Trang

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Trong bốn năm, Đức Phanxicô học “làm giáo hoàng”

Trong bốn năm, Đức Phanxicô học “làm giáo hoàng”

102
Đức Phanxicô người thích quanh quẩn ở nhà, âm thầm kín đáo… nhưng rất tự nhiên giữa giáo dân. / Vincenzo Pinto/AFP
urbi-orbi-africa.la-croix.com, Nicolas Senèze, Roma, 2017-03-10
Trong bốn năm, con người của Jorge Mario Bergoglio vẫn là con người của những ngày đầu tiên. Nếu đa số các chủ đề triều giáo hoàng của ngài vẫn là các chủ đề hồi ngài còn ở Tòa Giám mục Buenos Aires, thì các người thân cận ngài ghi nhận, ngài đã đưa sứ vụ của ngài lên tầm hoàn vũ.
Ngày 13 tháng 3-2013, trước hết là một giáo hoàng có vẻ hơi lúng túng khi xuất hiện ở ban công Đền thờ Thánh Phêrô. Có vẻ như rất ngạc nhiên thấy mình đang ở đây, trong khi kèn nhạc bắt đầu vang lên. Rồi từ từ, theo dòng bài diễn văn, ngài tự tin hơn, và cuối cùng là hành vi gây kinh ngạc của Giám mục giáo phận Rôma, ngài nghiêng mình nhận lời chúc của giáo dân trước khi vui vẻ tươi cười nhận giáo phận mới của mình.
Cách đó 11 000 cây số, ở Argentina, các cộng sự viên của Hồng y Bergoglio ngạc nhiên thấy hồng y của họ tươi cười và thanh thản như thế. Ký giả Thụy Sĩ Arnaud Bédat kể trong quyển sách “Phanxicô, người Argentina” của mình: “Ở Buenos Aires, ngài khắc khổ, khép kín. Gần như ngài không cười. Một khi làm giáo hoàng, ngài đã thay đổi, như thể ngài được ơn Chúa chạm đến!”
Ông Marcelo Figueroa cười nói: “Đối với tôi, đúng là ơn của Thần Khí. Đó là người tin lành nói với bạn đấy nhé!” Ông là Giám đốc Cơ quan Thánh Kinh Argentina (Société biblique argentine) và cùng hợp tác làm việc với Hồng y Bergoglio. Bây giờ ông đứng đầu ấn bản Osservatore Romano Argentina, ông phát biểu: “Nhưng một cách cơ bản, ngài vẫn là một: các gốc rễ ơn gọi, tinh thần của ngài, tâm hồn của ngài vẫn vậy”.
Từ Buenos Aires đến Vatican
Những người biết ngài từ trước, bây giờ họ cũng thấy ngài như thế khi ngài bỏ thì giờ ra để gặp giáo dân trong các buổi tiếp kiến chung, khi ngài gặp người nghèo, các em bé, các người bệnh, họ đều thấy ngài cũng một cách quan tâm như thời ngài còn là Bergoglio ở Buenos Aires. Ông Marcelo Figueroa nhấn mạnh: “Người ta thấy nơi ngài cũng tính đơn sơ như thế”.
Cuộc sống đơn giản của Đức Phanxicô trong căn phòng nhỏ ở Nhà Thánh Mácta là bằng chứng. Ngài rất hiếm khi đi ra khỏi đây. Một trong trong các cộng sự viên biết ngài trước khi ngài được bầu chọn cho biết: “Cũng như khi còn ở Buenos Aires, ngài thích quanh quẩn ở nhà: ngài chưa khi nào đi bộ ra Vườn Vatican, dù ngôi vườn đóng cửa buổi chiều để cho giáo hoàng dùng”. Đó là không nói đến biệt thự mùa hè Castel Gandolfo, bây giờ nơi này thành viện bảo tàng.
Tác giả Arnaud Bédat giải thích: “Jorge Mario Bergoglio ghét đi du lịch, khi cựu giám tỉnh Dòng Tên đi Francfort, nước Đức để làm luận án tiến sĩ, cha đã nhìn hàng giờ các chiếc máy bay bay về Argentina. Từ bốn năm nay, người Porteño này chưa về nhà, dù ngài tâm sự với người thân mình nhớ nhà, nhưng ngài không lộ ra bên ngoài cho thấy”.
Một giáo hoàng luôn sẵn sàng với các ký giả
Với chức vụ của mình, Đức Phanxicô đi du lịch và ngài cho thấy sức sống bất ngờ của mình. Linh mục Federico Lombardi, cựu phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết: “Khi ở Nam Hàn, tôi nghĩ ngài sẽ nghỉ ngơi một chút, sau một chuyến đi dài với nhiều múi giờ thay đổi, chương trình làm việc siết chặt, nhưng ngài vẫn rất sinh động, luôn hiện diện, luôn nhiệt tâm. Tôi nhận xét như vậy, ngài trả lời: ‘Đó là ơn chức vụ’. Và chắc chắn là như vậy: khi Chúa giao sứ mệnh cho mình, Chúa giúp đỡ mình hoàn thành sứ vụ”.
Cựu Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cũng ghi nhận, Đức Phanxicô rất cởi mở với các ký giả, linh mục Lombardi kể: “Ở Argentina, ngài rất kín đáo, trừ một quyển sách phỏng vấn, ngài ít giao tiếp với các ký giả. Người ta nghĩ ngài sẽ tiếp tục như thế ở Vatican, nhưng trái lại!”
Bây giờ không có tháng nào là ngài không trả lời phỏng vấn. Linh mục Lombardi kể tiếp: “Đối với tôi, cả là một khám phá lớn khi ngài trả lời phỏng vấn một tiếng rưỡi trên chuyến bay từ Nam Hàn về Rôma. Tinh thần sẵn sàng, luôn cởi mở của ngài đã làm cho các ký giả có thiện cảm với ngài rất nhiều. Sự hiện diện một cách trực tiếp, cách diễn tả một cách cụ thể, ước mong được đối thoại, tất cả đã là những nét đặc trưng trong cách ngài rao giảng ở Buenos Aires”.
Jorge Mario Bergoglio, trung thành với chính mình
Từ sự việc này, cách điều hành của Đức Phanxicô không thay đổi nhiều. Ông Marcelo Figueroa ghi nhận: “Ngài là giáo hoàng lúc đã 77 tuổi, vào tuổi này người ta không thay đổi nhiều”. Với những người cùng làm việc với ngài, họ ghi nhận, ngài làm việc cùng với một độ nhanh, một tinh thần dứt khoát khi lấy quyết định.
Linh mục Lombardi nhớ lại: “Một tháng sau khi được bầu chọn, ngài thành lập một hội đồng các hồng y cố vấn: ‘Tôi muốn mang đến một dấu hiệu cụ thể, tôi hành động trong chiều hướng mọi người chờ ở tôi’. Ngài luôn giữ cách hành động này, cách đưa ra sáng kiến cho các tiến trình của mình”.
Và về nội dung cũng vậy, Đức Phanxicô ít thay đổi. Sự chú tâm vào “giáo dân” ngay từ những chữ đầu tiên của triều giáo hoàng, các vùng ngoại vi, thói thời thượng thiêng liêng, người di dân, văn hóa vứt bỏ, lòng thương xót… tất cả các chủ đề lớn của triều giáo hoàng của ngài là đã có trong các bài viết của Tổng Giám mục Buenos Aires. Có thể ngoại trừ vấn đề môi sinh, chỉ xuất hiện trong tài liệu của Hội đồng các Giám mục Châu Mỹ La Tinh Aparecida mà Hồng y Bergoglio là người kết hợp. Một quan sát viên về Giáo triều cho biết: “Tôi khó hình dung ngài lại đề cập đến chủ đề này. Có thể do liên hệ trong tinh thần Tạo dựng của Thánh Phanxicô Axixi mà ngài mang tên đã làm cho ngài suy nghĩ đến chủ đề này”.
“Bây giờ là một giáo hoàng được thế giới lắng nghe”
Linh mục Lombardi nhấn mạnh: “Chắc chắn Đức Bênêđictô XVI đã có ảnh hưởng trên ngài về vấn đề này, Đức Bênêđictô XVI đã triển khai rất nhiều về chủ đề này. Nhưng Đức Phanxicô mang tầm nhìn Châu Mỹ La Tinh của mình, ngài tổng hợp giữa cơn khủng hoảng môi sinh và cơn khủng hoảng xã hội”.
Tuy nhiên theo Linh mục Lombardi không thể chỉ nhìn Đức Phanxicô dưới lăng kính Châu Mỹ La Tinh: “Nếu khi từ Buenos Aires đến Vatican, Đức Phanxicô đã làm những gì ngài đã làm ở Buenos Aires và từ khi ngài đến Vatican, ngài đã gặp các nguyên thủ quốc gia, các giám mục trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo các tôn giáo. Ngài đã đi thăm các châu lục mà ngài chưa hề biết. Dần dần với kinh nghiệm của ngài, với tầm nhìn được mở rộng ra nhiều viễn cảnh, nhiều vấn đề, ngài đã hội tụ trong một tổng hợp riêng của ngài. Sứ vụ của ngài bây giờ trở nên hoàn vũ: bây giờ ngài là giáo hoàng được thế giới lắng nghe. Một lãnh đạo toàn cầu.”
Một con người tự do
Ông Marcelo Figueroa nêu lên: “Tầm ảnh hưởng của ngài vượt lớn ra ngoài thế giới công giáo. Các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác nghe ngài khi ngài kêu gọi họ cùng làm việc chung trên các vấn đề lớn hiện nay, để xây dựng các cây cầu, để sống trong tinh thần lòng thương xót, để đón nhận người tị nạn. Trong một thế giới khép kín, trách nhiệm duy nhất cho toàn thế giới là phải mở rộng cánh tay. Và có thể đây là cá tính lớn nhất của ngài: sự tự do của ngài. Đức Phanxicô là con người tự do.”
Như thế, trong bốn năm, Đức Phanxicô đã học “làm giáo hoàng” như những người ở Ý nói. Và ký giả Arnaud Bédat ghi nhận: “Các bạn Argentina của ngài cũng cho biết, ngài ‘cũng thích làm giáo hoàng’. Ngài cũng đã tâm sự với một vài người: ‘Tôi phải đến Rôma để cuối cùng người ta nghe tôi’.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét