Trang

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Sđ Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 60 năm 2023 - Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 60 năm 2023 - Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ

 
  •  
  •  


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

LẦN THỨ 60, NĂM 2023

ƠN GỌI: ÂN SỦNG VÀ SỨ VỤ

Vatican News (26.4.2023) - Sáng ngày 26/4, Phòng báo chí Toà Thánh đã phổ biến Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2023, được cử hành vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, 30/4 tới đây. Sứ điệp có chủ đề: “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ”. Sau đây là nội dung Sứ điệp.

Anh chị em, các bạn trẻ thân mến!

Đây là lần thứ 60 chúng ta cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, được thánh Phaolô VI thiết lập vào năm 1964, trong Công đồng chung Vatican II. Sáng kiến quan phòng này tìm cách hỗ trợ mọi thành phần Dân Chúa, cá nhân và cộng đoàn, đáp lại lời mời gọi và sứ vụ mà Chúa trao phó cho mỗi người trong thế giới ngày nay, giữa những đau khổ và hy vọng, thách đố và thành tựu.

Năm nay, tôi mời anh chị em suy tư và cầu nguyện theo chủ đề “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ”. Ngày này là một cơ hội quý báu để chúng ta nhớ lại với sự ngạc nhiên rằng ơn gọi của Chúa là ân sủng, là hồng ân trọn vẹn, và đồng thời là một sự dấn thân mang Tin Mừng đến cho người khác. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho đức tin, một đức tin liên kết chặt chẽ giữa đời sống ân sủng, qua các bí tích và sự hiệp thông Giáo hội, với hoạt động tông đồ của chúng ta trên thế giới. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các Kitô hữu được chất vấn để đáp lại lời mời gọi đi đến những vùng ngoại vi hiện sinh và những bi kịch của con người, luôn ý thức rằng sứ vụ là công việc của Chúa; chúng ta không thực hiện một mình, nhưng luôn luôn trong sự hiệp thông Giáo hội, cùng với anh chị em, và dưới sự hướng dẫn của các mục tử Giáo hội. Bởi vì, điều này luôn là giấc mơ Thiên Chúa: chúng ta sống với Người trong tình hiệp thông yêu thương.

“Được chọn trước cả khi tạo thành vũ trụ”

Tông đồ Phaolô mở ra trước mắt chúng ta một chân trời kỳ diệu: trong Đức Kitô, Chúa Cha “đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 4-5). Những lời này cho phép chúng ta nhìn cuộc sống theo nghĩa trọn vẹn nhất: Thiên Chúa đã “cưu mang” chúng ta theo hình ảnh và giống Người và mong muốn chúng ta trở thành những người con của Người. Chúng ta được tạo dựng bởi tình yêu, vì tình yêu và với tình yêu, và chúng ta được tạo dựng để yêu thương.

Nơi cuộc đời chúng ta, tiếng gọi này được khắc ghi trong sự hiện hữu con người chúng ta và là bí quyết hạnh phúc nhờ tác động của Thánh Thần theo những cách thức luôn luôn mới. Tiếng gọi soi sáng tâm trí, củng cố ý chí chúng ta, khiến chúng ta kinh ngạc và làm con tim chúng ta bừng cháy. Đôi khi, Thánh Thần đến với chúng ta theo những cách hoàn toàn bất ngờ. Như đối với tôi, vào ngày 21/9/1953, khi đang trên đường đến dự lễ kỷ niệm hàng năm của trường, tôi được thôi thúc đến nhà thờ xưng tội. Ngày hôm đó đã thay đổi cuộc đời tôi và để lại dấu ấn đến tận bây giờ. Lời mời gọi tự hiến của Chúa được thực hiện dần dần theo một con đường: trong cuộc gặp gỡ của chúng ta, với những hoàn cảnh nghèo khó, trong những lúc cầu nguyện, khi chúng ta thấy một chứng tá rõ ràng về Tin Mừng, hoặc đọc một điều gì đó mở mang tâm trí chúng ta. Khi chúng ta nghe lời Chúa và cảm thấy lời Chúa nói trực tiếp với chúng ta, trong lời khuyên của anh chị em, trong những lúc ốm đau hay buồn phiền… Trong mọi cách kêu gọi chúng ta, Chúa thể hiện sự sáng tạo vô biên.

Sáng kiến và ân ban Chúa chờ chúng ta đáp lời. Ơn gọi là “sự đan xen giữa sự chọn gọi của Thiên Chúa và sự tự do của con người”, một tương quan năng động và thú vị giữa Thiên Chúa và tâm hồn con người. Hồng ân ơn gọi giống như một hạt giống thiêng liêng nảy mầm trong mảnh đất cuộc sống của chúng ta, mở lòng chúng ta ra với Thiên Chúa và với tha nhân, để chúng ta có thể chia sẻ với họ kho tàng mà chính chúng ta đã tìm được. Trong ơn gọi, điều cơ bản là: Thiên Chúa gọi chúng ta trong tình yêu và chúng ta, với lòng biết ơn, đáp lại Người trong tình yêu. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là những người con được cùng một Cha yêu thương, và chúng ta coi nhau như anh chị em. Khi đã “thấy” rõ điều này, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thốt lên: “Cuối cùng tôi đã tìm thấy ơn gọi của tôi: ơn gọi của tôi là tình yêu. Thật vậy, tôi đã tìm được vị trí của mình trong Giáo hội… Trong lòng Mẹ Giáo hội, tôi sẽ là tình yêu”.

“Tôi là một sứ vụ trên mặt đất này”

Chúng ta đã nói, lời kêu gọi của Thiên Chúa bao gồm việc “sai đi”. Không có ơn gọi nào nếu không có sứ vụ. Không có hạnh phúc và sự tự nhận thức đầy đủ trừ khi chúng ta mang đến cho người khác cuộc sống mới mà chúng ta đã tìm thấy. Tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa là một kinh nghiệm không cho phép chúng ta im lặng. Thánh Phaolô nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Và Thư thứ Nhất của Thánh Gioan bắt đầu bằng những lời: “Điều chúng tôi đã nghe và thấy, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến – Lời nhập thể –chúng tôi loan báo cho cả anh em, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1,1-4).

Cách đây 5 năm, trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, tôi đã nói với tất cả những ai đã được rửa tội rằng: “Anh chị em cần xem toàn bộ đời mình như một sứ vụ” (Số 23). Vâng, bởi vì mỗi người chúng ta đều có thể nói: “Tôi là một sứ vụ trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây trên thế giới này” (Evangelii Gaudium, 273).

Là Kitô hữu, sứ vụ chung của chúng ta là sống niềm vui ở những nơi chúng ta hiện diện, qua hành động và lời nói, về kinh nghiệm được ở với Chúa Giêsu và các thành viên trong cộng đoàn Người, đó là Giáo hội. Sứ vụ đó được thể hiện trong các hoạt động thương xót, trong một lối sống chào đón và nhẹ nhàng phản ánh sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng, trái ngược với nền văn hóa lãng phí và thờ ơ. Trở thành người thân cận, như người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37), giúp chúng ta hiểu được “cốt lõi” ơn gọi Kitô: noi gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mc 10,45).

Hoạt động sứ vụ này không phát sinh đơn giản từ khả năng, kế hoạch và dự án của chính chúng ta, cũng không phải từ ý chí tuyệt đối hay nỗ lực thực hành các nhân đức; đó là kết quả của một trải nghiệm sâu xa với Chúa Giêsu. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể làm chứng cho một Con Người, một Cuộc Sống, và như vậy mới trở thành “tông đồ”. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tự coi mình như “được đóng ấn, thậm chí được in nhãn, bởi sứ vụ mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nâng dưỡng, chữa lành và giải thoát” (Evangelii Gaudium, 273).

Hình ảnh Tin Mừng của kinh nghiệm này là hai môn đệ Emmau. Sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh, các ông nói với nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Nơi các môn đệ đó, chúng ta có thể thấy “tâm hồn bừng cháy, đôi chân luôn chuyển động”. Đây cũng là hy vọng của tôi cho Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới ở Lisbon, mà tôi vui mừng chờ đợi, với khẩu hiệu: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường (Lc 1,39). Cầu mong mọi người nam nữ cảm thấy được mời gọi đứng dậy và vội vã lên đường, với trái tim bừng cháy.

Được kêu gọi và quy tụ cùng nhau

Thánh sử Marcô thuật lại khi gọi 12 môn đệ, Chúa Giêsu gọi tên từng người một. Người chỉ định các ông ở với Người và được sai đi loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và trừ quỷ (Mc 3,13-15). Do đó, Chúa đã đặt nền móng cho cộng đoàn mới của Người. Nhóm Mười Hai là những người thuộc các tầng lớp xã hội và ngành nghề khác nhau; không ai trong số họ là người thuộc thành phần quan trọng. Các Tin Mừng cũng nói về những lần kêu gọi khác, như ơn gọi của 72 môn đệ được Chúa Giêsu sai đi từng hai người một (Lc 10, 1).

Giáo hội chính là Ekklesía, từ Hy Lạp nghĩa là tập hợp gồm những người được kêu gọi, triệu tập để hình thành cộng đoàn các môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu Kitô dấn thân chia sẻ tình yêu với nhau (Ga 13, 34; 15, 12) và loan truyền tình yêu đó cho tất cả những người khác, để vương quốc của Thiên Chúa hiển trị.

Trong Giáo hội, tất cả chúng ta đều là những người phục vụ, tùy theo sự đa dạng của ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ của chúng ta. Ơn gọi chung của chúng ta là hiến mình trong tình yêu triển nở và được thể hiện cụ thể nơi cuộc sống của các giáo dân nam nữ, những người tận tụy nuôi dưỡng gia đình như một Giáo hội nhỏ tại gia và hoạt động như men Tin Mừng để đổi mới các lĩnh vực khác nhau của xã hội; nơi chứng tá của những người nam nữ thánh hiến, những người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa vì ích lợi của anh chị em mình như một dấu chỉ tiên báo về Nước Thiên Chúa; nơi các thừa tác được  thụ phong – phó tế, linh mục và giám mục – được đặt để phục vụ việc rao giảng, cầu nguyện và cổ võ sự hiệp thông của Dân thánh Thiên Chúa. Chỉ trong tương quan với những ơn gọi khác, bất kỳ ơn gọi cụ thể nào trong Giáo hội mới bộc lộ đầy đủ bản chất đích thực và sự phong phú của nó. Nhìn dưới ánh sáng này, Giáo hội là một “bản giao hưởng” ơn gọi, với mọi ơn gọi khác biệt nhưng hiệp nhất, hài hòa và liên kết với nhau trong việc “ra đi” để chiếu tỏa khắp thế giới sự sống mới của vương quốc Thiên Chúa.

Ân sủng và sứ vụ: hồng ân và nhiệm vụ

Anh chị em thân mến, ơn gọi là một hồng ân và một nhiệm vụ, một nguồn sống mới và niềm vui đích thực. Ước mong các sáng kiến cầu nguyện và hoạt động liên quan đến Ngày này củng cố ý thức về ơn gọi trong các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ, các cộng đoàn đời sống thánh hiến, các hiệp hội và phong trào Giáo hội. Xin Thần Khí của Chúa phục sinh xua tan sự thờ ơ của chúng ta và ban cho chúng ta những món quà của sự cảm thông và đồng cảm, để sống mỗi ngày như những người được tái sinh với tư cách là con cái của Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 16) và đến lượt mình, trao ban tình yêu đó cho người khác. Mang sự sống đến mọi nơi, nhất là những nơi bị loại trừ và bóc lột, nghèo đói và chết chóc, để nới rộng những không gian yêu thương, để Thiên Chúa ngự trị trọn vẹn hơn trên thế giới này.

Ước mong lời nguyện của Thánh Phaolô VI cho Ngày Thế giới Ơn gọi lần đầu tiên, ngày 11/4/1964, đồng hành với chúng ta trên hành trình của chúng ta:

“Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử thần linh chăn dắt các linh hồn, Đấng đã gọi các tông đồ để làm cho các ông thành những ngư phủ lưới người, xin tiếp tục thu hút đến với Chúa những tâm hồn nhiệt thành và quảng đại của những người trẻ, để làm cho họ trở thành những môn đệ và thừa tác viên của Chúa; xin cho họ được chia sẻ niềm khao khát của Chúa về ơn cứu chuộc tất cả mọi người,… Xin mở ra trước mắt họ những chân trời trên toàn thế giới… để, qua việc đáp lại lời kêu gọi của Chúa, họ nối dài sứ vụ của Chúa trên trái đất này, xây dựng Nhiệm thể Chúa là Giáo hội, và trở thành ‘muối đất’ và ‘ánh sáng thế gian’ (Mt 5, 13)”.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và bảo vệ anh chị em. Với phép lành của tôi.

Roma, Gioan Lateranô, ngày 30 tháng 4 năm 2023, Chúa nhật IV Phục Sinh.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi

26/04/2023
  •  
  •  


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

Từ năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chỉ định Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành làm “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi”. Hằng năm, các Đức Thánh Cha đều có sứ điệp cho ngày này.

Các sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi:

Đức Phanxicô:

Năm 2023 - Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ

Năm 2022 Được kêu gọi để xây dựng gia đình nhân loại

Năm 2021 - Thánh Giuse: Ước mơ của ơn gọi

Năm 2020 - Các từ khóa của ơn gọi

Năm 2019 - Hãy can đảm mạo hiểm vì Lời Hứa của Chúa

Năm 2018 - Lắng nghe, phân định, sống lời Chúa kêu gọi

Năm 2017 - Ðược Chúa Thánh Thần thúc đẩy thi hành sứ mạng truyền giáo

Năm 2016 - Giáo hội là Mẹ của các ơn gọi

Năm 2015 - Xuất hành, kinh nghiệm nền tảng của ơn gọi

Năm 2014 - Các ơn gọi, chứng tá cho chân lý

Đức Bênêđictô XVI:

Năm 2013 - Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng đặt nền tảng trên đức tin

Năm 2012 - Các ơn gọi, ân huệ của Tình Yêu của Thiên Chúa

Năm 2011 - Đề cử các ơn gọi nơi Giáo Hội địa phương

Năm 2010 - Đời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi

Năm 2009 - Tin vào sáng kiến của Thiên Chúa, con người đáp trả

Năm 2008 - Ơn gọi phục vụ Giáo Hội truyền giáo

Năm 2007 - Ơn Gọi là để phục vụ Giáo hội hiệp thông

Năm 2006 - Ơn gọi trong mầu nhiệm của Giáo hội

Đức Gioan Phaolô II:

Năm 2005 - Ðược mời gọi ra khơi

Năm 2004 - Anh em hãy cầu nguyện

Năm 2003 - Đề xướng cho giới trẻ lý tưởng phục vụ


(Cập nhật đến ngày 26.4.2023)


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi-50654


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét