Trang

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

11.12.13.14.15. Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016

Chương 11-Một linh đạo của giây phút hiện tại

6
Chương 11-Một linh đạo của giây phút hiện tại
 Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Âugutinô, một tu sĩ Dòng Phan Sinh, một tu sĩ Dòng Tên chết và lên trời. Chúa Giêsu hỏi mỗi người:
Nếu các con có thể về lại trần gian thì các con sẽ nhắn gì cho người khác qua cuộc sống của các con?
Tu sĩ Dòng Âugutinô suy nghĩ một lát và trả lời:
Dạ, dưới trần thế có quá nhiều tội. Nếu con có thể trở về trần thế, con sẽ cố gắng làm sao để người ta không phạm tội nữa.
Tu sĩ Dòng Phan Sinh cũng suy nghĩ và trả lời:
Dạ, dưới trần thế có quá nhiều người nghèo. Nếu con có thể trở về trần thế, con sẽ thuyết phục giáo dân chia sẻ của cải của mình với người nghèo.
Tu sĩ Dòng Tên nhìn Chúa Giêsu và trả lời ngay:
Nếu con có thể trở về trần thế, con sẽ đi kiếm một bác sĩ khác.

Trong quyển tiểu sử của mình, Thánh I-Nhã kể vào cuối đời, suy nghĩ về cái chết đã làm cho ngài có một niềm vui sâu đậm. Viễn cảnh sẽ kết hợp với Đấng Tạo Dựng và Chúa của mình làm ngài chảy nước mắt.
Và chính vì vậy mà Thánh I-Nhã quá yêu cuộc sống. Linh đạo I-nhã dạy cách thế nào để tìm và để phục vụ Chúa trong tất cả mọi trạng huống và sinh hoạt hàng ngày. Sống trong tâm trạng này cụ thể giúp chúng ta có khả năng xem cuộc sống hàng ngày là nơi mà ngay giờ phút này chúng ta có thể có được được đời sống phong phú ở trần gian này. Không cần phải chờ đến chết mới nếm được niềm vui đứng trước sự hiện diện của Chúa.
Am hiểu bản chất con người, Thánh I-Nhã căn dặn phải cẩn thận với hai cái bẫy: hoài niệm quá khứ với nhớ nhung, nghĩ đến tương lai với mơ mộng.
Có một ý nghĩa trong việc nhìn lại các kinh nghiệm sống của mình. Mình có thể thấy dấu vết sự hiện diện của Chúa. Chung chung nó thường thể hiện trong những lúc mình có sức mạnh nội tâm, bình thản, vui vẻ và tin tưởng. Trong mức độ mình cảm nghiệm qua các lựa chọn, quá khứ có thể là một trường đời. Nó có thể cho mình thấy cuộc sống hiện tại phù hợp nhiều hơn với con đường mà Chúa đã chỉ định cho mình. Và mình cũng có thể bị kẹt trong quá khứ, lúc nào cũng quay một cuốn phim trước mặt mình. Dù đó là do hoài niệm hay do một cảm nhận chua xót thì kết quả vẫn là một: bạn để mình bị kéo ra khỏi giây phút hiện tại, là giây phút duy nhất cho cuộc hiện sinh của bạn bây giờ.
Thánh I-Nhã không muốn các chủng sinh của Dòng Tên hôm nay nói những gì mà ngày mai họ sẽ làm, vì như thế sẽ không có hệ quả nào khác hơn là làm cho họ lơ là với thách thức lớn duy nhất mà mọi con người phải đối diện: sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Dĩ nhiên một người cha, một người mẹ gia đình tốt phải chuẩn bị tương lai cho một thời gian hữu ích. Nhưng ở đây cũng có cám dỗ, không phải là hoàn toàn tưởng tượng, là suốt ngày mơ đến một tương lai chưa biết như thế nào mà bỏ lơ đi đời sống thật, ở đây và bây giờ.
Thánh Jean Berchmans (1621), một tu sĩ Dòng Tên chết trẻ hiểu rõ điều này. Berchmans đang chơi bi-da. Có người hỏi anh sẽ làm gì nếu anh chỉ còn vài phút để sống. Berchmans trả lời: «Thì tôi tiếp tục chơi bi-da như thường lệ.»
Chương 12- Đặt lòng tin tưởng của mình vào Chúa và nơi tạo vật của Ngài
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Phan Sinh, một tu sĩ Dòng Đa Minh và một tu sĩ Dòng Tên đi chơi golf. Mọi sự tốt đẹp cho đến khi họ phải chờ một nhóm nhỏ chơi rất chậm và không để ai đi qua. Bực mình, ba tu sĩ của chúng ta đi gặp người có trách nhiệm sân golf để hỏi sự tình. Người đó giải thích, đó là một nhóm người mù tập chơi golf. Mỗi người mù chơi với một người sáng mắt và người này hướng dẫn người mù chơi. Tu sĩ Dòng Phan Sinh rất cảm kích trước sự tận tụy của những người này. Cha xin lỗi vì mình đã mất kiên nhẫn và cho biết, mình cảm nghiệm tấm gương này để cầu nguyện và để lo cho người nghèo.
Tu sĩ Dòng Đa Minh cũng xúc động trước sáng kiến này. Cha cho biết mình sẽ giảng về chuyện này và chuyện này khuyến khích chính mình làm tốt hơn cho những người trong hoàn cảnh thiếu thốn.
Tu sĩ Dòng Tên cũng rất xúc động. Cha mời người phụ trách sân golf ra nói chuyện riêng, cha khuyến khích anh kiên trì trong công việc của mình. Tuy nhiên cha nói thêm một nhận xét nhỏ:
– Có phải tốt hơn cho mọi người là mình làm chuyện này sau khi mặt trời lặn không?
Năm 1539, khi cùng với các đồng hữu sáng lập Dòng Tên, Thánh I-Nhã đã có đàng sau mình một tiến trình đi tìm con đường thiêng liêng đã hai mươi năm. Bản chất huyênh hoang và tìm tòi để thấm hiểu, ngài trở nên chín chắn và trở thành người khiêm tốn đi tìm Chúa. Sau khi ngã và đứng dậy không biết bao nhiêu lần, Thánh I-Nhã  khám phá ra mục đích của đời mình: tìm và thấy Chúa trong mọi sự để luôn phục vụ Chúa được tốt hơn. Bằng lời, và nhất là bằng hành động.
Điểm nổi bật của Thánh I-Nhã là ngài tin tưởng tuyệt đối vào Chúa: «Đặt lòng tin tưởng của bạn vào Chúa, xem như kết quả công việc của bạn tùy thuộc vào bạn  chứ không vào Chúa; dấn thân mình trọn vẹn, như chẳng có gì thành tựu là do bạn nhưng hoàn toàn do Chúa.» Lòng tin tưởng của Thánh I-Nhã vào Chúa là tuyệt đối. Cũng lớn như ý thức của ngài, rằng con người trách nhiệm cho chính sự hợp tác của mình vào Nước Chúa. Để làm được điều này, mọi phương tiện – miễn là được cho phép – đều được dùng: «Bạn không thể nào tránh né chỉ vì sợ điều đó bị lợi dụng, mà thực chất nó không phải là chuyện xấu. Nếu bạn làm, bạn đã loại đi trước một sự tăng trưởng đáng kể cho vinh quang của Chúa.»
Chúng ta cũng có thể khám phá những con đường còn xa lạ nhưng đôi khi rất lạ lùng. Chính vì thế, vào thế kỷ 17, các tu sĩ Dòng Tên đã mang bộ môn kịch nghệ vào dạy ở các trường của mình, khi vào thời đó, Giáo hội và các nhà tư tưởng còn cho rằng, bộ môn này là một sinh hoạt suy đồi và không nghiêm chỉnh. Các linh mục của trường đã xác quyết rằng, khả năng mô phạm của bộ môn kịch đủ quan trọng để vượt lên sự cấm kỵ này. Khi đó họ không ngần ngại dùng phương tiện này để nhân bản hóa (humaniora) có nghĩa là giúp các học sinh tăng trưởng trong tình nhân loại. Và các cha Dòng Tên đã chọn lựa kỹ các vở kịch để dạy hoặc chính họ tự viết.
Để rõ ràng trong các mục đích làm sáng tạo của họ và tự do trong sự chọn lựa các phương tiện. Các lập luận như: «Chúng tôi chưa bao giờ làm vậy» hoặc: «Chúng tôi luôn luôn làm như vậy» không có tác động mạnh khi họ muốn đưa ra các thay đổi mới.
Khi đã lớn tuổi, một ngày nọ, một đồng hữu của Thánh I-Nhã hỏi ngài, nếu trường hợp Đức Giáo hoàng bỏ Dòng Tên, công trình của cả một đời người của Thánh I-Nhã, thì ngài sẽ làm sao. Thánh I-Nhã trả lời ngay: «Tôi sẽ vào nhà nguyện mười lăm phút, tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi một ơn mới, và tôi bắt tay vào một việc khác.» Đó là tự do nội tâm cao lớn của ngài, tin tưởng vào Chúa và vào khả năng dấn thân vào công việc khác của mình. Một phương tiện là một phương tiện, và nó chỉ là một phương tiện. Khi một phương tiện cho thấy chưa thích đáng hay lỗi thời, bạn chỉ đơn giản đi tìm một phương tiện khác tốt hơn để tiếp tục làm công việc loan báo Tin Mừng.
Chương 13 – Theo kim chỉ nam của lòng mình
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Phan Sinh, một tu sĩ Dòng Đa Minh và một tu sĩ Dòng Tên chết cùng một lúc. Cả ba lên trời. Tu sĩ Dòng Phan Sinh được Thánh Phêrô đón và mời một bữa ăn ngon do đầu bếp giỏi nhất thiên đàng nấu. Tu sĩ Phan Sinh thấy bữa ăn thật ngon.
Tu sĩ Dòng Đa Minh cũng được Thánh Phêrô đón và cũng được ăn bữa ăn thật ngon. Tu sĩ Dòng Đa Minh rất hân hoan.
Cuối cùng đến lượt tu sĩ Dòng Tên đến cổng. Cha cũng được Thánh Phêrô đón. Nhưng nấu ăn thì chính Chúa Giêsu nấu và phục vụ. Hai người kia kinh ngạc, phản đối sự ưu đãi dành cho tu sĩ Dòng Tên, Thánh Phêrô lập tức giải thích:
-Ở đây có rất nhiều tu sĩ Dòng Đa Minh và Dòng Phan Sinh. Nhưng còn tu sĩ Dòng Tên, thì đây là người đầu tiên lên thiên đàng.
Điều ngày xưa đã đúng cho Thánh I-Nhã thì bây giờ đôi khi cũng còn đúng cho các môn đệ của ngài. Các tu sĩ Dòng Tên thường có tiếng là lạnh lùng và theo lý tính. Người theo ý chí hơn là người thánh.
Nhưng nếu độc giả đọc Nhật ký thiêng liêng của Thánh I-Nhã, quý vị sẽ thấy trong giờ suy niệm buổi sáng và giờ chầu Thánh Thể sau đó, Thánh I-Nhã đã khóc vì vui. Quý vị cũng nên biết vì sao các tu sĩ Dòng Tên phải kết thúc chương trình đào tạo của mình bằng Năm Ba: một giai đoạn cầu nguyện sâu đậm, học hỏi, qua đó họ có nhiều khóa thực tập khác nhau. Theo truyền thống Dòng Tên, họ gọi đó là trường của quả tim.
Người ta có thể nói đây là chứng tâm thần phân lập không?
Linh đạo Thánh I-Nhã và khái niệm nhân bản dựa trên một số mấu chốt căng thẳng. Một mấu chốt quan trọng là sự thăng bằng giữa ba khả năng nền tảng của con người: quả tim, trí tuệ và ý chí.
Nhất là Thánh I-Nhã là người trìu mến. Trước khi trở lại, ngài có một đời sống tình ái náo động. Nếm và đi quyến rũ, đó là chủ yếu trong đời sống hiệp sĩ của ngài. Sau khi trở lại, ước muốn trìu mến này không giảm, với sự khác biệt, khi ngài biết được thế nào là đời sống tận hiến, điều này làm cho ngài được yêu và yêu nhiều hơn. Khi trau dồi nhận thức mình cảm nghiệm được khi cầu nguyện, ngài đã học để sống đời mình và quản lý các sinh hoạt của mình dựa trên nguồn cội tình yêu của Chúa.
Khi lớn lên trong trưởng thành, Thánh I-Nhã hiểu, trí tuệ  và quả tim không phải là không tương hợp nhau. Một trí tuệ được đào tạo, được trau dồi sẽ làm cho mình tế nhị hơn khi lắng nghe tiếng Chúa trong chính quả tim mình, rồi giải thích nó. Vào thế kỷ thứ 16, Thánh I-Nhã đã ghi nhận những gì quan trọng, và bây giờ vẫn còn hiệu lực: các học hỏi và kiến thức mở ra các mạng quan hệ và các lãnh vực quen biết, mà những người không có bằng cấp hoặc không có chứng chỉ thích hợp sẽ có thể bị khép lại. Phúc Âm cũng phải được loan báo vậy.
Trí tuệ, kiến thức và lý tính là lãnh vực của khách quan. Các khả năng này đều giống nhau cho mọi con người, dù người này có nhiều hơn hay ít hơn người kia. Nhưng đúng hơn, Chúa nói trong chủ thể của tâm hồn con người. Và chính tâm hồn, nơi ưu tiên mà chúng ta có thể tìm thấy Chúa muốn gì cho mọi con người.
Vậy thì ý chí sẽ như thế nào? Thánh I-Nhã đúng là có một sức mạnh ý chí phi thường. Tuy vậy, ý chí phi thường này không làm cho ngài thành người tê cứng hay người duy ý chí. Cho đến cuối đời, ngài vẫn lắng nghe tiếng Chúa trong tận sâu thẳm tâm hồn mình và tâm hồn các đồng hữu của mình. Với trí tuệ của mình, ngài cố gắng mô tả rõ nhất các trạng thái tâm hồn của mình. Sau đó, qua chọn lựa, qua sức mạnh ý chí giúp, ngài đã thực hiện cụ thể những gì quả tim và trí tuệ ngài đã được dạy và từ đó, ngài trung thành làm theo. Và đó là ý chí giúp cho cuộc sống múc tận nguồn của mình trong quả tim sâu lắng.
Kinh nghiệm của Thánh I-Nhã dạy cho thấy quả tim, trí tuệ và lý tính hoàn toàn hỗ trợ cho nhau. Với điều kiện quả tim là la bàn.

Chương 14 – Thách thức của sự hội nhập văn hóa

12


Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Tên đến Rôma. Cha muốn đến Đền thờ thánh Phêrô và hỏi đường một cha Dòng Đa Minh.
Cha Dòng Đa Minh trả lời:
-Thưa cha, tôi sợ cha sẽ không bao giờ tìm ra. Đơn giản lắm, cứ đi thẳng.
Một cách tự phát, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ con đường ngắn nhất là con đường hiệu quả nhất. «Tại sao phải đi vòng? Bạn cứ việc đi thẳng đến đích và bạn đừng làm rắc rối quá cuộc đời.»
Dù muốn dù không, đã là con người, thường kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết, mọi việc không xảy ra đơn giản. Khi người ta đập banh quá nhanh, thì thường hoặc quá hung hăng, hoặc làm người khác sợ. Nói chuyện một cách quá trực tiếp có thể đưa đến kết quả ngược với những gì mình dự trù. Con người không phải là người máy đã được lên chương trình trước. Trước hết bạn phải tạo tin tưởng và lấy được lòng tin, rồi sau đó thận trọng vào chuyện với đương sự và dần dần xây dựng quan hệ. Muốn làm được điều này, phải có không gian và thời gian. Và rất nhiều kiên nhẫn. Bình thường bữa ăn chính thanh lịch khi nào cũng bắt đầu bằng một ly rượu và một món khai vị.
Còn về việc loan báo Tin Mừng, Thánh I-Nhã thường hay nói, khi nào cũng đi vào bằng cánh cửa của người kia, để rồi đi ra bằng cánh cửa của mình.
Bạn chỉ có thể đến được với người kia, nếu trước hết bạn bạn sẵn sàng vào trong thế giới họ sống, trong văn hóa và ngôn ngữ của họ. Điều quan trọng là đến gặp họ, dù già dù trẻ, đến nơi họ sống và hiểu chính con người họ. Nếu bạn thúc ép để đi vào, thì bạn có thể sẽ thất vọng khi đi ra. Nếu bạn không tìm hiểu trước, cũng không thích ứng với cách họ sống hoặc nhóm mà bạn muốn gặp, thì nhiều sác xuất, chương trình của bạn sẽ hỏng hoàn toàn.
Thật ra, bạn có thể rút tỉa từ các hệ quả và một cách hữu ý, bạn chọn cách đi đường vòng trong hy vọng sẽ đạt được mục đích của mình. Chẳng hạn, không phải là không đáng kể mà cho đến bây giờ, các tu sĩ Dòng Tên đã soạn thảo rất nhiều tự điển. Học ngôn ngữ và am hiểu văn hóa là điều kiện đầu tiên để có thể thật sự tiếp xúc với người khác.
Thánh Phanxicô Xaviê, một trong các nhà sáng lập Dòng Tên, năm 1549 đã viết về vấn đề này cho một đồng hữu khi người đó đang còn ở Ấn Độ, trong khi ngài đang trên đường đi Trung quốc:
Người dân sẽ chỉ nghe bạn, khi một cách nào đó, bạn biết lời của mình sẽ chạm vào đáy sâu tâm hồn họ. Nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của họ, thì phải để họ tự ý đến gần. […] Nếu bạn muốn làm rõ ràng bằng chữ những gì họ nghĩ, bạn phải hiểu họ; và điều này chỉ có thể có được khi bạn chia sẻ cuộc sống của họ, khi bạn học hỏi từ họ và khi bạn tìm cách thấm nhập vào trong tâm hồn sâu thẳm của họ. Họ là những quyển sách sống động mà bạn cần phải đọc.

Chương 15 – Bạn bè trong Chúa
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Phan Sinh đi cắt tóc. Sau khi cắt, cha hỏi bao nhiêu. Ông thợ cắt tóc nói ông không bao giờ lấy tiền của tu sĩ. Tu sĩ Dòng Phan Sinh cám ơn và đi về nhà. Ngày mai, ông thợ cắt tóc thấy một giỏ bánh mì nóng của các cha Phan Sinh để trước cửa. Một tu sĩ Dòng Âugutinô đến cắt tóc, ông cũng nói ông không bao giờ lấy tiền của các tu sĩ. Ngày mai ông thợ cắt tóc nhận một chai rượu của các cha Dòng Âugutinô làm.
Và bây giờ là một tu sĩ Dòng Tên đến cắt tóc, ông thợ cũng nói ông không bao giờ nhận tiền của các tu sĩ. Sáng hôm sau, ông mở cửa tiệm thì thấy cả mười mấy tu sĩ Dòng Tên đang đứng chờ để vào cắt tóc.
Người ta thường hay nói các tu sĩ Dòng Tên thường là những người cá nhân chủ nghĩa. Không hoàn toàn sai. Họ thường cho cảm tưởng mỗi người đi con đường riêng của mình, hơn là tham dự chung vào đời sống cộng đoàn. Sự đa dạng của các công việc do họ đảm nhiệm lại củng cố thêm cho nét cá nhân tính này.
Có đúng là các tu sĩ Dòng Tên thuê phòng có sẵn đồ đạc? Hay căn nhà của họ là khách sạn, trung tâm của sự vắng mặt của họ?
Nếu bạn quan sát Thánh I-Nhã thực tế sống như thế nào, bạn sẽ có một cái nhìn uyển chuyển hơn về chuyện này. Thánh I-Nhã tự cho mình là khách hành hương du mục, đi tìm cái gì Chúa muốn nơi mình. Phục vụ Chúa và anh em đồng loại chiếm một vị trí hàng đầu trong đời sống của ngài. Nhưng dù công việc tông đồ ngài làm như thế nào, ngài vẫn là con người của tình bạn.
Chúng ta để ý, trong tiểu sử của Thánh I-Nhã – Câu chuyện của người hành hương – sau khi ngài trở lại, ngài nhanh chóng đi tìm bạn đồng hành. Và từ đó, cùng với bạn bè của mình, ngài cố gắng tìm xem Chúa muốn gì ở họ. Quyết định thành lập Dòng Tên là kết quả của nhận định và chọn lựa chung của mười người bạn đầu tiên.
Mười người này tự gọi mình là đồng hữu trong Chúa. Điều trên hết và trước hết là tình bạn của họ với Chúa Giêsu. Một tình bạn xây dựng trên nền tảng làm việc  tông đồ. Thánh I-Nhã và Thánh Phanxicô Xaviê kết hiệp với nhau qua tình bạn sâu đậm, nhưng không vì thế mà Thánh I-Nhã không gởi người bạn thân của mình đi Ấn Độ năm 1540, trước khi Đức Giáo hoàng chấp nhận Dòng Tên. Từ đó I-Nhã và Xaviê không bao giờ gặp lại nhau. Đối với họ, chắc chắn họ là thành viên của một cộng đoàn đang phân tán đi khắp nơi.
Năm 1552, khi Xaviê chết trên đường đến Trung quốc, ngài mang trên ngực ngài cái túi nhỏ có chín chữ ký của chín đồng hữu Dòng Tên từ giờ đầu với ngài. Dù đi một mình, nhưng ngài biết ngài đang kết hiệp với các đồng hữu của mình. Từ đầu giữa các tu sĩ Dòng Tên có những lá thư liên lạc đủ loại và trên khắp thế giới: từ các thư ghi lại các buổi nói chuyện của các tu sĩ truyền giáo Dòng Tên, đến trao đổi thiêng liêng thân mật với người đồng hành thiêng liêng, cha bề trên hay đồng hữu của mình.
Cho đến bây giờ, các tu sĩ Dòng Tên có một tình anh em giữa các đồng hữu Giêsu ở trên toàn cầu. Dù các khác biệt của họ có lớn, nhưng họ có một linh đạo và một cách đào tạo chung, cũng như sự hiệp nhất của họ với Chúa Giêsu đã làm cho họ sống một tinh thần hiệp thông và đoàn kết hỗ tương với nhau.
Từ vài năm nay, các tu sĩ Dòng Tên ước mong tình đồng hữu trong Chúa này có những hình thức phù hợp với thời buổi chúng ta. Vì thế có nhiều tu sĩ Dòng Tên ở trong những nhóm theo mặt ngang, trong đó các thành viên cùng thế hệ nhưng thuộc các cộng đoàn khác nhau gặp nhau thường xuyên để trao đổi những gì họ ấp ủ trong lòng. Khắp nơi trên thế giới, càng ngày càng thấy rõ ràng, trong Giáo hội cũng như trong cộng đoàn của họ; đời sống cộng đoàn huynh đệ là ở trong tinh thần tông đồ của Dòng Tên.
Điều gì xảy ra cho mọi hình thức sống chung của con người thì cũng xảy ra cho đời sống cộng đoàn: nó không phải lúc nào cũng «tất cả mọi người đều tốt, tất cả mọi người đều dễ thương». Tu sĩ Dòng Tên trẻ Thánh Jean Berchmans nổi tiếng với tính tình vui vẻ nhã nhặn. Nhưng vị thánh trẻ có ngày đã thổ lộ với đồng hữu của mình, việc đền tội lớn nhất của mình là đời sống cộng đoàn hàng ngày. Bạn không chọn được đồng hữu của mình. Và đó là hạnh phúc… Hạnh phúc sống với người khác trong cộng đoàn hàng ngày, đó là trường học của bác ái, một trường học có giá của nó. Cũng là và nhất là trong các chi tiết nhỏ của đời sống bình thường.
Marta An Nguyễn chuyển dịch

http://phanxico.vn/2017/03/08/chuong-15-ban-be-trong-chua/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét