Trang

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Bảy mối tội đầu


Bảy mối tội đầu


André Comte-Sponville, triết gia người Pháp, psychologies.com
Mọi người đều biết bảy mối tội đầu, nhưng với thời buổi này, chúng ta cũng nên cập nhật hóa theo thời sự các mối tội này: đó chính là mục đích của bài viết này.
Đôi khi người ta nhầm lẫn bảy mối tội đầu với mười điều răn. Mười điều răn có từ ngàn năm ở trong Cựu Ước. Đó là mười điều răn được Thiên Chúa truyền cho ông Môsê trên núi Si-nai. Ngoài một vài điều răn có tính cách thuần túy đạo đức (cấm thờ ảnh tượng, thờ đa thần, chứng dối, nghĩ ngày lễ buộc sa-bat vv..), phần còn lại là những điều răn đạo đức căn bản mà các tôn giáo khác đều có: Thảo kính cha mẹ, không giết người, không ngoại tình, không ăn cắp, không tham của người, không lấy vợ người …
Cũng đừng lầm lẫn tội hàng đầu và tội trọng. Tội hàng đầu là tội mà khi vấp phải thì làm cho mình vấp theo các tội khác. Tội trọng là tội làm cho mình xa Chúa: tội này chỉ được tha thứ khi mình đi xưng tội.
Bảy mối tội đầu dự phần trong truyền thống đạo đức và thiêng liêng của chúng ta. Ai cũng biết có bảy tội, nhưng đa số chúng ta không kể ra trọn vẹn được bảy tội. Vào cuối thế kỷ thứ VI, giáo hoàng Grégoire le Grand ấn định bảy tội: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, tham lam, tham ăn, giận dữ, lười biếng. Từ lâu chúng ta không còn thấy đó là những lỗi lầm lớn nhất, cũng không còn thấy đó là những điều đáng ghét. Thời buổi này chúng ta có những tội khác đáng đánh đòn hơn.
Điều đó không có nghĩa đối với những người thời nay, chúng ta mất hết khái niệm về tội. Với những người còn tin Chúa, tội, trước hết là việc xúc phạm đến Chúa; nhưng đối với những người không tin, tội cũng là điều xúc phạm đến đạo đức mà mình xét thấy khá nặng để mình có thể tự lên án hay đi lên án người khác. Phạm tội, là cố ý làm điều xấu, là xúc phạm đến Chúa và đến nhân loại, ai dám cho mình là chưa bao giờ phạm?
Suy nghĩ lại các tội hàng đầu sẽ giúp chúng ta nhìn thấy điều này một cách rõ ràng hơn. Nhưng cũng nên cập nhật hóa danh sách các mối tội này: đó chính là mục đích của bài viết này.
  1. Ích kỷ
Thế nào là tội hàng đầu? Tội hàng đầu không bắt buộc phải là tội nặng hơn các tội khác, nhưng là một tội mà khi vi phạm thì kéo theo các tội khác. Đó là tội đứng đầu danh sách (péché capital: capital có nguồn gốc từ chữ latinh caput, là cái đầu), người ta có thể nói tội hàng đầu giống như một trong các nguồn cội của sự dữ.
Tội đầu tiên vừa được tìm thấy. Tại sao chúng ta làm điều xấu? Chỉ vì do độc ác? Chưa hẳn vậy. Thường thường chúng ta làm điều xấu để có một điều tốt. Đó là một trong những điểm, thật ra thì cũng chẳng có nhiều điểm, mà tôi đồng ý với triết gia Kant: con người không độc ác (họ không làm điều xấu chỉ vì điều đó xấu), nhưng con người không tốt (vì con người làm điều xấu là để cho người khác được tốt). Vì vậy, ích kỷ là nền móng của mọi sự xấu, mà ngày xưa Kant đã nói, và theo tôi, đó là tội đầu tiên của các mối tội. Đó là bất công ở ngôi vị thứ nhất. Triết gia Pháp Pascal đã giải thích, bởi vì “cái tôi là bất chính khi tôi là tâm điểm của mọi sự: mỗi cái tôi là kẻ thù và cũng là tên bạo chúa đối với tất cả các người khác”. Người ta chỉ làm điều xấu vì lợi ích riêng của mình. Con người chỉ xấu vì nó ích kỷ.
  1. Độc ác
“Còn tính bạo tàn thì sao? Thỉnh thoảng các sinh viên hỏi tôi như thế. Có phải con người không làm điều xấu vì điều đó xấu”? Không phải như vậy: họ làm điều xấu cho người khác, vì điều này làm họ vui; vậy, đối với họ, lạc thú của họ là điều tốt… Tính bạo tàn không những nó còn đó, mà chắc chắn, nó còn là lỗi lầm nặng nhất kéo theo nhiều lỗi lầm khác. Cho nên, đã đến lúc chúng ta phải xem nó như tội hàng đầu. Làm sao để định nghĩa nó? Đó là sở thích hay ý thích muốn làm người khác đau khổ về mặt thể lý hay về mặt tâm lý (sách nhiễu tinh thần). Tính bạo tàn là hỗn hợp pha trộn của khắc nghiệt, tàn nhẫn và tính khoái tàn ác, nhiều lúc có thể đưa đến man rợ: đó là phạm tội chống lại với lòng thương xót, chống với sự dịu hiền, chống với lòng nhân, theo nghĩa có lòng nhân là một đức tính. Đó là tội của người tra tấn, mà cũng là tội của ông chủ xấu xa, của người bạo tàn hay người đểu giã, thích thú thấy nạn nhân của mình rên la.
  1. Hèn nhát
Tội hàng đầu thứ ba: tội hèn nhát. Bởi vì không một đức tính nào, không một điều tốt nào có thể làm được mà không cần đến lòng can đảm. Bởi vì đứng trước hiểm nguy, hèn nhát là một loại ích kỷ. Nói cho cùng, đa số các hành vi xấu, dù cho là những hành vi tệ hại nhất, ngoại trừ tính tàn bạo là một ngoại lệ, thì người ta có thể giải thích con người làm điều xấu chỉ vì sợ sẽ bị khổ thêm, chứ không phải làm vì muốn làm khổ người khác. Có bao nhiêu người canh tù nhân ở các trại tập trung sẽ thích được ở nhà yên ổn thay vì phải làm công việc cay đắng này? Nhưng họ không có can đảm để vắng mặt, để bất tuân lệnh, để phản kháng… Như vậy, họ làm chuyện xấu một cách hèn nhát, một cách có ý thức và có hiệu quả. Không có gì biện minh cho điều này được. Làm tội là không biện minh được. Nhưng điều này cho biết họ là thành phần đa số, hiếm có những người tồi tệ, phần đông là những người hèn nhát và ích kỷ, mà trong một trạng huống này hay trạng huống nọ, họ không biết cưỡng lại khuynh hướng của thời đại hay của thứ loài. Nữ triết gia Hannah Arendt nói đó là cái tầm thường của sự xấu: tính tàn bạo là ngoại lệ; ích kỷ và hèn nhát là khuôn khổ.
  1. Ác ý
Mình có thể đứng thẳng để nhìn mình trong gương mà không cần nương tựa vào ai không? Đến một chừng mực nào đó mà sự nhục nhã, hay đơn giản chỉ là cái tầm thường đã làm cho con người khó mà không nói dối với chính mình. Vì thế, ác ý là một tội chính: bởi vì nó làm cho các việc gian quấy trở thành có thể thực hiện được khi mình che giấu hay khéo biện minh bằng các lời biện minh giả tạo. Ví dụ, sau Thế chiến Thứ hai, tên đồ tể Eichmann, một công chức tận tụy trong trại tập trung ở Đức, đã khai với quan tòa ông chỉ biết vâng lệnh cấp trên. Hay người đi hiếp dâm khai anh chỉ tuân theo các xung động của anh. Hay hành động hèn hạ thường tình khi giải thích lỗi lầm của mình phạm là do thời thơ ấu, do vô thức, do loạn thần kinh … Thật là gọn tiện. Quá gọn tiện. Theo triết gia Pháp Sartre, có ác ý, đó là làm như mình không có tự do, mình không có trách nhiệm; trong khi mình có tự do, mình có trách nhiệm, tối thiểu là trong các hành vi, trong các chọn lựa của mình. Trong một nghĩa thường tình nhất, đó cũng là nói dối người khác. Nhưng thường thường vẫn chỉ là một nguyên tắc: người ta nói dối để che giấu lỗi của mình, để biện minh hay để gán một giá trị mà mình không có… Ai bỏ được tật nói dối – với chính mình và với người khác -, ai ngưng làm bộ, thì họ chỉ còn chọn lựa giữa đức hạnh và sỉ nhục. Một chọn lựa đau khổ mà lòng ác ý nhắm để hỗ trợ chúng ta: đó là tự cho phép làm điều xấu bắng cách tự cho phép che giấu nó.
  1. Tự đủ
Đến ngang đây, tôi vẫn chưa đề cập đến tội nào trong bảy mối tội đầu. Dù không ở trong danh sách chính thức, tội mà tôi muốn đề cập đến đây cũng không xa mấy cái tội mà các Tổ Phụ trong sa mạc gọi là kiêu ngạo. Kiêu ngạo chỉ là một khiếm khuyết thường tình nhất và sâu xa nhất. Tỏ ra mình tự đủ, đó không những chỉ là kiêu ngạo; mà còn tự phụ, hợm mình, vênh vang, cho mình là đáng kể, tự mãn, tự cao … Đó là tội của thằng ngốc tự phụ, tôi ít biết mấy loại này nơi những người thông minh hay những người đáng ghét nhất. Nhưng thường thường đó là cái tội làm đầu mối cho việc lạm dụng quyền lực, khai thác trục lợi người khác, cố ý thù hận hay khinh thường người khác, đó là không kể đến kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giới tính của mình. Người Da Trắng cho mình là một chủng tộc cao, người hung bạo tự hào về nam tính, những người này không những kỳ cục mà còn nguy hiểm, đó là lý do vì sao người ta cùng đồng lòng nên chiến đấu chống lại họ. Kẻ ghét người thì không đáng sợ: vì anh không tự cho mình là người ngoại lệ và chính anh, anh tự biết anh cũng không đủ…
  1. Cuồng tín
Đứng về mặt tư tưởng thì tự đủ sẽ trở nên cuồng tín. Đó là chủ nghĩa độc đoán có tính cách hận thù và hung bạo vì họ quá tin chắc vào sự thật của mình để có thể dung thứ sự thật của người khác. Không những là không dung thứ: họ còn muốn cấm đoán hay loại bỏ bằng vũ lực những gì người khác không đồng ý hay nói họ sai. Lúc nào và ở đâu, người ta cũng đều thấy hậu quả của nó: các cuộc thanh toán đẫm máu, chiến tranh tôn giáo, bắt bớ, khủng bố, độc tài … Người ta chỉ làm chuyện xấu để có chuyện tốt, tôi tự nhủ, và người ta sẽ cho phép mình làm các điều càng xấu bao nhiêu cũng được để điều tốt càng có vẻ lớn hơn bấy nhiêu. Còn hơn là thích thú, họ hăng say làm. Đó là điều mà người ta cố ý gây ra thảm sát vì Thượng Đế chứ không phải vì mình, vì hạnh phúc nhân loại chứ không phải hạnh phúc của mình “Các bạn hãy giết tất cả, Thiên Chúa hay Lịch Sử sẽ biết người nào là người của mình …” Cuồng tín, tội ác tập thể. Đó là tội làm đầy các trại tập trung và đốt cháy các dàn thiêu.
  1. Nhu nhược
Vì tôi cũng phải chọn cho tôi một danh sách bảy tội hàng đầu, nên tôi cũng giữ lại ở đây một trong các tội xưa cũ: tội mà tôi gọi là nhu nhược thì nói chung cũng giống như tội lười biếng. Nhu nhược là gì? Đó là hỗn hợp của tính nhu nhược và thích làm vui lòng, của tính yếu đuối và tự yêu mình: đó là không có khả năng tự áp đặt một cái gì cho chính mình, làm một cố gắng lâu bền hơn, nén mình, vượt lên và vươn lên … Nhu nhược, không những là thiếu năng lực: đó là thiếu ý chí và thiếu đòi hỏi. Nơi cái gì làm một tội thành một tội hàng đầu? Nơi cái này, nhu nhược kéo theo nhiều tội khác: cư xử thô tục, đó là nhu nhược trong cung cách ứng xử; vô trách nhiệm, đó là nhu nhược đối với người khác hay đối với các bổn phận của mình; tinh thần hèn hạ, đó là nhu nhược đối với người có quyền; mị dân, đó là nhu nhược đối với dân chúng … Văn hào người Pháp André Gide đã nói “Phải đi theo dòng đời, nhưng phải đi lên.” Nhu nhược là người thích đi xuống.
Đó là bảy tội mà đối với tôi, đó là bảy mối tội hàng đầu của thời buổi này. Tôi xin lặp lại, không bắt buộc đó phải là bảy tội nặng nhất, nhưng theo tôi, đó là tội điều khiển hay có thể giải thích tất cả các tội khác. Điều đó lại cũng làm mở đường cho nhiều đức hạnh khác. Để kết thúc, chúng ta thử nêu ra đây một vài đức hạnh.
– Để chống với ích kỷ? Lòng đại lượng, công chính và tình yêu.
– Để chống với độc ác? Thái độ dịu dàng và lòng thương xót.
– Để chống lại với hèn nhát? Lòng can đảm.
– Để chống lại với ác ý? Đó là thiện ý, là tình yêu cho sự thật.
– Để chống lại với thói tự đủ? Lòng khiêm tốn, tính đơn sơ, óc hài hước.
– Để chống lại với cuồng tín? Lòng khoan dung.
– Để chống lại với nhu nhược? Ý chí. Ý chí có phải là một đức tính? Tôi không biết. Nhưng không có một đức tính nào được trau dồi mà không cần đến ý chí.
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét