Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Định luật hấp dẫn và Chúa Thánh Thần

 Định luật hấp dẫn và Chúa Thánh Thần

Ronald Rolheiser, 2024-01-15

Một thần học lành mạnh và một khoa học lành mạnh đều sẽ công nhận định luật hấp dẫn và Chúa Thánh Thần đồng nhất về nguyên tắc. Không có tinh thần nào khác nâng đỡ vật chất ngoài tâm linh. Có một tinh thần nói thông qua cả luật hấp dẫn và bài giảng trên núi.

Nếu chúng ta nhận ra rằng cùng một Thần hiện diện trong mọi sự, trong tạo dựng vật chất, trong tình yêu, trong vẻ đẹp, trong tính sáng tạo của con người, trong luân lý của con người, thì chúng ta có thể quy tụ nhiều thứ hơn trong một căng thẳng sinh hoa trái thay vì đặt chúng trong thế đối lập và để các ơn ban khác nhau từ Thần của Thiên Chúa giao tranh với nhau. Như vậy nghĩa là gì?

Chúng ta có quá nhiều sự phân rẽ không lành mạnh trong đời. Chúng ta quá thường phải chọn giữa những điều vốn không nên đối lập nhau, và không may chúng ta thường rơi vào tình thế phải chọn một trong hai điều vốn tự thân đều tốt đẹp. Chúng ta sống trong một thế giới quá thường xuyên có cảnh tâm linh đối đầu vật chất, luân lý đối đầu tính sáng tạo, trí tuệ đối đầu giáo dục, chung thủy đối đầu tình dục, lương tâm đối đầu với lạc thú, trung tín đối đầu với nghệ thuật và thành công sự nghiệp.

Rõ ràng là có gì đó không ổn. Nếu một lực là Thần của Thiên Chúa, là nguồn sống duy nhất cho mọi sự này, thì rõ ràng chúng ta không nên rơi vào tình thế phải chọn lựa. Lý tưởng nhất, chúng ta nên chọn cả hai, bởi vì cũng một Thần nâng đỡ cả hai.

Có đúng vậy không? Thánh Thần là nguồn của trọng lực, nguồn của tình yêu? Đúng. Ít nhất, nếu chúng ta tin Kinh Thánh. Kinh Thánh bảo chúng ta, Thánh Thần vừa là lực vật chất vừa là lực tâm linh, nguồn của mọi thứ vật chất và tâm linh cùng một lúc.

Chúng ta gặp Thánh Thần trong dòng đầu tiên của Kinh Thánh: Lúc khởi đầu, đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Trong những chương đầu tiên của Kinh Thánh, Thánh Thần hiện diện như một lực vật chất, một làn gió từ miệng Thiên Chúa, không chỉ hình thành và tạo trật tự cho tạo dựng vật chất, mà còn là một sinh lực nền tảng của mọi sự, cả có sự sống và không có sự sống. Mất đi sinh khí là mọi thứ trở về với cát bụi.

Cổ nhân tin rằng trong mọi sự đều có linh hồn, và linh hồn đó là hơi thở của Thượng đế, giữ mọi thứ lại với nhau và đem lại ý nghĩa cho nó. Dù không hiểu, nhưng họ tin như thế, cũng như chúng ta ngày ngay tin vào sự vận hành của thế giới hạt nguyên tử, cách những hạt nhỏ xíu và những làn sóng năng lượng có điện ái lực, cách hydro tìm đến oxy, cách mà những năng lượng ở mức độ thực tế vật chất căn bản nhất đã có luật hấp dẫn và đẩy nhau hệt như cách con người làm. Cổ nhân không thể giải thích những điều này về mặt khoa học như chúng ta, nhưng như chúng ta, họ nhận ra rằng trong mọi sự đã có một dạng “tình yêu” dù là vô tri vô giác. Họ quy mọi chuyện này về hơi thở của Thượng đế, một làn gió từ miệng Thượng đế và cuối cùng ban sự sống cho đá, nước, động vật và con người.

Họ hiểu được, luồng hơi đem lại sự sống và tạo trật tự cho tạo dựng vật chất cũng là nguồn của mọi khôn ngoan, hòa hợp, bình an, sáng tạo, luân lý và trung tín. Hơi thở của Thiên Chúa được xem là vừa tinh thần vừa vật chất, vừa hợp nhất vừa sáng tạo, vừa khôn ngoan vừa táo bạo. Với cổ nhân, hơi thở của Thiên Chúa là một lực và không tự mâu thuẫn. Thế giới vật chất và thế giới không nên đối đầu nhau. Chúng ta hiểu, cùng một Thần là nguồn của cả hai.

Và chúng ta cần hỏi mọi sự theo cùng cách đó. Chúng ta cần để Thánh Thần trọn vẹn thổi sinh khi vào cuộc sống chúng ta. Ý nghĩa cụ thể của điều này là chúng ta không được để mình lấy sinh lực và động lực quá nhiều từ một phần của Thần đến mức làm tổn hại đến những phần khác của cùng một Thần.

Do đó, không nên có sáng tạo mà thiếu luân lý, giáo dục mà thiếu khôn ngoan, tình dục mà thiếu sự chung thủy, lạc thú mà thiếu lương tâm, và thành tựu sự nghiệp hay nghệ thuật mà thiếu sự trung tín cá nhân. Không kém quan trọng, cũng không nên có cuộc sống tốt đẹp cho một số người mà thiếu đi công lý cho tất cả mọi người. Nhưng ngược lại, chúng ta cần hoài nghi bản thân khi mình đạo đức mà thiếu sáng tạo, khi khôn ngoan của chúng ta sợ nền giáo dục phê phán, khi tâm linh của chúng ta thấy có vấn đề với lạc thú, và khi sự trung tín cá nhân của chúng ta quá đề phòng trước nghệ thuật và thành tựu. Một Thần là tác giả của mọi sự này. Do đó, chúng ta phải nhạy cảm tương đồng với một trong số chúng.  Có người từng nói, dị giáo là một thứ đúng chín phần mười. Vấn đề của chúng ta với Thánh Thần cũng vậy. Khi không chấp nhận sự liên kết giữa luật hấp dẫn và bài giảng trên núi thì chúng ta luôn mãi tập trung vào sự thật cục bộ.

J.B. Thái Hòa dịch
https://phanxico.vn/2024/01/20/dinh-luat-hap-dan-va-chua-thanh-than/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét