Trang

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

“Tôi lên tiếng bảo vệ Đức Phanxicô”

 Thần học gia Brazil Leonardo Boff: “Tôi lên tiếng bảo vệ Đức Phanxicô”

Sau 10 năm bị tấn công dữ dội vào việc chăm sóc mục vụ dịu dàng của Đức Phanxicô, thần học gia Brazil Leonardo Boff lên tiếng bảo vệ ngài.



Thần học gia Brazil Leonardo Boff

religiondigital.org, Leonardo Boff, 2024-01-14

Đức Phanxicô không mang giày Prada

Kể từ khi bắt đầu triều của ngài 10 năm trước, Đức Phanxicô đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ các tín hữu kitô theo chủ nghĩa truyền thống và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, hầu hết đều đến từ miền Bắc thế giới, Hoa Kỳ và châu Âu.

“Đã có lúc, trong một tranh luận chính trị với các giáo dân giàu có ở Bắc Mỹ, họ lập một âm mưu với ngân quỹ hàng triệu đô la để truất phế ngài, như thể Giáo hội là một công ty và giáo hoàng là giám đốc điều hành. Tất cả đều vô ích. Ngài tiếp tục con đường của ngài theo tinh thần các mối phúc thật của những người bị đàn áp.


“Có nhiều lý do dẫn đến cuộc tấn công: lý do địa chính trị, tranh chấp quyền lực, lối sống như một mục tử, một tầm nhìn khác về Giáo hội và lo lắng cho Ngôi nhà chung”

“Từ vùng ngoại vi thế giới, từ miền Nam vĩ đại, tôi lên tiếng bảo vệ Đức Phanxicô. Chúng ta hãy so sánh các con số: chỉ có 21,5% người công giáo sống ở châu Âu, 82% sống ngoài châu Âu, 48% ở Mỹ. Vì vậy, chúng tôi chiếm đa số. Trong suốt hơn 500 năm đã có một cuộc hình thành giáo hội, một cách khác để trở thành một Giáo hội, một nguồn gốc của Giáo hội: được nhập thể vào văn hóa bản địa-da đen-lai và những người nhập cư từ các dân tộc của 60 quốc gia khác nhau”

Một câu hỏi địa chính trị nảy sinh ở đây. Những người bảo thủ Mỹ và người châu Âu, ngoại trừ các tổ chức hợp tác đoàn kết công giáo đáng chú ý (Miserior, Adveniat, Brot für die Welt, trong số những tổ chức khác), nuôi dưỡng thái độ coi thường chủ quyền đối với miền Nam, đặc biệt là với châu Mỹ Latinh.

Thể chế lớn lao của Giáo hội là đồng minh của chế độ thuộc địa, đồng phạm của nạn diệt chủng bản địa (trong vòng chưa đầy 60 năm, 61 triệu người bản địa đã bị giết hoặc chết vì bệnh da trắng) và là người tham gia chế độ nô lệ (chỉ riêng ở Brazil đã có 5 triệu người bị bắt làm nô lệ). Một Giáo hội thuộc địa đã được thành lập ở đây, một tấm gương phản chiếu của Giáo hội châu Âu.

Nhưng hơn 500 năm qua, bất chấp sự tồn tại dai dẳng của một Giáo hội gương mẫu, vẫn có một giáo hội khác hình thành, nguồn gốc của một cách thức khác để trở thành một Giáo hội, Giáo hội-nguồn: được nhập thể vào nền văn hóa bản địa-da đen-lai và của người nhập cư từ các dân tộc của 60 quốc gia khác nhau.




Từ sự kết hợp này, phong cách thờ phượng Thiên Chúa và cử hành của họ đã ra đời, tổ chức mục vụ xã hội cùng với những người bị áp bức đang đấu tranh giải phóng họ, đưa ra một thần học phù hợp với thực tiễn giải phóng và bình dân của mình. Họ có các tiên tri, các cha giải tội, các nhà thần học, các thánh nam nữ, và nhiều vị tử đạo, trong đó có tổng giám mục San Salvador, Oscar Arnulfo Romero.

Phong cách Giáo hội này được biểu hiện rõ nhất trong các cộng đồng giáo hội cơ bản, nơi chiều kích hiệp thông bình đẳng được thực hiện, tất cả giáo dân, cùng với các điều phối viên nam nữ, các linh mục, các giám mục ở giữa dân chúng, không bao giờ quay lưng lại với người dân với tư cách là những người có thẩm quyền trong Giáo hội, nhưng là mục tử ở bên cạnh giáo dân, với “mùi chiên”, với sứ mệnh là “người bảo vệ và nâng đỡ người nghèo” như Giáo hội sơ khai đã nói.

“Các giáo hoàng và các cơ quan có thẩm quyền giáo lý của Vatican, đặc biệt dưới thời các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI đã cố gắng hạn chế và thậm chí lên án cách thức trở thành Giáo hội như vậy… cho đến khi Đức Phanxicô xuất hiện”.

Các giáo hoàng và các nhà chức trách về học thuyết của Vatican, đặc biệt dưới thời các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI đã cố gắng hạn chế và thậm chí lên án cách thức trở thành Giáo hội như vậy, thường họ lập luận họ không phải là Giáo hội như vậy vì họ không thấy ở họ sự phân cấp thứ trật và phong cách la-mã hay chỉ là các yếu tố giáo hội, như hồng y Joseph Ratzinger lúc đó đã nêu lên trong tuyên ngôn Dominus Jesus (2000), đã ảnh hưởng tiêu cực đến chủ nghĩa đại kết.

Mối đe dọa đó kéo dài trong nhiều năm cho đến khi cuối cùng, hình ảnh giáo hoàng Phanxicô xuất hiện. Ngài xuất thân từ văn hóa của giáo hội mới này, thể hiện rõ qua lựa chọn ưu tiên, không loại trừ người nghèo và từ các khía cạnh khác nhau của thần học giải phóng đi kèm, đặc biệt ở Argentina: “Lựa chọn dành cho người dân và cho những người im lặng”. Ngài đã mang sự hợp pháp cho cách sống đức tin kitô giáo này, đặc biệt trong những hoàn cảnh bị áp bức nặng nề.

Nhưng điều làm cho những người theo chủ nghĩa truyền thống không bằng lòng là phong cách thực thi thừa tác vụ hiệp nhất của Giáo hội. Giáo hội không còn mang hình ảnh một giáo hoàng cổ điển, mặc phẩm phục biểu tượng ngoại giáo lấy từ các hoàng đế la-mã, đặc biệt là chiếc áo choàng ngắn “mozzeta” đỏ nổi tiếng, chiếc ghế biểu tượng quyền lực tuyệt đối của hoàng đế và giáo hoàng. Đức Phanxicô nhanh chóng loại bỏ những chuyện này, ngài chỉ mặc chiếc “mozzeta” màu trắng giản dị như nhà tiên tri vĩ đại Helder Câmara của Brazil và cây thánh giá sắt thô sơ không trang điểm.




Ngài không sống ở dinh tông tòa, ngài sống khó nghèo như Thánh Phanxicô ở Nhà Thánh Marta. Ở đó, ngài xếp hàng đi lấy thức ăn và ăn cùng phòng với mọi người. Một chút hài hước, chúng ta có thể nói đầu độc ngài ở đây khó hơn. Ngài không đi giày Prada, chỉ đi đôi giày cũ chỉnh hình đã mòn.

Điều làm cho những người theo chủ nghĩa truyền thống không bằng lòng là phong cách thực hành thừa tác vụ hiệp nhất của ngài… Ngài từ chối sống ở dinh tông tòa, không mang giày hiệu Prada, ngài nói rõ ngài không cai trị Giáo hội bằng giáo luật nhưng bằng tình yêu thương và sự dịu dàng.

Trong danh bạ giáo hoàng có một trang nói về việc dùng các tước hiệu kính trọng cho các giáo hoàng, Đức Phanxicô đơn giản bỏ tất cả, ngài chỉ viết Franciscus, pontifex. Một trong những tuyên bố đầu tiên của ngài, ngài nói rõ ngài sẽ không cai trị Giáo hội bằng giáo luật nhưng bằng tình yêu và sự dịu dàng. Ngài lặp đi lặp lại vô số lần, ngài muốn một Giáo hội nghèo của người nghèo.

Toàn bộ vấn đề lớn của tổ chức vĩ đại của Giáo hội nằm ở chỗ, kể từ khi các hoàng đế Constantine và Theodosius, và kể từ khi những người giàu có và trí thức gia nhập Giáo hội, khi nắm giữ quyền lực chính trị, họ đã biến quyền lực thành quyền lực thiêng liêng (sacra potestas). Quá trình đó lên đến đỉnh cao với giáo hoàng Gregory VII (1075) với sắc lệnh Dictatus Papae, được dịch chính xác là “Chế độ độc tài của giáo hoàng”.


Như nhà giáo hội học vĩ đại Jean-Yves Congar (1904-1995) đã nói, với Giáo hoàng Gregory VII, sự thay đổi mang tính quyết định nhất trong Giáo hội vốn tạo ra rất nhiều vấn đề và chưa bao giờ được giải thoát đã được củng cố: việc thực thi quyền lực tập trung, độc tài và thậm chí chuyên chế. Trong 27 đề nghị của sắc chỉ, Giáo hoàng được cho là chúa tể tuyệt đối của Giáo hội, chúa tể duy nhất và tối cao của thế giới, là người có thẩm quyền tối cao trong lãnh vực tâm linh và trần thế. Điều này chưa bao giờ là điều đáng tiếc.

Chỉ cần đọc Điều 331 trong đó nói “Mục tử của Giáo hội hoàn vũ có quyền bình thường, tối cao, đầy đủ, trực tiếp và phổ quát” là đủ. Điều chưa từng có: nếu chúng ta bỏ từ ngữ Mục tử của Giáo hội hoàn vũ và đặt Chúa vào, thì như thế là hoàn hảo.

Ngoài Chúa, ai có thể tuyên bố sự tập trung quyền lực như vậy? Điều quan trọng vẫn là trong lịch sử các giáo hoàng đã có một đỉnh cao của chủ nghĩa pharaô quyền lực: từ là người kế vị Thánh Phêrô, là đại diện của Thánh Phêrô cho đến trở thành đại diện Chúa Kitô. Và như thế vẫn chưa đủ, những người đại diện cho Chúa, thậm chí còn được gọi là thượng đế nhỏ trên trần thế, deus minor in terra.

“Sự phẫn nộ của những người bảo thủ và phản động được thể hiện rõ trong quyển sách của 45 tác giả xuất bản tháng 10 năm 2021: Từ hòa bình của Bênêđictô đến cuộc chiến của Phanxicô ( (From Benedict’s Peace to Francis’s War)), do ông Peter A. Kwasniewski tổ chức. Chúng ta sẽ nói lại như thế này: Từ hòa bình của những kẻ ấu dâm của Bênêđictô (được ngài che đậy) đến cuộc chiến chống những kẻ ấu dâm của Phanxicô (bị ngài lên án).

Ở đây sự ngạo mạn của người Hy Lạp đã được hiện thực hóa và điều mà triết gia Thomas Hobbes (1588-1679) đã xác nhận trong quyển Leviathan của ông: “Tôi đưa ra, như một xu hướng chung cho tất cả mọi người, khao khát quyền lực vĩnh viễn và không ngừng nghỉ về quyền lực và nhiều quyền lực hơn, điều này chỉ chấm dứt khi chết. Lý do của nó ở chỗ quyền lực không thể được đảm bảo nếu không tìm kiếm thêm quyền lực.” Thể chế vĩ đại của Giáo hội nhận thức đầy đủ những gì Hobbes đã mô tả. Vì thế đó là quỹ đạo của Giáo hội công giáo liên quan đến quyền lực, vẫn tồn tại cho đến ngày nay, là nguồn tranh cãi với các Giáo hội kitô giáo khác và cực kỳ khó khăn trong việc thừa nhận các giá trị nhân văn của thời hiện đại. Còn nhiều năm ánh sáng nữa mới có thể nhìn thấy Chúa Giêsu muốn một quyền lực-phục vụ (hierodulia) chứ không phải một quyền lực-thứ bậc (hierarquia).

Đức Phanxicô tránh xa tất cả những điều này, điều này rõ ràng gây phẫn nộ cho những người bảo thủ và phản động, được thể hiện rõ trong quyển sách của 45 tác giả xuất bản tháng 10 năm 2021: Từ hòa bình của Bênêđictô đến cuộc chiến của Phanxicô, do ông Peter A. Kwasniewski tổ chức. Chúng ta sẽ nói lại như thế này: Từ hòa bình của những kẻ ấu dâm của Bênêđictô (được ngài che đậy) đến cuộc chiến chống những kẻ ấu dâm của Phanxicô (bị ngài lên án). Được biết, một tòa án ở Munich, cả giáo hội và nhà nước, đã tìm thấy bằng chứng buộc tội Đức Bênêđictô XVI khi ngài còn là hồng y, vì đã khoan hồng cho các linh mục ấu dâm. Ngài qua đời trước khi các thẩm phán dân sự của Munich định thẩm vấn ngài ở Castelgandolfo.

Có một vấn đề về địa chính trị giáo hội: những người theo chủ nghĩa truyền thống bác bỏ một giáo hoàng đến “từ nơi tận cùng thế giới”, người mang một phong cách khác đến trung tâm quyền lực Vatican, người gần hang đá Bêlem hơn là các cung điện của các hoàng đế. Nếu Chúa Giêsu hiện ra với một giáo hoàng đang đi dạo trong các vườn Vatican, chắc chắn Ngài sẽ nói: “Phêrô (giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô), Ta sẽ không bao giờ xây Giáo hội của Ta trên những viên đá nguy nga này.” Sự mâu thuẫn này đã được Đức Phanxicô thực hiện khi ngài từ bỏ phong cách cung điện hoàng gia.


Trên thực tế, có một cuộc xung đột về địa chính trị tôn giáo, giữa Trung tâm, mất quyền bá chủ về số lượng và về sự lan tỏa, nhưng vẫn duy trì thói quen thực thi quyền lực độc tài với vùng ngoại vi mà đa số là người công giáo với các nhà thờ mới, với phong cách sống mới đức tin năng động và cuộc đối thoại thường xuyên với thế giới, đặc biệt là với những người bị nguyền rủa trên Trái đất, những người luôn có lời để nói về những vết thương chảy máu trên thân xác của những kẻ bị đóng đinh, hiện diện nơi những người nghèo khổ và bị áp bức và phải được gỡ bỏ khỏi cây thánh giá.

“Có lẽ điều làm cho các kitô hữu bận tâm nhất khi bị mắc kẹt trong quá khứ là tầm nhìn về Giáo hội của giáo hoàng. Không phải là một Giáo hội lâu đài, khép kín trong các giá trị và giáo lý của mình, mà là một Giáo hội luôn là ‘bệnh viện dã chiến’ trên đường đến các vùng ngoại vi hiện sinh”.

Giáo hội chào đón tất cả mọi người mà không hỏi về tín ngưỡng hay hoàn cảnh đạo đức của họ. Chỉ cần họ là những con người đang tìm kiếm sự sống và phải chịu đựng những nghịch cảnh của thế giới toàn cầu hóa, bất công, tàn nhẫn, không thương xót này là đủ.

Ngài trực tiếp lên án hệ thống coi tiền tệ là trung tâm nhưng lại gây tổn hại đến mạng sống con người và thiên nhiên. Ngài đã tổ chức một số cuộc họp toàn cầu với các phong trào quần chúng. Ngài nói rõ ràng: “Hệ thống (tư bản) này, với logic không thể thay đổi của nó, đã thoát khỏi sự kiểm soát của con người. Chúng ta phải nỗ lực để có thêm công lý và hủy bỏ hệ thống chết chóc này.” Ngài mạnh mẽ lên án trong Thông điệp Fratelli Tutti.

Nó được hướng dẫn bởi một trong những đóng góp to lớn của thần học Châu Mỹ Latinh: vị trí trọng tâm của Chúa Giêsu trong lịch sử, nghèo khó, đầy dịu dàng với những người đau khổ, luôn ở bên những người bị khinh thường và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đức Phanxicô tôn trọng các tín điều và giáo lý, nhưng không phải qua chúng mà ngài chạm tới trái tim mọi người, nhưng qua sự gần gũi, dịu dàng và yêu thương.

Theo ngài, Chúa Giêsu đến để dạy cách sống: tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa-Abba, sống một tình yêu không điều kiện, tình liên đới, lòng thương xót với những người ngã trên đường, quan tâm đến những gì được tạo dựng, của cải là nội dung của thông điệp trọng tâm của Chúa Giêsu: Nước Thiên Chúa.

Đức Phanxicô rao giảng không mệt mỏi về lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa dùng để cứu con cái Ngài, vì Chúa không để mất bất kỳ ai trong số con cái của Ngài, hoa trái tình yêu của Ngài, “Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11:26). Đó là lý do tại sao Đức Phanxicô khẳng định “dù ai đó có bị sự ác làm tổn thương đến đâu, họ cũng không bao giờ bị kết án trên trái đất này là phải xa cách Thiên Chúa mãi mãi”. Trong Tông sắc Dung mạo Lòng thương xót (Misericordiae Vultus 2015-2016), Đức Phanxicô đã nói rõ: “Lòng thương xót sẽ luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ”.

“Lòng thương xót sẽ luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào và không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ”.

Lòng thương xót kêu gọi tất cả mục tử chăm sóc mục vụ với sự dịu dàng và tình yêu vô điều kiện, được tóm tắt bởi một nhà lãnh đạo bình dân của cộng đồng cơ sở: “Linh hồn không có biên giới, không có sự sống nào là xa lạ.” Giống như một ít người trên thế giới, ngài cam kết hỗ trợ những người di cư từ Phi châu, Trung Đông và bây giờ là từ Ukraine. Trong thời kỳ đen tối của nạn diệt chủng thực sự ở Dải Gaza, ngài kêu gọi hòa bình, ôn hòa và chấm dứt chiến tranh. Ngài lấy làm tiếc những người thời hiện đại chúng ta đã mất khả năng khóc, khả năng cảm nhận nỗi đau của người khác và, giống như người Samaritanô nhân hậu, khả năng giúp đỡ khi người khác bị bỏ rơi.

Tác phẩm quan trọng nhất thể hiện mối quan tâm đến tương lai sự sống của con người trên Trái đất là Thông điệp Laudato si’, thực hiện ý nghĩa thực sự của nó trong phụ đề “chăm sóc Ngôi nhà chung” gởi đến toàn nhân loại. Không phải chỉ xây dựng một hệ sinh thái xanh, nhưng một hệ sinh thái toàn diện bao gồm môi trường, xã hội, chính trị, văn hóa, cuộc sống hàng ngày và thế giới tinh thần.

Thông điệp ghi nhận những đóng góp an toàn nhất cho Trái đất và khoa học sự sống, đặc biệt là vật lý lượng tử và vũ trụ học, thực tế là “vạn vật đều liên quan đến vạn vật và gắn kết chúng ta bằng tình cảm với Mặt trời, Mặt trăng thân thương, với tình huynh đệ và với Đất Mẹ” như ngài nói một cách thi vị trong Laudato si’ (n.92; 86). Lãnh vực chăm sóc và đồng trách nhiệm tập thể hoàn toàn chiếm vị trí trung tâm đến mức Fratelli tutti nói rằng “chúng ta ở trên cùng một con thuyền: hoặc tất cả chúng ta đều được cứu hoặc không ai được cứu” (n.34).

Chúng tôi, người Châu Mỹ Latinh rất biết ơn ngài vì ngài đã triệu tập Thượng hội đồng Amazon thân yêu để bảo vệ quần thể sinh vật rộng lớn mà toàn Trái đất quan tâm và cách Giáo hội nhập thể vào khu vực rộng lớn bao gồm chín quốc gia và có quyền có một khuôn mặt bản địa.

Những tên tuổi lớn trong lãnh vực sinh thái thế giới đã tuyên bố: với sự đóng góp này, Đức Phanxicô đặt mình vào vị trí hàng đầu trong cuộc thảo luận về sinh thái đương đại.

“Gần như tuyệt vọng, nhưng vẫn tràn đầy hy vọng, ngài đề xuất một con đường cứu vãn: tình huynh đệ phổ quát và tình yêu xã hội như những trục cấu trúc cho một xã hội sinh học mà trên đó chính trị, kinh tế và mọi nỗ lực của con người đều dựa vào”.

Gần như tuyệt vọng, nhưng vẫn tràn đầy hy vọng, ngài đề xuất một con đường cứu vãn: tình huynh đệ phổ quát và tình yêu xã hội như những trục cấu trúc cho một xã hội sinh học mà trên đó chính trị, kinh tế và mọi nỗ lực của con người đều dựa vào.

Đó là việc chuyển từ mô hình dominus (con người ở bên ngoài và bên trên thiên nhiên với tư cách là chủ nhân và chủ nhân của nó) sang mô hình của người anh em, tất cả anh chị em, với tất cả các sinh vật trong thiên nhiên và giữa chúng ta, những con người.

Chúng ta không có nhiều thời gian, cũng không có đủ khôn ngoan tích lũy cho cuộc hành trình từ dominus đến huynh đệ này và cho giấc mơ của giáo hoàng: giải pháp thay thế thực sự để tránh con đường không quay trở lại.

Đức Phanxicô bước một mình qua Quảng trường Thánh Phêrô dưới làn mưa nhẹ trong thời đại dịch, sẽ vẫn là một hình ảnh không thể xóa nhòa và là biểu tượng cho sứ mệnh của ngài với tư cách Mục tử quan tâm và cầu nguyện cho số phận nhân loại.



Đức Phanxicô cầu nguyện cho đại dịch ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 28 tháng 3-2020

“Chúng ta vừa bước đi vừa ca hát. Ước mong các nỗ lực và mối quan tâm của chúng ta với hành tinh này không lấy đi niềm vui hy vọng” (n.244)

Có lẽ đây là một trong những câu cuối của Thông điệp Laudato si’ nói lên tất cả lạc quan và niềm hy vọng ngoài mọi hy vọng: “Chúng ta vừa bước đi vừa ca hát. Ước mong các nỗ lực và mối quan tâm của chúng ta với hành tinh này không lấy đi niềm vui hy vọng.

Những ai lên án không thương tiếc những thái độ hết sức nhân đạo của Đức Phanxicô, nhân danh một kitô giáo cằn cỗi, bị biến thành một thứ hóa thạch của quá khứ, một thùng chứa nước chết, hẳn là kẻ thù của chính tính nhân bản của họ. Những tấn công dữ dội họ chống ngài, có thể là gì cũng được nhưng không phải để chống tinh thần kitô và Phúc âm.

Đức Phanxicô chịu đựng với sự khiêm nhường của Thánh Phanxicô Assisi và những giá trị của Chúa Giêsu. Đó là lý do vì sao ngài rất xứng đáng với danh hiệu truyền thống do thái giáo tốt đẹp nhất, “người công chính giữa các dân tộc”, mục tử thực sự của dân Chúa hoàn vũ, được ngài khích lệ, họ vượt qua những thời điểm bi thảm và đầy đe dọa này.

“Những ai lên án không thương tiếc những thái độ hết sức nhân đạo của Đức Phanxicô, nhân danh một kitô giáo cằn cỗi, bị biến thành một thứ hóa thạch của quá khứ, một thùng chứa nước chết, hẳn là kẻ thù của chính tính nhân bản của họ”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

https://phanxico.vn/2024/01/18/than-hoc-gia-brazil-leonardo-boff-toi-len-tieng-bao-ve-duc-phanxico/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét