Trang

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Marie - Dominique CHENU - Một nhà chiêm niệm về biến cố NHẬP THỂ

Marie - Dominique CHENU - Một nhà chiêm niệm về biến cố NHẬP THỂ





Năm 1913, lúc lên 18 tuổi, vào dòng thánh Đaminh, Marcel CHENU muốn sống ở đấy cuộc đời chiêm niệm. Đó là niềm mong đợi của ngài. 65 năm sau, chúng ta có thể chứng thực được rằng con đường đó đã mang lại kết quả. Những ai chỉ biết CHENU như là nhà nghiên cứu thời Trung cổ hoặc như vị chủ chăn là đã quên mất niềm hưng phấn sâu xa tự bên trong của một con người đã phát biểu: “Chiêm niệm là mảnh đất nuôi dưỡng thần học cũng như nuôi sống hoạt động tông đồ”.
Con người có cuộc sống tâm linh sâu sắc nầy đặc biệt có một khả năng phi thường trong suốt cả cuộc đời của mình là biết đánh thức những con người và các ý tưởng. CHENU đã đào tạo ra cả một thế hệ những nhà thần học. Có lẽ quả thực là CHENU đã chưa cho ra đời được công trình đồ sộ của đời mình như người ta có quyền chờ đợi ở ngài, nhất là trong lãnh vực sở trường của ngài: lịch sử các giáo thuyết, hoặc từ phía một nền thần học về biến cố Tạo thành. Nhưng, lý do cũng thật là đơn giản: nỗi ưu tư thường xuyên của CHENU trước tiên là gợi lên, gây hưng phấn, cho đi. Étienne GILSON đã có thể tuyên bố: “Cha CHENU, ngài đã để cho mình trôi đi theo giòng đời trong tư cách của một con người cùng tham dự.” Tất cả những ai đã có dịp gặp ngài đều không thể cưỡng lại được cái đồng cảm ngay tức khắc nầy, cái nhiệt tình tạo thông cảm nầy, cái thái độ lạc quan không thể nào cưỡng lại được nầy. Cần phải có một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa.

Thái độ kiên nhẫn của người trí thức trong nỗi bứt rứt nôn nóng vì tình yêu.

Như tất cả mọi anh em trong Dòng mình, Marie-Dominique CHENU đã được cấu trúc hoá bởi giòng tư tưởng của Thánh THOMAS d’AQUIN. Vị tiến sĩ  thiên thần nầy đã cho phép CHENU luôn luôn biết nắm bắt lại các vấn đề ở nơi chính cội nguồn, đặt mình vào trong tình trạng thường xuyên là phải khám phá. Đàng sau cái thứ ngôn ngữ có vẻ mặt kỹ thuật chuyên môn bên ngoài đó, CHENU đã cảm nhận ra được một niềm cảm hứng của Tin mừng, niềm hứng cảm mà nếu như được làm giàu thêm bởi lịch sử và kinh nghiệm tông đồ, có thể có được một hiệu năng  kỳ diệu. Ở đây, chúng ta lại có thêm một bằng chứng nữa chứng tỏ rằng chỉ những con người bám rễ sâu vào trong một truyền thống sinh động mới là những tác nhân của tiến bộ.
Để có thể làm sáng tỏ được thái độ trung thành với truyền thống THOMAS nầy, chúng ta thử đan cử một thí dụ cũ rích đó là vấn đề sự gặp gỡ giữa đức tin và lý trí. Rất thường tình, sự ly dị nầy đã được phê chuẩn, đặc biệt từ phía anh em thệ phản. Thế mà, một đệ tử của Thánh THOMAS chỉ có thể tìm ra được sự nối kết giữa chúng với nhau trong một thái độ tin cậy quả cảm. “Một nền thần học xứng đáng với tên gọi nầy, đó chính là một nền tu đức đã tìm ra được những công cụ thuộc lý trí hoàn toàn tương ứng với kinh nghiệm tôn giáo của nó”. Đức tin không tương giao với trí khôn qua hệ thống cầu chì: đức tin làm cho chân lý thần linh nhập thể vào trong chính những đường chỉ dệt nên tấm vải là trí khôn của chúng ta.
Bám chắc trên mảnh đất chung sống hoà bình nầy, nhà thần học, như một đoá hoa, sẽ có thể nở rộ ra trong vườn hoa riêng biệt của mình là đời sống của Giáo hội, “sự hít thở bầu không khí Giáo hội”. CHENU nghi ngờ những nhà thông thái chỉ biết “vùi mình trong những cuốn sách khổ in-folio và những cuộc cãi vã kinh viện của họ”. CHENU sẽ không là “một nhà thần học ẩn mình trong buồng ghép kính”, vì sợ lây bệnh dịch bên ngoài. Dù có phải làm mếch lòng một số người, CHENU vẫn sẽ nhảy vào lửa, vẫn sẽ tiến lên hàng đầu với nỗi đam mê, hầu có thể biện biệt cho ra đâu là hành động của Thiên Chúa. Bởi vì, thần học bao giờ cũng thoát thai từ cơn “kích ngất” (choc) mà Lời Thiên Chúa gây ra ở trong Giáo hội và trên thế giới. Thần học chỉ ra công việc của Thiên Chúa trong lòng lịch sử. Ở nơi Marie-Dominique CHENU, sự thông thái không bóp nghẹt tính chiến đấu. Sự thông thái đã là điều kiện cho giá trị chân lý của cuộc đời chiến đấu.

Sự vận hành kỳ diệu của một chân lý đang tự hình thành.

Trong tư cách là giáo sư lịch sử các giáo thuyết, cha CHENU đã làm cho trường Saulchoir trở thành nổi tiếng. Nhưng, ngài vẫn tránh không coi Kitô-giáo như là một giáo thuyết: làm như thế, là giản lược Kitô-giáo thành một phát biểu ý thức hệ. Không, Kitô-giáo, trước nhất, là một “nhiệm cục” (économie), nghĩa là một loạt những biến cố qua đó chính Thiên Chúa được trầm mình vào trong lịch sử. Không thể nào có thể suy tư Tin mừng Kitô-giáo bên ngoài lịch sử, bên ngoài phạm trù biến cố.
Thật vậy, từ chủ chốt của nền thần học nầy của CHENU là “biến cố Nhập thể”. Cái logic thường hằng của kế đồ của Thiên Chúa được chứng thực nơi biến cố Đức YÊSU KITÔ nhập thể trong một khoảnh khắc không gian và thời gian nhất định. Thiên Chúa tự làm cho mình trở nên xác thịt để mọi xác thịt phục sinh trong Ngài. Vì thế, chính trong khi biến đổi vũ trụ, chúng ta đang sống thực trạng thần linh hoá con người. Bởi vì biến cố Nhập thể của Đức KITÔ vẫn đang gài “côn” để cho công việc của con người và công trình xây dựng thế giới cùng vận hành. Từ nay, ân sủng của Thiên Chúa làm cho toàn thể vũ trụ phát quang để biến dạng nó. Nhờ hoạt động của Thần Khí vẫn đang tiến hành trong thế giới, lịch sử là sự chuyển đẻ Đức KITÔ TOÀN THỂ. Trong nhãn giới nầy, “sự nhân hoá đã là một thứ khả năng thần linh hoá”.
Là chiều kích lịch sử của Thiên Chúa, Giáo hội góp hùn viên đá của mình vào cái công trường độc nhất nầy là lịch sử nơi số phận của nhân loại đang được định đoạt. “Kể từ nay, trong cái thực tại đang trở thành của biến cố Tạo thành được tiếp sức bởi biến cố Nhập thể, vấn đề đặt ra là phải cương quyết dấn thân vào trong cái quá trình vận hành đầy ngạc nhiên của một chân lý đang tự hình thành, và là cái chỉ còn là chân lý trong mức độ nó được kinh qua như là niềm hy vọng đã được thể nghiệm và đang tìm cách để trở thành hiện thực”. Giữa một CHENU và một Teilhard de CHARDIN không phải là không có cơ may để có thể gặp gỡ nhau.

Nhận ra những dấu chỉ của thời đại.

Tin mừng, vì thế, được sống trong thời gian. Thời gian nầy có thể là thời gian, hao tốn, của các linh mục thợ hoặc là thời gian, kích thích, của Vatican II. Nhưng, sinh hoạt của Giáo hội không được tách rời ra khỏi một thứ sinh hoạt rộng lớn hơn. Nỗ lực của Giáo hội là biện biệt ra cho được những thời điểm qua đó Thiên Chúa ngày hôm nay nói với tín hữu. Để có thể tiếp thu Lời Thiên Chúa nguyên chỉ đọc quyển sách Tin mừng thôi chưa đủ, mà còn phải sống cái thế giới loài người trong bước đi riêng tư của nó. “Sinh hoạt của Tin mừng diễn ra qua những vấn đề của con người”. Chính vì thế, cha CHENU sẽ không tiếc sức cộng tác với những tờ nhật báo, thí dụ, với tờ Témoignage chrétien. Cần phải có khả năng phản ứng nhạy bén với yêu cầu của biến cố.
Một thứ đột biến đặc biệt gây chú ý nhà quan sát: vấn đề xã hội hoá. Chúng ta đang ở trong “kỷ nguyên của những khối”, trong triều đại của đầu óc tập thể. Theo cha CHENU, lao động lúc bấy giờ xem ra là một nhân tố trụ cột quan trọng của công việc xã hội hoá nầy. Trong xã hội kỹ nghệ, lao động là môi trường xã hội hoá tuyệt hảo. Từ đó, phát xuất bản lược thảo “một thứ thần học về lao động” (une Théologie du travail): “Lao động là hành động nhờ đó con người sở hữu vật chất, biến đổi nó, hoàn thành nó hầu biến vật chất thành một công cụ của văn minh, của văn hoá và cuối cùng là của sự cứu độ”. Con người là người đối diễn (partenaire) với Thiên Chúa trong thực tại đang trở thành (devenir) của thế giới.
Sau cùng, để tiếp tục con đường của Thánh THOMAS, điều mà Marie-Dominique CHENU tìm kiếm đó là một nền nhân loại học khai mở đầy đủ, không què quặt. Chương trình của ngài thật rõ ràng: “chống lại tất cả mọi thứ chủ nghĩa duy linh, là tính thể toàn vẹn của con người; chống lại tất cả mọi thứ cá nhân chủ nghĩa, là tính thể mang xã hội tính; chống lại cái thứ hình ma lơ lửng bên ngoài vũ trụ (hors-cosmos), là con người, chủ của thế giới”. Nhà thần học của chúng ta bao giờ cũng sẵn sàng chống lại những thứ nhị nguyên ngụy tạo: hồn-xác, tinh thần-vật chất, bản tính-ân sủng, trần tục-thiêng liêng. Con người đến với Thiên Chúa với toàn thể thực tại tính thể của mình. Con người tự hoàn thành mình trong khi hoàn thành thế giới. Niềm hạnh phúc của con người sẽ chỉ đạt tới mức hoàn toàn thông qua nỗ lực thăng hoa vật chất. Bấy nhiêu cũng đủ để nói được rằng chúng ta vẫn chưa bao giờ rút ra hết được những hệ luận của biến cố Nhập thể. “Lịch sử, xã hội, vật chất, thực thể đồng chất không thể nào tách rời nhau ra được”.
Bruno CHENU.

