Chương VIII. Những tấm khăn Khổ Nạn

Tôi tin rằng nay là lúc nên chuyển sang một chủ đề khác, mặc dù chủ đề này phần nào bổ sung cho chủ đề về phép lạ Thánh Thể. Các Khăn Khổ Nạn là những khăn cổ xưa được Giáo Hội tôn kính trong nhiều thế kỷ như thánh tích, vì vừa tiếp xúc với Thân Thể Chúa Cứu Thế vừa thấm đẫm Máu của Người. Tính xác thực của chúng chắc chắn không phải là tín điều của Đức tin, đặc biệt là sau các cuộc kiểm tra niên đại bằng carbon-14 gây tranh cãi mà chúng phải chịu. Tuy nhiên, tôi thấy không thể tha thứ được nếu quên đi hoặc coi thường truyền thống đã truyền lại những tấm vải này cho chúng ta bằng tình yêu và sự tận tâm, và tôi thấy thật thiếu trung thực và nông cạn khi nhắm mắt làm ngơ trước những kết quả đáng ngạc nhiên của khoa học đã nghiên cứu chúng một cách sâu rộng.

Mối liên hệ với các phép lạ Thánh Thể là điều hiển nhiên: đó là việc tìm kiếm các dấu vết sinh học mà theo giả thuyết có thể thuộc về cùng một người. Việc khám phá ra những yếu tố nhất quán giữa các tấm vải hoặc giữa tấm vải và thánh tích Thánh Thể sẽ củng cố lẫn nhau tính thế giá của mỗi phát hiện khoa học.

Nếu hầu hết mọi người đều biết - ít nhất là ở mức độ hời hợt - về Tấm vải liệm Turin, thì rất ít người, ngay cả trong số những người Công Giáo, biết về Khăn Lau Mặt [Khăn Mặt] (74) ở Oviedo. Nhưng khi nhắc đến Áo dài thắt ngang lưng thánh ở Argenteuil thì hầu như không ai biết đến sự hiện hữu của nó. Tuy nhiên, chúng ta cần phải dừng lại một chút trên những tấm vải này - đặc biệt là hai tấm vải cuối cùng, ít được biết đến hơn - để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về các phép lạ Thánh Thể. Những tấm vải Khổ nạn thực sự sẽ hỗ trợ chúng ta gần giống như những “nhân chứng” để mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về các chủ đề của một vài chương tiếp theo, đặc biệt là những chủ đề về máu và DNA.

Tấm vải liệm Turin



Như mọi người đều biết, Khăn liệm Turin là tấm vải dùng để bọc thi hài Chúa Giêsu trong ngôi mộ. Tôi không ngại tiết lộ cho độc giả niềm tin chắc chắn của tôi về tính xác thực của Tấm Khăn Liệm: tấm vải không những có lẽ mà còn thực đã bao bọc Chúa Kitô. Tôi có thể nói điều này dựa trên một lượng lớn dữ kiện khoa học có sức thuyết phục. Rốt cuộc, đây là quan điểm của chính Giáo Hội Công Giáo cho đến khi xác định niên đại bằng carbon-14 năm 1988.

Tấm vải liệm là một di tích không giống ai. Nó sở hữu tính chân thực “nội tại”. Để làm rõ, tôi sẽ bắt đầu bằng cách nói rằng Tấm vải liệm hoàn hảo đến từng chi tiết: một thí dụ rõ ràng về điều này là hình ảnh con người của nó là một bức ảnh âm bản được mã hóa ba chiều thể hiện một tính hiện thực có thể vượt qua mọi phong cách nghệ thuật. Nó chân thực hơn nhiều so với cả những nỗ lực táo bạo nhất trong việc tái tạo nó có thể đã được hình thành bởi tâm trí của một kẻ giả mạo thời trung cổ cực kỳ xuất sắc vào năm 1300 sau Công nguyên. Điều này là do hình ảnh của nó chính xác ở tất cả các chi tiết giải phẫu và bệnh sinh lý học. Vải lanh còn chứa dấu vết của máu người thật, cũng như các yếu tố môi trường khoáng chất và thực vật mà chúng ta mới bắt đầu phân tích trong bốn mươi năm qua. Những điều này chứng tỏ mức độ phức tạp không thể phù hợp với việc chế tạo đồ giả tầm thường. Nói cách khác, nó là một unicum, một phát hiện “có một không hai” trên Trái đất. Đó là bởi vì, cho đến ngày nay, chúng ta vẫn không thể hiểu được hình ảnh của Tấm vải liệm có thể được tạo ra như thế nào, chứ đừng nói đến việc làm thế nào ai đó có thể tìm ra cách tái tạo nó. Về vấn đề này, tôi nên chỉ ra những nỗ lực thất bại vụng về và buồn cười về mặt khoa học của nhà hóa học người Ý Luigi Garlaschelli.

Do đó, Tấm vải liệm đang đi trước nền khoa học tốt nhất mà chúng ta dám thách thức. Nó là một vật thể đã dũng cảm tồn tại qua nhiều thế kỷ, như thể được ban tặng một cuộc sống riêng. Nó đã sống sót sau thời kỳ bài trừ thánh tượng; nó đã rời khỏi Constantinople trước cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ; nó đã trốn thoát khỏi Pháp, nơi đáng lẽ nó không thể sống sót sau Cách mạng Pháp; nó đã sống sót sau những trận hỏa hoạn và thử thách để con người ở thời hiện đại có thể cảm thấy xúc động trước hình ảnh khuôn mặt uy nghiêm và cao siêu nhất từng tồn tại, sau những bức ảnh nổi tiếng được chụp bởi Secondo Pia vào năm 1898. Tấm vải liệm thực sự sẽ vẫn không thể giải thích được, không thể, không thể tái tạo được bất chấp bất cứ kết quả xác định niên đại nào bằng phóng xạ carbon. Những hạn chế của việc xác định niên đại bằng carbon-14 được thực hiện vào năm 1988 trên Khăn liệm Thánh thiêng là cực kỳ thô thiển. Tôi chân thành khuyên bất cứ độc giả nào không sợ phải đối diện với một sự thật khó chịu và bị kiểm duyệt hãy tự mình nghiên cứu một cách trung thực về chủ đề này.

Những hạn chế này là do quy trình mơ hồ được sử dụng để lấy mẫu vải ban đầu và các mẫu đối chứng. Ngoài ra còn có những hạn chế liên quan đến việc không tuân thủ thử nghiệm gây mù và thực tế là các thử nghiệm không được thực hiện đồng thời trong ba phòng thí nghiệm được chỉ định nơi chúng được thực hiện. Như được trình bày ở phần sau, các phòng thí nghiệm có cơ hội nói chuyện với nhau trước khi công bố kết quả của họ. Hơn nữa, có một sự thiên lệch rất lớn liên quan đến diện tích của tấm vải được chọn để lấy mẫu: góc trên bên trái. Đó là một khu vực khác biệt đáng kể so với phần còn lại của Tấm vải liệm, như đã được Raymond Rogers chứng tỏ một cách không thể chối cãi vào năm 2005. Điều này được chứng minh bằng sự hiện diện của vanillin (75) trong các nút tăng trưởng của sợi lanh, việc phát hiện ra một lớp sắc tố alizarin trên bề mặt, vết keo của cây keo và sự hiện diện của bông trộn vào sợi lanh nguyên thủy — rõ ràng tất cả những chất gây ô nhiễm gần đây hơn đã làm sai lệch kết quả. Cuối cùng, có những hạn chế rõ ràng trong phân tích thống kê. Bài báo ngắn gọn và thiếu thông tin năm 1989 trên tạp chí Nature đã không che giấu được sự thiếu đồng nhất của dữ kiện (76) thu được từ Tấm Khăn Liệm. Điều này bất chấp nhiều tái hiệu chuẩn [recalibrations] thích hợp đã được áp dụng cho toán học và lối hùng biện hời hợt của bài báo, cho rằng kết quả của nó phải là “bằng chứng thuyết phục”. Thay vào đó, dữ kiện thực tế tiết lộ rằng mảnh vải liệm, không giống như các mẫu đối chứng khác, hoạt động bất thường, như thể nó được tạo thành từ hai hoặc ba loại vải khác nhau cùng một lúc.

Chỉ đến năm 2017, Bảo tàng Anh mới tiết lộ tất cả dữ kiện thô ban đầu từ ba phòng thí nghiệm liên quan đến dự án xác định niên đại sau một cuộc điều tra pháp lý cụ thể. Do đó, tính không đồng nhất về mặt thống kê của các kết quả đã được chứng minh thậm chí còn mạnh mẽ hơn, cùng với sự không đáng tin cậy của việc xác định niên đại bằng carbon-14 sau cùng. Cần lưu ý rằng việc đánh giá dữ kiện thô này đã được công bố vào năm 2019 trên Archaeometry, một tạp chí khoa học uy tín được xuất bản một cách trớ trêu bởi Đại học Oxford, một trong ba trung tâm thực hiện việc xác định niên đại bằng carbon-14 lần đầu tiên vào năm 1988.

Thật vậy, thực tế là một loại ô nhiễm không ngẫu nhiên và không đồng nhất mà là tuyến tính [linear] đã ảnh hưởng đến mảnh Khăn liệm được phân tích và gây ra lỗi hệ thống rõ ràng (77) trong việc phân bổ carbon-14 trên trục dọc của nó (tức là trục của toàn bộ hình ảnh mặt trước của Tấm vải liệm, chạy từ chân về phía đầu). Tấm vải, bắt đầu từ mảnh được phân tích ở Oxford và chuyển sang mảnh được thử nghiệm ở Zurich và mảnh định niên đại ở Tucson, dường như trẻ hơn khoảng một thế kỷ trên mỗi vài cm khi di chuyển về phía bên phải. Đây là một điều bất thường vô lý đáng lẽ phải khiến bất cứ nhà thống kê nào có chút thận trọng phải từ chối phán xét và hủy bỏ việc thử nghiệm.

Lý do cho xu hướng theo chiều dọc kỳ lạ này là gì? Có rất nhiều giả thuyết. Giả thuyết đáng tin cậy nhất, được hỗ trợ bởi nhiều phát hiện có thẩm quyền và độc lập, dường như là phát hiện về sự ô nhiễm bởi các sợi vải gần đây hơn được thêm vào để tăng cường hoặc thay thế các phần mất đi của vải, rõ ràng trong việc tăng tỷ lệ trong các mảnh được lấy mẫu khi di chuyển từ trái sang phải. Thật không may, đối với một người bình thường ở thời đại chúng ta, ngay cả khi họ thực sự cảm động vì tò mò, thì sau cuộc thử nghiệm carbon-14 năm 1988, Tấm vải liệm chắc chắn là một “đồ giả thời Trung cổ” phải được coi là ngang hàng với một số hiện tượng kỳ lạ khảo cổ học kỳ quái nào đó, một mẫu vật đã được thuần hóa và gần như được hiểu đầy đủ, hay nhất là xứng đáng được làm một bộ phim tài liệu cảnh cáo chúng ta về sự cả tin quá mức của con người. Tôi thừa nhận, một cách cay đắng sâu xa, “tấm màn” ý thức hệ và kỹ trị đang che phủ, trong thời đại chúng ta, Tấm màn quan trọng nhất của mọi thời đại. Cả những người Công Giáo Rôma chắc chắn cũng là nạn nhân của sự giả tạo này và càng bị lừa nhiều hơn khi họ ủng hộ một đức tin “thuần túy”, duy tâm và “phi xác thịt”, thích làm ngơ các thánh tích rỉ máu và những dấu hiệu quá hào phóng từ Thiên đàng. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng khoảnh khắc của sự thật sẽ quay trở lại và Tấm Khăn Liệm sẽ giành lại vị trí xứng đáng và địa vị mà nó xứng đáng có được.

Khăn liệm đầu (sudarium) ở Oviedo



Khăn liệm đầu hay khăn mặt là một tấm vải lanh cổ xưa dính máu, có kích thước 83 x 53 cm, đã được lưu giữ ở Tây Ban Nha ít nhất một nghìn năm trong nhà thờ ở Oviedo. Theo truyền thống, nó được tôn kính như tấm vải quấn quanh đầu Chúa Giêsu sau khi chết, che khuôn mặt bị đánh đập của Người để tỏ lòng tôn kính và lau khô vết thương của Người. Giống như Tấm vải liệm, Khăn Mặt cũng đã được xác định niên đại bằng carbon-14. Bốn cuộc kiểm tra niên đại, được thực hiện từ năm 1990 đến năm 2007, dường như đều thống nhất về độ tuổi lịch sử vào khoảng năm 700 sau Công Nguyên, mặc dù một trong bốn kết quả phải bị bác bỏ để có được một cuộc kiểm tra tính đồng nhất về mặt thống kê. Người ta đã chứng minh rõ ràng rằng việc xác định niên đại bằng carbon-14 không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Một thí dụ thông thường về điều này là mẫu kiểm soát mù được sử dụng trong giao thức “hoàn hảo” được sử dụng để xác định niên đại của Khăn Mặt ở Oviedo vào năm 2007 bởi Beta Analytic ở Miami: một cách khá nản lòng, tấm vải lanh của một xác ướp linh mục Ai Cập đến từ Tannis, thuộc về Vương triều Ai Cập thứ 21 trong khoảng thời gian từ 1110 đến 950 trước Công nguyên, hóa ra không kéo dài được ba nghìn năm tuổi như mong đợi. Thay vào đó, nó được ước tính bằng thực nghiệm chỉ khoảng ba trăm năm tuổi, trong khoảng thời gian từ năm 1660 đến năm 1960 sau Công nguyên. Tuy nhiên, đối diện với bốn kết quả xác định niên đại khác nhau, trong đó ít nhất ba kết quả phù hợp, việc chấp nhận phán quyết khoa học dường như là điều hợp thường thức: Khăn Mặt ở Oviedo không thể thuộc về thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, và do đó nó không thể là gì khác ngoài một trong nhiều di vật giả đã được chứng nhận lưu truyền rộng rãi vào thời Trung cổ. Đây cũng là quan điểm của riêng tôi, ít nhất là cho đến khi tôi tìm hiểu sâu hơn về các tài liệu khoa học gần đây.

Việc tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này sẽ đòi hỏi phải thừa nhận rằng Khăn Mặt phải được chế tạo với mức độ tinh vi và chú ý đến từng chi tiết, khó phù hợp với sự giả mạo đơn giản từ thế kỷ thứ bảy và thứ tám. Hơn nữa, có quá nhiều điểm trùng hợp với Tấm vải liệm thành Turin (chẳng hạn như cùng nhóm máu), đến mức người ta có thể tự hỏi liệu chúng có được tạo ra bởi cùng một “thợ rèn” hay không. Nhưng làm sao điều đó có thể khả hữu nếu hai tấm vải có niên đại khác nhau (như được gợi ý bởi phương pháp xác định niên đại bằng carbon-14) cũng như nguồn gốc địa lý khác nhau?

Ta hãy bắt đầu bằng cách phân tích các vết máu. Máu là máu thật, có nguồn gốc từ con người. Sau nghiên cứu sâu rộng về Khăn Mặt trong hai mươi năm qua, giờ đây người ta có thể tái tạo lại các chi tiết của diễn trình tạo ra những vết máu đó. Nói ngắn gọn, tôi sẽ chỉ tập trung vào hai loại vết đen: vết được gọi là ở trung tâm và vết giống như đốm [point].

Quan trọng nhất và lớn hơn là những vết bẩn ở trung tâm do chứng phù [edema] phổi (78) rò rỉ từ mũi và miệng sau khi chết, sau đó lan ra ria mép, râu, mũi và trán. Trong bối cảnh tương tự, các vết giống như ngón tay có thể được phân biệt, tương thích với áp lực bên ngoài do áp lực của hai bàn tay cố gắng vỗ nhẹ vào mũi và miệng. Có thể xây dựng lại thứ tự hình thành các vết đen. Trình tự bắt đầu với một cái đầu nghiêng 70 độ về phía trước và nghiêng sang phải 20 độ, sau đó được đặt úp xuống một bề mặt cứng, theo trình tự tương thích với cái chết trên cây thánh giá, sau đó được đưa xuống khỏi nó.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang mối quan hệ với Tấm vải liệm thành Turin: trước tiên cần phải nói rằng các vết đen trên Khăn Mặt thực sự không phác thảo một khuôn mặt dễ nhận biết, ngoại trừ hình dáng của tai phải, không thể nhìn thấy trên Tấm vải liệm. Ngoài ra, về mặt so sánh nhân trắc học [anthropometric], (79) vết máu trên Khăn liệm Turin cần được phân biệt với hình ảnh khuôn mặt đầy đủ và mầu nhiệm của nó. Điều thực sự chính xác là tìm kiếm sự chồng chéo trực tiếp giữa các vết máu trên Tấm vải liệm và các vết máu trên Khăn Mặt, dựa trên diễn trình chung tạo ra chúng: việc ra đen trên một miếng vải do tiếp xúc sau khi được quấn quanh đầu. Nhưng đây không phải là lý lẽ bênh vực hình ảnh khuôn mặt trên Tấm vải liệm, một khuôn mặt ắt phải được tái tạo ba chiều trước khi bất cứ dấu hiệu phù hợp nào có thể có trên Khăn Mặt có thể được xác minh. Thật vậy, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khăn liệm [sindonology] Tây Ban Nha (EDICES) đã thiết lập được mức độ phù hợp về mặt giải phẫu của hình dạng và chiều dài của mũi, lỗ mũi, đường chân mày, miệng, cằm và râu. Đặc biệt, sự chồng chéo ở vùng trán rất nổi bật, trong đó vết đen trung tâm trên Khăn Mặt bám sát đường viền của cả lông mày phải (ở phần dưới) và đường chân tóc trên Tấm vải liệm (ở phần trên). Đàng khác, còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, đường viền bên trong của vết đen trung tâm trên Khăn Mặt trùng với vết hình epsilon [Ꜫ]nổi tiếng trên Tấm Vải Liệm (hoặc, giống như hình ảnh phản chiếu của nó, vết hình số 3 trên âm bản ảnh của nó). Hơn nữa, một vết máu nằm ở mặt trong của lông mày trái thể hiện một “hành vi” khá kỳ lạ, xứng đáng là một câu đố phức tạp và oái oăm: trung tâm của nó ở Oviedo, trong khi đường viền của nó lại ở Turin.

Tôi mời độc giả xem bộ phim tài liệu trực tuyến và cuộc phỏng vấn với Giáo sư César Barta, được đề cập trong thư mục của tôi, cho thấy những hình ảnh rõ ràng hơn bất cứ văn bản nào mô tả những chi tiết này, cũng như cuộc phỏng vấn với Giáo sư Jorge Rodríguez, bao gồm tái tạo ba chiều khuôn mặt của Tấm vải liệm.

Các vết đốm là tập hợp các đốm nhỏ và được phân ranh giới rõ ràng. Chúng nằm ở một đầu của Khăn Mặt, trong khu vực tiếp xúc với gáy. Máu tạo nên chúng - không giống như máu của các vết đen trung tâm (80) - là máu tươi nguyên chất: màu trung tâm sẫm hơn và quầng huyết thanh (81) xung quanh các cạnh của vết đen phản ảnh những gì có thể xảy ra với sự co lại của cục máu đông - cục máu đông có nguồn gốc từ máu tươi rỉ ra từ những vết thương hở. (82) Chúng là những vết mà thoạt nhìn đã trùng khớp với một hình ảnh tương tự đàng sau gáy của người trên Tấm Khăn Liệm, theo truyền thống được cho là vết thương do mão gai gây ra. Bằng cách sử dụng phần mềm chuyên dụng, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã chứng minh rằng sự chồng chéo chính xác của một phần hình ảnh sau gáy của Tấm vải liệm với các vết giống như đốm của Khăn Mặt, dẫn đến sự trùng khớp về mặt không gian đáng ngạc nhiên của sáu trên tám điểm tham chiếu nếu được quay 19 độ. Việc trình diễn này cũng là lý do để xem phim tài liệu của Barta, mặc dù đây không phải là tất cả: giống như trên mặt của Tấm vải liệm, cũng có vết đất bám trên chóp mũi của hình ảnh Khăn Mặt. Đây có thể là bằng chứng của việc rơi xuống đất mà không thể đụng đất bằng đôi tay dang rộng. Điều đáng lưu ý là, tàn dư của đất tương thích với đất ở Giêrusalem hơn là với đất ở Oviedo. Rải rác khắp tấm vải có dấu vết của lô hội và chất thay thế cho mộc dược. Có các loại phấn hoa Địa Trung Hải, bao gồm cả hạt phấn hoa Helichrysum, đây cũng là loại phấn hoa được phát hiện rộng rãi nhất trên Tấm vải liệm. Hơn nữa, cùng một hạt phấn hoa được bao phủ trong máu, do đó chứng tỏ sự hiện diện của nó ngay từ giờ đầu tiên khi Khăn Mặt được sử dụng, trái ngược với việc bổ sung sau đó. Theo khám phá vang dội gần đây của Tiến sĩ Marzia Boi, phát hiện về hạt phấn hoa cũng xác nhận việc sử dụng cùng loại dầu và dầu thơm trên cả người đàn ông của Khăn Mặt và người đàn ông của Tấm vải liệm. Tóm lại, cũng giống như Tấm vải liệm, kết quả xác định niên đại bằng carbon14 của Khăn Mặt cần phải được đặt câu hỏi dựa trên nhiều phát hiện khoa học khác ủng hộ tính xác thực của nó. Khăn Mặt là một di vật cực kỳ tinh vi và một kẻ giả mạo giả định đã tạo ra nó vào năm 700 sau Công nguyên sẽ cần phải chứng minh kiến thức đặc biệt và không thể giải thích được về bệnh lý sinh học, y học pháp y, y học truyền máu, nhân chủng học, thực vật học và thậm chí cả địa chất học.

Chiếc áo dài thánh ở Argenteuil



Cuối cùng chúng ta hãy tập trung vào thánh tích Khổ nạn thứ ba và ít được biết đến, mặc dù có thế giá: những mảnh vỡ của chiếc áo không đường may mà Chúa Giêsu đã mặc khi lên Đồi Canvê. Theo trình thuật Tin Mừng, đây cũng là chiếc áo dài mà quân lính bắt thăm dưới chân Thập Giá.

Chiếc áo dài ở Argenteuil hiện được bảo quản tại Vương cung thánh đường Saint-Denis ở Argenteuil, cách Paris 12 km về phía tây bắc. Đó là một bộ quần áo làm bằng len cừu, dài 122 cm và rộng 90 cm tính đến nách. Nó được tạo thành từ hai mươi mảnh riêng biệt, hai trong số đó có kích thước lớn hơn. Dấu hiệu lão hóa khá rõ ràng và đáng tiếc là hầu hết phần phía trước đã bị mất. Tuy nhiên, kiểu dáng tổng thể của bộ trang phục vẫn có thể được đánh giá cao, bao gồm một phần viền quanh cổ và chỉ một chút phần tay áo bị mất. Giống như trang phục được mô tả trong Tin Mừng Gioan, nó là một loại vải đơn nhất, không gián đoạn, liền mạch, có sợi dọc và sợi ngang được dệt với nhau thành một kiểu dệt trơn, (83) tương thích với công việc của một khung dệt gia dụng cổ xưa. Len có phẩm chất trung bình, được kéo thành sợi Z-twist chắc chắn và đồng đều, do đó tạo ra loại vải gợn sóng mịn, lý tưởng cho quần áo bên trong. Sợi được xử lý bằng phèn kali (chất cố định thuốc nhuộm) và sau đó nhuộm màu đỏ đậm hơn, nhờ đó thu được màu nâu đỏ đồng nhất. Đây cũng là màu của sắc tố alizarin đã được tìm thấy ở góc trên bên trái của Tấm vải liệm đã trải qua quá trình xác định niên đại bằng carbon phóng xạ. Tất cả những đặc điểm của loại vải này chắc chắn đã phù hợp với nguồn gốc giả định từ Palestine vào thế kỷ thứ nhất.

Sự hiện diện của Áo dài ở Argenteuil đã được ghi lại từ năm 1156. Tuy nhiên, truyền thống thậm chí còn đưa chúng ta quay trở lại xa hơn với Charlemagne: hoàng đế có lẽ đã nhận được chiếc áo quý giá trực tiếp từ nữ hoàng Byzantine Irene, và sau đó ông tặng nó cho con gái Théodrade, viện mẫu của đan viện “Humilité-de-Notre-Dame” ở Argenteuil. Trên thực tế, một tài liệu được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Paris chứng thực việc tặng một mảnh áo dài từ Argenteuil cho Tu viện Thánh Medard de Soissons vào khoảng năm 840.

Các sự kiện lịch sử liên quan đến áo dài rất rắc rối. Bộ quần áo đã được giấu đi nhiều lần để tránh bị cướp bởi người Norman và người Huguenot. Nó đã bị mất và được tìm thấy lại. Tuy nhiên, khoảnh khắc cảm kích nhất là trong Cách mạng Pháp năm 1793, khi Cha Ozet, tu viện trưởng và linh mục giáo xứ Argenteuil, đã buộc phải thực hiện các biện pháp cực đoan: ông cắt thánh tích liền mạch thành nhiều mảnh, phân phát một số cho những giáo dân đáng tin cậy và chôn hai mảnh lớn dưới đất trống trong khu vườn nhà xứ của ngài. Sau đó, ngài ngồi tù hai năm trong “nhà tù nhân dân” và ngay sau khi được trả tự do, ngài đã cố gắng thu hồi tất cả các mảnh của Áo dài. Ít nhiều, ngài đã ghép lại phần phía sau, nhưng những phần quan trọng ở phía trước được cho là đã bị mất vĩnh viễn.

Chiếc áo dài cũng không thể thoát khỏi việc xác định niên đại bằng carbon-14. Vào tháng 10 năm 2013, chính quyền địa phương (84) và vị giám mục đã bí mật sắp xếp các cuộc điều tra khoa học bao gồm việc thử nghiệm carbon phóng xạ. Thử nghiệm vừa nhắc định niên hiệu của chiếc áo dài trong khoảng các năm 530–650 sau Công Nguyên. Việc phân tích được thực hiện bởi Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA) của Paris-Saclay trong điều kiện không bị hỏa mù, vì các nhà nghiên cứu biết chính xác những gì họ đang thử nghiệm. Đúng như dự đoán, các tờ báo địa phương đã nhanh chóng tung tin ra công chúng: Chiếc áo thánh cổ xưa của Argenteuil hẳn phải là đồ giả thời Trung cổ cần được cất vào “gác mái lịch sử” cùng với nhiều “thứ tốt đẹp lập dị vô hại” khác. Than ôi, con người hiện đại cần thoát khỏi quá nhiều di sản cổ xưa để có được nhận thức mới và trưởng thành hơn. Không bị thuyết phục, các giáo sư Gérard Lucotte và André Marion, hai nhà nghiên cứu độc lập chính của Áo dài ở Argenteuil, đã tổ chức một cuộc nghiên cứu định niên đại bằng carbon phóng xạ thứ hai vào năm sau trong điều kiện “hỏa mù”, bởi Archéolabs ở Grenoble: kết quả là năm 670–880 sau Công Nguyên.

Rõ ràng, có điều gì đó không đúng: hai kết quả định niên đại, thực sự thu được từ cùng một mảnh có tên “S2a”, hoàn toàn không trùng lắp, thậm chí bằng cách kéo dài khoảng tin cậy thêm hai độ lệch chuẩn (có nghĩa là bao gồm 95.4% tất cả các trường hợp có thể xảy ra). Chiếc áo dài này hoặc có từ trước năm 650 sau Công nguyên hoặc có từ sau năm 670 sau Công nguyên - một việc định niên đại bằng carbon phóng xạ làm mất hiệu lực của việc kia! Không cần phải nói, một lần nữa, rằng những kết quả này bộc lộ điểm yếu nội tại của phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ khi áp dụng cho các loại vải cổ. Giáo sư Lucotte đã cố gắng đạt được những hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này và tiếp tục sử dụng phương pháp quang phổ tia X85 để kiểm tra mười sợi áo dài từng trải qua quá trình chuẩn bị tiêu chuẩn để xác định niên đại bằng carbon-14. Người ta thực sự đã biết rõ rằng, trước khi đo các đồng vị cacbon-14, (86) thỉnh thoảng cần phải loại bỏ tới hơn một nửa trọng lượng ban đầu của mẫu. Điều này được thực hiện bằng cách rửa sạch mọi chất ô nhiễm hữu cơ thông qua trình tự giao thức “axit-bazơ-axit” ba lần với các loại rượu và dung môi cụ thể. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là bất cứ carbon nào có ở dạng canxi carbonat (87) cũng bị rửa trôi để tránh làm sai lệch kết quả, vì vải chắc chắn đã tiếp xúc với nó trong nhiều thế kỷ. Giáo sư Lucotte tự tin rằng len có thể hấp thụ nhiều nước hơn - và canxi carbonat thường hòa tan trong đó - hơn vải lanh hoặc bông. Ông đã chứng minh quan điểm của mình bằng phương pháp quang phổ: việc giải thích “các gai” lưu huỳnh (88) và canxi trong quang phổ do mẫu Áo dài phát ra đã xác nhận rằng, ngay cả sau các quy trình “làm sạch” chuẩn bị thông thường, một phần ba lượng canxi carbonat ban đầu vẫn còn sót lại trong mẫu, với hiệu ứng lệch “làm trẻ hóa vải” rõ ràng và không phù hợp. Bất chấp các thí nghiệm của Tiến sĩ Lucotte, vẫn còn khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, làm sáng tỏ tất cả các nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong kết quả xác định niên đại bằng phép đo phóng xạ của Áo dài. Nhưng có lẽ còn khó khăn hơn đối với dư luận, như với Tấm vải liệm Turin, để gạt bỏ danh tiếng “giả mạo thời Trung cổ” vốn đã có từ lâu gắn liền với di tích hấp dẫn này.

Các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử quét và quang phổ tia X do Giáo sư Lucotte thực hiện trên bụi, phấn hoa và tảo đọng lại trên Áo dài cũng rất đáng lưu ý: các loài sinh học mà ông xác định được, ngoại trừ những trường hợp ô nhiễm sau này, đều tương thích với nguồn gốc Địa Trung Hải, khí hậu ấm áp và khô ráo, đất đai khô cằn và giống sa mạc. Tuy nhiên, phát hiện kích thích nhất về mặt khoa học là sự hiện diện cực kỳ dồi dào của máu người trên Áo dài (cùng nhóm máu với Tấm vải liệm và Khăn Mặt). Đó là một khám phá gần đây: màu nền nâu đỏ của vải che giấu những vết máu mà sự hiện diện của chúng có thể được cảm nhận bằng cách chạm vào. Những người đã có đặc quyền kiểm tra áo dài nhớ lại cảm giác các miếng vải cứng hơn và dày hơn. Dưới kính hiển vi điện tử, ngay cả những sợi len không được lấy từ những mảng giàu máu đó vẫn được bao phủ bởi các tế bào hồng cầu, thường thành từng nhóm hàng trăm chiếc, tích tụ thành từng cục nhỏ. Trong những trường hợp khác, các tế bào hồng cầu xếp thành hàng, như thể vẽ đường đi của mao mạch. Chúng là những tế bào hồng cầu có kích thước nhỏ hơn so với bình thường, từ 5 đến 6 micron, thay vì 7 đến 8 micron sinh lý: điều này có thể dễ dàng giải thích là do tình trạng mất nước qua nhiều thế kỷ.

Giáo sư André Marion, nhà vật lý hạt nhân và kỹ sư tại Trung tâm Khoa học Quốc gia (CNRS), đã nghiên cứu vị trí của vết máu trên Áo dài. Ông kết luận rằng người đàn ông mặc áo dài bị tra tấn chắc chắn phải bị chất một cây thánh giá trọn vẹn trên vai trái, như được thể hiện trên hình tượng truyền thống, chứ không chỉ là một thanh ngang như đôi khi chúng ta vẫn tin. Hơn nữa, việc tái tạo ba chiều tương tự và kiên nhẫn các vết máu trên hình ảnh phía sau của Tấm vải liệm đã cho phép Marion chứng minh sự trùng lắp gần như hoàn toàn của các vết máu trên Áo dài với các vết máu trên Tấm vải liệm, một điểm phải được xem xét để ủng hộ tính xác thực tương ứng của cả hai thánh tích.

Cuối cùng, Áo dài không chỉ chứa các tế bào hồng cầu mà còn chứa các tế bào bạch cầu và nang lông chứa DNA. Một lần nữa, Giáo sư Lucotte, một chuyên gia không thể nghi ngờ về di truyền học, người tiên phong về kỹ thuật lai phân tử và là người phát hiện ra các đơn bội nhiễm sắc thể Y ban đầu, đã nghiên cứu rộng rãi về DNA của người đàn ông mặc áo dài trong những năm gần đây. Đáng chú ý là ông đã thu được một bộ nhận dạng di truyền cực kỳ chính xác và ấn tượng từ nó. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về điều này ở một trong những chương sắp tới.

Thư mục

Damon, P., D. Donahue, B. Gore và cộng sự, 1989. “Radiocarbon Dating of the Shroud of Turin [Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm vải liệm Turin].” Nature, 337: 611–615. Bài viết chính thức về việc định niên đại bằng phép đo phóng xạ của Tấm vải liệm.

Marino, J. và M. Benford. 2000. “Evidence for the Skewing of the C-14 Dating of the Shroud of Turin Due to Repairs [Bằng chứng về việc Xiên lệch niên đại C-14 của Tấm vải liệm Turin do sửa chữa]” Worldwide Congress “Sindone 2000, Orvieto, Ý. Báo cáo của vợ chồng Marino về những bằng chứng ban đầu của lý thuyết hàn gắn vô hình tại đại hội Orvieto.

Rogers, Raymond. 2005. “Studies on the Radiocarbon Sample from the Shroud of Turin [Nghiên cứu về mẫu carbon phóng xạ từ Tấm vải liệm Turin]” Thermochimica Acta 425 (1–2): 189–194.
Thành quả từ công việc dũng cảm của Rogers, cuốn sách này được xuất bản chỉ vài tuần trước khi ông qua đời vì một căn bệnh nan y.

Van Haelst, Remi. 1997. “Radiocarbon Dating the Shroud: A Critical Statistical Analysis [Xác định niên đại của tấm vải liệm bằng carbon phóng xạ: Một phân tích thống kê quan trọng]” Shroud.com. Trang mạng. Nước Bỉ. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.shroud.com/vanhels3.htm. Nhà hóa học người Bỉ thảo luận một cách thành thạo và cẩn thận về những sai sót trong phân tích thống kê trên tạp chí Nature.

Brunati, Ernesto. 2005. “Altro che rammendi! La datazione della Sindone e’ tutta un falso [Không có gì ngoài việc sửa chữa! Niên đại của Tấm vải liệm hoàn toàn là giả] ” Collegamento pro Sindone Internet. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. http://www.sindone.info/BRUNATI1.PDF. Kỹ sư người Ý đã tìm thấy bằng chứng về việc cố ý giả mạo các mẫu định niên đại bằng phóng xạ bằng cách xem xét các lỗi thống kê.

Rinaldi, Gian Marco. 2012. “La statistica della datazione della Sindone.[Số liệu thống kê về niên đại của Tấm vải liệm]” Gian Marco Rinaldi. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.academia.edu/35904379/La_statistica_della_datazione_della _Sindone_2012. Tác giả và nhà toán học bảo vệ phiên bản chính thức của việc xác định niên đại bằng phép đo phóng xạ bằng cách nhận ra và cố gắng tích hợp các khoảng trống thống kê của nó.

Walsh, Bryan và Larry Schwalbe. 2020. “An Instructive Inter-Laboratory Comparison: The 1988 Radiocarbon Dating of the Shroud of Turin [So sánh giữa các phòng thí nghiệm mang tính hướng dẫn: Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm vải liệm thành Turin năm 1988].” Journal of Archaeological Science: Reports 29: 340. Walsh, Bryan. 1999. “The 1988 Shroud of Turin Radiocarbon Tests Reconsidered, Part I [Xem xét lại các cuộc thử nghiệm carbon phóng xạ trên tấm vải liệm ở Turin năm 1988, Phần I].” Internet Archive WayBack Machine. Richmond, Virginia. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. http://web.archive.org/web/20040422010105/http://members.aol.com/turi n99/radiocarbon-a.htm. Phần 1 trình bày thống kê về tính không đồng nhất của các mẫu và mối quan hệ tuyến tính giữa niên đại và vị trí của các mẫu trên Tấm Khăn Liệm.

Riani, Marco, Giulio Fanti, Fabio Crosilla và Anthony Atkinson. 2010, “Statistica Robusta và Radiodatazione della Sindone [Thống kê Robusta và xác định bức xạ của Tấm Vải liệm].” Sis-Magazine 1 (1). Bài báo chứng minh tác động tuyến tính và có hệ thống của ô nhiễm tự nhiên đối với việc xác định niên đại bằng phép đo phóng xạ năm 1988 bằng các kỹ thuật thống kê mạnh mẽ.

Casabianca, Tristan, Emanuela Marinelli, Giuseppe Pernagallo, và Benedetto Torrisi, 2019. “Radiocarbon Dating of the Turin Shroud: New Evidence from Raw Data [Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm Vải liệm Turin: Bằng chứng mới từ dữ liệu thô].” Archaeometry 61(5), 1223–1231. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://doi.org/10.1111/arcm.12467. Bài báo gây tiếng vang trong đó các kết quả thô do ba phòng thí nghiệm tham gia vào dự án xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm vải liệm tạo ra cuối cùng đã được phân tích một cách nghiêm túc.

Fanti, Giulio và Saverio Gaeta. 2013, Il Mistero della Sindone: Le sorprendendti Scoperte Scientifiche sull'enigma del telo di Gesu [Mầu nhiệm Tấm Vải liệm: Những khám phá khoa học đáng ngạc nhiên về bí ẩn tấm vải liệm Chúa Giêsu]. Tái bản lần thứ nhất, Biblioteca Universale Rizzoli. Sách ủng hộ tính xác thực của Tấm vải liệm với dữ kiện được cập nhật.

Augé, Javier Briansó. 1997. El Santo Sudario de la Catedral de Oviedo [Tấm vải liệm thánh của Nhà thờ Oviedo]. Graficas Summa.

Chiapusso, J. I. 2007. “Sudario de Oviedo y Palinogia [Tấm vải liệm Oviedo và Palinogia].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 125–135. Đại học Oviedo. Một kho thông tin về Khăn Mặt ở Oviedo có trong hồ sơ của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm (tháng 4 năm 2007).

Chiapusso, J. I. 2016. “Sudario de Oviedo y Palinogia [Tấm vải liệm Oviedo và Palinogia].” Territorio Sociedad Poder II: 125–135.

Gil, César Barta. 2007. “Datación radiocarbónica del Sudario de Oviedo [Dữ kiện carbon phóng xạ của Tấm vải liệm Oviedo].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 137–155. Đại học Oviedo.

Ortego, F. M. 2007. “Otros estudios de carácter quimico và biológico: datación del Lienzo [Các nghiên cứu hóa học và sinh học khác: dữ kiện Lienzo].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 159–166. Đại học Oviedo.

Moreno, G. H. và M. O. Corsini. 2007. ““Consideraciones geométricas sobre la formación central de manchas del Sudario de Oviedo [Những cân nhắc về mặt hình học về sự hình thành trung tâm của các mảng trên Tấm vải liệm Oviedo].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 237–265. Đại học Oviedo.

Blanco, J. D. V. 2007. “Síntesis: Cómo se utilizó el Sudario de Oviedo? [Tóm tắt: Tấm vải liệm Oviedo được sử dụng như thế nào]” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 279–294, Đại học Oviedo.

Gil, César Barta. 2007. “Aproximación del EDICES al estudio comparativo del Sudario de Oviedo: Síndone de Turin [Sự gần đúng của EDICES với nghiên cứu so sánh về Tấm vải liệm Oviedo: Khăn vải Turin]” trong Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo. Tái bản lần thứ nhất, 393–423. Đại học Oviedo.

HMTelevision. 2016. “Entre profesionales: El Sudario de Oviedo 6/7 [Giữa các chuyên gia: Khăn liệm ở Oviedo 6/7].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch? v=YFukUGbW_1Y. Tập 6 của bộ phim tài liệu Tây Ban Nha có cuộc phỏng vấn Giáo sư César Barta Gil.

HMTelevision. 2016. “Entre profesionales: El Sudario de Oviedo y la Síndone 7/7 [Giữa các chuyên gia: Khăn liệm ở Oviedo 7/7.” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=gRYbBpjT6MY&t=6s. Tập 7 của bộ phim tài liệu Tây Ban Nha có cuộc phỏng vấn Giáo sư César Barta Gil.

Supercatolico. 2015. “Científicos demuestran el mismo origen del Sudario de Oviedo y la Sábana Santa [Các nhà khoa học chứng minh nguồn gốc giống nhau của Tấm vải liệm Oviedo và Tấm vải liệm Sábana].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=HdBJ0wm2UXQ. Cuộc phỏng vấn với Giáo sư Jorge Manuel Rodríguez Almenar của Cha Javier Alonso. Đặc biệt quan trọng ở phút 15:55 với những hình ảnh chồng các vết của Khăn Mặt lên hình ảnh ba chiều của mặt Khăn Liệm.

Marion, André và Gérard Lucotte. 2006. Le linceul de Turin et la tunique d'Argenteuil: Le point sur l'enquête [Tấm vải liệm Turin và áo dài Argenteuil: Cập nhật cuộc điều tra]. Tái bản lần thứ nhất. Paris: Éditions des Presses de la Renaissance. Lịch sử áo dài ở Argenteuil và những phát hiện gần đây nhất của các nhà nghiên cứu tích cực nhất của Pháp trong lĩnh vực này.

Lucotte, Gérard và Philippe Bornet. 2007. Sanguis Christi: Le sang du Chúa Kitô. Une enquête sur la tunique d'Argenteuil [Sanguis Christi: Máu Chúa Kitô. Một cuộc điều tra về áo dài Argenteuil]. Guy Trédaniel Éditeur. Nhà di truyền học người Pháp kể lại mọi điều ông khám phá được về thánh tích Argenteuil.

Trang mạng chính thức về Áo dài thánh của Chúa Kitô lưu giữ tại Argenteuil. 2020. Trang mạng. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. http://saintetunique.com/.

Trang mạng chính thức của Áo dài thánh ở Argenteuil. Các báo cáo lịch sử và khoa học có sẵn trên trang mạng này.

KTOTV. 2016. “Restauration de la Sainte Tunique d'Argenteuil [Phục hồi Áo dài Thánh của Argenteuil].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch? v=Uf2wGzhXmo8. Báo cáo về sự phục hồi gần đây Áo dài bởi Claire Beugnot.

Gross, Philippe. 2016. “Installation Sainte Tunique [An vị áo dài thánh].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021, https://www.youtube.com/watch?v=0dOXlfmt1Xw. Hình ảnh ngày an vị Áo dài 24/03/2016.

KTOTV. 2016. “La Sainte Tunique d’Argenteuil [Áo dài ở Argenteuil].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=1azKaLj56to. Các cuộc phỏng vấn trên truyền hình Công Giáo Pháp của nhà sử học Jean-Christian Petitfils với Cha Guy-Emmanuel Carriot, linh mục giáo xứ Argenteuil, và Giám mục Stanislas Lalanne của Pontoise.

Ghi chú

(74) Khăn Mặt là từ tiếng Latinh [sudarium] có nghĩa là vải thấm mồ hôi.

(75) Vanillin là thành phần chính của cây đậu vanilla.

(76) Trong thống kê, tính đồng nhất dữ kiện [data homogeneity] là một khái niệm nảy sinh khi mô tả các thuộc tính của tập dữ kiện. Dữ kiện đồng nhất có xu hướng được “nhóm thành cụm” xung quanh một giá trị tương tự. Điều này có nghĩa là, mặc dù không thể tránh khỏi sai số thực nghiệm, nhưng thí nghiệm đã thành công trong việc đo lường một biến số duy nhất. Thay vào đó, trong một tập dữ kiện không đồng nhất, dữ kiện thử nghiệm được tập hợp xung quanh các giá trị khác nhau. Nếu điều này xảy ra ở mức độ lớn, nhà khoa học nên bắt đầu tự hỏi liệu mình có thực sự đang vô tình đo các biến số ẩn dấu khác nhau hay không, thay vì chỉ đơn giản đối diện với lỗi thực nghiệm nghiêm trọng lặp đi lặp lại.

(77) Sai số hệ thống [Systematic error], theo định nghĩa, có thể dự đoán được và thường không đổi hoặc tỷ lệ thuận với giá trị thực. Một khi đã xác định được thì có thể dễ dàng sửa chữa.

(78) Phù phổi [Pulmonary edema] là sự tích tụ chất lỏng trong mô và khoang khí của phổi. Nguyên nhân phổ biến nhất là do suy tim và có thể gây khó thở nghiêm trọng và tử vong.

(79) Nhân trắc học [Anthropometry] là nghiên cứu khoa học về số đo và tỷ lệ của cơ thể con người.

(80) Các vết đen ở trung tâm là dấu vết của dịch phù phổi. Chất lỏng màu hồng sủi bọt này được mô tả một cách cổ điển là chảy nước và dính máu.

(81) Quầng huyết thanh [Serous haloes] sẽ phát sinh khi tiếp xúc với chất lỏng huyết thanh. Chất lỏng huyết thanh là tất cả các loại chất lỏng cơ thể màu vàng nhạt giống như huyết thanh. Ngược lại, huyết thanh là thành phần nước của máu - giàu protein và muối khoáng - có thể quan sát được nếu máu đông lại trong ống nghiệm: tế bào máu tích tụ ở phía dưới, cục máu đông hình thành ở phía trên tế bào máu, và huyết thanh là chất lỏng màu vàng nổi lên trên cả hai.

(82) Nếu để máu đông trên vải, giống như trong ống nghiệm, thành phần tế bào của nó sẽ đông lại ở giữa vết đen, trong khi thành phần huyết thanh dạng nước của nó sẽ tạo thành quầng sáng xung quanh bằng cách “thấm hút” ra ngoài dọc theo các sợi vải.

(83) Kiểu dệt trơn là kiểu dệt trong đó các sợi dọc được giữ cố định trên khung dệt, trong khi các sợi ngang đan chéo qua và dưới mỗi sợi dọc.

(84) Chiếc áo dài được xếp vào loại “di tích lịch sử” và kể từ năm 1905, nó đã thuộc về đất nước Pháp hơn là Giáo hội, một cách rất hãnh diện thế tục.

(85) Quang phổ tia X là một kỹ thuật phát hiện và đo các photon hoặc các hạt ánh sáng có độ dài sóng trong phần tia X của phổ điện từ. Khi tia X chiếu vào một mẫu nhất định, mẫu này sẽ hấp thụ năng lượng ánh sáng và sau đó phát ra quang phổ ánh sáng của riêng nó. Khi được giải thích, phổ phát xạ sẽ cung cấp thông tin về thành phần hóa học của mẫu vật.

(86) Đồng vị [Isotopes ] là các biến thể của một nguyên tố hóa học đặc thù. Các biến thể này khác nhau về số lượng các hạt neutron chứa trong hạt nhân của chúng - do đó, tất cả các đồng vị của một nguyên tố nhất định đều có cùng số proton nhưng có số neutron khác nhau trong mỗi nguyên tử. Một số phiên bản đồng vị xuất hiện tự nhiên của một nguyên tố, như carbon-14, có đặc tính phóng xạ.

(87) Canxi carbonat là loại đá vôi thường hòa tan trong nước. Tất nhiên, một số nguyên tử carbon trong canxi carbonat sẽ có mặt tự nhiên đồng vị phóng xạ carbon-14. Vì vậy, mẫu bị nhiễm bẩn bởi đá vôi sẽ có xu hướng “làm trẻ hóa” tuổi của mẫu vật theo phương pháp xác định niên đại bằng carbon-14.

(88) Giáo sư Lucotte quan tâm đến lượng lưu huỳnh tăng vọt vì chất này có trong protein keratin, là khối xây dựng của tóc len. Do đó, lượng lưu huỳnh tăng đột biến có thể được sử dụng như một tham chiếu đáng tin cậy do vật liệu thực tế cần phân tích phát ra, thay vì các chất gây ô nhiễm khác.
 
http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2024-01-17