NGẪM NGHĨ VỀ CUỘC NHẬP THỂ VĂN HÓA CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM
(Thời sự Thần học – Số 10 – Tháng 12/1997, tr. 94-104)
Thái Sơn
Những giá trị Tin Mừng, những chứng lý thần học, cùng những chỉ dẫn và những thao thức của Giáo hội và của Dòng về Nhập thể văn hóa là điều mọi người đã thấu suốt. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bày vài ngẫm ngợi của mình về việc Nhập thể văn hóa của Giáo hội Việt Nam.
Nhà thờ Phát Diệm |
Trong các nước Á Châu, có lẽ Việt Nam có một tinh thần cởi mở để đón tiếp và thâu hóa những nền văn hóa tín ngưỡng “ngoại nhập” hơn cả.
Cơ sở văn hóa Việt Nam là tầng Văn Lang – Âu Lạc. 4000 năm trước đây, người Việt đã quy tụ thành công đồng làng xã và sống định cư định canh bằng nghề trồng lúa nước. Hai định chế căn bản tồn tại 4000 năm đó, cùng với vì thế “ngã tư quốc tế”, đã khiến văn hóa cơ bản của Việt Nam vừa giàu tình cảm (nữ tính), vừa có một trực giác bén nhạy về sự hòa điệu, tổng hợp. Cho nên, sự bền bỉ dẻo dai của nội lực Việt Nam lại mang dáng vẻ mềm mại như thuận như Đất, như Lòng Mẹ, đến độ mới nhìn, thì coi như có vẻ dễ dãi và ít đặc sắc. Nhưng đó cũng làm nên nét MỞ rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam, giống như cái tính hay cười cách hồn hậu hiếu khách của những người nông dâng chất phác.
Từ đầu công nguyên, Việt Nam liên tục tiếp thu, đón nhận những luồng văn hóa từ Trung Hoa và Ấn Độ, và ngày càng trở thành một nước đồng văn với Trung Hoa. Nhưng đang khi tiếp thu cách cởi mở nền văn hóa Trung Hoa, Việt Nam vẫn có lối chọn lọc, thích nghi hội nhập cả Nho, Phật, Lão, Trung Hoa cho phù hợp với lối sống nông nghiệp trồng lúa nước và đời sống cộng đồng làng xã. Khổng, Phật, Lão chẳng những dung hòa với nhau, mà còn hòa nhập với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thành một dòng chảy văn hóa mang nhiều chất NHÂN BẢN TÂM LINH đầy tình cảm, nhân hậu, xuề xòa, cởi mở.
Có lẽ vì thế, từ 1615, khi kitô giáo mang hình thức Tây Phương đến, người Việt Nam đã đón tiếp khá nồng nhiệt. Trừ Philippines, Việt Nam là nước Á Châu duy nhất đến nay, có tới 6% dân số là kitô hữu. Có thể nói, 1615 cũng là một mốc quan trọng của dòng chảy văn hóa Việt Nam, vốn là nền văn hóa Nhân Bản Tâm Linh, tức các tín ngưỡng đóng vai tro then chốt. Từ đây, văn hóa Việt Nam bắt đầu cuộc giao lưu với một thứ tôn giáo đặc thù của Tây Phương, và sau đó, giao lưu với cả nền văn minh khoa học kỹ thuật Tây Phương.
II. “CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC”: SỰ ĐỐI KHÁNG VỀ VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ ĐỐI KHÁNG VỀ ĐỨC TIN
Thực ra, nếu tính theo số lượng, thì số kitô hữu tại Việt Nam lẽ ra không dừng lại ở tỉ lệ 6% sau hơn 350 năm truyền giáo. Có nhà sử học Việt Nam đã cho rằng: Nếu việc loan báo Tin Mừng được “Hội nhập văn hóa” hơn, thì những thế kỷ 17 và 18, Việt Nam đã biến thành một nước hầu như toàn tòng Kitô giáo (!?)
Ở đây chúng ta không muốn đặt ra vấn đề số lượng, nhưng muốn nói lên một vấn đề căn cốt hơn của việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam: Quả thật, người Việt đã không hề nghi kỵ với nội dung của Tin Mừng, ngược lại, có thể nói, người Việt, đặc biệt là đông đảo những nông dân nghèo (vốn là chủ thể của văn hóa Việt Nam) đã hồ hởi đón tiếp Tin Mừng, vì Tin Mừng làm sáng rõ và nổi bật lên những yếu tố vốn tiềm tàng trong tâm thức tín ngưỡng dân gian, cũng như Phật, Khổng, Lão, dân gian vốn là chất liệu sống của thôn làng cả ngàn năm. Người nông dân Việt Nam càng sống theo tinh thần Khổng, Phật, Lão, thì càng thờ “Ông Trời”, càng ngấm ngầm khao khát một sự Giải Thoát bằng con đường Cứu Độ, và nhất là, càng củng cố đời sống cộng đồng làng xã yêu thương gắn bó.
Nhưng cũng rất mau, Kitô giáo bị toàn thể dân chúng nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ. Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại có cuộc phân biệt rõ ràng “bên lương” (người lương thiện) và “bên giáo”. “Bên giáo” bị coi là “Tả Đạo” đạo sai trái). Tả đạo, vì không kính thờ cha ông, không gắn bó với tổ tiên làng mạc.
Người Việt không thể quan niệm được một tôn giáo hay tín ngưỡng nào lại không thắp một nén nhang trước bàn thờ tổ tiên gia tộc, hoặc coi Đức Phật (ông “Bụt” nhân từ) là “bụt thần ma quỷ”, hoặc những người không “rửa tội” cách minh nhiên thì không được lên “thiên đàng”… Tính hộ giáo, tính loại trừ, tính phân rẽ, tính “ghetto”cục bộ của Kitô giáo tại Việt Nam khiến cho người Việt rất ngỡ ngàng, tuy ban đầu, họ hân hoan gọi những người kitô hữu là sống “Đạo yêu Nhau”.
Đạo Yêu Nhau này còn bị coi là Tả Đạo hơn nữa, vì những ánh mắt dòm dỏ xâm lược của người Tây phương. Cùng với các thừa sai Tây phương, dần dần, những nhà buôn và người xâm lược cũng đến. Cho nên, nếu chưa bao giờ trong lịch sử vốn cởi mở hòa hợp của Việt Nam, lại có những cuộc “bách hại” các thừa sai và những người khác tín ngưỡng, thì nay, điều đó đã xảy ra với những thừa sai Tây phương và các kitô hữu Việt Nam. Những lời chứng hùng hồn của 100.000 vị Tử Đạo và 117 vị thánh Tử đạo thực sự là những cuộc tuyên xưng Đức Tin. Thế nhưng, với người Việt Nam, sự tàn sát đau lòng đó vốn chỉ thuần túy vì sự khác biệt văn hóa, và nhất là, vì sự dòm dỏ xâm lược của người Tây phương Kitô giáo.
Năm 1858, hạm đội Pháp và Tây Ban Nha bắn phá đảo Sơn Trà tỉnh Đà Nẵng, và 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Kitô hữu Việt Nam lại càng bị coi là những kẻ đi ngược với truyền thống cha ông mà chạy theo nền văn hóa xa lạ của Tây phương xâm lược. Những cuộc “bình Tây sát tả” (dẹp Tây, giết Tả đạo) của phong trào Văn Thân yêu nước khiến các làng bên lương tràn qua tàn sát các làng bên giáo, đó làmột điều chưa hề có trong lịch sử ôn hòa cởi mở của văn hóa Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam đã gặp phải một sự nghi kỵ và đối kháng cho đến ngày hôm nay, dù đó không phải vì đức tin Kitô giáo, mà vì chất văn hóa Tây phương và óc “thực dân” khi trình bày và diễn đạt kitô giáo.
III. NHỮNG YẾU TỐ VĂN HÓA TRONG VÔ THỨC CỘNG ĐỒNG CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM KHIẾN GIÁO HỘI HÌNH NHƯ ÍT BIẾT MÌNH LÀ AI
Dù sao thì việc Kitô giáo đến Việt Nam cũng nằm trong chiều hướng tất yếu của cuộc xâm lược và giao lưu của Tây phương với Đông phương, khởi đi từ thế kỷ 17. Giáo hội có mặt ở đây, dù bị nghi kỵ và bách hại, nhưng ít ra, cũng đã có công làm nổi bật tính Tuyệt Đối Siêu Việt của Thiên Chúa, về sự liên hệ nhân vị giữa con người với con người theo kiểu mẫu Con Thiên Chúa. Nhưng cho đến nay, khi mô hình phát triển của xã hội Tây phương đã tràn ngập khắp thế giới, phá vỡ tất cả cơ cấu làng xã nông nghiệp, đồng thời cũng bộc lộ những nhược điểm của đời sống thuần cơ khí máy móc, thì quả thật, dường như Giáo hội Việt Nam vẫn “an bình” thờ ơ, chứ chưa nói đến là đã biết lúng túng trong việc sống và giới thiệu Tin Mừng cho tình thế thật mới mẻ của thế kỷ 21 sắp tới.
Thực ra, dường như Giáo hội tại Việt Nam không được biết rõ lắm mình là gì, là ai. Nghĩa là, Giáo hội Việt Nam ít sống, ít hiểu biết, ít tập trung vào điều cốt lõi của Mầu Nhiệm Đức Tin mà Giáo hội hằng cử hành và loan báo. Sở dĩ như vậy, vĩ có một sự “lỏng chỏng” giữa một bên, Thực Tại Đức Tin mà Giáo hội vừa biểu hiện vừa hướng tới và một bên, di sản văn hóa dân tộc mà Giáo hội cưu mang trong vô thức, dù Giáo hội không thiện cảm với nó, không muốn có nó, và hơn nữa, không biết rằng có nó. Giữa Mầu Nhiệm Giáo hội và Di Sản Vô Thức là Văn hóa dân tộc trong Giáo hội, hai thứ đó, chưa hòa hợp hòa điệu với nhau thành một sức sống duy nhất.
Cùng với những đóng góp khá quan trọng một thời trong lãnh vực y tế, giáo dục, ta khó tìm thấy một Giáo hội nào đông đảo, sốt sắng, nhiệt tình, thành tín như Giáo hội Việt Nam. Nhưng dường như, những thể hiện đó chỉ dừng lại ở chuyện khấn vái cầu xin, đơn giản hóa Tin Mừng Cứu độ thành một hệ thống luật lệ luân lý, rất coi trọng chức tước phẩm trật, quan tâm đến những lễ nghi và lễ hội, coi thường tín hữu và người phụ nữ, ít gắn bó đến những biến cố xã hội. Loay hoay và dừng lại với những chuyện đó, tự thân Giáo hội cũng rất ít cảm nghiệm thực sự điều cốt lõi của Tin Mừng Tình Thương Cứu Độ, là Cuộc Nhập Thể, Sự Chết và Sự Sống Lại cảu Đức Giêsu.
Dĩ nhiên, đây có lẽ cũng là tinh thần của Giáo hội toàn cầu sau công đồng Tridentinô và trước Vaticanô II. Nhưng hơn nữa, ở Giáo hội Việt Nam, tinh thần đó lại ra như phù hợp với những yếu tố tín ngưỡng dân gian của một làng quê Việt Nam đặc biệt trong các thế kỷ 17 và 18, một đàng, rất nhạy bén về cái linh thánh để khấn vái cầu xin trước những nghèo khổ yếu đuối của mình, đàng khác, lại rất cần giữ gìn mối cương thường đạo lý, chức vụ phẩm trật, và cần bù đắp đời sống đơn điệu của mình bằng lễ hội đình đám. Những yếu tố đó, tự bản chất, là những yếu tố củng cố đời sống cộng đồng làng xã và mở ra những hướng cho người nông dân gặp gỡ với nhau, gặp gỡ cùng linh thánh. Nhưng khi nó đọng lại trong vô thức của cơ thể Giáo hội, nó khiến Giáo hội không hội nhập và thăng hoa, nhất là, ít khám phá ra dung mạo và Sức Sống Thần Linh của Đức Giêsu Kitô.
Cơ chế cộng đồng làng xã nông nghiệp 4000 năm đang vỡ ra từng mảnh trước nền văn minh công nghệ tin học. Khi Giáo hội không ý thức được mình, ít có nội lực thực tại bằng sự bén rễ trong Đức Giêsu Nhập Thể, đó quả là điều đáng lo.
IV. MỘT GIÁO HỘI CÒN CÓ VẺ XA LẠ
Trong thời gian đầu của việc truyền giáo, Giáo hội có những nét xa lạ với văn hóa. Điều đó, dù sao, cũng có giá trị như một lời chứng. Nhưng càng về sau, và cho đến bây giờ, khi Giáo hội vừa không “đồng hành với Dân Tộc” ngay trong những bước bén rễ sâu trong nền văn hóa, để rồi, cùng với dân tộc, xây dựng những tiêu chuẩn, những giá trị, những mô hình hướng tới một tương lai, thì Giáo hội không trung tín với bản chất và sứ vụ của mình.
Cuộc “đồng hành cùng Dân Tộc”, không phải bằng uy thế chính trị hay kinh tế, nhưng là đồng hành bằng đức tin và văn hóa, đó là sứ vụ ngôn sứ của Giáo hội, mà hơn bao giờ, Giáo hội Việt Nam cần ý thức.
Giáo hội đẫ rất xa lạ với con người Việt Nam trong những thế kỷ đầu có mặt. Xa lạ, không phải về đức tin, mà xa lạ trong cách biểu hiện đức tin, tức văn hóa. Trên một đất nước mà Phật, Khổng, Lão đã thấm nhuần những nhân sinh quan, vũ trụ quan sâu sắc qua thơ ca, nghệ thuật, kiến trúc, lối tu, lối sống, lối nghĩ, thì quả thật, Kitô giáo, với những lối diễn tả theo kiểu Tây phương, là cái gì quá nghèo nàn hời hợt. Vậy mà Giáo hội lại luôn có thái độ tự mãn, coi như mình thủ đắc Chân Lý cách tuyệt đối, nên đã tự giam hãm mình vào thế “ghetto”.
Đến nay, có lẽ đại đa số những người Việt Nam không biết thực sự Giáo hội tin vào điều gì, không biết thế nào là Đạo Lý Cứu Độ đích thực của Giáo hội. Giáo hội cũng ít cung cấp được cho xã hội một nhân sinh quan Kitô giáo trên nền tảng Tình Thương Cứu Độ. Giáo hội sống quanh quẩn và bó gọn với nhau. Rất ít giám mục, linh mục, tu sĩ thực sự biết văn hóa Việt Nam là gì, biết Phật, Khổng, Lão thực sự nói gì, cũng như, thơ ca, nghệ thuật, lối cống của những người đồng bào xung quanh mình là gì, ở mặt nổi cũng như bề sâu.
Hơn 350 năm, mà hầu như chưa hề có sự khởi đầu cho nền văn học Kitô giáo Việt Nam. nó vẫn là số không. Cũng vậy, nếu sự cởi mở đến độ thoải mái dễ dãi của người Việt là điều bên ngoài dễ thấy, thì người Việt vẫn là những kẻ chờ đợi và đòi hỏi một dòng chảy văn hóa và tín ngưỡng của họ phải gần gũi cùng thiên nhiên, phải có những khoảng lặng tâm linh, phải có những nhà “đạo sĩ”. Nhưng Giáo hội tại đây mới chỉ biểu hiện được tính nghi lễ hình thức cùng các cơ cấu phẩm trật đầy đủ nghi vệ.
Người Việt có thành ngữ “của Chùa” và “cửa thiền luôn rộng mở”. Trong khi đó, hầu như ngược lại, một nhà thơ, một tu viện, cho đến ngày nay cả lối nghĩ, lối sống của Giáo hội vẫn là một thế giới khép kín.
V. NHỮNG BƯỚC NHẬP THỂ CHẬP CHỮNG
Thực ra, không phải không có những nỗ lực nhập thể văn hóa trong lòng Giáo hội Việt Nam. Ngay từ những năm đầu của việc truyền giáo. Cha Đắc Lộ chẳng những có công đầu trong việc la-tinh hóa cách phát âm Việt Nam để thành chữ Quốc Ngữ (Từ điển Việt-Bồ-La, 1651), Cha cũng xây dựng một thứ “thần học” về “Tam phụ” rất gần gũi với nhân sinh quan Nho Giáo. Sau đó, những lễ hội làng xã Việt Nam cũng được Kitô-hóa trong các xứ đạo. Dâng hoa, ngắm đứng, lễ táng xác Đức Giêsu… các thừa sai Đa-minh Tây Ban Nha Tỉnh dòng Rất thánh Mân Côi, khi được trao cho các địa phận Dòng Đàng Ngoài (đồng bằng Bắc Việt), cũng đã sống rất am hợp với lối sống làng xã Việt Nam chứa chan tình cảm.
Gần đây, cách tự phát, nhiều thành phần Giáo hội cũng đã cảm thấy nhu cầu phải Nhập Thể Văn Hóa. Nhiều người khao khát có một đời sống tâm linh Kitô giáo kiểu Á Đông hơn, mong ước Giáo hội có khuôn mặt Việt Nam và Á Châu hơn, … Những nỗ lực ở đây, ở đó: Triết Đông trong lớp bồi dưỡng Liên Tu Sĩ, thăm viếng các thiên viện, thử áp dụng lối tu thiền trong đời sống cầu nguyện…
Đã đến lúc, những nhu cầu tự phát đáng quí đó cần được tập trung hơn, ý thức hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, thành một đường hướng rõ nét của Tin Mừng Nhập thể hơn, giữa bao nhiêu bộn bề của Giáo hội và xã hội hôm nay.
https://tsthdm.blogspot.com/2013/08/ngam-nghi-ve-cuoc-nhap-van-hoa-cua-giao.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét