Người Công Giáo có buộc phải đồng
ý với Đức Giáo hoàng không?
Morgane Afif (Aleteia)
ALETEIA – Một người Công Giáo có
bị buộc phải đồng ý với Đức Giáo hoàng về mọi mặt không? Không tuân theo lời
ngài có phải là một tội không? Còn những văn bản chính thức được Vatican công bố
thì sao? Cha Cédric Burgun, giáo sư tại Khoa Giáo luật ở Paris, giúp soi sáng vấn
đề: đặt ra cho mình những câu hỏi trong lương tâm, tòa trong của mình, là một
chuyện; gieo rắc sự chia rẽ một cách công khai giữa những người Công giáo và chống
đối Đức Giáo hoàng Phanxicô một cách có hệ thống là một chuyện khác.
Người Công Giáo có luôn bị buộc
phải đồng ý với Đức Giáo hoàng không? Tuyên ngôn Fiducia Supplicans đã gây xôn
xao và chia rẽ người Công Giáo. Có phải là tội khi không tuân theo các quyết định
của Đức Thánh Cha trong mọi hoàn cảnh? Cha Cédric Burgun, tiến sĩ giáo luật giải
thích: “Điều đó tùy thuộc vào các mức độ huấn quyền”. Điều 750 của Bộ Giáo Luật
thiết lập:
§1. Phải tin với đức tin thần khởi
và Công Giáo tất cả những gì hàm chứa trong Lời Chúa đã được viết ra hay được
truyền lại, tức là trong kho tàng đức tin duy nhất đã được trao cho Giáo Hội,
và đồng thời được trình bày như là do Chúa mạc khải hoặc bởi huấn quyền long trọng,
hoặc bởi huấn quyền thông thường và phổ quát của Giáo Hội, tức là những gì được
biểu lộ do sự gắn bó chung của các Ki-tô hữu dưới sự hướng dẫn của huấn quyền
thánh; bởi thế, mọi người buộc phải tránh bất cứ học thuyết nào nghịch lại với
điều ấy.
§2. Phải kiên quyết đón nhận và
cũng phải tuân giữ tất cả và từng điều có liên quan đến đức tin và luân lý, mà
huấn quyền Giáo Hội đã trình bày một cách dứt khoát, tức là buộc phải có những
điều ấy để sốt sắng tuân giữ và trình bày cách trung thực kho tàng đức tin đó;
người nào dứt khoát từ chối tuân giữ những mệnh đề ấy là chống lại học thuyết của
Giáo hội Công Giáo.
“Do đó, khoản giáo luật này nhắc
nhở chúng ta rằng có những điều mà chúng ta có thể gọi là các mức độ huấn quyền
vốn không nhất thiết đòi hỏi sự gắn bó giống nhau: có những ‘điểm’ đức tin của
chúng ta mà chúng ta phải tin, đức tin thần khởi và Công giáo, và do đó chúng
ta buộc phải tuân theo”. Theo §1, người ta buộc phải tuân theo những gì liên
quan đến huấn quyền long trọng hoặc thông thường, nghĩa là giáo huấn của Giáo hội
về các chân lý đức tin và luân lý.
Chính trị hay huấn quyền ?
Giáo sư nói rõ: “Điều này bao gồm,
trong số những điều khác, ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng, nhưng không chỉ có
vậy”. “Một số tín điều được công bố không hề đòi buộc tính bất khả ngộ của Đức
Giáo hoàng. Các công đồng cũng thuộc về tính bất khả ngộ, theo điều 749, §2:
“Giám mục đoàn cũng được ơn bất khả ngộ trong quyền giáo huấn, khi các Giám mục
hội họp trong Công đồng chung thi hành quyền giáo huấn với tư cách là thầy dạy
và là thẩm phán về đức tin và luân lý, khi các ngài tuyên bố toàn thể Giáo hội
phải dứt khoát tuân giữ một học thuyết liên quan đến đức tin hay luân lý”. Huấn
quyền của Công đồng vì thế là một huấn quyền long trọng: do đó, người Công giáo
buộc phải tuân theo mọi điều được tuyên bố trong đó”. Do đó, có những chủ đề mà
Đức Giáo hoàng phát biểu nhưng không nhất thiết thuộc về huấn quyền long trọng
của Giáo hội: nếu Đức Giáo hoàng có quan điểm về một chủ đề chính trị vốn vẫn
còn được tranh luận trong thần học, trong học thuyết xã hội hoặc luật pháp, thì
người ta có thể không đồng ý với ngài trong khi vẫn trung thành với Giáo hội
Công giáo.
Cha Cédric Burgun nói thêm: “Nếu
bạn không đồng ý với Đức Giáo hoàng về một điểm chưa được huấn quyền quyết định,
thì đó không phải là một tội. Trái lại, nếu bạn không đồng ý với Đức Giáo hoàng
về một điểm của huấn quyền, thì trước tiên bạn không đồng ý với Đức Giáo hoàng;
bạn không đồng ý với huấn quyền của Giáo hội, điều này đặt ra một vấn đề liên
quan đến sự hiệp thông trong đức tin mà chúng ta buộc phải sống với Giáo hội.”
Vì vậy, đặt ra cho mình những câu hỏi trong lương tâm, tòa trong của mình, là một
chuyện; gieo rắc sự chia rẽ một cách công khai giữa những người Công Giáo và chống
đối Đức Giáo hoàng Phanxicô một cách có hệ thống là một chuyện khác, bởi vì đó
là Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Phá hoại sự hiệp thông của Giáo
hội
Giáo sư nhấn mạnh: “Có những sự
đối lập nuôi dưỡng những khuynh hướng ly giáo hoặc lạc giáo”. “Trong giáo luật,
một hành vi ly giáo là chống lại việc lãnh đạo của Giáo hội, trong khi lạc giáo
là một sự phủ nhận ngoan cố đối với một chân lý của đức tin (và bội giáo là từ
chối toàn bộ đức tin). Điều 205 yêu cầu mọi tín hữu phải duy trì sự hiệp thông
trọn vẹn với Giáo hội thông qua ‘những dây liên kết của việc tuyên xưng đức
tin, của các bí tích và của việc lãnh đạo của Giáo hội’. Điều làm tổn thương một
trong những dây liên kết này ít nhất là tội đối với Thiên Chúa và Giáo hội của
Ngài. §1 của điều 1364, trong luật hình sự của giáo luật, quy định rằng ‘Người
bội giáo, lạc giáo hay ly giáo đều bị vạ tuyệt thông tiền kết’.”
Việc đặt ra cho bản thân những
câu hỏi rõ ràng không phải là một điều xấu tự nó. Tuy nhiên, cha Cédric Burgun
nói thêm: “Trái lại, nếu việc chất vấn này hoặc thậm chí là sự bất đồng trong
lương tâm chuyển thành hành vi khinh thường, nghi ngờ hoặc ly giáo; nếu suy tư
trở thành một hành động nổi loạn chống lại Đức Thánh Cha, thì, lúc đó, cần phải
tự vấn về cách thức mà chúng ta hiểu về mối liên kết của chúng ta với Giáo hội
Công giáo”. “Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào mức độ huấn quyền: nếu Đức Giáo
hoàng giải thích tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, thì điều đó không giống
như việc đưa ra một quan điểm, chẳng hạn như trong khuôn khổ một bài giảng lễ,
về vấn đề nhập cư”.
Cái xấu không phải là việc đặt
câu hỏi tự nó, nhưng là những gì chúng ta làm với nó: chúng ta cố chấp phản đối
đến mức độ nào và chúng ta bộc lộ sự bất đồng của mình đến mức độ nào và như thế
nào? Chúng ta có tìm những phương tiện để đào sâu suy tư của Đức Thánh Cha mà
chúng ta không đồng ý không? “Thật dễ dàng để có một phản xạ bản năng tức thời
vốn hệ tại nói ‘Vì chính Phanxicô là người nói điều đó, nên tôi không đồng
ý’.”, cha Cédric Burgun nhấn mạnh và đồng thời nhắc lại rằng “một người Công
giáo thường xuyên bất đồng với Đức Thánh Cha sẽ phá hoại sự hiệp thông và hiệp
nhất của Giáo hội”.
________________
Tý Linh chuyển ngữ
Nguồn: xuanbichvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét