Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã dạy tôi điều gì về những lời cuối cùng của Chúa Kitô
Vu Van An
Tod Worner của tạp chí mạng Aleteia cho rằng trong khi nói tới những lời cuối cùng của Chúa Kitô trên thập giá, Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã xuất sắc trích dẫn Thánh vịnh 22: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Ngài lìa bỏ con?” (Mt 27:46).
Đó là một tiếng kêu thảm thiết. Các chữ này được phát ra giữa những tiếng thở hổn hển của một Thiên Chúa làm người bị bầm dập và chảy máu do bị đóng đinh trên cây của lý hình. Những người khóc lóc hay chế nhạo Người đều đã bị nhầm lẫn. Cho dù đó là tiếng Do Thái hay tiếng Aram, câu Eloi, Eloi, lama sabachthani? đã bị một số người hiểu sai là Chúa Kitô kêu gọi tiên tri Êlia. Với niềm hân hoan đen tối, như thể đánh cuộc trong một trò chơi lễ hội, một số người nhận xét: “Khoan đã, để xem Êlia có đến cứu ông ấy không”. (Mt 27:49) Nhưng sau đó, có những người khác hiện diện hiểu được bản dịch của lời Người. Đó là những lời mà Vua Đavít đã viết trong Thánh vịnh 22. Họ biết những lời này từ khi lớn lên trong hội đường. Nhưng vào lúc này, họ không hiểu những gì chúng biểu thị.
Trong nhiều năm, tác giả đã nghĩ những lời này tượng trưng cho những vực sâu tăm tối nhất mà Đấng Kitô đã đụng tới trước khi chết. Đó là một khoảnh khắc của Thiên Chúa tuyệt vọng về Thiên Chúa. Đó là Đấng Trung tín tiến đến điểm tuyệt vọng của sự bất tín. Có lẽ địa ngục trần gian từng tàn phá Chúa Giêsu đã dẫn nỗi đau đớn nhân bản trong Chúa Giêsu đến chỗ nhất thời làm lu mờ Đấng Thiên Chúa vĩnh cửu. Ngay cả người anh hùng của tôi, G.K. Chesterton, cũng có thể đã không hoàn toàn hiểu chuyện gì đang xảy ra khi ông viết,
“Quả thực, về vấn đề này, tôi tiếp cận một vấn đề đen tối và khủng khiếp hơn là dễ để thảo luận; và tôi xin lỗi trước nếu bất cứ cụm từ nào của tôi sai hoặc có vẻ bất kính liên quan đến vấn đề mà các vị thánh và nhà tư tưởng vĩ đại nhất đã sợ phải tiếp cận. Nhưng trong câu chuyện tuyệt vời về Cuộc khổ nạn đó, có một gợi ý cảm xúc rõ ràng rằng tác giả của mọi sự (theo một cách không thể tưởng tượng được) không chỉ trải qua sự đau đớn mà còn qua sự nghi ngờ… Khi thế giới rung chuyển và mặt trời biến mất khỏi thiên đường, không phải vào lúc đóng đinh, mà vào lúc có tiếng kêu từ thập giá: tiếng kêu thú nhận rằng Thiên Chúa đã bị Thiên Chúa từ bỏ. Và bây giờ hãy để các nhà cách mạng chọn một tín ngưỡng từ tất cả các tín ngưỡng và một vị thần từ tất cả các vị thần trên thế giới, cân nhắc cẩn thận tất cả các vị thần của sự tái diễn không thể tránh khỏi và quyền năng không thể thay đổi. Họ sẽ không tìm thấy một vị thần nào khác đã từng nổi loạn. Không (vấn đề trở nên quá khó đối với lời nói của con người), nhưng hãy để những người vô thần tự chọn một vị thần. Họ sẽ chỉ tìm thấy một thiên tính đã từng thốt ra sự cô lập của mình; tôn giáo duy nhất trong đó Thiên Chúa dường như là một người vô thần trong một lúc”.
Nhưng sau đó tôi đọc Chúa Giêsu thành Nadarét của Đức Bênêđictô XVI: Tuần Thánh (từ lúc vào Giêrusalem đến Phục sinh). Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là “Đavít mới”. Và khi đọc Thánh vịnh, Chúa Giêsu hoàn toàn sở hữu những lời được nói bởi Vị vua vĩ đại trong Cựu ước, những lời thực sự và vượt thời gian của Chúa Giêsu Kitô. Đức Bênêđíctô viết,
“Trong Cuộc Thương Khó – trên Núi Cây Dầu và trên Thánh Giá – Chúa Giêsu dùng các đoạn Thánh Vịnh để nói về chính mình và nói với Chúa Cha. Tuy nhiên, những trích dẫn này đã trở thành hoàn toàn bản thân; chúng đã trở thành những lời thân tình của chính Chúa Giêsu trong cơn hấp hối. Chính Người là người thực sự cầu nguyện những Thánh vịnh này; Người là chủ thể thực sự của nó. Lời cầu nguyện hoàn toàn riêng tư của Chúa Giêsu và lời cầu nguyện của Người bằng lời của dân Israel trung thành, đau khổ được liên kết chặt chẽ với nhau ở đây”. (tr. 153)
Khi thốt ra những lời mở đầu của Thánh vịnh 22, Chúa Kitô sở hữu các nỗi kinh hoàng trong Cuộc khổ nạn của Người như nguyên khởi được Vua Đavít phát biểu. Nhưng đây là sự sáng chói mà tác giả đã bỏ lỡ.
“Thánh vịnh Khổ Nạn” vĩ đại (Thánh vịnh 22), bắt đầu bằng các chữ: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Chúa lìa bỏ con?”, kết thúc bằng một lời hứa báo trước việc nhận lời cầu nguyện: “Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng, ngày đại hội toàn dân. Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn trước mặt những ai kính sợ Người. Kẻ khốn khổ được ăn uống thoả thuê, người tìm CHÚA sẽ dâng lời ca tụng”. (Tv 22:26-27) Thật vậy, giờ đây những lời này đã được ứng nghiệm: “Kẻ khốn khổ sẽ được ăn uống”. Những gì họ nhận được không chỉ là thức ăn trần thế; họ nhận được manna đích thực: hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Kitô phục sinh. (tr. 140-141) Chắc chắn, các Thánh vịnh là những lời cầu nguyện bản thân sâu sắc, được hình thành trong khi vật lộn với Thiên Chúa, nhưng đồng thời chúng được thốt ra cùng với tất cả những người chịu đau khổ một cách bất công, với toàn thể Israel, thực sự là với toàn thể nhân loại đang lao đao, và do đó, những Thánh vịnh này luôn trải dài khắp quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng được cầu nguyện trước sự đau khổ, nhưng chúng đã chứa đựng trong chúng sự đáp trả cho lời cầu nguyện, ơn biến đổi. (tr. 215)
Trong tiếng kêu đau đớn của mình, Chúa Giêsu không thất vọng về Thiên Chúa. Người chịu đựng sức nặng đè bẹp của tội lỗi đen tối nhất thế giới. Người là Chiên Vượt Qua không tỳ vết đứng thay chúng ta nhận công lý mà chúng ta đáng phải nhận (điều mà Người không đáng phải nhận). Chúa Kitô sở hữu nỗi kinh hoàng trong Cuộc khổ nạn của Người bằng cách đọc Thánh vịnh 22, nhưng cùng một lúc, Người thẳng thắn chỉ một ngón tay đầy hy vọng về phần cuối không thể tránh khỏi của cùng một bài Thánh vịnh. Người chịu đựng Công lý (phần đầu của Thánh vịnh 22) trong khi ban phát Ân sủng (phần cuối của Thánh vịnh 22). Hành động của Người xóa sạch món nợ của chúng ta và ban cho chúng ta Sự sống Đời đời. Người được biến đổi qua cái chết và sự phục sinh. Và, trong Người, chúng ta cũng được biến đổi.
Vì vậy, đừng quên, Thánh vịnh 22 bắt đầu,
Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con?
và kết thúc,
Thế hệ mai sau sẽ được thuật lại về Chúa, để chúng rao truyền cho một dân tộc chưa được sinh ra, ơn giải thoát mà Chúa đã mang lại.
Thứ Sáu Tuần Thánh báo trước Lễ Phục Sinh. Và Chúa Giêsu cũng vậy.
Đau khổ kết thúc trong Vinh quang.
Cái chết bị Phục sinh nuốt chửng.
Công lý nhường chỗ cho Lòng thương xót.
Vinh quang làm sao. Và rực rỡ làm sao.
Mong sao chúng ta có thể công bố cho một dân tộc chưa được sinh ra sự giải thoát mà Thiên Chúa đã mang lại.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét