Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Chúa Giê-su dạy dỗ các môn đồ – CN 26 TN B – Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt

 


CHÚA GIÊSU DẠY DỖ CÁC MÔN ĐỒ

 

Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B

 

(Mc 9,38-43.45.47-48)

 

1. Bản văn này bàn đến mấy vấn đề tất cả? Mc đã dùng cách nào mà liên kết chúng?

 

2. Tiếng “theo chúng tôi” (2 lần) nơi c.38 có gì lạ?

 

3. Câu 41 nói lên mấy khía cạnh của thiên chức Kitô hữu?

 

4. “Kẻ nhỏ đã tin” nơi c.42 phải chăng là tiếng chỉ các em bé?

 

5. Phải chăng nơi cc.43-48, Chúa Giêsu muốn bảo rằng việc cắt bỏ tứ chi là cách thức hay nhất để vĩnh viễn loại trừ các dịp tội?

 

I. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NHỮNG LỜI CHÚA GIÊSU NÓI VÀ SỰ DUY NHẤT CỦA BẢN VĂN

 

Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Mc 9,38-38 bàn đến nhiều vấn đề có vẻ rất khác biệt. Câu Gioan hỏi và lời Chúa Giêsu đáp về kẻ trừ quỷ xa lạ với nhóm Mười hai làm nên một khối duy nhất (cc. 38-40. Nhưng với câu nói về ly nước cho môn đồ (c.41), chúng ta thay đổi đề tài cách đột ngột mặc dầu có chữ gar Hy lạp nối câu nói này với câu nói trước). Và đoạn văn nơi c.42 về gương xấu “cho một trong các kẻ nhỏ đang tin này” (các kẻ nhỏ nào?) cũng thấy sao sao. Bắt đầu từ c.43, vẫn còn vấn đề gương xấu hay dịp tội, nhưng trong một viễn ảnh luân lý cá nhân hoàn toàn.

 

Cảm tưởng lộn xộn này càng tăng thêm nếu ta đặt lại cc 38-48 vào trong văn mạch của chúng. Chúng là thành phần của cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu với nhóm Mười hai (Mc 9,33-50) mà mở đầu là một tranh luận về kẻ lớn nhất (cc. 33-35), rồi tiếp theo là lột giáo huấn về việc tiếp đón “một trong các trẻ nhỏ này” (cc. 36-37). Sự liên quan giữa hai chủ đề này không rõ gì lắm: câu 35 kết thúc cuộc tranh luận đang làm cho các môn đồ xôn xao, nhưng cách Chúa Giêsu nắm lấy một em nhỏ, đặt em vào giữa nhóm Mười hai và xiết chặt em trong cánh tay Người (c.36) làm nổi bật việc tiếp đón một trẻ nhỏ (c 36) thay vì củng cố bài học về sự khiêm nhường trong nghĩa của c.35 (x. Mt 18,3-4). Ta không thấy làm sao cảnh này lại có thể đưa đến việc Gioan khai báo (c.38) mà từ đó, các lời của Chúa Giêsu kế tiếp liên tục cho tới c.50. Bản văn phụng vụ bỏ qua đoạn kết của cuộc đàm thoại (cc.49-50); nơi đoạn kết này, sự duy nhất cũng càng khó thấy.

 

Một bản văn như thế làm cho ta vất vả vô cùng khi muốn tìm sự mạch lạc. Nhưng kết cấu và vị trí của nó trong Tin Mừng Mc bảo đảm cho nó một sự duy nhất nào đó.

 

a. Kết cấu

 

Nhiều “tiếng móc” nối kết, một cách hoàn toàn trên ngôn từ, nhiều ý tưởng thoạt trông rất rời rạc. Rõ ràng hơn hết là trong cc.48-50: “lửa của chúng” của c.48 gọi “lửa” của c.49; “ướp muối” của c.49 gọi “muối” của c.50. Nhưng trước đó động từ “nên cớ vấp phạm” đã bảo đảm cho sự mạch lạc của cc 42-48. Và thành ngữ “nhân danh” làm công việc liên kết cc 37 (“nhân danh Ta”), 38-39 (“nhân danh Thầy”, “nhân danh Ta”) và c.41 (“vì danh nghĩa là các ngươi thuộc về Chúa Kitô” theo tiếng Hy lạp là ononomati hoti, “nhân danh sự kiện” công thức che đậy một đặc ngữ sêmita). Ta còn có thể nêu lên sự tương ứng giữa “một trong các trẻ nhỏ này” của c.37 và “một trong các kẻ nhỏ đã tin này” của c.42, dầu cho những chữ : dịch ra là “trẻ nhỏ” và “kẻ nhỏ” có khác nhau và chỉ các nhân vật khác nhau đi nữa.

 

Cách thức kết cấu này cấm ta đi tìm trong bản văn sự mạch lạc của một diễn từ hay của một khai triển có luận lý, và càng không được coi nó như bản trần thuật của một cuộc đàm thoại đã diễn tiến như đang được ghi lại dưới mắt ta. Ở đây, người ta đã quy tụ, theo một phương pháp ký ức, nhiều lời Chúa Giêsu đã thốt lên trong nhiều trướng hợp khác nhau, được truyền thông lưu truyền và được nối kết với nhau tàng tạm, để đáp ứng những nhu cầu giáo lý trong Giáo Hội sơ khai. Dù việc tập hợp này là công trình của Mc hay của Mt nguồn có trước đi nữa, thì điều đó vẫn không thay đổi gì vấn đề  ý nghĩa của nó. Ý nghĩa này phải được minh giải từ mỗi một yếu tố sau khi lưu ý đến cách dùng mà vì đó truyền thống đã giữ chúng lại. Qua chính sự hiện hữu của nó, một bản văn được cấu tạo như thế chứng tỏ rằng các Kitô hữu đã cảm thấy có liên hệ với những giòng tâm sự của Chúa Giêsu cùng các môn đồ và với hoàn cảnh của những kẻ đã theo Người trong thời gian Người còn tại thế.

 

b. Văn mạch

 

Trong sách Mc, toàn bộ này có dáng như là một đơn vị văn chương mà vị trí đã chẳng được chọn một cách may rủi. Đây là một cuộc đàm thoại của Chúa Giêsu với nhóm Mười hai; Chúa Giêsu ngồi xuống (cử chỉ của vị thầy đang dạy dỗ, x c 35; 4,1 ; Mt 5,1; Lc 4,20; 5,3 …) và gọi họ lại Người sẽ chỉ đứng dậy khi kết thúc (10,1 anastas). Cuộc đàm thoại xảy ra “tại nhà” (c.33), căn nhà mà chẳng ai biết vị trí và sớ hữu chỉ. Ở đây căn nhà được định vị tại Capharnaum, nhưng người ta cũng có thể tìm thấy nó nơi khác, mỗi khi Mc cần đến nó để gợi lên sự thân mật của những giáo huấn chỉ dành riêng cho các môn đồ, xa hẳn đám đông (7,17; 9,28; 10,10). Với cách “xếp đặt vị trí” này, Mc cho các tín hữu của Giáo Hội sơ khai thấy tầm quan trọng mà ông gán cho các lời Chúa Giêsu nói.

 

Đàng khác, cuộc đàm thoại bắt đầu và kết thúc với một kiểu cách phản ảnh một bận tâm lớn lao. Câu 50: “Các ngươi hãy sống hòa thuận với nhau” trở lại cuộc tranh luận giữa các môn đồ (cc. 33-34) mà câu 35 đã chấm dứt. Kết luận này cho thấy đặc tính của cách Mc giải thích lời nói về muối (x. Mt 5, 13 ; Lc l4,34-35). Cho dù Mc có sử dụng một nguồn liệu thì người ta cũng nhận ra ngòi bút của ông trong nhiều chi tiết của cc. 33-34 (x. S. Legasse, Jésus ét l’enfant, Paris, 1970, tr.23-25. Đặc biệt nên lưu ý sự khó khăn trong việc hòa hợp 35a với 33-34). Rõ ràng Mc muốn nhấn mạnh đến mối nguy mà cộng đoàn có thể gặp phải do vấn đề chọn lựa ngôi thứ giữa các môn đồ. Dĩ nhiên đó không phải là chủ đề duy nhất của cuộc đàm thoại, nhưng vị trí của nó ảnh hưởng đến việc hiểu rõ toàn thể bản văn.

 

Sau hết, Mc 9,33-50 nằm sau lời tiên báo thứ hai về cuộc Khổ nạn. Người ta biết rằng ba lời tiên báo về cuộc Khổ nạn tạo nên nhịp điệu cho cả một tiết của Tin Mừng thứ hai (8,31-10,45); mỗi một lời tiên báo đó, kèm theo nhiều giai thoại minh họa sự ngu độn của các môn đồ, gây nên một giáo huấn của Chúa Giêsu về sự hiệp thông số phận mà Người muốn thiết lập giữa họ và Người. Trong lần tiên báo thứ nhất, Phêrô phản đối, nhưng ông đã bị coi như là Satan (8,32-33), và các môn đồ với đám đông đã được cảnh giác rằng người ta không thể theo Chúa Giêsu nếu không bỏ mình và vác thập giá (8,34tt). Lời tiên báo thứ hai cho thấy các môn đồ không hiểu chi cả (9,32) và mối lo âu về địa vị chứng tỏ họ chẳng có khả năng đi vào trong nhãn giới của Thiên Chúa, đồng thời, theo Mc, nó gây nên cuộc đàm thoại mà chúng ta đang nghiên cứu đây (cc 33-34). Xa hơn, sau lời tiên báo thứ ba về cuộc Khổ nạn, nỗi sợ hãi của các môn đồ đang theo Chúa Giêsu xa xa trên đường tới Giêrusalem (10,32) và lời thỉnh cầu đầy tham vọng của hai con Giêbêđê (10,35tt) cho thấy họ cũng chẳng có khả năng hiểu đường lối của Chúa Giêsu, con đường mà dù vậy họ phải theo đuổi. Do đó, phải đọc 9,38-48 dưới ánh sáng mà Mc đã chiếu trên bản văn này.

 

II. KẺ TRỪ QUỶ XA LẠ VỚI NHÓM MUỜI HAI (cc. 38-40)

 

Người ta có thể hiểu giai thoại này trong bối cảnh cuộc sống Chúa Giêsu cũng như trong bối cảnh cuộc sống Giáo Hội sơ khai. Chúa Giêsu và các môn đồ Người trừ quỷ, như bao người Do thái khác (Mt 12,27; Lc 11,19). Quyền năng trừ quỷ của Chúa Giêsu là lý do khiến nhiều người Do thái đã cậy nhờ danh Người để xua đuổi quỷ. Thành thử lời khai báo của Gioan (c.38) phản ảnh một vấn đề có thể đã đặt ra vào thời Chúa Giêsu. Vả lại, sự kiện lời khai báo được gán cho Gioan cho thấy đây là một dữ kiện xưa của truyền thống; người ta không thể cắt nghĩa cách nào khác hơn việc đề cập đến tên của môn đồ này trong trình thuật.

 

Nhưng cách khai báo của Gioan có dẫu thuộc về truyền thống của Giáo Hội sơ thủy: nó giả thiết rằng nhóm môn đồ đã giới hạn và gọi kẻ trừ quỷ ngoài nhóm như một người không đi theo “chúng tôi” (2 lần trong c.38). Lối sử dụng động từ “theo” này chỉ có trong các Tin Mừng, nơi nói người ta theo Chúa Giêsu, chứ không theo các môn đồ Chúa Giêsu (Lc 9,49 loại bỏ đặc điểm này bằng cách viết: “Vì hắn không theo với chúng tôi”. Nên kiểu nói trên chỉ hiểu được trong giai đoạn mà Giáo Hội hậu phục sinh được thiết lập quanh nhóm các môn đồ.

 

 Ngoài ra, hình thức của đoạn văn cho thấy là nó đã  được dùng trong Giáo Hội. Loại đoạn văn này, trong ấy việc trình bày một sự kiện (hay một vấn đề) khêu lên một câu trả lời dứt khoát của Chúa Giêsu, năng gặp trong các Tin Mừng Nhất lãm. Nó phát xuất từ một quá trình hệ thống hóa: để tìm ra giải đáp thực tiễn cho bao vấn đề cụ thể trong các Giáo Hội, người ta nhắc lại những lời nói của Chúa Giêsu, và giá trị quy tắc của chúng xác định dần dần hình thức văn chương của chúng.

 

Công vụ 19,13-16 trích dẫn trường hợp của những người trừ quỷ Do thái ở Ephêsô đã thử dùng danh Chúa Giêsu để chống lại ma quỷ, vì họ đã thấy thánh Phaolô làm mà thành công (Sử gia Do thái Josèphe xác nhận rằng người ta có dùng tên Salomon trong các công thức trừ tà hay chữa bệnh, Ant. 8,45tt). Sự thất bại của họ làm tăng thêm vinh quang cho Chúa Giêsu vì danh Người không thể được sử dụng như một công thức phù chú.

 

Trường hợp được Gioan trích dẫn hẳn liên can tới những kẻ trừ quỷ xa lạ với nhóm các môn đồ, nhưng việc họ cậy dựa vào Chúa Giêsu chứng tỏ một đức tin nào đó. Câu Chúa Giêsu trả lời cũng giả thiết như vậy: nếu nhân danh Người mà họ đã thực sự trừ được quỷ, thì ngay sau đó họ không thể nói xấu Người. Một câu trả lời như thế phù hợp với thái độ của Chúa Giêsu, Đấng đã không cưỡng bách thính giả phải gia nhập vào nhóm những kẻ Người gọi theo Người (x. 5,19). Kỷ niệm này vẫn tồn tại trong Giáo Hội như một lời cảnh giới đề phòng thái độ bất khoan dung hay cơn cám dỗ muốn độc chiếm niềm tin vào Chúa Giêsu và độc chiếm quyền năng của Người. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Thành thử có rất nhiều cách thế để liên kết với Chúa Giêsu và với cộng đoàn các môn đồ Người, và bao lâu mà người ta không tách rời cách cố ý, thì mối liên kết vẫn tồn tại.

 

Dĩ nhiên, vấn đề biết ai tham gia hoặc chẳng tham gia vào cộng đoàn không chỉ giải quyết bằng truyền thống này mà thôi đâu. Và tiếng xác định “ngay sau đó” cho thấy rằng sự thành công của những cuộc trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu không dứt khoát bảo đảm tất cả những điều mà các kẻ trừ quỷ đó có thể nói về Chúa Giêsu. Khi loại bỏ câu 39b của Mc phải chăng Lc đã cảm thấy các giới hạn của tiêu chuẩn phân biệt này, hoặc cảm thấy cái khó khăn phải dùng tiêu chuẩn ấy ở ngoài bối cảnh mà Chúa Giêsu có thể đã thốt ra lời đó? Dù sao, các hiện tượng dị thường mà Giáo Hội sơ khai đã biết đến không phải tất cả đều là dấu chỉ của Thần khí và của sự thông hiệp với Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nhắc nhở cho các tín hữu Côrintô rằng những người ngoại giáo cũng biết đến các kinh nghiệm như thế và rằng việc tuyên xưng Giêsu như Chúa mới là tiêu chuẩn cho thấy có Thần Khí hoạt động (1Cr 12,1-3). Theo Mt 7,15-22, để được Chúa Giêsu thừa nhận trong ngày Thẩm xét, thì không phải chỉ cần nhân danh Người mà nói tiên tri, xua trừ ma quỷ, làm phép lạ là đủ, nhưng phải thực thi ý Cha trên trời (cũng nghĩa đó trong Dedaché 11,8-12). Và chính việc tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, theo 1Ga 4,1-3, mới là tiêu chuẩn phân biệt ngôn sứ thật và ngôn sứ giả.

 

Thành thử nguyên một lời của Chúa Giêsu không đủ để giải quyết một vấn đề có thể được đặt ra trong nhiều hoàn cảnh khác biệt nhau. Các lời của Chúa Giêsu tự chúng mang dấu vết của thời đại Người và của cử tọa đầu tiên của Người. Không được quên điều đó khi so sánh hai xác quyết: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40) và “Ai không đi với Ta tức là chống lại Ta, và kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan tác” (Mt 12,30 = Lc 1 l,23). Vì không biết trong trường hợp rõ ràng nào các lời tuyên phán đây đã được thốt lên, nên chúng ta phải nghe chúng trong văn mạch Tin Mừng hiện tại. Trong cả hai trường hợp, đều là vấn đề trừ quỷ. Nhưng lời tuyên phán thứ nhất biện minh cho những kẻ trừ quỷ mà khi cậy dựa vào danh Chúa Giêsu, đã nhận rằng quyền lực của Người đến từ Thiên Chúa. Lời tuyên phán thứ hai trái lại bác bỏ luận cứ của nhúng kẻ gán cho Satan quyền lực của Chúa Giêsu trên ma quỷ. Hơn nữa có một tiểu dị giữa chữ “chúng ta” của lời tuyên phán đầu và chữ “Ta” của lời sau. Người ta có thể nói: kẻ trừ quỷ xa lạ thu họp với Chúa Giêsu, chỉ có vấn đề là ông ta không thuộc nhóm các môn đồ. Nhưng theo lời Chúa, không nhất thiết phải thuộc về nhóm ấy (hay, ở giai đoạn trước tác của Mc, thuộc về cộng đoàn Kitô hữu) mới thực sự nhờ cậy được danh Chúa Giêsu và mới hành động được với quyền lực của Người.

 

Trong văn mạch của Mc, câu trả lời của Chúa Giêsu tố cáo các môn đồ có óc hẹp hòi, không thể hiểu được Thầy họ. Ngay khi người vừa tiên báo cuộc Khổ nạn của Người lần thứ hai (9,30-32), thì họ liền hỏi nhau xem ai là người lớn nhất (9,33-34). Khuynh hướng muốn độc chiếm Chúa Giêsu của họ và tham vọng ngăn cản kẻ ngoài nhóm cậy dựa vào người biểu lộ một ý chí quyền lực đối nghịch trực tiếp với thái độ của vị Thầy đang tiến dần đến cái chết, và với câu nói không chịu tranh luận lẫn điều đình của Người sau đây: “Ai muốn làm đầu, thì hãy ở cuối hết tất cả và làm tôi tớ tất cả” (9,35). Khi lự đồng hóa với đứa trẻ được tiếp nhận vì danh Người (c.37), Chúa Giêsu cũng nhắm đến ý nghĩa đó: quyết liệt phản đối các tư tưởng con người về sự cao trọng. Mc sẽ còn trở lại chủ đề này nơi ch.lo nữa: lời thỉnh nguyện của hai con Giêbêđê (cc.35-40) đối nghịch với lời tuyên báo Khổ nạn thứ ba (10,32-34), và những bất hòa xảy ra giữa các môn đồ vì lời xin ấy là cơ hội để xác quyết sự đòi hỏi phải phục vụ đến hy sinh và bài bác những quan niệm quá ư trần tục về quyền bính (cc 41-45).

 

Hiển nhiên là ngày nay, vấn nạn của Gioan về việc trừ quỷ và làm phép lạ hẳn được đặt ra bằng những lời lẽ khác. Nhưng vấn nạn đó vẫn luôn hiện thực: ai là môn đồ hoặc không phải là môn đồ của Chúa Giêsu, và quyền năng của Người hoạt động ra sao giữa con người? Với ít nhiều chuyển dịch, câu trả lời của Chúa Giêsu vẫn giữ tất cả sự trẻ trung của nó. Trong Giáo Hội, ai có thể tự cho mình thoát khỏi những lời cảnh giới của Mátcô?

 

 III. LY NƯỚC CHO MÔN ĐỒ (c.41)

 

Đừng đi tìm kiếm một mối dây chặt chẽ giữa lời này với các lời trước, trừ ra là chuyện các môn đồ và những hoàn cảnh khác nhau mà các ông có thể gặp. Nơi cc.39-40, người ta đã nói rõ thái độ của các ông đối với những người xa lạ với nhóm các ông. Bây giờ là cách thức mà “một kẻ nào đó” sẽ tiếp nhận các ông. Bởi vì các ông là môn đồ, nên cử chỉ nhỏ mọn nhất được làm để giúp đỡ các ông cũng có giá trị trước mặt Thiên Chúa (“phần thường”).

 

Phải đối chiếu xác quyết này với xác quyết của c.37 trong đó việc tiếp nhận một đứa trẻ nhân danh Chúa Giêsu  được đồng hóa với việc tiếp nhận chính Chúa Giêsu và Cha Người. Hai lời này, theo Mc, còn soi sáng thấu hơn nữa vì Chúa Giêsu nói đến đứa trẻ bằng những hạn từ thích hợp hơn với một thừa sai, với một nhà truyền giáo. Thật có ý nghĩa việc truyền thống Tin Mừng đã nới rộng ra các môn đồ những lời và cử chỉ của Chúa Giêsu liên hệ đến các trẻ em: người ta dễ dàng đi từ trẻ em sang môn đồ được mời gọi trở thành bé nhỏ (Mt 18,2-5; Mc 9,33-37 thì nói ngược lại) hay “kẻ nhỏ đang tin” nghĩa là xa người môn đồ xem ra yếu kém nhất hay vô giá trị nhất (Mc 9,42; Mt 18,6). Câu 37, nói đến việc tiếp nhận trẻ nhỏ nhân danh Chúa Giêsu, nghĩa là hợp với tinh thần và giới răn của Người, xem ra nối kết hai lời tuyên bố trong hai trường hợp khác nhau, một (c.37a) về các em bé. một (câu 37b, cũng có trong Mt 10,40; x. Lc 10,16; Ga 13,20) về sứ giả của Chúa Giêsu như được phát biểu nơi Mc, c.37 phù hợp cách tự nhiên với người môn đồ được tiếp đón với tư cách là môn đồ. Sở dĩ ly nước cho môn đồ có giá trị lớn lao như thế, đó là vì Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với môn đồ Người, như Người đã tự đồng hóa với kẻ hèn mọn nhất trong các anh em Người nơi Mt 25,35-45.

 

Những lời như thế đã cắm sâu vào các Kitô hữu đầu tiên cái ý thức rằng họ thuộc về Chúa Kitô và có nhiều trách nhiệm gắn liền với sự liên đới đó: qua các môn đồ người, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện trong thế giới ta đây. Thành thử người ta không ngạc nhiên khi thấy lời Người được phát biểu theo ngôn ngữ giáo lý; vì xét cho đúng ra Chúa Giêsu đã chẳng có thể bảo: “Kẻ nào cho các người uống một bát nước vì danh nghĩa là các ngươi thuộc về Chúa Kitô”. Nhưng Phaolô thì lại nói vậy (Rm 8,9; 1Cr 1,12; 3,23; 2Cr 10,7) để nhấn mạnh, sau khi Chúa Giêsu ra đi, đến mối dây đặc biệt mà Chúa Kỉtô đã thiết lập giữa Người với kẻ tin Người cùng làm cho Người hiện diện trên trái đất.

 

IV. CỚ VẤP PHẠM CHO NHỮNG KẺ NHỎ ĐANG TIN (c.42)

 

Trong giai đoạn biên soạn Tin mừng, không có vấn đề những trẻ nhỏ, nhưng là những “kẻ tin”, những Kitô hữu còn  nhỏ” vì có lẽ còn yếu kém, ít am hiểu hay gặp nhiều nguy hiểm hơn. Thánh Phaolô cho ta biết có nhiều loại Kitô hữu trong các giáo đoàn và ảnh hưởng của họ trên nhau: những người có “trí tri” có thể trở thành cơ hội sa ngã cho những kẻ yếu kém muốn bắt chước họ dù không có trí tri như họ (x. 1Cr 8.,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23). “Khi phạm đến người anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ như thế, tức là anh em có tội phạm đến Chúa Kitô” (1Cr 8,12). Xác quyết ấy của Phaolô nhấn mạnh một cách khác sự liên đới nối kết Chúa Giêsu với kẻ nhỏ nhất trong các tín hữu theo Mc 9,42. Mt 18,6 nói rõ: “Những kẻ nhỏ đã tin vào Ta này” nhưng văn mạch của Mc đủ để gợi lên điều đó. Trước đấy trong câu 37, đứa trẻ mà Chúa Giêsu tự làm cho mình nên liên đới, đã được chọn như là khuôn mẫu của môn đồ. Thành thử tính cách trầm đọng của gương xấu tố giác ở đây phát xuất từ phẩm giá của người tín hữu lu mờ nhất. Và sự nghiêm khắc của Chúa Giêsu đủ nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư phải dành cho kẻ ấy. Bất hạnh lớn nhất có thể xảy tất cho một người là lôi kéo phạm tội một trong các kẻ nhỏ này: một bất hạnh lớn hơn việc bị xô xuống lòng đại dương với một cối xay lớn cột nào cổ.

 

Các hạn từ mà Mc và Mt sử dụng cho thấy cộng đoàn Kitô hữu đã áp dụng lời của Chúa Giêsu cho những tín hữu có vẻ đơn sơ nhất. Hình thức nguyên thủy xem ra không xác định các kẻ nhỏ là các tín hữu (x. Legasse, sđd, tr.104tt). Xác định này vắng bóng trong Lc 17,2 nghiêng thành ngữ “một trong các kẻ nhỏ này” mà người ta chỉ thấy trong Tin Mừng, xem ra là âm vang trực tiếp của lời Chúa Giêsu. “Các kẻ nhỏ ấy này chắc là những người hèn kém của các giai cấp hạ lưu, ít học, bị coi thường, không thuộc một giới ưu tú nào, ngay cả giới ưu tú tôn giáo, giới này, trong Do thái giáo, có khuynh hướng khinh bỉ họ. Việc cảnh giác đề phòng sự làm gương xấu cho các kẻ nhỏ này có lẽ đặc biệt nhắm đến các thủ lãnh tôn giáo mà Chúa Giêsu, nơi khác, tố cáo là đã độc quyền chiếm đoạt “chìa khóa của trí tri”, chiếm đoạt sự giải thích Thánh Kinh. Là đóng cửa không cho những kẻ muốn vào (Lc 11 ,52). Trên mức độ lời giáo huấn của Chúa Giêsu, các dụ ngôn về hai người mù (Lc 6,39; Mt 15,14) và dụ ngôn về con chiên lạc (Lc 15,3-7; Mt 18, 12, 14) có thể được đọc trong cùng một ý nghĩa đó.

 

Khi thích trong giáo huấn này và giáo lý cho các Kitô hữu của thế kỷ XX trong Giáo Hội, ta không được giới hạn tầm mức của nó. Ngày nay hon bao giờ hết. Các “kẻ nhỏ” mà người ta coi thường và dễ bị nguy hiểm hư mất, không phải tất cả đều ở trong các cộng đoàn Kitô giáo của chúng ta đâu.

 

V. CHỐNG LẠI NHỮNG DỊP TỘI (cc.43-48)

 

Sự trầm trọng của gương xấu giờ đây được xác định theo mối nguy mà nó gây ra cho mỗi người. Bất cứ ai đều có thể tìm thấy trong chính bản thân một cơ hội gây gương xấu và như thế liều mình đánh mất sự sống (vĩnh cửu). Vật tranh giành quá quan trọng đến nỗi người đó, nếu cần, phải chấp nhận hy sinh một phần thân thể. Để hiểu những lời này của Chúa Giêsu, phải lưu ý đến lối nói cụ thể và thường nghịch lý trong cuộc nói chuyện của Người. Thật vô ích khi tìm xem những tội nào mà bàn tay, bàn chân hay con mắt có thể là cơ hội. Vả lại việc cắt bỏ chúng không loại trừ được nguy hiểm đâu. Chúng tượng trưng tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể tìm thấy trong chính bản thân hay trong những tương giao với bên ngoài. Và chúng cho thấy sự trừ tuyệt được đòi hỏi thật là đắt giá. Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Vương quốc Thiên Chúa”, tiêu chuẩn dứt khoát của mọi lựa chọn của con người (x. Mc 8,35-37ss; 10, 23-27ss; Mt 13,44-45 v.v…).

 

“Sự sống” đối nghịch với “hỏa ngục”, được gọi rõ ràng như là nơi khổ hình dành cho các tội nhân tự tách lìa khỏi “sự sống”. Lời trích dẫn nơi c.48 khiến ta liên tưởng đến Is 66,22-24, bản văn gợi lại vinh quang của Giêrusalem, thủ đô tôn giáo thế giới, trong lúc lên ngoài thành, xác chết của những kẻ đã nổi lên chống lại Thiên Chúa bị giòi bọ găm nhắm và lửa hủy diệt. Đó là thung lũng (tiếng hy bá là gô) Hinnom (được Hy lạp hóa thành Géhenna), gần các cửa phía nam của thành, mà ở đây dùng làm khung cảnh cho óc tưởng tượng của thi sĩ. Giêrêmia cũng đã chọn nó làm nơi mà hình phạt của con cái Giuđa phải bị bày ra trong tất cả vẻ nghiêm khắc; vì tội lỗi của họ (tế xác các trẻ nhỏ) đã đạt đến cực điểm ghê tởm nói đó (Gr 7,30-8,3; 19,7; 32,35). Luồng tư tưởng về hy vọng cánh chung tiếp đó đã lấy êhinnom để chỉ hình phạt không phải của các thây ma bất động nữa mà là của các tội nhân được phục sinh (Hênóc 22,10-11 ; 90,26-27; x.Dn 12,2). Lửa và giòi bọ trước đây là hai lại gia hình dành cho các thây ma, trở thành biểu tượng cho số phận kinh khủng dành cho những ai từ chối tiếng mời gọi hoán cải và những lời cảnh giác của Thiên Chúa (Gđ 16, 17; Hc 7,17) (giòi bọ : G 25,5, Lc 7, 17; Hênóc 46,3; lửa: Hênóc 90,26-27; Mt 13,42.50; 18,8; 25,41 ; Gđa 7; 7 ; Kh 19,20). Như trong Mt 5,29-30 đề cập rõ ràng đến thân xác, viễn ảnh mở ra trong Mc 9,43-48 là viễn ảnh của cuộc phán xét cuối cùng. Cũng cần thêm rằng các bản văn này không phải để nuôi dưỡng những suy tư suông về thế giới bên kia nhưng là để soi sáng và củng cố việc chọn lựa con đường dẫn đến sự sống (x.Mt 7, 13-14 so sánh với 24-27).

 

KẾT LUẬN

Tuy xem ra không ăn khớp với nhau, các lời nói trên đây của Chúa Giêsu vẫn luôn có khả năng bồi dưỡng giáo lý cho các Kitô hữu. Thánh Mc trình bày chúng như những huấn lệnh cho các môn đồ, những kẻ đã dấn thân trên con đường đưa Con Người đi từ đau khổ đến vinh quang. Ánh sáng này giúp ta hiểu rõ và thích ứng cho các thế hệ mới điều đã được nói theo thời Chúa Giêsu hay theo cuộc sống của những Kitô hữu ban đầu. Có rộng mở đón nhận những biểu lộ quyền  năng của Chúa Giêsu ngay cả ở ngoài biên giới của những cộng đoàn của chúng ta, có ý thức sứ mệnh đại diện Người trên trần thế, chúng ta mới tiếp xúc được với “người nào đó”, đặc biệt mới lo lắng cho những người yếu kém hơn; và sự sống” mà chúng ta được mời gọi đến, rất đáng giá mọi hy sinh phải chịu.

 

Có một điều đập vào mắt là trong toàn bộ cc.33-50, chẳng có một sự phân biệt nào giữa các thủ lãnh cộng đoàn và những người khác. Chỉ những kẻ hèn kém được nói đến như một hạng người riêng biệt song là để được gửi gấm cho trách nhiệm của mọi người. Cách thức nhóm Mười hai được đồng hóa với các môn đồ (cc.31.33.35) và các độc giả (“các ngươi” c 41) được coi như thuộc về Chúa Kitô, cho thấy rằng mọi Kitô hữu phải biết lợi dụng bài giáo lý hôm nay. Sở dĩ cc.35 và 38 đặc biệt nhắm đến các thủ lãnh, đó là để phản kháng cao vọng của họ muốn đặt mình trên kẻ khác (c.35) hay muốn độc chiếm quyền năng của Chúa Giêsu (c.38). Cuộc nói chuyện rõ ràng hướng tới lý tưởng một cộng đoàn trong đó hết thảy sống an hòa với nhau (c.50b) vì biết phục vụ lẫn nhau (cc.33-35). Điều kiện để được như thế là sự từ bỏ, được diễn tả qua hình ảnh muối (c.50), mà nếu không có thì người môn đồ chẳng phải là môn đồ đích thực. Nếu phải gán một tiêu đề cho toàn thể cc.33-50, thì ta có thể đề nghị: “Vài chỉ thị về cách thức đích thực để trở nên môn đồ .

 

Jean Delornle, Assemblées du Seigneur 57, tr.53-62.

 

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

 

1. Vấn đề mà Tin Mừng nói hôm nay (cc.38-40) vẫn còn đang nóng bỏng. Trong Giáo Hội, cần có một nhóm nào đó xem mình như có độc quyền sử dụng Tin Mừng để rồi lên án mọi việc làm của các Kitô hữu khác không. Chắc chắn một nhóm như thế không cần phải có. Như trong thực tế, đây đó vẫn có những nhóm quá khích tự xem mình như những nhà chú giải Tin Mừng đúng với ý Chúa mà thôi. Nhóm người này không thể dùng chiêu bài được ở gần Chúa Giêsu như thánh Gioan và các sứ đồ thuở xưa để mà biện hộ. Chung chung họ chỉ lập luận dựa trên cát nhìn một chiều của họ về Giáo Hội, khi thì (dựa trên thái độ tiêu cực đối với mọi trào lưu biến hoá, khi thì trên cách thế diễn giảng Tin Mừng theo chiều hướng chính trị. Tất cả đều có điểm chung là không muốn đi vào chiều sâu của Giáo Hội. Thần ác đã xui khiến các loại nhóm này “dứt phép thông công” lẫn nhau, đến độ một phần tử quá khích của một “trào lưu” mệnh danh là mới mẻ không muốn cùng chung bàn tiệc thánh với một phần tử của trào lưu khác.

 

2. Thời đại chúng ta, vì phải chịu nhiều ảnh hường tệ hại khoa thần học có khi đã bị sa lầy trong những cuộc tranh luận có tính cách ý thức hệ hoặc trong những cuộc tranh chấp chính trị; do đó, người Kitô hữu cần phải khôn ngoan nhận ra thế nào là trung thành đích thực với Tin mừng, thế nào là không. Thực tế, vẫn có nhiều cách trung thành đích thực đã được các vị trọng trách trong Giáo Hội đảm bảo, do đó họ cũng cần phải chấp nhận có sự khác biệt trong cách trung thành. Một trong những tiêu chuẩn căn bản giúp ta nhận ra tính cách đích thực, đó là dấu cổ võ sự hiệp thông.

 

3. Sau khi công bố phẩm cách cao quí của những kẻ bé mọn (Mc 9,37), giờ đây Chúa Giêsu mặc khải phẩm cách cao quí của môn đồ. Người môn đồ nhỏ bé nhất vẫn tượng trưng Chúa Kitô (xem cuộc Chung thẩm trong Mt). Kitô hữu là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa trần thế. Đây là một danh dự và một trách nhiệm nặng nề. Có bao giờ ta ý thức như thế để sống xứng đáng không? “Nếu các Kitô hữu sống đạo thật thì dân An chúng tôi đã theo Chúa Kitô cả rồi” (lời thánh Gandhi).

 

4. Hãy nghĩ đến những người mà ta có thể gây cớ vấp phạm bằng những thay đổi hiện thời trong Giáo Hội, những thay đổi quá táo bạo, không tôn trọng các truyền thống cũng như hãy nghĩ đến bao người thất vọng, bị cám dỗ rời bỏ Hội Thánh hay cảm thấy không muốn vào vì sự thụ động của ta, vì thái độ của nhiều Kitô hữu không chịu cải cách, đổi mới.

 

5. Lời Chúa bảo phải tróc nã, tiêu diệt sụ ác tận gốc của nó, tiêu diệt dịp tội trong chúng ta và ngoài chúng ta. Đời sống Kitô hữu không thể hiện bằng sự cắt xén hủy bỏ, nhưng bằng sự lớn lên. Để có thể lớn lên, tăng trưởng, mang hoa trái, phải cắt tỉa, gột rửa, từ bỏ… vì danh Chúa Giêsu, vì vương quốc Thiên Chúa. Xem của 15,1-2: Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt vất: còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn.

 

 Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét