CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B
WHĐ (13.01.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 2 Thường niên năm B.
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 2 Thường niên năm B:
Đức Phanxicô: 17.01.2021 – Không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ với Chúa 14.01.2018 – Hành trình đức tin 14.01.2018 – Bài giảng: Gặp gỡ và đón tiếp Đức Bênêđictô XVI: 15.01.2012 – Vai trò hướng dẫn thiêng liêng |
Bài Ðọc II: 1Cr 6, 13c-15a, 17-20
Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 17.01.2021 – Không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ với Chúa
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa Thường niên (x. Ga 1,35-42) trình bày cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với các môn đệ đầu tiên của Người. Câu chuyện diễn ra gần sông Jordan, hôm sau ngày Chúa Giê-su chịu phép rửa. Chính thánh Gioan Tẩy Giả chỉ cho hai môn đệ của ngài Đấng Cứu Thế khi nói với họ: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (c.36). Và hai môn đệ đó tin tưởng vào lời chứng của thánh Gioan nên đi theo Chúa Giê-su. Nhận ra họ đi theo mình, Chúa Giê-su hỏi họ: “Các anh tìm gì thế?”, và họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (c.38).
Chúa Giê-su không trả lơi: “Thầy ở Caphácnaum hay Nazaret” nhưng nói: “Hãy đến và xem” (c.39). Đức Thánh Cha nhận định: Đây không phải là một tấm thẻ vào cửa nhưng là một lời mời gọi gặp gỡ. Hai môn đệ đi theo Chúa và họ ở lại với Người chiều hôm đó. Không khó để có thể tưởng tượng ra họ ngồi nói chuyện, đặt ra với Chúa những câu hỏi và trên hết là lắng nghe Người, cảm nhận tâm hồn họ càng lúc càng ấm lên khi Thầy Giê-su nói chuyện với họ. Họ cảm nhận được vẻ đẹp của những lời đáp lại niềm hy vọng lớn nhất của họ. Và đột nhiên họ khám phá ra rằng, trong khi bóng chiều buông xuống xung quanh họ, ánh sáng lại bừng lên trong lòng họ, thứ ánh sáng mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Có một điều khiến chúng ta lưu ý: một người trong số họ, 60 năm sau, hoặc có thể hơn, đã viết trong Phúc âm - "lúc đó khoảng 4 giờ chiều" – ông đã viết giờ cụ thể. Và đây là điều khiến chúng ta suy nghĩ: mọi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu đều lưu lại trong ký ức sống động, không bao giờ quên được. Bạn quên nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu vẫn luôn là sự thật. Và sau nhiều năm tháng, người ta vẫn nhớ giờ, không thể nào quên được cuộc gặp gỡ thật hạnh phúc, thật viên mãn này, cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời của họ.
Khi hai môn đệ từ biệt Chúa để trở về với anh em của họ, niềm vui này, ánh sáng tuôn tràn từ trái tim họ như một dòng sông vào mùa mưa lũ. Một trong hai môn đệ là Anrê, nói với em trai mình là Simon - người mà Chúa Giê-su sẽ gọi là Phê-rô: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (c.41). Họ chắc chắn rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a.
Chúng ta dừng lại một chút ở kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Ki-tô, Đấng kêu gọi chúng ta ở lại với Người. Mỗi lời kêu gọi của Thiên Chúa là một sáng kiến tình yêu của Người. Thiên Chúa luôn luôn là Người đi trước, Người yêu thương bạn. Thiên Chúa kêu gọi đến với sự sống, với đức tin, và đến với một cuộc sống cụ thể: Ta muốn con ở đây.
Lời kêu gọi đầu tiên của Thiên Chúa là đến với sự sống, qua đó Người tạo dựng chúng ta thành những con người; nó là một lời kêu gọi cá nhân bởi vì Thiên Chúa không tạo ra mọi thứ hàng loạt. Tiếp đến, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến với đức tin và trở thành một phần trong gia đình của Người, như là con cái của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến với một cuộc sống cụ thể: hiến thân trên con đường hôn nhân, hay đời sống linh mục hoặc đời sống thánh hiến.
Đây là những cách khác nhau để thực hiện kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, luôn là kế hoạch của tình yêu. Và niềm vui lớn nhất đối với mỗi tín đồ là đáp lại lời kêu gọi đó, hiến dâng toàn bộ con người mình để phục vụ Thiên Chúa và các anh chị em.
Anh chị em thân mến,
Trước lời kêu gọi của Chúa, lời kêu gọi có thể đến với chúng ta theo hàng ngàn cách: qua những người khác, những sự kiện vui hay buồn…, đôi khi chúng ta có thể có thái độ từ chối vì nó dường như trái ngược với mong muốn của chúng ta; chúng ta cũng có thể có một thái độ khác, đó là sợ hãi, vì chúng ta tin rằng nó quá đòi hỏi và không thoải mái. Nhưng lời kêu gọi của Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta phải tìm cách tìm thấy tình yêu nằm trong mỗi lời gọi của Chúa và chỉ đáp lại bằng tình yêu. Câu trả lời cho một tiếng gọi phát xuất từ tình yêu thì chỉ có thể là tình yêu. Khởi đầu là một cuộc gặp gỡ, hay nói đúng hơn là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta về Cha của Người; Chúa mặc khải cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha. Và sau đó trong lòng chúng ta sẽ tự động nảy sinh ước muốn thông truyền nó cho những người mà chúng ta yêu thương: “Tôi đã gặp Tình yêu”, “tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”, “tôi đã gặp Thiên Chúa”, “tôi đã gặp Chúa Giê-su”, “tôi đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình”. Tóm lại: "Tôi đã tìm thấy Chúa".
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biến cuộc đời mình thành một bài ca ngợi khen Thiên Chúa để đáp lại lời mời gọi của Người và hoàn thành ý muốn của Người một cách khiêm tốn và vui tươi.
Nhưng chúng ta hãy nhớ điều này: (đối với) mỗi người chúng ta, trong cuộc đời của mình, có một khoảnh khắc mà Thiên Chúa tỏ hiện mạnh mẽ hơn, bằng một lời kêu gọi. Hãy ghi nhớ nó. Chúng ta hãy quay lại khoảnh khắc đó, để ký ức về khoảnh khắc đó luôn làm mới chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.
Nguồn: Vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, huấn dụ ngày 14.01.2018 – Hành trình đức tin
Anh chị em thân mến,
Như trong Lễ Hiển Linh và Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Ga 1,35-42) cũng đề xuất chủ đề về sự tỏ mình ra của Chúa. Lần này chính Gioan Tẩy Giả là người chỉ ra cho các môn đệ biết Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (c. 36), qua đó mời gọi họ đi theo Người. Và vì thế đối với chúng ta: Đấng mà chúng ta đã chiêm ngưỡng trong Mầu nhiệm Giáng sinh, giờ đây chúng ta được mời gọi bước theo trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, Phúc Âm hôm nay dẫn chúng ta vào thời gian phụng vụ thường niên giúp linh hoạt và kiểm thực con đường lòng tin của chúng ta trong cuộc sống thường ngày, vào trong một năng động di chuyển giữa hiển linh và đi theo, giữa tỏ mình và ơn gọi.
Trình thuật Tin Mừng chỉ ra những đặc điểm thiết yếu của hành trình đức tin. Có một hành trình đức tin, và đây là hành trình của các môn đệ trong mọi thời đại, của cả chúng ta nữa, bắt đầu bằng câu hỏi mà Chúa Giêsu hỏi hai người, được Gioan Tẩy Giả thúc giục, lên đường đi theo Người: “Các con tìm gì? ” (câu 38). Đó cũng chính là câu hỏi mà Đấng Phục Sinh đã hỏi Mary Magdalene vào buổi sáng Phục Sinh: “Này bà, bà tìm ai?” (x. Ga 20,15). Mỗi chúng ta, với tư cách là một con người, đều đang tìm kiếm: tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm tình yêu, một cuộc sống tốt đẹp và trọn vẹn. Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta tất cả những điều này nơi Chúa Giêsu, Con của Ngài.
Trong cuộc kiếm tìm đó, thật quan trọng vai trò của một nhân chứng đích thực, của một người đã đi trên con đường ấy và đã gặp Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả là người chứng ấy. Vì thế ngài mới có thể hướng các môn đệ tới Chúa Giêsu là Đấng lôi cuốn các ông vào trong một kinh nghiệm mới khi nói: “Hãy đến và xem!” Và hai môn đệ sẽ không quên vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ này đến độ họ ghi nhớ cả giờ gặp gỡ nữa: “Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều”. Chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu mới làm nảy sinh ra một con đường lòng tin và cuộc đời môn đệ. Chúng ta có thể sống biết bao kinh nghiệm. Thực hiện nhiều điều, thiết định các tương quan với biết bao người, nhưng chỉ có cuộc hẹn hò với Chúa Giêsu, trong giờ Thiên Chúa biết, mới có thể trao ban một ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta, và khiến cho các dự án và sáng kiến của chúng ta được phong phú.
Chỉ xây dựng một hình ảnh về Thiên Chúa theo những gì nghe nói thôi thì không đủ; cần phải kiếm tìm Thầy Chí Thánh và đến nơi Ngài ở. Câu hai môn đệ hỏi :”Lạy Thầy, Thầy ở đâu?” có một ý nghĩa rất mạnh mẽ: nó diễn tả ước mong được biết nơi Thầy ở để có thể ở lại với Thầy. Cuộc sống đức tin hệ tại chỗ ước mong nồng nàn ở lại với Chúa, và vì thế trong một kiếm tìm liên tục nơi Chúa ở. Vì vậy chúng ta được mời gọi thắng vượt một thứ lòng tin theo thói quen và được hạ giá, bằng cách làm sống lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, trong việc suy niệm Lời Chúa, và trong việc lãnh nhận các Bí Tích, để ở với Ngài và đem lại hoa trái nhờ Ngài, với sự trợ giúp và ơn thánh của Ngài.
Tìm kiếm Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu: đây là cuộc hành trình. Tìm kiếm Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu!
Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết định theo Chúa Giêsu, đi đến nơi Ngài ở để lắng nghe Lời sự sống của Ngài, gắn bó với Ngài là Đấng xóa bỏ tội trần gian để tìm lại nơi Ngài niềm hy vọng và sự hứng khởi thiêng liêng.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Phanxicô, Bài giảng lễ nhân Ngày quốc tế di dân và tị nạn 14.01.2018 – Gặp gỡ và đón tiếp
Anh chị em thân mến,
Năm nay tôi muốn cử hành Ngày quốc tế di dân và tị nạn bằng một Thánh lễ mời gọi và chào đón anh chị em, đặc biệt là những người di cư, tị nạn. Một số bạn mới đến Ý, những người khác là cư dân lâu năm và làm việc ở đây, và những người khác vẫn được gọi là “thế hệ thứ hai”.
Đối với tất cả mọi người trong cộng đoàn này, Lời Chúa đã vang vọng và hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu thêm lời mời gọi đặc biệt mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta. Như Chúa đã làm với Samuel (cf. 1 Sm 3:3b-10,19), Chúa gọi đích danh chúng ta - mỗi người chúng ta - và yêu cầu chúng ta tôn vinh sự kiện là mỗi người chúng ta đã được tạo dựng nên một hữu thể độc nhất và không thể lặp lại, mỗi người là khác biệt và có một vai trò riêng trong lịch sử thế giới. Trong Tin Mừng (x. Ga 1,35-42), hai môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu: “Thầy ở đâu?” (c. 38), ngụ ý rằng câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi này sẽ quyết định sự đánh giá của họ đối với vị thầy đến từ Nazareth. Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Hãy đến mà xem!” (c. 39), và mở ra một cuộc gặp gỡ cá nhân đòi hỏi đủ thời gian để chào đón, để biết và thừa nhận người khác.
Trong sứ điệp cho Ngày di cư tỵ nạn hôm nay tôi đã viết: “Mỗi một người ngoại xa lạ gõ cửa nhà chúng ta là một dịp cặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự đồng hoá mình với người ngoại xa lạ được tiếp đón hay bị khước từ thuộc mọi thời đại”. Và đối với người xa lạ, người di cư, tỵ nạn và xin tỵ nạn, thì mỗi một cánh cửa của vùng đất mới cũng là một dịp gặp gỡ Chúa Giêsu. Lời Ngài mời gọi “Hãy đến và xem” cũng được hướng tới tất cả chúng ta, các cộng đoàn địa phương và các người mới tới. Đó là một lời mời gọi thắng vượt các sợ hãi để có thể đi gặp tha nhân, để tiếp đón họ, hiểu biết họ và thừa nhận họ. Đó là một lời mời gọi cống hiến cơ may gần gũi người khác để xem họ ở đâu và sống thế nào.
Trong thế giới ngày nay đối với những người mới tới, thì để tiếp đón, để hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng các luật lệ, nền văn hoá và các truyền thống của các nước tiếp đón họ. Nó cũng có nghĩa là hiểu các sợ hãi và học hỏi cho tương lai. Đối với các cộng đoàn địa phương tiếp đón, hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là rộng mở cho sự phong phú, cho sự khác biệt mà không có các định kiến, hiểu biết các tiềm năng và các niềm hy vọng của những người mới tới, cũng như sự dễ tổn thương và các sợ hãi của họ.
Cuộc gặp gỡ đích thực với người khác không chỉ dừng lại ở việc tiếp đón, nhưng khiến cho tất cả chúng ta dấn thân trong các hoạt động khác, mà tôi đã minh nhiên trong Sứ điệp cho ngày này: che chở, thăng tiến và hội nhập. Trong cuộc gặp gỡ đích thật với người lân cận, chúng ta sẽ có khả thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng xin được tiếp đón, che chở, thăng tiến và hội nhập. Nó sẽ là tiêu chuẩn của ngày phán xét sau hết: Cuộc gặp gỡ đích thật này với Chúa Kitô là suối nguồn của ơn cứu rỗi, một sự cứu rỗi được loan báo và đem tới cho tất cả mọi người như tông đồ Anrê cho chúng ta thấy. Sau khi cho anh mình là Simon biết ông đã tìm thấy Đấng Messia, ông dẫn anh tới với Chúa Giêsu để cho anh có cùng kinh nghiệm gặp gỡ như ông.
Thật không dễ bước vào trong nền văn hoá của người khác, đặt mình trong hoàn cảnh của những người khác biệt với chúng ta, hiểu các tư tưởng và các niềm hy vọng của họ. Và chính vì thế chúng ta thường khước từ sự gặp gỡ với tha nhân và dựng lên các hàng rào để bảo vệ chính mình. Các cộng đoàn địa phương đôi khi sợ các người mới tới quấy rối trật tự đã có, sợ họ ăn trộm cái gì đã được xây dựng một cách vất vả. Cả những người mới tới cũng sợ sự đối chọi, phán đoán, kỳ thị, thất bại. Các nỗi sợ hãi này hợp pháp, vì dựa trên các nghi ngờ dễ hiểu trên bình diện nhân loại. Có các nghi ngờ và sợ hãi không phải là một tội. Tội là để cho các sợ hãi đó xác định các câu trả lời của chúng ta, điều kiện hoá các lựa chọn của chúng ta, làm hại cho sự tôn trọng và lòng quảng đại, nuôi dưỡng sự thù hận và khước từ. Tội là từ chối gặp gỡ người khác, với sự khác biệt, với tha nhân, nhưng thực ra là một dịp đặc ân của sự gặp gỡ với Chúa.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay với Chúa Giêsu nơi người nghèo, người bị gạt bỏ, người tỵ nạn, người xin tỵ nạn làm nảy sinh ra lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay. Một lời cầu nguyện cho nhau giữa các cộng đoàn tiếp đón và người di cư tỵ nạn… Chúng ta hãy phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh các niềm hy vọng của mọi người di cư tỵ nạn trên thế giới để chúng ta tất cả học biết yêu thương tha nhân, yêu thương người xa lạ như chính mình, phù hợp với giới răn bác ái và yêu thương tha nhân của Thiên Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, huấn dụ ngày 15.01.2012 – Vai trò hướng dẫn thiêng liêng
Anh chị em thân mến,
Các bài đọc phụng vụ của Chúa Nhật thứ hai mùa Thường Niên làm nổi bật chủ đề ơn gọi: trong bài Tin Mừng là trình thuật việc Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên; trong bài đọc thứ nhất là ơn gọi của ngôn sứ Sa-mu-en. Thầy cả Ê-li, tư tế nơi đền thờ ở Si-lô, nơi cất giữ hòm bia giao ước trước khi được chuyển về Giê-ru-sa-lem. Một đêm nọ, Sa-mu-en, khi còn là một cậu thiếu niên và đã phục vụ trong đền thờ từ khi còn bé, đã ba lần nghe theo tiếng gọi trong giấc mơ và chạy đến thầy cả Ê-li. Nhưng không phải thầy Ê-li đã gọi cậu. Lần thứ ba, thầy Ê-li nhận ra đó là tiếng Chúa và nói với Sa-mu-en: Nếu Người gọi con, hãy thưa rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1 Sam 3,9). Từ đó, Sa-mu-en học biết cách nhận ra tiếng Chúa và trở thành ngôn sứ cho Người. Trong trường hợp các tông đồ của Chúa Giê-su, vai trò trung gian đến từ thánh Gio-an Tẩy Giả. Trong thực tế, Thánh Gio-an có rất nhiều môn đệ, trong số đó có hai anh em Si-mon và An-rê, Gio-an và Gia-cô-bê, những người chài lưới vùng Ga-li-lê. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giê-su cho những người môn đệ này và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (Ga 1,36), điều này cũng có nghĩa: Đây là Đấng Mê-si-a. Và hai môn đệ đã đi theo Chúa Giê-su, ở lại với Người và chân nhận rằng Người đúng là Đấng Ki-tô. Ngay sau đó, họ giới thiệu Người cho những người khác và như thế nhóm môn đệ đầu tiên được hình thành và dần trở thành nhóm các Tông Đồ.
Từ ánh sáng của những trình thuật trên, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tô quyết định trong việc hướng dẫn thiêng liêng trên bước đường đức tin, và cách đặc biệt, trong việc đáp trả lại ơn gọi thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa và dân của Người. Đức tin Ki-tô giáo, trong bản chất, đã hàm chứa lời loan báo và việc chứng tá. Đức tin này hệ ở việc gắn kết với Tin Mừng rằng Đức Giê-su thành Na-za-rét đã chết và sống lại, Người là Đức Chúa. Cũng như thế, ơn gọi theo chân Chúa Giê-su ngày một gần hơn, loan báo và xây dựng một gia đình để hoà nhập vào đại gia đình Giáo Hội ngang qua việc chứng tá và việc dâng cho Chúa “người con cả”. Trong việc này, vai trò nền tảng thuộc về các bậc cha mẹ, với đức tin tinh tuyền và lòng hoan hỷ, cùng với tình thương yêu, họ minh chứng cho con cái hiểu rằng có thể đặt nền toàn bộ đời sống trên tình yêu Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta cùng cầu nguyện với Mẹ Maria cho tất cả các nhà giáo dục, đặc biệt các linh mục và các bậc phụ huynh, để họ ý thức được tầm quan trọng của mình trong vai trò hướng dẫn thiêng liêng cho người trẻ, không chỉ là để lớn lên trong nhân cách mà còn để đáp lại tiếng gọi của Chúa, để có thể thưa lên rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét