều có lúc tự hỏi, liệu tất cả những gì chúng ta học được là một phần của chúng ta hay tách biệt khỏi chúng ta, điều mà chúng ta chỉ nghĩ khi lớn lên.
Khi chúng ta nhìn một cha mẹ đưa các con đã lớn đi lễ, có một cái gì đó trong cách ngồi, cách ăn mặc của chúng làm chúng ta khinh khi, thì thay vì phán xét, chúng ta nên xin Thánh Mônica cầu bàu cho gia đình họ. Trong khi mong chờ các em đàng hoàng, chúng ta nên mỉm cười khi thấy một trẻ vị thành niên hoặc một học sinh ngồi trên băng ghế, dù các em trông như thế nào, nhưng đừng trở nên lý do để các em không đến nhà thờ.
Tất cả chúng ta đều muốn sống làm chứng nhân, để bất chấp thử thách, chúng ta vẫn ở lại với Giáo hội. Chúng ta muốn là chứng nhân thể hiện tình yêu của chúng ta – với Chúa Kitô, với con cái của chúng ta, với những người ngồi trong nhà thờ và tất cả những ai vắng mặt – chúng ta là người tín hữu kitô. Trong một thế giới mà mọi người tự do làm bất cứ điều gì vì bất kỳ lý do gì, chúng ta cần cho các em tuổi vị thành niên, các người trẻ và cho mọi người biết, lý do vì sao chúng ta theo Chúa Kitô, trong khi hàng triệu người lựa chọn một con đường dễ dàng hơn. Chúng ta cần ở nơi hàng ghế, mà không có gì quan trọng hơn là được quỳ trước Thánh Thể, và theo cách đó, có thể nói lên với thế giới, rằng tất cả niềm vui, tất cả bình an, tất cả hy vọng có thể được tìm thấy ở đây.
Làm thế nào để chúng ta làm được điều này trong một thế giới mệt mỏi và mất tập trung? Ở một thế giới luôn nghĩ rằng có thể tìm thấy các câu trả lời trên màn hình nhỏ, và điều tốt nhất để chúng ta hy vọng là giải trí. Bằng cách tỏa ra một cái gì đó sống động qua lời nói, việc làm, hành động của chúng ta và quan trọng nhất là sự hiện diện của chúng ta. Bằng cách là những người nhiệt thành với Chúa Kitô và yêu thật tình những người mình yêu. Điều này sẽ đòi hỏi sự dấn thân liên tục của chúng ta. Ánh sáng thu hút. Niềm vui mời gọi. Tình yêu nói lên. Chúng ta phải mang cả ba lễ vật đến bàn thờ. Chúa Kitô sẽ tăng thêm gấp bội và chúng ta sẽ có một Giáo hội đầy ắp thanh thiếu niên và trẻ chập chững biết đi, và chúng ta sẽ vui mừng vì lúc đó Giáo hội sẽ tràn ngập mọi người.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
https://phanxico.vn/2023/04/29/vi-sao-toi-dua-cac-con-tuoi-vi-thanh-nien-cua-toi-di-le-du-chung-cu-lai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét