TIN MỪNG DỮ DỘI
Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B
(Mc 9,38-43.45.47-48)
Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, độc giả có lúc cười lúc khóc, có
khi cảm nhận được sự xoa dịu ủi an hay thôi thúc tỉnh thức, có lúc cảm thấy bị
chói tai, bị cay cú…Tin Mừng luôn nói lên những chân lý và dạy những bài học
thích đáng.
Suy niệm trang Tin Mừng (Mc 9,42-48), Lm. Nguyễn Hồng Giáo
dùng cụm từ “Tin Mừng dữ dội”.
Đầu đề “Tin Mừng dữ dội” chắc sẽ làm cho nhiều người ngạc
nhiên thắc mắc. Tin Mừng của Chúa Giêsu mà dữ dội sao? Chẳng phải là Tin Mừng
toát ra một bầu khí yêu thương, hiền hoà, bao dung, yêu chuộng hoà bình và bất
bạo động bao trùm đó sao? Tôi đồng ý như thế, tôi vẫn biết là có vố số những
người đã tìm thấy trong lời dạy về tình thương và thái độ bất bạo động nguyên
lý cho sự dấn thân xã hội, chính trị của họ, ví dụ như ba khuôn mặt còn khá
quen thuộc với nhiều người trong chúng ta là Mẹ Têrêxa Calcutta, mục sư Tin
Lành Martin Luther King và nhà anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi. Dầu vậy, tôi cứ vẫn
thấy Tin Mừng của Chúa là dữ dội, ngay cả hay đúng hơn nhất là Bài giảng trên
núi (Mt các chương 5, 6, 7) mà Gandhi lấy làm một nguồn cảm hứng cho cuộc đấu
tranh hoà bình của mình chống lại thực dân Anh, dành độc lập cho đất nước. Tin
Mừng dữ dội với các đòi hỏi gắt gao: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa
ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà vào cõi sống còn hơn là có
đủ hai hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh
sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có
đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục” (Mt 18, 8-9; x. Mt 5, 19-20). Cần hy
sinh những gì đưa chúng ta tới tội trọng và phải biết dám liều mình, hy sinh đến
cả mạng sống mình để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. (x.nguoitinhuu.com)
Lời Chúa hôm nay cho thấy tính chất “dữ dội” của Tin Mừng.
Phải tránh gương mù gương xấu “Nếu ai làm cớ cho người khác phạm tội, thì thà
buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển còn hơn”. Phải quyết liệt và dứt
khoát với dịp tội “chặt tay, chặt chân, móc mắt” khi những chi thể này là
nguyên nhân phạm tội. ĐGM Arthur Tonne gọi đó là những lời đẫm máu và rùng rợn.
Noel Quesson nói: dù là những kiểu nói vùng Sêmít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng
ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó. M. Quesnel tự hỏi:
Sao chỉ có ba chi thể đó? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người
thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu (Mc 7,21-22). Chúa Giêsu
bảo là hãy dứt khoát “chặt đi” bất kỳ sự vật, người hoặc hoàn cảnh nào có thể
là dịp tội cho ta. Đó là ý nghĩa của điều mà Phúc Âm gọi là “từ bỏ chính mình”
(x. Mc 8,34). Tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì
cũng không đến nỗi tàn phế. Việc hai tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu
nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe (Fiches Dominicales). Tay mắt
và chân tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi
bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài. “Chặt bỏ” một tật xấu một thói quen,
“cắt đứt” một mối liên hệ nguy hiểm. Tính dữ dội biểu lộ nơi thái độ chọn lựa dứt
khoát và quyết liệt với tội lỗi.
Cũng như người bệnh, phải phẫu thuật, phải cắt bỏ khối u, cắt
bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo chúng ta phải quyết
liệt với tội lỗi cho dù phải “chặt tay, chặt chân, móc mắt”. Chúa muốn nhấn mạnh
đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, đó là tiêu chuẩn tối
hậu của mọi chọn lựa của con người. Biết bao nhiêu người đã chịu thiệt thòi, thậm
chí dám chấp nhận cái chết vì trung thành với tất cả các đòi hỏi “dữ dội” của
Tin Mừng.
Đời sống Kitô hữu cần được cắt xén, gột rửa, từ bỏ để tăng
trưởng, sinh nhiều hoa trái “Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt bỏ,
còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn” (Ga 15,1-2).
Có những lời dạy của Tin Mừng, mới nghe qua thì rất “nhẹ
nhàng”, nhưng gẫm sâu hơn lại thấy vô cùng dữ dội, ví dụ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ
con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”
(Lc 14, 26). “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu
chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa
làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24); “Anh em đã nghe Luật
dạy người xưa rằng: ‘Chớ giết người’; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai
mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai
chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5,
21-22); “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Thầy, Thầy bảo cho
anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì lòng đã ngoại tình với người
ấy rồi” (Mt 5, 27-28); “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con
phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: ‘Thầy không bảo
là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy'” (Mt 18, 21-22); “Anh em đã nghe
Luật dạy rằng: ‘Mắt đền mắt răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống
cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo
ngoài…” (Mt 5, 38-40). Hoặc: “Anh em đã nghe Luật dạy: ‘Hãy yêu đồng loại và
hãy ghét kẻ thù’. Con Thầy. Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho
những kẻ ngược đãi anh em...” (Mt 5, 43-44).
Tin Mừng dữ dội là do sự đòi hỏi vô cùng của sự hoàn thiện
và tình thương của Cha trên trời mà các môn đệ Chúa Giêsu, vốn là những con người
yếu đuối và tội lỗi, phải noi theo (x. Mt 5, 48 và Lc 6, 36). Giáo lý Tin Mừng
không hề kêu gọi bạo lực nhưng nó đòi hỏi người tín hữu phải quyết liệt với
mình, làm mạnh với mình, dám dùng “bạo lực” với mình, nếu nói được như thế, bởi
lẽ nó bắt ta đi ngược với xu hướng tội lỗi vốn ăn sâu trong ta, đi ngược với sự
khôn ngoan thế gian nữa. (Lm Nguyễn Hồng Giáo).
Trước những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, người ta sẵn
sàng chấp nhận cắt bỏ một phần chi thể để cứu cả mạng sống. Khi nói “thà cụt một
tay, thà mất một mắt” mà được vào cõi sống, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tính quyết
liệt, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, sự ác. Quả vậy, hoả
ngục, điểm đến của tội lỗi, là tình trạng còn tồi tệ hơn cả cái chết. Vì thế, để
được vào cõi sống muôn đời, Chúa dạy chúng ta không chỉ tránh tội, những điều tự
bản chất là xấu, mà ngay cả những gì thiết thân nhất với mình, những gì tự
chúng vốn không xấu, nhưng một khi chúng trở thành dịp tội, chúng ta cũng phải
dứt khoát loại bỏ. Gương xấu và làm dịp tội cho người khác gây tai hại và nguy
hiểm vô cùng. Các nhà tu đức đã đúc kết thành câu châm ngôn: “Càng tránh dịp tội
càng ít phạm tội”.
Có câu chuyện ngụ ngôn “Đại hội cái búa” kể về nỗi lo sợ của
các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của
người đốn cây. Hễ búa đi đến đâu là là cây cối đều ngã rạp đến đó.
Một hôm cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa. Để
chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời
tham dự Đại hội này.
Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, Đại hội đi đến kết luận: Cương
quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả. Búa mà không có cán
thì làm được việc gì bây giờ. Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết
định này. Dù một khúc gỗ cũng không cho!
Bấy giờ, Búa đưa tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng
thương: Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền
không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa vào
những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!
Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự
chia rẽ vì khác quan điểm. Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại. Kết quả là
đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán. Nhưng hỡi ôi! Khi Búa
đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến
cây cổ thụ.
Bạn chỉ cần cho tội ác một cơ hội thôi là bạn sẽ hối tiếc cả
cuộc đời! Tội lỗi huỷ hoại đời người như sự hung hãn của núi lửa. Tội lỗi tàn
phá cơ thể như bệnh ung thư. Tội lỗi gây hậu quả lâu dài như những đổ vỡ trong
Gia đình, hầu như không bao giờ hàn gắn được!
Bạn đừng cho tội ác một cơ hội nào hoành hành, dù chỉ là một
một sự dễ dàng cỏn con. Hãy chống trả, hãy cự tuyệt và tránh xa nó! “Đừng để ma
quỷ lợi dụng!” (Ep 4, 27).
Cái xấu có khả năng lây lan rất nhanh. Tiếp cận với lời “dữ
dội” của Tin Mừng sẽ giúp bạn tránh xa dịp tội và gương xấu. Nhờ đó, bạn sẽ làm
chủ những đam mê như vui, buồn, sợ, giận, yêu, ghét, ham muốn trong mọi mối
tương quan. Cái đẹp, cái tốt, cái chân thật thường loan truyền theo chiều rộng
và chiều xa. Sống Tin Mừng giúp bạn đem đến cho cuộc đời những nét đẹp, cuộc sống
thêm ý nhị đậm đà và nhiều niềm vui hạnh phúc hơn.
Đức Thánh Cha Phanxicô khi suy niệm về việc Đavít phạm tội
đã nói: “Điều nghiêm trọng nhất là… Đavít đã mất cảm thức tội lỗi” mà chỉ coi
đó là “một sự cố phải giải quyết” (Bài giảng 31/01/2014). Con người ngày nay
đang đánh mất cảm thức tội lỗi: người ta không gọi tội lỗi là tội lỗi, mà khoác
cho chúng những mỹ từ, thậm chí coi đó là những việc chính đáng, được phép làm
(như hợp pháp hoá mại dâm, phá thai…). Để tân phúc âm hoá đời sống xã hội, người
Kitô hữu phải có cảm thức nhạy bén trước tội lỗi và loại trừ chúng ngay khi
chúng mới xuất hiện dưới dạng một cơn cám dỗ hay một dịp tội.
Chúng ta hãy noi gương thánh Đaminh Saviô trung thành suốt đời
với quyết tâm khi rước lễ lần đầu: “Thà chết chứ không phạm tội”.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét