Chương 1- Tìm và phục vụ Chúa trong tất cả mọi sự
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Có một người đến gặp một cha Dòng Phan Sinh xin cha làm tuần cửu nhật để được thắng chiếc xe Lexus trong vụ Xổ số quốc gia.
– Lexus là gì?
– Là một chiếc xe sang trọng.
– Chúa lòng lành! Thánh Phanxicô sẽ nghĩ đây là đi ngược với lời khấn khó nghèo của ngài! Vậy, cha rất tiếc không có chuyện cha cầu nguyện cho việc này được.
Người đó đến tìm một tu sĩ Dòng Đa Minh
– Xin cha giúp con làm tuần cửu nhật để con thắng chiếc xe Lexus.
– Lexus là gì?
– Là một chiếc xe sang trọng.
– Chúa lòng lành! Thánh Tôma Aquinô sẽ cảnh cáo, điều này đi ngược với tình yêu cho của cải ở thế gian này. Vậy, cha rất tiếc không có chuyện cha cầu nguyện cho việc này được.
Thất vọng, cuối cùng người này đến tìm gặp một tu sĩ Dòng Tên:
– Xin cha làm ơn làm phước giúp con làm tuần cửu nhật để con thắng chiếc xe Lexus.
– Tuần cửu nhật là gì?
Thánh I-Nhã là một nhà cải cách. Ngài đã làm xáo trộn các phong tục truyền thống của đời tu trong Giáo hội công giáo. Một trong các canh tân rõ rệt nhất, nhưng cũng gây sốc vào thời đó là ngài bỏ giờ cầu nguyện chung trong ngày. Các tu sĩ Dòng Tên không phải ngưng công việc của mình nhiều lần trong ngày để họp nhau ở nhà nguyện để đọc kinh. Thay vào đó, họ thu xếp công việc để có giờ kinh riêng, để nói chuyện với cha thiêng liêng của họ. Họ cũng không mặc áo Dòng, sợ gây chú ý. Thêm nữa, các tu sĩ Dòng Tên không ở trong nhà dòng, xa cách dân chúng và đôi khi xa thế giới này, họ ở thành phố, họ hòa mình với dân chúng. Thường họ ở trong căn nhà bình thường.
Thánh I-Nhã mời đồng bạn mình tìm Chúa và phục vụ Chúa trong tất cả mọi sự. Cụ thể tiếp đó là các phân bộ hoạt động các đồ đệ của ngài được nhân lên gấp bội và bất ngờ. Rất nhiều tu sĩ Dòng Tên ở trong lãnh vực giáo dục hoặc đồng hành trên con đường thiêng liêng; nhiều người làm việc trong nhà tù, làm y tá hoặc làm cha xứ. Nhưng cũng từ lâu, các tu sĩ Dòng Tên làm việc trong lãnh vực khoa học như ngành thiên văn, họa đồ, toán học. Và ngày nay, có các tu sĩ Dòng Tên là chuyên gia về môi trường học, luân lý thương trường, nhạc rock, chính trị quốc tế, Internet, chiếu bóng, vũ điệu…
Các tu sĩ Dòng Tên xem công việc chính của mình trong khi thảo luận, là làm cho thấy rõ và tiếp cận được với sự hiện diện của Chúa ở khắp nơi trong thế giới, và ở gần với tất cả mọi người; cũng như ở trong các lãnh vực và các ngành không được coi như trực tiếp với Giáo hội. Thách thức thường xuyên của họ là hoàn toàn ở trong thế gian này, yêu thế gian này hết lòng nhưng không thuộc vào thế gian này.
Vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy tất cả các tu sĩ Dòng Tên không quen thuộc mấy với cách mộ đạo theo truyền thống, dù nó có giá trị.
Chương 2 – Sống nơi có những căng thẳng
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Vào cuối câu chuyện với một tu sĩ Dòng Tên, một bà hỏi:
– Thưa cha, có phải người ta chẳng bao giờ có được một câu trả lời rõ ràng minh bạch từ một tu sĩ Dòng Tên không?
Câu trả lời của tu sĩ Dòng Tên:
– Hừ… có và không…
Thánh I-Nhã sống vào một thời mà gần như toàn bộ các điểm chuẩn quen thuộc về đời sống tu trì, văn hóa, kinh tế, trí tuệ đang trên đà tiến hóa. Trong chỉ vòng vài chục năm, bề mặt thế giới như đã từng biết đã tăng gấp ba; các hiểu biết đang gia tăng gấp bội; các trao đổi trên thế giới về người và về của đã vươn lên thật sự; còn về các suy tư về ý nghĩa cuộc sống, Cải cách và Bài-Cải cách đã làm cho hàng thế kỷ chắc bẩm với những gì mình biết và có được một sự an toàn tương đối, đã thật sự chấm dứt. Đó là thế kỷ đột biến và bất an. Từ đó phát triển dần dần một tinh thần thời đại và một nền văn hóa, theo đó tất cả gần như mới và khả thể. Thánh I-Nhã sinh ra trong một giai đoạn có rất nhiều điểm tương đồng với nền văn hóa hiện nay của chúng ta.
Linh đạo I-Nhã có thể được xem như một hướng dẫn cho những người đi tìm con đường của mình trong một nền văn hóa liên tục đột biến. Nền văn hóa thời đó cũng như thời này, nổi bật qua một loạt căng thẳng mà chúng ta thường xuyên phải sống trong đó. Mục đích không phải là làm chấm dứt các căng thẳng một lần cho xong. Và đó cũng là điều không nên mong muốn. Mục đích, là dứt khoát thấm nhập vào các căng thẳng này và để cho các căng thẳng này đụng đến chính mình. Nên, mỗi lần như vậy là bạn đi tìm một tư thế uyển chuyển, một thế thăng bằng luôn luôn khác.
Một cách tự phát, chúng ta muốn có những câu trả lời đơn giản, trong suốt theo kiểu trắng hoặc đen: có hoặc không. Như thế, ít nhất bạn biết mình đang ở đâu. Hay: Bạn nói những gì bạn nghĩ trong đầu, đừng nói quanh co. Bạn không cần phải mang bao tay. Truyền thống I-Nhã đi ngược lại dòng suy nghĩ này. nó luôn mời chúng ta nghiên cứu các khía cạnh khác nhau và thường nghịch nhau hoặc không hòa giải được với vấn đề đặt ra, vậy phải xem xét việc đi tìm một câu trả lời.
Chính vì vậy mà Thánh I-Nhã khuyên các đồng hữu của mình, trong trường hợp có tranh cãi, nêu lên mà không thay đổi gì, không những các lập luận thuận, mà cả các lập luận chống. Ngài cũng nhắc lại, ngày mai bạn có thể hợp tác với người mà ngày hôm nay mình chống. Vì thế mới có lời khuyên: “Khi người ta hỏi mình một chuyện gì và mình nghĩ, tốt hơn không nên đụng đến chuyện này, thì hãy cẩn thận, dù phải từ chối thì phải từ chối làm sao để mình vẫn còn là bạn với người này.”
Đồng ý, nếu cứ làm như thế thì càng ngày càng trở nên chán. Và đôi khi cũng làm cho người ta có cảm tưởng, cũng không hoàn toàn sai, tu sĩ Dòng Tên thường núp đàng sau tất cả những chuyện vi tế này và thiếu can đảm để quyết định dứt khoát, mà không phải bị chạy vòng vòng. Nhưng kinh nghiệm có không dạy một thỏa hiệp được suy nghĩ chín chắn là giải pháp khôn ngoan chứ không phải hèn sao? Rằng các câu trả lời quá đơn giản sẽ khép kín hơn là mở ra sao? Một câu trả lời mở sẽ tạo một khoảng không gian tin tưởng, nơi có một cái gì mới sẽ được tăng trưởng và tính sáng tạo sẽ đơm bông sao?
Chương 3 – Dám tin tưởng
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Phanxicô và một tu sĩ Dòng Tên là bạn thân với nhau. Cả hai đều hút thuốc lá và họ khó mà nhịn hút khi cầu nguyện quá một thời gian nào đó. Họ quyết định xin bề trên của mình cho phép vừa cầu nguyện vừa hút thuốc lá. Khi họ gặp lại nhau, tu sĩ Dòng Phanxicô buồn bã thiểu não.
– Tôi xin bề trên để tôi có thể hút thuốc lá khi cầu nguyện, bề trên của tôi dứt khoát trả lời “không”.
Tu sĩ Dòng Tên không nhịn được cười:
– Tôi, tôi xin bề trên tôi có thể cầu nguyện khi hút thuốc lá… Và bề trên của tôi trả lời: “Đương nhiên là được!”
Thánh I-Nhã rất nghiêm với đồng hữu của mình. Đặc biệt với những người thân nhất, ngài mong chờ ở họ rất nhiều. Chính ra vì ngài có một lòng tin tưởng rất lớn vào bản thể con người. Thánh Kinh đã không nói con người sinh ra theo hình ảnh và giống như Chúa đó sao?
Trong phần mở đầu Bài tập Linh thao, Thánh I-Nhã đã có lời khuyên như sau:
Để được giúp đỡ nhiều hơn, và để có tiến bộ cho người giảng cũng như cho người nhận Bài tập Linh thao, thì phải khởi đi từ tiền đề, rằng mọi tín hữu tốt lành phải sẵn sàng hiểu những ý tưởng của người lân cận trong một nghĩa tích cực hơn là lên án họ.
Người ta thường trách cứ quan điểm lạc quan về bản thể con người của các tu sĩ Dòng Tên. Thà cho con người nhiều tự do cá nhân và trách nhiệm hơn là giảm đi của họ. Trong trường hợp nghi ngờ, thì thêm một lần nữa cho họ một cơ may, hơn là lấy đi cơ may này của họ. Và đây là chứng minh của lời tuyên bố sau của Thánh I-Nhã:
Cẩn thận không lên án cách đối xử của một ai. Hãy nghĩ đến thiện ý của người lân cận mình. Thường thiện ý này là ngay thẳng và ngây thơ, dù nhìn bên ngoài hành vi của họ là xấu.
Điều này giải thích vì sao Thánh I-Nhã rất nhạy cảm với tiếng tốt của các đồng hữu mình. Linh mục Dòng Tên Pedro de Ribadeneira, người viết tiểu sử đầu tiên của Thánh I-Nhã và là người sống cùng cộng đoàn với thánh nhân làm chứng:
Ngài chăm lo rất nhiều về tiếng tốt và thanh danh của tất cả các đồng hữu của mình, ngài làm theo hai cách.
Trước hết, ngài luôn nói tốt và cho thấy ngài kính trọng từng người. Ngài không nói trước đông người lỗi phạm của ai, nếu đó không phải là một cần thiết cấp bách, buộc người đó phải xin huấn giáo để sửa lỗi lầm. Và dù trong trường hợp này, ngài cũng không nói chuyện này với hai người, nếu nói với một người là đủ. Nếu cần phải nói với hai người mới toại nguyện, thì ngài không nói với người thứ ba. Như thế, ngài trình bày một cách đơn giản chuyện xảy ra mà không đi quá.
Thứ nhì, ngài phạt nghiêm khắc ai nói xấu đồng hữu mình hoặc ai mà đối thoại của họ có thể tạo ra các phê phán không lợi. Vì thế có một vị thánh già, một người dũng cảm đã phải bị kỷ luật trong thời gian đọc ba thánh vịnh, vì ông đã kể khắp nơi bên ngoài nhà, rằng có cha bị sốt đã nói những chuyện tầm bậy trong cơn mê sảng của mình.
Dĩ nhiên người ta có thể lạm dụng lòng tin tưởng này. Mọi chuyện có thể diễn ra xấu đi. Nhưng nếu không liều thì không làm gì được. Không có gì làm cho một người (trẻ) lớn lên trong sự tin tưởng ở chính mình và cảm nhận được giá trị thật của mình, bằng được người khác tin tưởng ở mình. Bạn sẽ lớn lên nhiều trong tự do đích thực, nếu bạn có dịp may được học một cách tự do và qua đó đảm nhận được thế nào là trách nhiệm. Kinh nghiệm thất bại nằm một phần trong việc đào tạo. Dĩ nhiên phải để ý đến tuổi và khả năng của từng người. Nhưng dù sao, nếu học càng sớm thì càng tốt.
Đặc biệt, tin tưởng vào đồng loại của mình đòi hỏi chính bản thân mình phải xem trọng các ước muốn sâu xa của họ. Không hơn không kém, Thánh I-Nhã đã tự mình khám phá ra Chúa, nên ngài mới có thể mời gọi vào trọng tâm cầu nguyện. Vì thế ngài mời các đồng hữu của mình thẳng thắn mở lòng ra với các ước muốn sâu thẳm nhất của mình. Ngài cố gắng giữ điều này nhiều nhất có thể.
Lời khuyên của Thánh I-Nhã nêu trên mời gọi chúng ta thật sự lắng nghe người khác. Điều người kia đang thử diễn tả, có thể họ bị khó xử, họ bị rối trí chăng? Chúng ta biết điều này: không có các câu hỏi ngớ ngẩn, chỉ có các câu trả lời ngớ ngẩn. Lắng nghe những người đến thố lộ với mình luôn là một thách thức lý thú.
Chương 4 – Tự do trong vâng lời
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Một tu sĩ Dòng Tên tham dự buổi hội thảo về lời khấn đức vâng lời. Người ta hỏi tu sĩ:
– Dòng của cha nhấn mạnh tầm quan trọng của đức vâng lời. Làm thế nào cha tin đượccác tu sĩ Dòng Tên sẽ trung thành với lời khấn này?
– Trên thực tế thì rất đơn giản. Trước hết các bề trên của chúng tôi sẽ hỏi chúng tôi thích làm gì. Sau đó họ để chúng tôi làm chuyện đó như đó là sứ mệnh của chúng tôi. Như thế, chúng tôi không có vấn đề với đức vâng lời.
Một người tham dự buổi hội thảo hỏi lại:
– Đúng, nhưng… cha không có các đồng hữu không biết mình muốn cái gì à? Trong trường hợp này các cha sẽ làm gì?
Câu trả lời của tu sĩ Dòng Tên:
– Những người này, chúng tôi gọi họ là các bề trên.
Truyền thống Dòng Tên đặt rất cao đức vâng lời. Bạn càng vâng lời thì bạn càng tự do, chứ không phải là chuyện bất thường. Đầu tiên hết, lời khấn này làm cho đức vâng lời trở thành một ơn gọi riêng: chính Chúa mời gọi bạn qua đức vâng lời này. Trong cuộc sống của các tu sĩ Dòng Tên, cha bề trên có một chỗ quan trọng trong nhận thức của đức vâng lời này, dù đó là bề trên địa phương hay bề trên ở cấp cao hơn. Trong truyền thống Dòng Tên, có sự mở ra với lương tâm (ratio conscientiae, ‘chỉ số lương tâm’). Một năm một lần, bề trên tỉnh dòng đi thăm các cộng đoàn địa phương để gặp từng tu sĩ. Chính xác hơn là để nghe người này mở lương tâm của mình ra: có nghĩa là người đó hoàn toàn tin tưởng nói lên những gì mình sống trong tận sâu xa, các ý tưởng, các niềm vui, các nỗi buồn, các nỗi sợ của mình. Còn hơn là bổn phận, mà đối với đương sự, đó là quyền để làm như vậy. Bạn có thể khám phá con người sâu thẳm của mình trước đồng hữu lắng nghe mình mà bạn không cảm thấy mình bị phê phán, bị đánh giá.
Không phải ngẫu nhiên mà cũng chính bề trên tỉnh dòng là người có trách nhiệm đối với từng tu sĩ trong tỉnh dòng của mình. Khởi đi từ chỉ số lương tâm, trong chừng mực có thể, bề trên sẽ giao sứ mệnh phù hợp với ước muốn cá nhân của mỗi đồng hữu, chú trọng đến việc người đó có thể làm gì và không thể làm gì. Có những khi, điều này cũng không thể làm được. Dù sao cũng có những chức vụ phải được hoàn thành. Đức vâng lời có thể khó khăn. Nhưng nó cũng làm cho mình tự do. Kinh nghiệm cho thấy, đức vâng lời đặt mình ở vị trí làm những việc mà mình không nghĩ mình sẽ có sáng kiến làm. Điều này gọi là ơn chức phận.
Thánh I-Nhã nghĩ, nếu có một đức tính mà tu sĩ Dòng Tên phải sáng chói, đó là đức vâng lời. Dù sao, chắc chắn sự vâng lời của tu sĩ Dòng Tên không phải là mù quáng. Vì thế người tu sĩ có quyền trình bày. Tu sĩ Dòng Tên cũng có quyền, và còn hơn thế nữa, đây là bổn phận phải báo cho bề trên tâm hồn và lương tâm của mình nếu mình thấy bất đồng với bề trên và giải thích tại sao. Nếu có dịp, người tu sĩ có thể nhắc lại với bề trên, cho đến hai hoặc ba lần. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của bề trên.
Trong cộng đoàn Dòng Tên, rõ ràng cha bề trên chiếm một chỗ trọng tâm. Cùng lúc, là bề trên thì trước hết và trên hết là khiêm tốn phục vụ. Đến một điểm nào đó, cha có thể xin bạn đặt các hoạt động tông đồ của bạn qua một bên, để giúp các đồng hữu được triển nở trọn vẹn trong ơn gọi hoặc trong sứ mệnh riêng của họ. Trên nguyên tắc, kỳ hạn của một bề trên chỉ sáu năm. Sau đó, cha bề trên nhận một sứ mệnh mới như bất cứ một tu sĩ Dòng Tên nào.
Tôi xin nói thêm điều này để kết thúc. Thánh I-Nhã đặt đức vâng lời ở một vị trí rất cao và ngài mong chờ rất nhiều ở đó. Chính xác, đó là lý do ngài rất cẩn thận và uyển chuyển với đức vâng lời. Đây là lời linh mục Luis Goncalves da Camara s.j., người đã sống và làm việc với ngài nói về ngài:
Cha của chúng ta có thói quen là không nhờ đến đức vâng lời cho tất cả những gì ngài có thể nhận được một cách nhẹ nhàng mà không cần đến đức vâng lời. Hoàn toàn ngược lại: nếu ngài có thể có được để ai đó làm điều gì đó vì họ đã tự chọn, chứ không phải họ hiểu bề trên gợi ý cho họ, thì ngài hoàn toàn thích sự việc được xảy ra như vậy. Rằng người đó làm chuyện gì vì họ thích (của bề trên) nhưng không bị bắt buộc, thì điều này làm vui lòng Thánh I-Nhã hơn là phải ra lệnh; cũng vậy, và rồi, cũng cùng lý do đó, khi việc được yêu cầu mà không nhất thiết là phải tuân theo đức vâng lời.
Chương 5 – Phân biệt thần loại
Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016
Có ba chuyện mà cả Chúa cũng không biết:
– số Dòng nữ trên thế giới;
– tổng số tiền các tu sĩ Dòng Phan Sinh cất giấu;
– những gì các tu sĩ Dòng Tên nghĩ thật sự và dự án sắp tới của họ.
Linh đạo I-Nhã không phải là một giáo điều lý thuyết. Cũng không phải, hay ít nhất, là các hiểu biết, lại còn không phải là bí mật gì. Các tu sĩ Dòng Tên không vào việc bằng cách theo một chương trình đã định trước. Nhưng họ có cách riêng của họ để làm – modo de proceder – một phương pháp mà họ định nghĩa là phân biệt thần loại.
Trên giường bệnh, Thánh I-Nhã đã nghiệm thấy Chúa cho ngài biết các tác động của tâm hồn trong khi cầu nguyện. Dần dần, ngài biết phân biệt thế nào là Thần Khí nói với ngài qua các vui, buồn nối tiếp nhau, những giây phút thanh thản, những giây phút bức rức; và làm thế nào để có những chọn lựa cụ thể, trong cuộc sống, ngài có thể chứng minh các trực giác này.
Một trong những đóng góp lớn của Thánh I-Nhã cho kitô giáo là ngài đã soạn ra một phương pháp có hệ thống – ăn khớp nhau trong 22 mục phân biệt thần loại – để tinh luyện và để làm, trong chừng mực có thể được, một tiến trình có hệ thống. Cho đến ngày nay, đối với các tu sĩ Dòng Tên, cầu nguyện để biết được ý Chúa là căn bản, trên đó họ xây dựng các lựa chọn, các quyết định nền tảng của mình.
Tuy nhiên, ý và ước muốn của Chúa thì chủ yếu không lường trước được. Vậy điều tốt nhất là giữ tâm hồn cởi mở để ý thức và để sẵn sàng với những gì Thần Khí đòi hỏi; đôi khi điều này không được thoải mái. Chúng ta là người, là thích những gì an toàn cho mình, thích nắm trong tay mọi sợi dây. Chúng ta thật sự mong muốn biết trước mình sẽ ở đâu.
Năm 2008, 225 tu sĩ Dòng Tên họp ở Rôma để chọn vị kế nhiệm thứ 29 của Thánh I-Nhã. Đại hội tiến hành như thường lệ, giữ chay và cầu nguyện nhận định trong nhiều ngày. Đến lúc phải lui về trong thinh lặng, các đại diện từ chối không mang theo mình danh sách các ứng viên có tiềm năng. Danh sách này được linh mục Peter-Hans Kolvenbach, đương kim bề trên tổng quyền chuẩn bị trước, dựa trên đề nghị của các các đại diện Dòng Tên trên các châu lục. Các đại diện muốn nhận định không định kiến và hoàn toàn vô tư để tiếp nhận chọn lựa của chính Chúa trong tinh thần nhận định của cộng đoàn.
Thánh I-Nhã, đồng hữu tiêu biểu của Chúa Giêsu, ngài có một sức mạnh đức tin không gì lay chuyển, ngài là bậc thầy trong lãnh vực nhận định. Nhận định trở nên bản chất thứ nhì của ngài. Dù ngài không còn trẻ, nhưng ngài sẵn sàng dùng thì giờ cần thiết để làm. Hai mươi năm trôi qua kể từ ngày ngài trở lại và ngày ngài thành lập Dòng Tên, trong thời gian này, Thánh I-Nhã đã nhận định với các đồng hữu của mình, từng bước một, điều gì Thiên Chúa mời gọi mình. Và đây là tu sĩ Jérôme Nadal s.j., người thân tín và phát ngôn viên của ngài, mô tả đường hướng chỉ đạo của ngài:
Thánh I-Nhã đi theo Thần Khí, ngài không đi trước; như thế ngài được hướng dẫn một cách nhẹ nhàng đến điều chưa biết; một con đường mở ra chầm chậm trước mặt ngài, trên con đường này, với đức khôn ngoan ngài tiến đến điều mình chưa biết, quả tim hoàn toàn đơn sơ mở ra với Chúa Kitô.
Marta An Nguyễn chuyển dịch'
http://phanxico.vn/2017/03/08/chuong-5-phan-biet-than-loai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét