Tính biểu tượng của việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan
Zvonimir Atletic | Shutterstock |
Phép rửa của Chúa Giêsu diễn ra tại sông Gio-đan, một địa điểm mang tính biểu tượng đi cùng với nét lịch sử Kinh Thánh phong phú.
Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Thánh Gioan Tẩy Giả, thì nơi diễn ra sự kiện này không chỉ là một vùng nước hay vũng nước, mà chính là sông Gio-đan. Điều này rất quan trọng, bởi vì chi tiết này không phải là điều ngẫu nhiên nhưng lại mang tính biểu tượng sâu sắc trong Kinh Thánh.
Khi dân Ít-ra-en được dẫn về vùng “Đất Hứa”, thì họ phải vượt qua một chướng ngại cuối cùng: đó là sông Gio-đan.
Cả dân tộc phải vượt sông Gio-đan để đòi lại vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Biến cố này đã được thuật lại trong Sách Giô-suê.
Ông Giô-suê nói với con cái Ít-ra-en: “Anh em hãy tiến lại đây và nghe lời của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.” Rồi ông nói: “Dựa vào điều này, anh em sẽ biết là Thiên Chúa hằng sống ngự giữa anh em và Người sẽ hoàn toàn đuổi người Ca-na-an, người Khết, người Khi-vi, người Pơ-rít-di, người Ghia-ga-si, người E-mô-ri, người Giơ-vút, cho khuất mắt anh em. Này đây, Hòm Bia Giao Ước của Vị Chúa Tể toàn cõi đất sắp dẫn đầu anh em mà qua sông Gio-đan. Vậy bây giờ anh em hãy chọn mười hai người trong các chi tộc Ít-ra-en, mỗi chi tộc một người. Và khi bàn chân các tư tế khiêng Hòm Bia của Đức Chúa, Vị Chúa Tể toàn cõi đất, vừa đặt xuống nước sông Gio-đan, thì nước sông Gio-đan, nước mạn ngược chảy xuống, sẽ bị chặn lại và dừng lại thành một khối duy nhất.” (Gs 3, 9-13)
Sau đó, dân chúng đã theo Giô-suê băng qua sông Gio-đan và được cứu thoát khỏi kẻ thù của họ để rồi từ đó thừa hưởng vùng Đất Hứa.
Chúa Giêsu là Giô-suê Mới
Tên của Chúa Giê-su trong tiếng Do Thái là Yeshua, là một dạng của tên “Joshua” (tức là “Giô-suê”). Để rồi Chúa Giêsu lại trở thành “Giô-suê Mới” khi dẫn dắt Dân Thiên Chúa băng qua sông Gio-đan Mới, tức là qua dòng nước của Bí tích Rửa Tội.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ rõ mối liên hệ này.
Bí tích Rửa Tội được tiên báo trong việc vượt qua sông Gio-đan, nhờ đó dân Thiên Chúa nhận được hồng ân là Đất đã được hứa ban cho dòng dõi ông Áp-ra-ham, là hình ảnh của đời sống vĩnh cửu. Lời hứa về gia tài hồng phúc này sẽ được thực hiện trong Giao Ước Mới. (GLHTCG, số 1222)
Phép rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng mọi điều trong Kinh Thánh đều có tầm quan trọng nhất định, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất về một địa điểm nào đó. Tất cả đều hướng đến những mầu nhiệm thiêng liêng sâu sắc hơn, những điều vốn có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của chúng ta ngày nay.
Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (09/01/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
https://giaophanvinhlong.net/tinh-bieu-tuong-cua-viec-chua-giesu-chiu-phep-rua-tai-song-giodan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét