Số 821, 1126, 1636: Đối thoại đại kết

Số 2445-2446, 2536, 2544-2547: Mối nguy hiểm của tình yêu vô độ đối với của cải

Số 1852: Ghen tuông

Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29

Bài Ðọc II: Gc 5, 1-6

Phúc Âm: 9,38-43.45.47-48


Số 821, 1126, 1636: Đối thoại đại kết

Số 821. Để đáp lại lời kêu gọi hợp nhất của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh cần:

 canh tân thường xuyên để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của mình; sự canh tân này là động lực của phong trào hợp nhất[1].

 hối cải tận đáy lòng “để sống phù hợp hơn với Tin Mừng”[2], vì chính sự bất trung với ân sủng của Đức Kitô là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các chi thể;

 cầu nguyện chung, vì “sự hối cải tận đáy lòng và sự thánh thiện trong đời sống, cùng với những lời kinh chung và riêng cầu cho sự hợp nhất các Kitô hữu, phải được coi như là linh hồn của mọi phong trào đại kết và có thể xứng đáng được mệnh danh là sự đại kết trong tinh thần”[3];

– hiểu biết nhau trong tình huynh đệ[4];

 đào tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu và nhất là cho các linh mục[5];

 đối thoại giữa các nhà thần học và gặp gỡ giữa các Kitô hữu của các Giáo Hội và các cộng đoàn khác nhau[6];

 hợp tác giữa các Kitô hữu trong các lãnh vực khác nhau để phục vụ con người[7].

Số 1126. Ngoài ra, bởi vì các bí tích diễn tả và phát huy sự hiệp thông đức tin trong Hội Thánh, nên luật cầu nguyện (lex orandi) là một trong những tiêu chuẩn cốt yếu của việc đối thoại nhằm tái lập sự hợp nhất các Kitô hữu[8].

Số 1636. Trong nhiều miền, nhờ cuộc đối thoại đại kết, một số cộng đoàn Kitô hữu đã tổ chức sinh hoạt mục vụ chung cho các đôi hôn nhân hỗn hợp. Nhiệm vụ của sinh hoạt này là giúp cho các đôi phối ngẫu biết sống hoàn cảnh đặc biệt của họ dưới ánh sáng đức tin. Sinh hoạt đó cũng phải giúp họ vượt thắng những căng thẳng giữa các bổn phận của họ đối với nhau và đối với các cộng đoàn Giáo Hội của họ. Sinh hoạt mục vụ chung phải khuyến khích làm tăng trưởng những gì đối với họ là chung trong đức tin, và tôn trọng những gì còn làm họ chia rẽ.


Số 2445-2446, 2536, 2544-2547: Mối nguy hiểm của tình yêu vô độ đối với của cải

Số 2445. Tình yêu đối với người nghèo không thể đi đôi với tình yêu vô độ đối với của cải hoặc việc sử dụng của cải cách ích kỷ:

“Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5,1-6).

Số 2446. Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc lại điều này một cách mạnh mẽ: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về mình, là ăn cắp của họ và cướp lấy mạng sống của họ; … của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ”[9]. “Phải thỏa mãn những đòi hỏi của đức công bằng trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là phải đền trả vì đức công bằng”[10].

“Khi tặng bất cứ thứ gì cần thiết cho người nghèo, thì không phải chúng ta tặng những gì của chúng ta, nhưng là chúng ta trả lại cho họ những gì là của họ; chúng ta trả nợ theo đức công bằng, hơn là chúng ta làm những việc từ thiện”[11].

Số 2536. Điều răn thứ mười cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực; cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại. Điều răn này cũng cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế của họ.

“Khi Lề luật dạy: ‘Chớ tham của người’, thì có nghĩa là chúng ta đừng ham muốn những gì của người khác. Thật vậy, sự khao khát ham muốn của cải của người khác thì bao la, vô tận và chẳng bao giờ được thoả mãn, như đã chép rằng: ‘Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ’ (Gv 5,9)”[12].

Số 2544. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ yêu mến Người trên tất cả mọi sự và mọi người, và mời gọi họ từ bỏ “mọi sự họ có”[13] vì Người và vì Tin Mừng[14]. Trước cuộc khổ nạn của Người ít lâu, Người đã cho họ gương bà góa nghèo ở Giêrusalem, bà này, trong cảnh túng cực của mình, đã cho đi tất cả những gì bà có để sống[15]. Lệnh truyền giữ trái tim tự do đối với của cải là bắt buộc để vào được Nước Trời.

Số 2545. Mọi Kitô hữu phải “điều khiển các tình cảm của mình cách đúng đắn, kẻo việc sử dụng của cải trần gian và sự gắn bó với sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, cản trở họ theo đuổi sự trọn hảo của đức mến”[16].

Số 2546. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Các mối phúc cho chúng ta thấy trật tự của hạnh phúc và ân sủng, của vẻ đẹp và sự bình an. Chúa Giêsu tán dương niềm vui của những người nghèo, Nước Trời đã là của họ[17]:

“Tôi thấy Ngôi Lời gọi sự khiêm tốn tự nguyện của tâm hồn là ‘sự nghèo khó trong tinh thần’, và thánh Tông Đồ nêu lên cho chúng ta tấm gương nghèo khó của Thiên Chúa, khi ngài nói: ‘Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em’ (2 Cr 8,9)”[18].

Số 2547. Chúa khóc thương những người giàu có, bởi vì họ đã được an ủi[19] trong của cải dư dật. “Kẻ kiêu căng tìm kiếm và yêu thích các nước trần gian, còn: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”[20]. Việc phó thác cho sự quan phòng của Cha trên trời giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai. Sự tín thác vào Thiên Chúa chuẩn bị cho việc hưởng vinh phúc của những người nghèo[21]. Họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.


Số 1852: Ghen tuông

Số 1852. Tội lỗi rất đa dạng. Thánh Kinh đưa ra nhiều danh sách các tội lỗi. Thư gửi tín hữu Galata đối chiếu các công việc của xác thịt với hoa trái của Thần Khí: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,19-21)[22].


Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29

“Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.

Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: “El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức thì Giôsuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can.

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can.

2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can.

3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy.

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can.

4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao.

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can.


Bài Ðọc II: Gc 5, 1-6

“Của cải các ngươi bị mục nát”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.

Ðó là lời Chúa.


Allluia: Ga 15,15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. - Alleluia.


Phúc Âm: Mc 9,38-43.45.47-48

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

Ðó là lời Chúa.

________

[1] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 6: AAS 57 (1965) 96-97.

[2] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 7: AAS 57 (1965) 97.

[3] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 8: AAS 57 (1965) 98.

[4] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 9: AAS 57 (1965) 98.

[5] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 10: AAS 57 (1965) 99.

[6] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 4: AAS 57 (1965) 94; Ibid., 9: AAS 57 (1965) 98; Ibid., 11: AAS 57 (1965) 99.

[7] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 12: AAS 57 (1965) 99-100.

[8] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 2: AAS 57 (1965) 91-92 ; Ibid., 15: AAS 57 (1965) 101-102.

[9] Thánh Gioan Kim Khẩu, In Lazarum, concio 2, 6: PG 48, 992.

[10] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 8: AAS 58 (1966) 845.

[11] Thánh Grêgôriô Cả, Regula pastoralis, 3, 21, 45: SC 382, 394 (PL 77, 87).

[12] Catechismus Romanus, 3, 10, 13: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 518.

[13] X. Lc 14,33.

[14] X. Mc 8,35.

[15] X. Lc 21,4.

[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (a965) 49.

[17] X. Lc 6,20.

[18] Thánh Grêgôriô Nyssênô, De beatitudinibus, oratio 1: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger, v. 72 (Leiden 1992) 83 (PG 44, 1200).

[19] X. Lc 6,24.

[20] Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 1, 1. 3: CCL 35, 4 (PL 34, 1232).

[21] X. Mt 6,25-34.

[22] X. Rm 1,28-32; 1 Cr 6,9-10; Ep 5,3-5; Cl 3,5-9; 1 Tm 1,9-10; 2 Tm 3,2-5.