Thiên Chúa thâm nhập vào lịch sử của thế giới”

(Vatican II)

Thiên Chúa muốn làm cho con người biết được Ngài để con người được hiệp thông với Ngài trong đời sống thần linh của Ngài. Làm cho mình được người ta biết đến hoặc, nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, tự mạc khải mình ra, tự vén màn xuất hiện. Để làm điều đó, theo trực giác của tất cả mọi thứ tình yêu, tìm mọi cách và sử dụng những phương tiện để sống với người mình yêu, Thiên Chúa tự làm người. Ngài đến trong thế giới. Ngài đi ra khỏi chính mình. Có thể nói rằng Ngài tước bỏ khỏi mình tính chất siêu việt của Ngài. Đó chính là biến cố nhân hoá Thiên Chúa (humanisation de Dieu).
Điều đáng ngạc nhiên, điều xem ra khó có thể là sự thật, không phải ở chỗ một con người, Đức YÊSU, con trai của một người phụ nữ tên là Maria, tự giới thiệu mình như là Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa; nhưng ở chỗ Thiên Chúa là một con người. Bởi vì, nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa, làm thế nào có thể lý niệm được rằng còn có một tính thể ở bên ngoài Ngài, trong đó có một thực tại hiện hữu khác?
Đấy mới chính là “huyền nhiệm”, và tính chất kỳ cục ở trong suy lý của nó đòi hỏi ở chúng ta điều mà chúng ta vẫn gọi là niềm tin, và đây không phải là một sự đồng tình có tính chất lý thuyết với một thứ chân lý trừu tượng, với một thứ ý thức hệ, nhưng là tham dự vào tính thể Thiên Chúa đang hiệp thông, đang cùng chung sống với chúng ta...
Nói tóm lại, Thiên Chúa của chúng ta không phải là vị Thiên Chúa-vì-Thiên Chúa (Dieu-Dieu), ngồi lỳ trong thực tại tuyệt đối không thể nào tương giao được của mình và bo bo giữ lấy cho mình tất cả mọi thứ quyền lực, ngủ yên trong vĩnh cửu của mình; mà là vị Thiên Chúa hướng về chúng ta, bởi vì Ngài yêu con người cách si mê, yêu cái thực tại tạo thành của Ngài mà Ngài thấy quả là tốt đẹp. Như bất cứ tình nhân nào, Thiên Chúa cũng mắc phải cái bệnh điên rồ là muốn trở thành như người khác: đó là con người. Thiên Chúa là Tình Yêu: điều nầy không phải chỉ là một trong muôn vàn thuộc tính, mà đó chính là tên gọi của Ngài, tính thể của Ngài. Thiên Chúa của chúng ta vì thế quả là khác xa vị Thiên Chúa của những nhà triết học, những người chỉ biết chăm chăm chú chú đi tìm một thứ nguyên nhân tối cao, và cũng khác xa vị Thiên Chúa của những kẻ mà người ta vẫn gọi là “những người duy thần” (déistes), theo một lối gọi mà cái ngữ vị “duy” (-isme) gán cho thể từ “Thiên Chúa” một giá trị tuyệt đối, lơ lửng ở đâu đâu chẳng biết lấy gì để mà tham chiếu. Thiên Chúa của chúng ta được định nghĩa nhờ tham chiếu với con người. Ngài là CON NGƯỜI - Thiên Chúa (Homme-Dieu). Thiên Chúa của chúng ta là một Con Người và chúng ta chỉ đạt tới được Thiên Chúa là qua Con Người nầy.
Than ôi! Đã biết bao nhiêu thế kỷ trôi qua, nhất là thế kỷ XIX, thế mà những người Kytô-hữu vẫn chỉ là “những người duy thần”, ngay cả những khi, trên môi miệng, đọc những cuốn sách giáo lý thảm thương của mình, họ vẫn nói về mầu nhiệm Nhập thể: Thiên Chúa không gì khác hơn là Đấng Toàn năng, nhà lập pháp tối cao đã đề ra một thứ lề luật vĩnh cửu khắc ghi trong một thứ bản tính không hề thay đổi; và như vậy, Ngài còn là người bảo đảm cho cái trật tự đã được thiết lập đó mà Ngài đã biến nó thành thánh thiêng trong một loại “ngân hàng chuyển ngân là tôn giáo” (un “transfert religieux”). Nhân đức cao cả nhất của con người, vì thế, là sự “lệ thuộc”, được biểu lộ qua một thái độ phục tùng, phó thác cho một sự quan phòng mà con người chỉ là người phải chấp hành mệnh lệnh. Cái ông Thiên Chúa “trưởng giả” của thế kỷ XIX nầy, như đã được VOLTAIRE định nghĩa trong cuốn tự điển triết học của ông ta, đã được BONAPARTE, vị tiền hô của cuộc Cách mạng bách chiến bách thắng, khi đến ký kết với Đức Giáo chủ một Thoả ước, tuyên dương trong cái thông tri nổi tiếng, như thế nầy: “Tôi, ông ta tuyên bố, chẳng cần quan tâm gì tới cái gọi là mầu nhiệm Nhập thể; nhưng tôi mời gọi các ngài, các giám mục, các linh mục, các quan chức, hãy giảng dạy cho người ta vị Thiên Chúa chủ soái và là Đấng tối cao dẫn dắt thế giới và các ngươi phải vâng lời Ngài, nếu không sẽ bị hình phạt hoả ngục đời đời.”
Đối với cái ông Thiên Chúa đó, tôi tự  tuyên bố mình là kẻ vô thần; và tôi đồng ý với lời phê phán của MARX, người khi đọc những khảo luận thần học đương thời, chỉ gặp thấy ở đấy một Thiên Chúa mà người ta đã ngụy tạo ra, thần tượng của một ý thức đã lỗi thời.
(Texte paru dans le collectif Communauté Saint-Sévérin-Saint-Nicolas, Le défi intégriste. Saint-Nicolas occupé, Paris, Centurion, 1977, pp. 171-173).

X      X
X

Tài liệu tham khảo:
Những tác phẩm của Marie-Dominique CHENU:
·          Une école de théologie, Le Saulchoir, hors commerce, 1937.
·      Introduction à l’étude de Saint Thomas d’Aquin, Paris, Vrin, 1954, 2e éd.
·      Pour une théologie du travail, Paris, Seuil, 1955.
·      La théologie au XIIe siècle, Paris, Vrin, 1957.
·      La théologie est-est une science?, Paris, Fayard, 1957, coll. “Je sais - Je crois”.
·      Saint Thomas d’Aquin et la théologie, Paris, Seuil, 1959.
Những bài viết của CHENU từ năm 1922 đến năm 1963 đã được gom lại thành 2 tập dưới tựa đề chung là La parole de Dieu: I. La foi dans l’intelligence; 2. L’Évangile dans le temps, Paris, Cerf, 1964. Chính tựa đề nói lên điều đó, 2 tập sách nầy chuyển dịch cách hoàn hảo hai khuynh hướng trong công trình của Marie-Dominique CHENU.
Để có thể có được một cái nhìn chung, bạn có thể đọc bài phỏng vấn do Jacques DUQUESNE thực hiện:
·          Jacques DUQUESNE interroge le Père CHENU, “Un théolo- gien en liberté”, Paris, Centurion, 1975.
Cho đến năm 1965, bạn có thể sử dụng tập sách nhỏ nầy:
·      Olivier de la BROSSE, Le Père CHENU. La liberté dans la foi, Paris, Cerf, 1969.
Ngắn gọn hơn là bài viết của Yves CONGAR trong Bilan de la théologie au XXe siècle, t.2, Tournai-Paris, Casterman, 1970, pp. 772 - 790.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét