Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 4. Dục vọng
Vũ Văn An
Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại thính Đường Phaolô VI, Thứ tư, 17 tháng 1 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về dục vọng.
Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Và hôm nay chúng ta hãy lắng nghe kỹ bài giáo lý, vì sau đó sẽ có một đoàn xiếc biểu diễn cho chúng ta xem. Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình liên quan đến các thói hư và nhân đức; và các Giáo phụ xưa dạy chúng ta rằng, sau thói tham ăn, con quỷ thứ hai - tức là thói hư - luôn rình rập trước cửa trái tim là lòng tham dục, là dục vọng, tiếng Hy Lạp gọi là porneia. Trong khi tham ăn là phàm ăn đối với đồ ăn, thì tật xấu thứ hai này là một loại ‘ham ăn’ đối với người khác, tức là mối liên kết độc hại giữa con người với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực tình dục.
Anh chị em hãy cẩn thận: trong Kitô giáo không có sự lên án bản năng tình dục. Không có sự lên án. Một cuốn sách trong Kinh thánh, sách Diễm ca, là một bài thơ tuyệt vời về tình yêu giữa hai người yêu nhau. Tuy nhiên, chiều kích tốt đẹp này, chiều kích tính dục, chiều kích tình yêu, của nhân tính chúng ta không phải là không có những nguy hiểm, đến nỗi Thánh Phaolô đã phải đề cập đến vấn đề này trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô viết: “Có tin đồn rằng trong anh em có sự vô luân, và thuộc loại không thấy có nơi dân ngoại” (5:1). Lời khiển trách của Thánh Tông Đồ liên quan chính đến cách xử lý tình dục không lành mạnh của một số Kitô hữu.
Nhưng chúng ta hãy nhìn vào trải nghiệm của con người, trải nghiệm khi yêu. Có rất nhiều cặp mới cưới ở đây: anh chị em có thể nói về điều này. Tại sao mầu nhiệm này lại xảy ra và tại sao nó lại là một trải nghiệm choáng váng như vậy trong cuộc đời con người, không ai trong chúng ta biết. Một người yêu một người khác, việc yêu nhau chỉ là chuyện bình thường. Đó là một trong những thực tế đáng kinh ngạc nhất của hiện hữu. Hầu hết các bài hát anh chị em nghe trên radio đều nói về điều này: những tình yêu tỏa sáng, những tình yêu luôn được tìm kiếm nhưng không bao giờ đạt được, những tình yêu tràn đầy niềm vui, hay những tình yêu hành hạ chúng ta đến mức rơi nước mắt.
Nếu không bị ô nhiễm bởi thói hư thì yêu là một trong những cảm xúc thuần khiết nhất. Người đang yêu trở nên hào phóng, thích tặng quà, viết thư và làm thơ. Họ ngừng suy nghĩ về bản thân để hoàn toàn tập trung vào người khác. Điều này thật đẹp Và nếu anh chị em hỏi một người đang yêu, "Tại sao bạn lại yêu?" họ sẽ không có câu trả lời: Theo nhiều cách, tình yêu của họ là vô điều kiện, không cần lý do. Anh chị em phải kiên nhẫn nếu tình yêu mạnh mẽ ấy lại có chút ngây thơ: những người yêu nhau không thực sự biết rõ bộ mặt của người khác, họ có xu hướng lý tưởng hóa họ, họ sẵn sàng đưa ra những lời hứa mà họ không thể nắm bắt được ngay lập tức. Tuy nhiên, 'khu vườn' nơi những điều kỳ diệu được nhân lên không phải là nơi an toàn khỏi cái ác. Nó bị con quỉ dục vọng làm ô uế, và thói hư này đặc biệt đáng ghê tởm, vì ít nhất hai lý do. Ít nhất là hai.
Thứ nhất, vì nó phá hủy các mối quan hệ giữa người ta. Thật không may, để chứng minh thực tế như vậy, tin tức hàng ngày đã quá đủ. Có bao nhiêu mối quan hệ bắt đầu theo cách tốt đẹp nhất sau đó đã biến thành những mối quan hệ độc hại, chiếm hữu người khác, thiếu tôn trọng và ý thức về giới hạn? Đây là những tình yêu trong đó đức khiết tịnh đã không có: một nhân đức không nên nhầm lẫn với việc kiêng khem tình dục – khiết tịnh là một điều gì đó khác với việc kiêng khem tình dục – nhưng đúng hơn gắn liền với ý chí không bao giờ chiếm hữu người khác. Yêu là tôn trọng người khác, tìm kiếm hạnh phúc cho người khác, trau dồi sự tương cảm với cảm xúc của người đó, đặt mình vào sự hiểu biết một thể xác, một tâm lý và một linh hồn không phải của mình, và các thực tại này phải được chiêm ngưỡng vì vẻ đẹp được chúng mang lại. Đó là tình yêu, và tình yêu thật đẹp. Mặt khác, dục vọng chế giễu tất cả những điều này: dục vọng cưỡng đoạt, nó cướp bóc, nó tiêu thụ một cách vội vàng, nó không muốn lắng nghe người khác mà chỉ muốn nghe theo nhu cầu và khoái cảm của riêng mình; dục vọng đánh giá mọi cuộc tán tỉnh đều nhàm chán, nó không tìm kiếm sự tổng hợp giữa lý trí, động lực và cảm xúc để giúp chúng ta sống cuộc sống một cách khôn ngoan. Kẻ dâm đãng chỉ tìm những lối tắt: họ không hiểu rằng con đường dẫn đến tình yêu phải đi chậm rãi, và sự kiên nhẫn này, không đồng nghĩa với sự nhàm chán, cho phép chúng ta làm cho mối quan hệ yêu đương của mình được hạnh phúc.
Nhưng có lý do thứ hai khiến dục vọng là một thói hư nguy hiểm. Trong số mọi lạc thú của con người, tình dục có tiếng nói mạnh mẽ. Nó liên quan đến tất cả các giác quan; nó cư trú cả trong cơ thể lẫn trong tâm hồn, và điều này rất đẹp; nhưng nếu nó không được kỷ luật một cách kiên nhẫn, nếu nó không được khắc ghi vào một mối quan hệ và trong một câu chuyện mà hai cá nhân biến nó thành một điệu khiêu vũ yêu thương, thì nó sẽ biến thành một sợi dây xiềng xích tước đoạt tự do của con người. Lạc thú tình dục là một món quà từ Thiên Chúa bị phá hoại bởi nội dung khiêu dâm: sự thỏa mãn mà không có mối quan hệ có thể tạo ra các hình thức nghiện ngập. Chúng ta phải bảo vệ tình yêu, tình yêu của con tim, của khối óc, của thể xác, tình yêu thuần khiết trong việc trao hiến chính mình cho người khác. Và đây là vẻ đẹp của giao hợp tình dục.
Chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dục vọng, chống lại việc “vật hóa” người khác, có thể là một nỗ lực suốt đời. Nhưng phần thưởng của cuộc chiến này là quan trọng nhất, bởi vì nó bảo tồn được vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã khắc ghi vào tạo vật của Người khi Người tưởng nghĩ ra tình yêu giữa người nam và người nữ, nhằm mục đích không sử dụng lẫn nhau, nhưng là yêu thương nhau. Vẻ đẹp đó khiến chúng ta tin rằng việc cùng nhau xây dựng một câu chuyện sẽ tốt hơn là đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu – ngoài kia có rất nhiều Don Juan; cùng nhau xây dựng một câu chuyện sẽ tốt hơn là đi tìm những cuộc phiêu lưu; vun trồng sự dịu dàng âu yếm tốt hơn là cúi đầu trước con quỷ chiếm hữu – tình yêu đích thực không chiếm hữu, nó tự trao ban; phục vụ tốt hơn là chinh phục. Bởi nếu không có tình yêu thì cuộc đời buồn bã, nó là nỗi cô đơn buồn bã.
http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2024-01-17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét