Bảy huyền thoại dai dẳng về thần học của Henri de Lubac
Vu Van An
Sara Hulse Kirby, ngày 23 tháng 3, 2023, trên trang mạng https://churchlifejournal.nd.edu/articles/seven-myths-about-henri-de-lubacs-theology của Đại Học Notre Dame, đã có bài viết về Bảy huyền thoại dai dẳng về nền thần học của Henri de Lubac, người vừa được Hội Đồng Giám Mục Pháp quyết định mở án phong chân phúc:
Từ chỗ chỉ là mối quan tâm hạn chế của các nhà Tân kinh viện vào giữa thế kỷ 20, thuyết dị giáo được cho là của Henri de Lubac (1896–1991) và các nhà thần học về nguồn [ressourcement] khác đã trở thành tiếng kêu gọi tập hợp của những người tự xưng theo chủ nghĩa truyền thống vào thế kỷ 21. Mặc dù được Giáo hội phẩm trật chấp nhận, các khía cạnh trong đời sống và tư tưởng của vị Hồng Y người Pháp này vẫn bị những người chỉ trích ngài cũng như nhiều người coi ngài là đồng minh hiểu lầm. Bảy huyền thoại sau đây vừa phổ biến vừa nghiêm trọng.
De Lubac và những ý tưởng của ngài về tự nhiên và ân sủng đã bị lên án trong thông điệp Humani Generis
Trong thông điệp Humani Generis năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên bố, “Những người khác phá hủy tính nhưng không của trật tự siêu nhiên, vì họ nói rằng Thiên Chúa không thể tạo ra những hữu thể trí thức nếu không ra lệnh và kêu gọi họ đến với thị kiến vinh phúc” (§26). Vào thời điểm công bố thông điệp, một số người, bao gồm cả các bề trên dòng Tên của de Lubac, tin rằng thần học của de Lubac về tự nhiên và ân sủng có liên quan đến nó, vì de Lubac cho rằng con người được mời gọi đến với thị kiến vinh phúc. Ngày nay, ấn tượng đó vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, de Lubac lại khẳng định ngược lại và bằng chứng của ngài rất thuyết phục.[1]
Trong một cuộc phỏng vấn cuối đời với Đức Hồng Y Angelo Scola, khi được hỏi về đoạn văn trong Humani Generis , de Lubac khẳng định, “Không hề có bất cứ lời quở trách nào... đoạn văn mượn một câu của tôi để diễn đạt tín lý chân chính.”[2] Câu này có ý nói đến bài tiểu luận năm 1949 của de Lubac, “Mầu nhiệm của siêu nhiên.” (3) Ở đấy, một năm trước khi Humani Generis được công bố, de Lubac viết, “[Nếu] Thiên Chúa muốn... Người có thể không kêu gọi hữu thể, mà Người đã ban cho chúng ta, được thấy Người”. Nói cách khác, Thiên Chúa có thể đã tạo ra các hữu thể trí thức mà không cần kêu gọi họ đến với thị kiến vinh phúc — chính là điểm được Đức Piô XII đưa ra vào năm sau.
Luận điểm bao quát của de Lubac là trên thực tế, Thiên Chúa kêu gọi con người đến với thị kiến vinh phúc, và lời kêu gọi này cấu thành bản chất con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bắt buộc phải gọi chúng ta như vậy; và de Lubac làm rõ điều này ngay cả trước khi ban hành thông điệp. De Lubac lặp lại lập trường của mình về sự tự do của Thiên Chúa vào năm 1965.[4] Trong khi một số người cho rằng cuốn sách năm 1965 là một nỗ lực nhằm sửa đổi quan điểm trước đó của ngài về Humani Generis , thì rõ ràng là de Lubac đã dự đoán về Humani Generis từ năm 1949. Do đó, thông điệp không thể lên án quan điểm của ngài.
De Lubac bị Giáo hội khiến phải im lặng do hậu quả của thông điệp Humani Generis
Những người gièm pha de Lubac, cũng như một số lượng đáng ngạc nhiên những người bảo vệ ngài, cho rằng ngài đã bị Giáo Hội làm cho im lặng do bị cáo buộc lên án ở HG. Trên thực tế, hai tháng trước khi ban hành Humani Generis , de Lubac đã bị các bề trên Dòng Tên yêu cầu thôi dạy tại trường thần học Lyon-Fourvière.[5] Chỉ thị này không phải từ phẩm trật Giáo hội mà từ dòng tu của ngài. Ngài nhắc lại rằng cả Đức Giáo Hoàng Piô XII “cũng như bất cứ cơ quan hợp pháp nào khác của Giáo hội cũng không bao giờ từng có bất cứ hành động nào chống lại tôi.”[6]
Theo de Lubac, các tu sĩ Dòng Tên không bao giờ nói rõ lý do sa thải ngài.[7] Có lẽ, nó liên quan đến một bài báo của Cha Réginald Garrigou-Lagrange, Dòng Đaminh, cáo buộc các giảng viên tại trường Lyon-Fourvière thực hiện nền thần học mới—một lời buộc tội mà de Lubac kịch liệt phủ nhận (xem huyền thoại #7). Sau khi Humani Generis được công bố, cấp trên của ngài tiếp tục cấm ngài xuất bản về thần học Công Giáo và rút sách của ngài khỏi các thư viện Dòng Tên vì họ sợ rằng ngài có liên quan đến thông điệp.[8]
Chính một thành viên của phẩm trật, Đức Hồng Y Gerlier, người đã bênh vực de Lubac trước Dòng Tên.[9] Đức Hồng Y Gerlier đã đi xa đến mức chọn de Lubac làm cố vấn thần học cho ngài vào năm 1951 để phục hồi danh tiếng cho ngài.[10] Nhờ sự can thiệp của Đức Hồng Y Gerlier, vào năm 1953, các tu sĩ Dòng Tên đã cho phép de Lubac giảng dạy trở lại, mặc dù không phải về các vấn đề thần học Công Giáo, và không thường xuyên.[11] Ngài cũng được phép xuất bản cuốn Méditation sur l’Eglise [Suy niệm về Giáo Hội] trong cùng năm.
Năm 1958, de Lubac đã gửi một số sách của ngài cho Đức Giáo Hoàng Piô XII, bao gồm Sur les Chemins de Dieu [Trên Các Nẻo Đường Thiên Chúa], Méditation sur l'Eglise, và các tác phẩm của ngài về Phật giáo. Đức Piô XII đã nhiệt tình tiếp nhận chúng. Trong một lá thư gửi cho de Lubac, cha giải tội của Đức Giáo Hoàng, Augustin Bea, viết, “Đức Thánh Cha yêu cầu tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ngài và nói với cha rằng ngài mong đợi nhiều hơn nữa từ những tài năng mà Chúa đã ban cho cha vì lợi ích của Giáo hội. Ngài hết lòng chúc phúc cho bản thân cha, đặc biệt là sức khỏe của cha, và cho tất cả các công việc của cha, và ngài khuyến khích cha tiếp tục với niềm tin tưởng mạnh mẽ vào hoạt động khoa học của mình, từ đó hứa hẹn nhiều hoa trái cho Giáo hội.”[12]
Năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm de Lubac vào ủy ban chuẩn bị thần học cho Vatican II, nơi ngài tiếp tục phục vụ trong tư cách chuyên viên cho một số giám mục, trong đó có Karol Wojtyła. Wojtyła trở thành một người bạn thân và vào năm 1983, trong tư cách Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã nâng de Lubac lên hàng Hồng Y.
De Lubac tin rằng Tự nhiên được ban tặng ân sủng một cách tự nhiên (Hoặc, ân sủng đó thuộc về cấu trúc của bản chất con người đúng nghĩa)
Như Susan K. Wood đã phát biểu, câu hỏi được đặt ra là “liệu ân sủng có thể được coi là một cấu trúc của sáng thế hay không.” (13) Câu trả lời của de Lubac là “không” một cách rõ ràng: ân sủng không phải là thành phần của sáng thế cũng như cấu trúc của bản chất con người đúng nghĩa. De Lubac mô tả tự nhiên và ân sủng như hai hồng phúc, với hồng phúc thứ hai “hoàn toàn khác biệt” với “hồng phúc đầu tiên là sáng thế.”[14] Dù lời kêu gọi hưởng thị kiến vinh phúc được tạc ghi trong bản chất con người, đến độ trái tim con người luôn khắc khoải khát mong Thiên Chúa, việc nên trọn của lời kêu gọi này không nằm trong tự nhiên, cũng như không có các phương tiện để đạt được nó. Cấu trúc của Tự nhiên là nghịch lý: nó chỉ có thể nhận được mục đích cuối cùng của mình thông qua Đấng khác, Đấng ban tặng nó một cách miễn phí.
De Lubac nhấn mạnh rằng mục đích siêu nhiên không làm cho bản chất con người trở nên siêu nhiên, cũng không nối kết bản chất tự nhiên với ân sủng. Ngài tuyên bố,
“Sự kiện bản chất của hữu thể thiêng liêng, khi nó thực sự hiện hữu, không được quan niệm như một trật tự nhằm cuối cùng sẽ khép kín vào chính nó, mà theo một nghĩa nào đó mở ra cho một mục đích có tính siêu nhiên không thể tránh khỏi, không có nghĩa là nó đã có sẵn trong chính nó, hoặc như một phần cơ sở của nó, yếu tố siêu nhiên tích cực nhỏ nhất. Điều đó không có nghĩa là bản chất này, ‘trong tư cách bản chất và do bản chất,’ được nâng cao.” [15]
Theo mô hình của de Lubac, tự nhiên mang trong mình sự sẵn sàng đón nhận ân sủng mà không thực sự được ban ân sủng. Ân sủng là một thực tại hoàn toàn mới trong tương quan với bản chất con người; tự nhiên khao khát điều mà nó chưa có.
Thành thử, de Lubac mô tả quá trình đi từ tự nhiên đến siêu nhiên như sau:
“Vấn đề không phải là chuyển sang một mức độ mới trong cùng một trật tự... Đó là sự gián đoạn của một nguyên tắc hoàn toàn khác. Sự mở ra đột ngột của một loại chiều kích thứ tư, không có bất cứ tỷ lệ nào đối với tất cả các tiến bộ được cung cấp trong các chiều tự nhiên. Một ‘sự sáng tạo mới’, sự sáng tạo của một ‘trái tim mới’”[16].
Siêu nhiên đáp ứng mong muốn của tự nhiên mà không phải là thành quả tự nhiên của tự nhiên.
Cuộc tranh cãi về lập trường của de Lubac bắt nguồn từ sự tán thành của Tân kinh viện đối với châm ngôn của Aristốt cho rằng mục đích của một bản chất tương ứng với điều một sự vật là và nằm trong khả năng đạt được của bản chất đó. Vì vậy, mục đích của một con voi là trở thành một con voi tốt, và những con voi có thể đạt được mục đích đó mà không cần sự trợ giúp siêu nhiên. Trên cơ sở này, người ta lý luận: cho rằng bản chất con người có mục đích siêu nhiên, như de Lubac đã làm, sẽ có nghĩa là khẳng định rằng bản chất con người là siêu nhiên. Do đó, những người theo mô hình của Aristotle kết luận rằng de Lubac quan niệm bản chất con người có ân sủng.
Mặc dù de Lubac chấp nhận tiên đề của Aristốt liên quan đến các bản chất khác, ngài bác bỏ việc áp nó vào bản chất con người. Bản chất con người là một trường hợp đặc biệt bao lâu nó là bản chất thiêng liêng và là hình ảnh của Thiên Chúa. Vị thế của bản chất như một hình ảnh với lời kêu gọi tham gia vào họa ảnh của Thiên Chúa không được Aristốt biết đến. Tuy nhiên, chúng ta, những người được hưởng sự mặc khải, nên kết hợp nó vào nhân học của chúng ta.
Trên cơ sở dữ kiện mặc khải, de Lubac lập luận rằng tự nhiên không có mục đích cuối cùng của nó trong chính nó mà là ở trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, mục đích của tự nhiên trong Thiên Chúa không làm cho tự nhiên trở nên siêu nhiên. Cấu trúc của tự nhiên thật nghịch lý: nó khao khát điều chỉ có thể được ban tặng như một hồng ân miễn phí.
De Lubac phủ nhận mục đích tự nhiên của bản chất con người
Nhiều nhà phê bình de Lubac (và không ít bạn đồng hành của ngài) cho rằng de Lubac chỉ khẳng định mục đích siêu nhiên của bản chất con người, nhưng phủ nhận mục đích tự nhiên của nó. Bản thân De Lubac đôi khi đưa ra ấn tượng này, giống như khi ngài tuyên bố, “Chỉ có một mục đích duy nhất, và do đó, tôi mang trong mình, dù cố ý hay không, một 'mong muốn tự nhiên' về nó.”[17] Tuy nhiên, khi giải thích chi tiết về nó, de Lubac khẳng định vấn đề này có hai mục đích, tự nhiên và siêu nhiên. Ngài viết, “Hạnh phúc,” cùng đích của con người, “có hai mặt: thứ nhất là 'tự nhiên' và thứ hai là 'siêu nhiên'."[18] Hạnh phúc tự nhiên là không hoàn hảo trong khi hạnh phúc siêu nhiên là hoàn hảo; nhưng cả hai đều là cứu cánh của con người.
Mục đích tự nhiên của con người “không cần [điều siêu nhiên] để hoàn thành nó một cách tự nhiên,”[19] vì hạnh phúc tự nhiên nằm trong khả năng của bản chất con người đạt được bằng chính sức mạnh của mình. Mặt khác, con người chỉ có thể đạt được mục đích siêu nhiên nhờ ân sủng. Ngài giải thích, “Theo một nghĩa nào đó, đó là vấn đề của con người với hai mục đích: một là tương xứng với bản chất được tạo ra của họ và họ có thể tự mình đạt được; cái mục đích kia vượt quá mọi tỷ lệ và hệ ở sự sống vĩnh cửu.”[20] Mục đích siêu nhiên không phải là thành quả tự nhiên của tự nhiên và cũng không thể đạt được bằng năng lực bẩm sinh của con người. Mặc dù de Lubac tuyên bố rằng siêu nhiên là mục đích thực sự của tự nhiên đúng nghĩa, nhưng nó độc đáo so với tất cả các mục đích khác, bao lâu con người không thể tự mình đạt được siêu nhiên.
Như Nicholas J. Healy nhận xét, cả de Lubac lẫn những người đối thoại với bản chất thuần túy của ngài đều thừa nhận một mục đích tự nhiên. Sự khác biệt là sức nặng mà mỗi người gán cho nó. “De Lubac... nhấn mạnh tính không đầy đủ hoặc tính áp chót của “hạnh phúc tự nhiên” trong khi những người đối thoại của ngài... nhấn mạnh rằng mục đích tự nhiên thực sự là mục đích cuối cùng theo trật tự riêng của nó.” [21] De Lubac nhấn mạnh đến đặc tính đệ nhị đẳng của mục đích tự nhiên, nghĩa là, cách trong đó hạnh phúc tự nhiên chuẩn bị cho việc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.
Khi không nhấn mạnh đến hạnh phúc tự nhiên, de Lubac đã đẩy lùi chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa thế tục đang thịnh hành của nước Pháp thời hậu chiến. Theo ngài, cuộc khủng hoảng đương thời không phải là sự phủ nhận các mục đích tự nhiên, mà là việc bị tri nhận là không liên quan của siêu nhiên đối với con người tự nhiên và cuộc sống bình thường. Sự nhấn mạnh một chiều của ngài vào mục đích siêu nhiên được minh giải dựa trên bối cảnh đó.
De Lubac hạ thấp Phép Thánh Thể để nhấn mạnh đến sự hiệp thông của các tín hữu.
Trong Corpus Mysticum (Nhiệm Thể] (1944), de Lubac minh họa rằng trong Giáo hội sơ khai, sự hiệp thông bí tích và sự hiệp thông giáo hội được coi là liên kết với nhau. Đối với các Giáo phụ, “sự hiệp thông bí tích (sự hiệp thông trong Mình và Máu) luôn đồng thời là sự hiệp thông giáo hội (sự hiệp thông bên trong Giáo hội, của Giáo hội, vì Giáo hội).”[22] Thánh Thể làm nên Giáo hội, khi các tín hữu trở thành những gì họ ăn. Bí tích Thánh Thể “tương ứng với Giáo hội như nguyên nhân tương ứng với hậu quả, phương tiện với mục đích, dấu hiệu với thực tại.” [23] Mặc dù Giáo hội tạo ra Bí tích Thánh Thể qua các linh mục của mình, nhưng Bí tích Thánh Thể, theo một nghĩa rất thực chất, sản sinh ra Giáo hội, bao lâu sự hiệp thông giáo hội là hiệu quả của sự hiệp thông bí tích.
De Lubac tuyên bố rằng trong thời hiện đại, mối liên kết giữa hiệp thông bí tích và hiệp thông giáo hội đã mất đi do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý trong thần học. Tập chú chuyển sang vấn đề liệu Thánh Thể có thực sự là Mình Chúa Kitô hay không—thân thể ngược với biểu tượng. Mặc dù de Lubac khẳng định rằng Bí tích Thánh Thể là Sự Hiện diện Thực sự, nhưng ngài nghĩ rằng Bí tích Thánh Thể phải được nhìn theo mối tương quan qua lại của nó với Thân thể ba phần (lịch sử, bí tích, giáo hội) của Chúa Kitô.
Thật không may, tuyên bố của de Lubac đã bị hiểu sai. Một số người đã coi nghiên cứu lịch sử của ngài về mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và Giáo hội như một sự tán thành về một Giáo hội coi các Bí tích không quan trọng và Sự Hiện diện Thực sự không quan hệ. Lời buộc tội đó không những không áp dụng cho de Lubac mà chính ngài còn thực sự chỉ trích một cách rõ ràng quan điểm như vậy nữa. Thí dụ, vào năm 1972, ngài viết rằng nếu không có các Bí tích,
“việc cử hành phụng vụ sẽ trở thành không gì khác hơn một cộng đồng gồm những người tập hợp lại, tự cho mình cách diễn đạt riêng của mình để thông qua nó, thực tại của nó sẽ được cấu thành: như thể việc cử hành chỉ bắt nguồn từ bên trong cộng đoàn và như thể mục đích duy nhất của nó là cho phép cộng đồng nhận thức được chính bản thân mình như vậy. Sẽ không còn gì nữa để được ‘ban cho từ trên cao’” [24].
Thân thể của Chúa Kitô sẽ không như vậy nếu không có Chúa Kitô, và Chúa Kitô được ban cho các tín hữu qua Bí tích Thánh Thể. Không có Thân thể bí tích thì không có Thân thể Giáo hội. Bằng một ngôn ngữ chắc chắn, de Lubac đề cao tầm quan trọng của các Bí tích đối với giáo hội học.
De Lubac rất nhiệt tình đối với Joachim thành Fiore và đề xuất ý tưởng của vị này.
Huyền thoại này lan truyền trong thế giới nói tiếng Anh có lẽ là do tác phẩm hai tập của de Lubac (1979, 1981) về vị đan viện trưởng thế kỷ 12, Joachim thành Fiore, cho đến nay vẫn chưa được phiên dịch. Tuy nhiên, ngay khi người ta đọc tác phẩm này, rõ ràng là huyền thoại sai sự thật. De Lubac không tán thành nhà tư tưởng thời trung cổ, nhưng viết về vị này vì ngài tin rằng chủ nghĩa Joachim là một “mối nguy hiểm cấp bách.”[25]
Như Patrick X. Gardner giải thích, chủ nghĩa Joachim, đối với de Lubac, biểu thị một chủ nghĩa nội tại [immanentism]“có xu hướng giản lược Giáo hội vào thế giới, Vương quốc của Thiên Chúa vào những điều không tưởng của xã hội, và siêu nhiên vào lĩnh vực thế tục.”[26] Nó hiện diện trong xã hội không tưởng của Comte, tôn giáo của Marx về người lao động, và việc Thiên Chúa tan hòa vào thế giới của Hegel. Hơn nữa, nó hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa nội tại trong Giáo hội, chịu ảnh hưởng của Marx và Hegel.
Động lực của De Lubac đối với công trình nói về Joachim không phải là để truyền bá ý tưởng của vị này, mà là để cảnh báo về khuôn mẫu tư tưởng của vị này, điều mà de Lubac coi là đang gây ảnh hưởng nguy hiểm trong Giáo hội hậu công đồng. Một cách chuyên biệt, ngài thấy nó được phản ảnh trong ý tưởng của Edward Schillebeeckx về Giáo hội như “bí tích của thế giới”[27] và trong một số (không phải tất cả) hình thức thần học giải phóng vốn san bằng sự khác biệt giữa tiến bộ thiêng liêng và thế tục. De Lubac nhấn mạnh rằng sự khác biệt giữa tự nhiên và ân sủng, cũng như thời gian và vĩnh cửu, phải được duy trì - một sự khác biệt mà chủ nghĩa Joachim làm suy yếu.
De Lubac đang cố gắng thực hiện nền thần học mới
Thuật ngữ “thần học mới” không phải do de Lubac đặt ra—mặc dù nó thường được áp dụng vào ngài—mà bởi Pietro Parente vào năm 1942 để chỉ trích các tu sĩ Đa Minh người Pháp là Marie-Dominique Chenu và Louis Charlier.[28] Năm 1946, Réginald Garrigou-Lagrange áp dụng thuật ngữ này cho trường thần học Lyon-Fourvière của Dòng Tên, trong đó de Lubac là một thành phần.[29] Vì vậy, một số người cho rằng thuật ngữ này được áp dụng cho de Lubac trong tư cách một giảng viên của Fourvière. De Lubac bác bỏ thuật ngữ này. Ngài viết:
“Tôi không thích lắm khi người ta nói về một ‘nền thần học mới,’ có ý chỉ về tôi; tôi chưa bao giờ sử dụng cách diễn đạt này, và tôi ghét nó. Ngược lại, tôi đã luôn tìm cách làm cho Truyền thống của Giáo hội được biết đến, theo những gì nó mang lại tính phổ quát nhất và ít chịu sự thay đổi của thời gian nhất. ‘Nền thần học mới’ là một thuật ngữ luận chiến... mà hầu hết thời gian không có ý nghĩa gì, chỉ phục vụ để gây nghi ngờ cho tác giả trong tâm trí của những người không xem xét kỹ hơn về nó”.[30]
Như ngài thấy nó, de Lubac không phát minh ra nền thần học mới mà là khám phá lại truyền thống. Thật vậy, lời phê bình của ngài đối với Chủ nghĩa tân kinh viện, đặc biệt là lý thuyết về bản chất thuần túy của nó, cho rằng đó là thần học mới — một cuộc phiêu lưu hiện đại không trung thành với công trình của Thánh Tôma Aquinô và truyền thống Công Giáo.
De Lubac mô tả lực đẩy căn bản trong công trình thần học của mình như sau: “Không cho rằng mình mở ra những nẻo đường tư tưởng mới, tôi đã tìm cách, không có bất cứ tính thích đồ cổ nào, làm cho một số lĩnh vực lớn và chung của truyền thống Công Giáo được biết đến. Tôi muốn làm cho nó được yêu thích, để cho thấy tính phong phú luôn hiện hữu của nó.”[31] Mục đích thần học của De Lubac không phải là thần học mới, mà là sự tái tạo: sự trở về nguồn gốc của truyền thống Công Giáo, nguồn gốc đã bị bỏ rơi trong thời kỳ hiện đại, theo quan điểm của de Lubac.
Nhìn chung, de Lubac đã ảnh hưởng không thể chối cãi đến Công đồng Vatican II và thần học thế kỷ XX. Mặc dù một số khía cạnh trong suy nghĩ của ngài cần được làm sáng tỏ, nhưng việc vội vàng bác bỏ ý tưởng của ngài mà không đọc kỹ chúng là không có cơ sở. Trong thời đại mà một số người Công Giáo nghi ngờ tính hợp lệ của Công đồng Vatican II, thì việc vội vàng bác bỏ suy nghĩ về một trong những nguồn gốc của nó có nguy cơ xác nhận sự nghi ngờ này. Một nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc đời và công việc của de Lubac cho thấy rằng ngài thực sự là một người con trung thành của Giáo hội, với sứ mệnh cả đời là làm cho đức tin được biết đến và yêu mến.
[1] Muốn có một giải thích thấu đáo về việc tuyên bố của de Lubac là đúng như thế nào, hãy xem Nicholas E. Lombardo, O.P., “What God Cannot Do: Divine Power, the Gratuity of Grace, and Henri de Lubac,” [Điều Thiên Chúa không thể làm: Quyền năng Thiên Chúa, tính Nhưng không của Ân sủng, và Henri de Lubac] Modern Theology 37, no. 1 (tháng 1 năm 2021): 114–38.
[2] Henri de Lubac and Angelo Scola, A Theoloian Speaks [Một Nhà Thần học lên tiếng] (Los Angeles, CA: Twin Circle Publishing, 1985), 4. De Lubac khẳng định lại niềm tin của mình về đoạn Humani Generis trong Letters of Étienne Gilson to Henri de Lubac: With Commentary by Henri de Lubac [Các Lá thư của Étienne Gilson gửi Henri de Lubac: với nhận định của Henri de Lubac](San Francisco: Ignatius Press, 1988), 99 và trong Henri de Lubac, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances that Occasioned his Writings [Henri de Lubac phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac suy tư về các hoàn cảnh làm dịp cho các bài viết của ngài], bản tiếng Anh của Anne Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1993), 71.
[3] Henri de Lubac, “The Mystery of the Supernatural,” [Mầu nhiệm Siêu nhiên] trong Theology in History [Thần học trong Lịch sử], bản tiếng Anh của Anne Englund Nash (San Francisco: Ignatius Press, 1996), 281–316; thoạt đầu được xuất bản trong Recherches de science religieuse [Các nghiên cứu về khoa học tôn giáo] (1949): 80–121.
[4] “Chúa đã không... hề buộc phải định cho chúng ta được hưởng 'hạnh phúc đích thực và hoàn hảo' vốn chỉ được thể hiện khi được thấy Người. Không có loại ràng buộc hay sự nhất thiết nào, dù là bên trong hay bên ngoài, tinh thần' hay 'tự nhiên'—hoặc theo thuật ngữ của một nhà thần học hiện đại 'pháp lý' hay 'hữu thể học'—bắt buộc ý chí thần linh.”[4] Trong một chú thích, ngài viết tiếp, “Thật sai lầm xiết bao khi nói rằng 'Chúa không thể sáng tạo', và càng sai lầm hơn khi nói rằng 'Chúa không thể tạo ra những hữu thể được phú bẩm trí hiểu mà không sắp xếp và mời gọi họ đến hưởng thị kiến vinh phúc’” (Henri de Lubac, The Mystery of the Supernatural, bản tiếng Anh của Rosemary Sheed (New York: Herder and Herder, 2016), 80, n. 8).
[5] Xem Rudolf Voderholzer, Meet Henri de Lubac: His Life and Work [Gặp Henri de Lubac: Đời sống và công trình của ngài], bản tiếng Anh của Michael J. Miller (San Francisco: Ignatius Press, 2008), 70.
[6] De Lubac, A Theologian Speaks [Một nhà thần học lên tiếng], 4.
[7] De Lubac suy tư, “Trong toàn bộ sự việc... Tôi chưa bao giờ bị thẩm vấn, tôi chưa bao giờ có một cuộc trò chuyện nào về gốc rễ của vấn đề với bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào của Giáo hội ở Rôma hoặc của Dòng. Không ai từng thông báo cho tôi bất cứ khoản tố cáo chính xác nào. … Chưa từng có ai yêu cầu tôi bất cứ điều gì giống như ‘rút lại’, giải thích hoặc quy phục đặc thù” (At the Service of the Church, 78).
[8] Sđd., 74.
[9] Sđd., 88.
[10] Voderholzer, Meet Henri de Lubac [Gặp Henri de Lubac], 75.
[11] Sđd., 76.
[12] De Lubac, At the Service of the Church [Phục vụ Giáo hội], 90.
[13] Susan K. Wood, “The Nature-Grace Problematic within Henri de Lubac’s Christological Paradox,” [Vấn đề Tự nhiên – Ân sủng trong Nghịch lý Kitô học của Henri de Lubac] Communio 19, số 3 (Mùa thu 1992): 397.
[14] De Lubac, Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm Siêu nhiên]299.
[15] Sđd., 31.
[16] De Lubac, Drama of Atheist Humanism [Bi kịch của Chủ Nghĩa Nhân bản Vô thần](San Francisco, Ignatius Press, 1995), 466. Nguyên bản tiếng Pháp xuất bản năm 1944.
[17] De Lubac, Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm siêu nhiên], 56.
[18] De Lubac, “Duplex Hominis Beatitudo,” [Phước hạnh kép của con người] Communio 35 (Mùa Đông 2008): 612; ban đầu được xuất bản dưới cùng tiêu đề trong Recherches de Science Religieuse [khoa học tôn giáo] 35 (1948): 290–99.
[19] De Lubac, The Mystery of the Supernatural [Mầu nhiệm siêu nhiên], 94.
[20] De Lubac, Augustinianism and Modern Theology [Chủ nghĩa Augustinô và Nền Thần học Hiện đại], bản tiếng Anh của Lancelot Sheppard (New York: Crossroad Publishing Company, 2000), 130. De Lubac giải thích lập trường của Soto, nhưng như thể đó là quan điểm của chính ngài. Bản gốc tiếng Pháp xuất bản năm 1965.
[21] Nicholas J. Healy, “Henri de Lubac on Nature and Grace: A Note on Some Recent Contributions to the Debate,” [Henri de Lubac về Tự nhiên và Ân sủng: Một Ghi nhận về Các Đóng góp gần đây vào cuộc tranh luận] Communio 35 (Mùa đông 2008): 551.
[22] Henri de Lubac, Corpus Mysticum: The Eucharist and the Church in the Middle Ages [Nhiệm thể: Thánh Thể và Giáo Hội thời Trung Cổ], bản tiếng Anh của Gemma Simmonds, Richard Price, và Christopher Stephens (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2007), 21. Bản gốc tiếng Pháp xuất bản năm 1944.
[23] Sđd., 13.
[24] Henri de Lubac, “Sanctorum Communio” [hiệp thông các thánh] trong Theological Fragments [Những Mảnh Thần Học], bản tiếng Anh của Rebecca Howell Balisnki (San Francisco: Ignatius Press, 1989), 28. Tiểu luận gốc xuất bản năm 1972.
[25] De Lubac, At the Service of the Church [Phục vụ Giáo hội], 156.
[26] Patrick X. Gardner, Modern Pentecost: Henri de Lubac on Atheism and the Spiritual Posterity of Joachim of Fiore [Lễ Ngũ tuần Hiện đại: Henri de Lubac nói về Chủ nghĩa Vô thần và Hậu duệ Tinh thần của Joachim thành Fiore] (Ph.D. Diss., University of Notre Dame, 2015), 3.
[27] Edward Henri Schillebeeckx, Approches théologiques [các phương thức thần học] (Brussels và Paris: Editions du C.E.P., 1967), bộ 3, chương 2 tiết 1, điểm. 3: “L’Eglise Sacrament du monde.” [Giáo Hội bí tích của thế giới]
[28] Pietro Parente, “Nuove tensenze teologiche,” [xu hướng thần học mới] L’Osservatore Romano 9-10, tháng 2 năm 1942, 1.
[29] Réginald Garrigou-Lagrange, “La nouvelle théologie où va-t-elle?” [Nền thần học mới đi về đâu] Angelicum 23 (1946): 126–24.
[30] De Lubac, At the Service of the Church [Phục vụ Giáo hội], 361.
[31] Henri de Lubac, “Epilogue to Part Two: The Texture of a Work and its Unity” [Lời bạt cho Phần thứ hai: Kết cấu của một tác phẩm và sự thống nhất của nó] trong Theology in History [Thần học trong lịch sử], bản tiếng Anh của Anne Englund Nash (San Francisco: Ignatius Press, 1996), 599. Cũng xem de Lubac, At the Service of the Church[Phục vụ Giáo hội], 143.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét