Trang

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Có thật là Mơthuselác sống đến 969 tuổi? (St 5,27)

Có thật là Mơthuselác sống đến 969 tuổi? (St 5,27)


Một trong những nhân vật được yêu mến trong Cựu Ước là Mơthuselác (Tiếng Anh là Methuselah, tiếng Pháp là Mathusalem, tiếng hébreu là “מְתוּשֶׁלַח” - matushela’h) người thọ đến 969 tuổi (St 5,27), lâu hơn bất kỳ ai.
  methuselah.jpg
Cha của ông là Khanốc, người “đi với Thiên Chúa” (St 5,24) và được cất về trời chứ không phải chết vào năm 365 tuổi. Con trai của Mơthuselác là Laméc chết vài năm trước trận lụt Hồng Thủy vào lúc 777 tuổi (St 5,31), sau khi sinh Noê.

Sách Sáng Thế 5, 25-27 viết: “Khi ông Mơthuselác được một trăm tám mươi bảy tuổi, thì sinh ra Laméc. Sau khi sinh Laméc, ông Mơthuselác sống bảy trăm tám mươi hai năm và sinh ra con trai con gái. Tổng cộng ông Mơthuselác sống được chín trăm sáu mươi chín năm, rồi qua đời”. Thật sự, ông Mơthuselác có sống lâu đến thế không?

Thật ra, phải nhìn vấn đề cách thực tế hơn. Một con người bình thường không thể nào sống quá lâu. Ngày nay, ở xã hội phương Tây với nhiều tiến bộ y học, tuổi thọ trung bình cũng chỉ ở tầm 77 tuổi. Thế là đã khá lắm rồi! Thời Thượng cổ, hẳn phải thấp hơn nhiều. Ít người đạt đến tuổi 50. Còn phải tính toán đến dịch bệnh và một nền y học dường như chẳng có gì, chiến tranh, thiếu ăn, thời tiết bất thường, vv…. Ta hiểu rằng đời sống luôn mang tính mỏng dòn và chóng qua. Thánh vịnh 90 đã nói rõ:

“Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo: "Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! "
Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
(Tv 90, 3-4.

Hơn nữa, các vị tiền nhân mà Kinh Thánh gán cho một tuổi thọ rất lâu dài thường tập trung vào 11 chương đầu của sách Sáng Thế. Từ lâu, người ta đã xếp phần đầu của sách Sáng Thế vào thể văn huyền thoại. Nhưng phải lưu ý là không nên hiểu từ “huyền thoại” này theo nghĩa thông dụng, nghĩa là có điều không đúng với thực tế. Trong khoa chú giải và lịch sử các tôn giáo, thể loại văn chương “huyền thoại” mang nghĩa tích cực. Vì người xưa không quen thuộc với những ý niệm trừu tượng, họ thích kể ra một câu chuyện hơn. Vì thế, các huyền thoại là cách diễn tả bằng lối kể chuyện về những khía cạnh bí ẩn và không giải thích được của đời sống con người. Chính vì thế mà các chương 1 đến 3 của sách Sáng Thế là đoạn suy tư về bản tính con người trong ba tương quan cơ bản: tương quan với tha nhân, với trái đất và với Thiên Chúa. Chương 3 (câu chuyện sa ngã) là câu trả lời cho vấn đề tại sao con người luôn bị cuốn hút hướng về sự dữ cách khó hiểu đến vậy, vv…

Vấn đề tuổi tác của các vị tiền nhân cũng phải được xem xét trong khuôn khổ này. Các huyền thoại vùng lưỡng hà dường như cũng có những con số rất lớn về tuổi tác. Các vị tiền nhân được xem như là những «đại vĩ nhân», những người lừng lẫy và rất quan trọng. Vì thế phải diễn tả điều này bằng cách nào đó. Các nghiên cứu chú giải cho thấy rằng kể từ sau khi ông bà tổ tiên phạm tội (St 3-4), các con số về tuổi tác giảm dần cho đến khi đạt đến một giá trị «bình thường» hơn ở giai đoạn đầu lịch sử cứu rỗi, bắt đầu từ chương 12 của sách Sáng Thế. Cũng cần phải lưu ý rằng tác giả sách Sáng Thế đã sắp xếp các con số tuổi tác thế nào đó để không ai trong các tổ phụ còn sống sót cho đến thời đại hồng thủy (xem sách Sáng Thế chương

Như vậy, tuổi của các vị tiền nhân thuộc trật tự huyền thoại. Không đáng phải quả quyết rằng có những con người sống lâu đến như thế. Tốt hơn nên đọc bản văn theo hướng thần học và văn hóa được tác giả sách Sáng Thế dùng để tôn vinh các tổ phụ.

 Khi sinh ra Mơthuselác, cha ông hẳn phải biết trước chuyện sắp xảy ra nên đặt tên ông là Mơthuselác, nghĩa là “khi ông chết, đó là ngày phán xét”, và thật thú vị là Mơthuselác chết vào năm mà Thiên Chúa dùng trận lụt Đại Hồng Thủy để phán xét thế gian tội lỗi vào thời ông Noê. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói là ông Mơthuselác chết trong trận lụt Hồng Thủy.  [Nên nhớ rằng cha ông là Khanốc, một trong rất ít người được chọn để “đi với Thiên Chúa” và được Chúa đem về trời, chứ không chết. Như vậy, Khanốc là người rất công chính và chắc hẳn cũng là một mẫu gương cho con mình và có thể Mơthuselác cũng được Chúa cất về trời. Tại sao không?] Dầu sao thì không có gì là chắc chắn cả và cũng chẳng có gì thuộc phạm vi tín lý buộc phải tin.

Cuối cùng, không thể bỏ qua câu chuyện sau đây.

Một anh luật sư trẻ chết trên đường đi đến tòa án, thấy mình đứng trước cửa Thiên Đàng. Vừa đến nơi, cả ca đoàn các thiên thần xuất hiện, ca hát chúc mừng anh. Thánh Phêrô đi ra, bắt tay chào mừng anh và nói: “Anh Jone, rất hân hạnh được gặp anh ở đây. Anh là người đầu tiên phá kỷ lục sống lâu của Mơthuselác. Anh sống thọ đến 1028 tuổi!”.

Anh luật sư hoảng hồn: “Ngài nói gì thế? Con chỉ 46 tuổi thôi mà!”

“Mới 46 tuổi à? Anh có phải là Steven Jones? Luật sư ở Brooklyn?”

“Vâng, chính con đây!”

Thánh Phêrô nói: “Để tôi kiểm tra sổ sách lại xem sao đã nhé!”. Ông lục lọi đống giấy tờ rồi bổng nhiên vỗ trán: “Ồ, Ngốc thật! Biết rồi! Chúng tôi tình cờ tính tuổi của anh bằng cách cọng lại hết các số giờ làm việc mà anh đã viết trên hóa đơn tính tiền cho khách hàng!”

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính(theo InterBible và các tài liệu khác)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét