GIÁO LÝ VỀ CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ (30/8/2006) - THÁNH MÁTTHÊU, NGƯỜI THU THUẾ
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
Thính Đường Phaolô VI
Thánh Mátthêu, người thu thuế
Anh chị em thân mến!
Tiếp tục chuỗi những bài suy niệm về chân dung mười hai tông đồ, hôm nay chúng ta đến với thánh Mátthêu. Thực tế, gần như không thể phác họa một bức tranh toàn diện về vị tông đồ này, bởi tư liệu chúng ta có về ngài khá ít ỏi và rời rạc. Điều chúng ta có thể thực hiện là liệt kê vài ba chi tiết về cuộc đời thánh nhân từ những gì Tin Mừng thuật lại.
Mátthêu luôn xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai được Đức Giêsu tuyển chọn [ Cf. Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13]. Danh xưng của ngài trong tiếng Hípri có nghĩa là “ân huệ của Thiên Chúa”. Cuốn Tin Mừng đầu tiên trong quy điển được xem là do chính thánh Mátthêu viết, giới thiệu sự xuất hiện của ngài trong danh sách Nhóm Mười Hai, thông qua việc xác định cụ thể là “viên thu thuế” [Mt 10,3].
Vì vậy, truyền thống đồng hóa Mátthêu với người đàn ông đang ngồi tại bàn thu thuế, được Đức Giêsu kêu gọi đi theo Người: “Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua một trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại đó. Người bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi’. Ông đứng dậy đi theo Người” [Mt 9,9]. Thánh Máccô [Cf.Mc 2,13-17] và Luca [Cf. Lc 5,27-30] cũng nói về cuộc kêu gọi một người đang ngồi tại trạm thu thuế, nhưng gọi tên nhân vật đó là “Lêvi”.
Để hình dung bối cảnh Đức Giêsu kêu gọi Mátthêu (Mt 9, 9), chúng ta hãy chiêm ngưỡng bức họa tuyệt đẹp của họa sĩ Caravaggio, được lưu giữ tại Rôma trong nhà thờ Thánh vương Luy nước Pháp.
Hãy chú ý đến một chi tiết khác: ngay trước trình thuật về cuộc kêu gọi Mátthêu, Tin Mừng kể lại phép lạ Đức Giêsu thực hiện tại Caphácnaum [Cf. Mt 9,1-8; Mc 2,1-12]. Đây là khu vực giáp ranh với vùng biển Galilê, hay còn gọi là biển hồ Tibêria [Cf. Mc 2,13-14]. Từ điểm này, chúng ta có thể suy ra rằng Mátthêu hành nghề thu thuế ở Caphácnaum, chính là khu vực “ven biển” [Mt 4,13]. Đây cũng là nơi Đức Giêsu thường xuất hiện những khi ghé nhà Phêrô.
Từ những quan sát đơn sơ này, chúng ta có thể nêu ra đây hai ý tưởng:
Thứ nhất, Đức Giêsu mời vào nhóm bằng hữu thân tín của Người một kẻ, mà theo quan niệm phổ biến của Israel thời đó, là tội nhân công khai. Thực vậy, Mátthêu không chỉ đụng đến những đồng tiền dơ bẩn, vì việc thu thuế bắt nguồn từ ngoại bang, nhưng còn cộng tác với giới lãnh đạo tham lam vô độ, buộc dân chúng cống nạp nặng nề. Đó là lý do vì sao các Tin Mừng đôi khi liên kết “những người thu thuế và các tội nhân” [Mt 9,10; Lc 15,1], hoặc “những người thu thuế và các cô gái điếm” [ Mt 21,31].
Người ta thường xem viên thu thuế là mẫu người ích kỷ và bủn xỉn (họ chỉ yêu thích những ai yêu thích họ) [Cf. Mt 5,46]. Tin Mừng nhắc đến một trong số những người như thế là ông Giakêu, giữ vai trò “đứng đầu những viên thu thuế giàu có” [Lc 19,2], và Tin Mừng cũng cho thấy quan niệm phổ biến thời đó thường gắn kết họ với “những kẻ trộm cắp, bất chính, ngoại tình” [Lc 18,11].
Ấn tượng đầu tiên tác động đến độc giả đặt nền trên những nhận định như sau: Đức Giêsu không xua đuổi bất cứ ai ra khỏi mối tương quan thân hữu với Người. Thực vậy, chính khi ngồi bàn ăn tại nhà ông Mátthêu (Lêvi), trả lời cho những ai đang cảm thấy vấp phạm về việc Người liên hệ với những kẻ không mấy thiện cảm, Đức Giêsu tuyên bố một điều quan trọng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” [Mc 2,17].
Sứ điệp Tin Mừng được gồm tóm trong điều này: ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ đến tội nhân.
Trong một trình thuật khác, với những lời nổi bật của người Pharisêu và người thu thuế, khi cả hai lên Đền thờ cầu nguyện, Đức Giêsu đã chưng dẫn hình ảnh người thu thuế vô danh kia là mẫu gương chân thực của sự khiêm hạ và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong khi người Pharisêu tự mãn khoe khoang về đời sống luân lý hoàn hảo của mình, thì viên thu thuế không dám ngước mắt lên trời, nhưng đấm ngực và thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”.
Và Đức Giêsu nhận xét: “Tôi nói cho các ông biết: viên thu thuế này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” [Lc 18,13-14].
Thế nên, nơi tông đồ Mátthêu, các Tin Mừng giới thiệu một nghịch lý chân thật và đúng đắn: ngay cả những ai dường như xa rời sự thánh thiện nhất cũng có thể trở nên gương mẫu trong việc mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và mang đến một cái nhìn sơ khởi về những hiệu quả phi thường của ơn Chúa tác động trên đời sống của họ. Thánh Gioan Kim Khẩu đã diễn giải một ý tưởng quan trọng. Ngài nhận xét rằng: chỉ có vài trường hợp kêu gọi các môn đệ là thấy nhắc đến công việc các ông đang làm. Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan được kêu gọi đang khi hành nghề chài lưới, còn Mátthêu được kêu gọi đang lúc ngồi bàn thu thuế. Thánh nhân giải thích thêm: đây là những nghề nghiệp không danh giá, “vì chẳng có công việc nào hèn hạ như nghề thu thuế và chẳng có công việc nào tầm thường như nghề đánh cá” [Thánh Gioan Kim khẩu, bài giảng về Tin Mừng Mátthêu: PL 57, 363]. Vì vậy, lời mời gọi của Đức Giêsu cũng đến với những kẻ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội, đang khi họ thực hiện công việc thường nhật của mình.
Ý tưởng thứ hai được gợi hứng từ trình thuật Tin Mừng là thái độ dứt khoát của Mátthêu: “Ông đứng dậy và theo Người”. Câu nói súc tích này làm nổi bật tâm thế sẵn sàng của vị tông đồ trong việc đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu. Đối với Mátthêu, theo Đức Giêsu có nghĩa là từ bỏ mọi thứ, cả những gì đảm bảo cho mình có một điều kiện sống ổn định với nguồn thu nhập đáng kể, cho dẫu công việc mình làm đôi khi là bất công và hèn hạ. Rõ ràng, Mátthêu hiểu rằng mối tương quan thân mật với Đức Giêsu không cho phép ngài theo đuổi những công việc mà Thiên Chúa không ủng hộ.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy một bài học bổ ích để áp dụng vào thực tế cuộc sống hôm nay: người môn đệ không được gắn bó với những gì bất xứng trong hành trình theo Chúa, chẳng hạn những của cải thu tích do gian dối và lừa lọc.
Đức Giêsu từng nói: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán tài sản của mình và phân chia cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” [Mt 19,21]. Đây là điều Mátthêu đã làm. Ngài “đứng dậy và theo Người”. Trong cụm từ “đứng dậy”, chúng ta đọc thấy một hành động dứt bỏ tình trạng tội lỗi, đồng thời, ý thức gắn kết đời mình với lối sống chính trực mới mẻ, trong sự hiệp thông với Đức Giêsu.
Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ rằng truyền thống Giáo hội vẫn nhìn nhận Mátthêu là tác giả viết Tin Mừng thứ nhất. Điều này bắt nguồn từ giám mục Papias thành Hierapolis ở Frisia, quãng năm 130. Vị giám mục này viết như sau: “Mátthêu viết lại những lời giảng của Chúa bằng tiếng Hípri, và mỗi người đều hiểu những lời ấy tốt nhất tùy khả năng của mình” [Êusêbiô Cesarea, Historia Ecclesiastica, III, 39, 16].
Êusêbiô, một nhà sử học Giáo hội, còn cho biết đôi chút thông tin: “Khi Mátthêu, vị tông đồ đầu tiên rao giảng cho những người Do Thái, quyết định cũng đi rao giảng cho cả dân ngoại nữa, ngài đã viết cuốn Tin Mừng bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, ngài tìm cách viết tất cả những gì họ có thể đánh mất khi ngài ra đi” [Ibid., III, 24, 6].
Bản Tin Mừng Mátthêu được viết bằng tiếng Hípri hoặc Aram hiện nay không còn, chỉ tìm thấy bản văn bằng tiếng Hy Lạp mà thôi. Trong bản văn Hy ngữ ấy, chúng ta chắc chắn vẫn nghe thấy tiếng nói đầy thuyết phục của viên thu thuế Mátthêu xưa, người đã trở nên một tông đồ, không ngừng rao giảng lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy lắng nghe thông điệp của thánh nhân, suy ngẫm thông điệp ấy một lần nữa, để học cho được cách đứng dậy và bước theo Đức Giêsu với lòng xác quyết tuyệt đối.
Nguồn: daminhvn.net (21/9/2024)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét