Gia đình nhỏ, “Giáo hội tại gia”
lacroix.com, Anne-Bénédicte Hoffner, 2014-10-03
Nhân dịp Thượng Hội đồng Giám mục sắp khai mạc, báo La Croix có một loạt bài nói về giáo điều của Giáo hội và các vấn đề mục vụ liên hệ.
Giáo hội Công giáo thường xem gia đình như một “Giáo hội nhỏ”, một cách để kêu gọi tín hữu sống đời sống đức tin mỗi ngày, giữa vợ chồng và dĩ nhiên là cùng với con cái để phục vụ xã hội.
Từ đâu có thành ngữ này?
Thành ngữ xem gia đình như một “Giáo hội nhỏ” hay “Giáo hội tại gia” có từ thế kỷ thứ tư. Giám mục Jean Chrysostome, địa phận Constantinople, trong các bài giảng của ngài đã liên tục xin tín hữu sống tinh thần Kitô không những “một, hai lần mỗi tuần” khi nghe giảng “giáo huấn” nhưng sống tinh thần này trong cuộc sống hàng ngày.
“Khi về nhà, chúng ta chuẩn bị hai bàn: một bàn để thức ăn, một bàn để đọc lời Chúa, người đàn ông lặp lại những gì cha nói ở nhà thờ; người đàn bà học, trẻ con lắng nghe, ước gì các tôi tớ có lời đọc này”, giám mục viết trong các Bài giảng về sách Sáng Thế. “Hãy làm cho căn nhà của con là nhà thờ để con đem ơn cứu rỗi đến cho con cái và cho những người phục vụ.”
Qua các bài giảng, ngài lần lượt nhấn mạnh trên sự cần thiết của “ngôi nhà thờ nhỏ” này, nơi giữ hòa khí giữa các thành viên, phải thực hành hạnh đón tiếp và cho đậu nhà những người nghèo nhất, những người “nước ngoài”…
Về mặt lịch sử, bà Frédérique Mesmin d’Estienne, giảng viên thần học ở Đại học Công giáo Lyon nhắc lại thành ngữ này có trong thời gian đầu của đạo Kitô, những người trở lại thường họp thành từng nhóm nhỏ ở nhà người này người kia.
Mô thức này được Công đồng Vatican II dùng lại và phát triển để nhắc tín hữu Kitô “tìm lại đơn vị hiệp nhất” có trong đời sống hàng ngày theo tinh thần Phúc Âm thánh Matêô – “Khi có hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, thì Ta sẽ ở giữa họ” (Mt 18, 20), – hay trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu thành Côrintô – “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Co 3, 16-17).
“Các tín hữu phải nhớ chính Chúa Kitô ở đó cho đến tận cùng của thời gian, trong nhà họ, nơi vợ chồng con cái”, bà Frédérique Mesmin d’Estienne tóm tắt như trên. Bà cũng trích một đoạn trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Phanxicô:
“Tôi mời gọi mỗi tín hữu Kitô, dù ở nơi đâu và trong tình trạng nào, ngày hôm nay hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ gỡ riêng của mình với Chúa Giêsu Kitô, ít nhất, quyết định để cho Chúa gặp mình, để mình đi tìm Chúa mỗi ngày, không ngừng.”
Làm sao để hiểu?
Dưới ngòi bút của một vài tác giả, họ giao trách nhiệm này cho gia đình, đặc biệt là cho các cha mẹ. Một trách nhiệm quá cao, mang nhiều tham vọng thậm chí khó thực hiện được. Thánh Jean Chrysostome, thánh Âu Tinh có vẻ như không ngần ngại đòi hỏi các người cha gia đình phải như “các giám mục, có trách nhiệm trông coi, chăm sóc, chăm chú lắng nghe”…
Trong Tự điển Đạo đức Công giáo, Tổng giám mục Jean-Louis Bruguès nhắc lại, “qua gia đình, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện”. Cũng như Giáo hội, gia đình có kinh phụng vụ riêng, chẳng hạn giờ đọc kinh chung. Ở đó, đức tin được trao truyền, Lời Chúa được giảng dạy. Gia đình cố gắng xây dựng các quan hệ dựa trên công chính (cho mỗi người phần của mình được hưởng, vâng lời cha mẹ), ngài nói tiếp.
Tiếp theo sau Công đồng Vatican II, các nhà thần học đã đào sâu các suy nghĩ này và nhận thấy gia đình không hẳn chỉ là “hình ảnh” của Giáo hội – và như thế thì gia đình tái lập lai mô hình cấu trúc và nghi thức của Giáo hội – nhưng gia đình được xem như hòa nhập hoàn toàn vào Giáo hội – với công việc, nơi chốn vv. – là một trong những nơi mà người đã rửa tội sống ơn gọi của mình, phục vụ xã hội.
Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II đã tuyên bố, “Lời và gương của Giáo hội là gia đình, cha mẹ là những người đầu tiên truyền đức tin cho con cái, phục vụ cho ơn gọi riêng của mỗi người và đặc biệt là ơn gọi thánh hiến”. Bà Frédérique Mesmin d’Estienne cũng có cùng quan điểm, “xem gia đình là “Giáo hội tại gia”không hẳn là tạo thêm việc cho gia đình, một “bắt buộc” phụ thêm cho cha mẹ mà công việc hàng ngày đã quá nhiều, thật ra nó là thức ăn nuôi dưỡng chứ không hẳn là bó buộc. Không phải “làm” nhưng là “sống”: xét cho cùng, ngoài đi lễ ngày chúa nhật ra, tín hữu chúng ta còn làm thêm gì? Đương nhiên là chúng ta còn sống đức tin của mình trong những quan hệ với tất cả anh em, nhưng làm sao làm nếu chúng ta không bắt đầu từ mình!”
Đâu là các liên hệ kéo theo?
Các hệ quả của giáo điều này thì đa dạng, rất khác nhau tùy mỗi gia đình. Linh mục Philippe Bordeyne, thần học gia và Viện trưởng Viện Công giáo ở Paris, trong bài diễn thuyết của mình về chủ đề này ở Nhà thờ Đức Bà Paris năm 2011 đã đưa ra một vài chỉ dẫn cho thính giả, “một nhu cầu tha thứ và giải hòa rất lớn, trong Giáo hội cũng như trong gia đình, nơi mà các mối bất hòa và các cắt đứt đã thường làm nhiễm độc các thành viên và các thế hệ”. “Gia đình có thể gợi lên ý thức tha thứ vì gia đình là nơi vun trồng ý nghĩa sâu đậm, nét đặc biệt của từng người. Hơn nữa, nếu gia đình tin rằng mình phải đi ra khỏi mình để gặp người khác thì gia đình sẽ đào tạo ra được những con người có khả năng nhận biết một cách khiêm tốn các lỗi lầm của mình và làm chứng cho sức mạnh của lòng tha thứ.”
Ông bà Antoine và Stéphanie Bonnasse, luật sư và giảng viên Sách Thánh cũng làm chứng, “giờ đọc kinh gia đình là giây phút đặc biệt của đời sống Giáo hội tại gia. Mỗi gia đình tìm cho mình một cách riêng để đọc kinh, tùy theo thời gian, tùy theo tuổi của con cái, nhưng trong tinh thần tôn trọng tự do của mỗi người và tôn trọng quan hệ duy nhất của họ với Chúa, nhưng không phải chỉ trong những giây phút này mà gia đình mới là Giáo hội tại gia.”
Đối với các cha mẹ có con đông, gia đình là Giáo hội tại gia trong tất cả sinh hoạt hàng ngày của họ, đời sống cụ thể kể cả các công việc lặp đi lặp lại, gia đình là nơi người này người kia gặp nhau, học để chấp nhận nhau”. Bà Lisa Sowle Cahill, thần học gia lớn người Mỹ phát biểu, “gia đình là nơi mọi người được sống bình an trong đạo đức, trong riêng tư của đời sống thiêng liêng, tách biệt với xã hội bên ngoài. Nhưng gia đình cũng là trường học của đức tin, của hòa bình và của hy vọng để phục vụ cho lợi ích chung.”
Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét