Thánh vịnh 78 B
Thánh vịnh 78 là một sáng tác mang ảnh hưởng của trường phái Đệ Nhị Luật và nhắm mục đích khắc ghi sâu đậm nơi tâm trí những người tham dự phụng vụ bổn phận ghi nhớ các biến cố quá khứ, là các điềm thiêng dấu lạ Thiên Chúa đã làm cho Israel cũng như các bất trung của cha ông, để họ biết lượng định đúng đắn giá trị các kỳ công ấy của Thiên Chúa, tránh xa các bất trung của cha ông, và trung thành với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
Thánh vịnh gồm phần mở đầu, các câu 2-11; các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong sa mạc, các câu 12-31; sự bất trung của thế hệ cha ông và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với họ, các câu 32-41; từ các việc kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện bên Ai Cập cho tới lúc chiếm được Đất Hưá, các câu 42-52; sự bất trung của dân Chúa và việc Thiên Chúa bỏ rơi dân Israel thời các Thủ Lãnh, các câu 56-64; việc thức tỉnh ơn huệ của Thiên Chúa với sự tuyển chọn vua Đavít, các câu 65-72.
Phần hai của thánh vịnh, các câu 12-31 trình bầy đề tài đầu tiên trong hai đề tài là sự toàn năng Thiên Chúa sử dụng để che chở Israel và thái độ sống bất trung của Israel khiên cho Thiên Chúa phải đánh phạt họ. Hai đề tài này giao thoa chặt chẽ với nhau. Các câu vv. 12-16 kể lại các “việc diệu kỳ” Thiên Chúa đã làm cho các thế hệ cha ông, bắt đầu từ “đất Ai Cập”, qua Biển Đỏ, nước rẽ ra cho dân Do thái đi qua, dọc đường đi trong sa mạc với cột mây che nắng ban ngày, cột lửa soi sáng ban đêm, nước vọt ra từ đá tảng. Các câu 17-22 kể lại cuộc nổi loạn của dân Do thái vì thiếu ăn thiếu uống, không tin nơi quyền năng và tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, khiến cho Thiên Chúa nổi giận. Các câu 23-29 kể lại phép lạ kép là bánh manna và thịt chim cút. Các câu 30-31 miêu tả cơn thịnh nộ của Thiên Chúa liên quan tới việc nuôi dân bằng bánh manna.
“Trước mắt cha ông họ, Người đã làm bao việc lạ lùng tại cánh đồng Xô-an bên Ai-cập. Người rẽ Biển Đỏ cho họ vượt qua, dồn nước lại như tường thành sừng sững; dùng cột mây hướng dẫn họ ban ngày và ban đêm lấy lửa hồng soi sáng. Người xẻ đá giữa sa mạc hoang vu, khiến nước tuôn tràn cho dân được uống, từ khe đá, Người khơi dòng suối chảy, nước đổ dạt dào như những con sông. Nhưng dân lại càng phạm tội mất lòng Chúa,
phản nghịch cùng Đấng Tối Cao tại miền hoang địa; họ chủ tâm thách thức cả Chúa Trời, đòi được ăn cho vừa sở thích. Họ kêu trách Thiên Chúa rằng trong sa mạc này, liệu Chúa Trời có thể dọn gì cho ta ăn? Người đập vào tảng đá làm cho nước chảy ra như thác lũ lan tràn, nhưng liệu còn có thể cung cấp cho dân Người bánh và thịt nữa chăng? Nghe thấy thế, Giavê liền phẫn nộ, bừng lửa giận với nhà Gia-cóp, nổi trận lôi đình với Ít-ra-en, vì họ đã không tin ở Chúa Trời, chẳng cậy trông ơn Người cứu độ.
phản nghịch cùng Đấng Tối Cao tại miền hoang địa; họ chủ tâm thách thức cả Chúa Trời, đòi được ăn cho vừa sở thích. Họ kêu trách Thiên Chúa rằng trong sa mạc này, liệu Chúa Trời có thể dọn gì cho ta ăn? Người đập vào tảng đá làm cho nước chảy ra như thác lũ lan tràn, nhưng liệu còn có thể cung cấp cho dân Người bánh và thịt nữa chăng? Nghe thấy thế, Giavê liền phẫn nộ, bừng lửa giận với nhà Gia-cóp, nổi trận lôi đình với Ít-ra-en, vì họ đã không tin ở Chúa Trời, chẳng cậy trông ơn Người cứu độ.
Chúa hạ lệnh cho mây tầng cao thẳm, lại truyền mở rộng cánh thiên môn; Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ. Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực. Trên trời cao, Người giục gió đông thổi tới, dùng sức mạnh đưa ngọn gió nam về. Người cho mưa thịt xuống nhiều như bụi, chim chóc ê hề như cát đại dương; Người cho rớt vào ngay doanh trại, chung quanh lều dân ở. Họ được ăn, ăn thật no nê, thèm thứ gì, Người đãi cho thứ đó. Nhưng khi họ chưa kịp đã thèm, khi miếng ăn còn chưa kịp nuốt, thì cơn giận Chúa Trời đã bừng lên phạt họ. Chúa giết ngay những người khoẻ nhất Ít-ra-en. Chúa giết liền bọn trai trẻ ấy.
“Trong đất Ai Cập”: ở đây tác giả không nói tới các điềm thiêng dấu lạ Giavê Thiên Chúa đã thực hiện qua bàn tay của ông Môshê, trước biến cố dân Do thái băng qua Biển Đỏ. Chúng sẽ được nhắc tới một cách rộng rãi hơn trong các câu 42-51 của thánh vịnh. Việc nhắc đến “đất Ai Cập” được dùng như điểm quy chiếu lịch sử địa lý cần thiết cho việc bắt đầu trình bầy, đồng thời cũng như là điểm khởi hành của loạt các việc diệu kỳ đã được gợi lại.
“Soan” là thánh phố San, hay Tanis theo các tài liệu Hy lạp, nằm dọc phiá đông bờ sông Nilo, trên bờ Địa Trung Hải. Nó đã là thủ đô của Ai Cập vào triều đại thứ XXI, tức khoảng giữa các năm 1090 tới 945 trước công nguyên. Nó được nhắc tới trong chương 13 câu 22 sách Dân Số và trong vài văn bản ngôn sứ. Chương 19 sách ngôn sứ Isaia viết về việc Thiên Chúa hạch tội Ai Cập như sau: “Các thủ lãnh Xô-an ngu si đần độn, những mưu sĩ khôn ngoan nhất của Pha-ra-ô bày mưu kế điên rồ.
Sao các ngươi lại nói với Pha-ra-ô: "Tôi là con của bậc hiền nhân, thuộc dòng dõi tiên đế"? Bậc hiền nhân của ngươi nay đâu rồi? Ước chi chúng cứ thông báo cho ngươi và ước chi mọi người được biết điều Giavê các đạo binh đã quyết định về Ai-cập! Các thủ lãnh Xô-an đã ra ngớ ngẩn, các thủ lãnh Nốp đã sai lầm; những người đứng đầu các chi tộc của chúng
đã làm cho Ai-cập ngả nghiêng.” (Is 19,11-13). Còn ngôn sứ Edekiel thì miêu tả việc Thiên Chúa trrừng phạt Ai Cập như sau:”Giavê là Chúa phán thế này: Ta sẽ huỷ diệt các ngẫu tượng, sẽ loại trừ khỏi Nốp các tà thần. Đất Ai-cập sẽ không còn ông hoàng nữa. Ta sẽ làm cho Ai-cập đắm chìm trong sợ hãi. Ta sẽ tàn phá Pát-rốt, sẽ châm lửa đốt Xô-an, sẽ thi hành án phạt dành cho Nô. Ta sẽ trút cơn thịnh nộ của Ta xuống Xin, đồn luỹ kiên cố của Ai-cập. Ta sẽ huỷ diệt đám đông quân Nô. Ta sẽ châm lửa đốt Ai-cập; Xin sẽ quằn quại trong đau đớn; Nô sẽ bị chọc thủng và Nốp bị tấn công giữa ban ngày.” (Ed 30,13-16).
“Chia rẽ Biển Đỏ”: ám chỉ biến cố Giavê Thiên Chúa cho gió thổi suốt đêm rẽ nuớc biển thành hai để cho dân Do thái ráo chân băng qua, như kể trong chưong 14 sách Xuất Hành: “Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, Giavê cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu.” (Xh 14,21-22).
“Nước đứng lại như bị giữ bởi một bờ”: dịch sát chữ là: “nước đứng lại như một con đê”. Kiẻu nói này đã có trong bài ca chiến thắng của ông Môshê: “Nộ khí Ngài, lạy Chúa, đã khiến nước dâng lên, sóng trùng dương dồn lại dựng đứng như tường thành; giữa lòng biển thẳm sâu, nước bỗng đâu ngừng chảy.” (Xh 15,8).
“”Một đám mây”: Chương 13 câu 21 sách Xuất Hành nói rằng Giavê “đi trước dân Ngài” “ban ngày trong một cột mây, để hướng dẫn họ”, và “ban đêm trong một cột lửa” để soi sáng cho họ. Nhưng điều này quy chiếu hành trình của Israel trong đất Ai Cập trước khi tới bờ phiá đông của Biển Đỏ. Trong hành trình trong sa mạc Sinai sách Xuất Hành và sách Dân Số nhiều lần đề cập tới cột mây quy chiếu việc Thiên Chúa tỏ hiện cho ông Môshê trên núi Sinai (Xh 34,5; Ds 11,25; Tv 99,7) cũng như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong Lều giao ước (Ds 9,6). Trong khi chương 1 sách Đệ Nhị Luật đề cập một cách rõ ràng tới sự kiện Thiên Chúa hướng dẫn dân Ngài “ban đêm trong lửa để cho họ thấy đường và ban ngày trong đám mây”, sau biến cố vượt Biển Đỏ và sau các biến cố tại Sinai. Đó cũng là điều được nhắc tới trong thánh vịnh 105: “Chúa giăng mây làm màn che phủ họ và cho lửa hồng soi sáng ban đêm.” (Tv 105,39).
“Đập đá trong sa mạc để cho họ uống”: ám chỉ phép lạ ban cho dân Do thái nước uống, là yếu tố quan trọng sinh tử trong sa mạc. Nó được nhắc tới trong một chặng giữa Biển Đỏ và núi Sinai, sau phép lạ bánh manna, gần Refadim như kể trong chương 17 sách Xuất Hành (Xh 17,1-7). Đó là giai thoại nước Massa có nghĩa là “thử thách” và Meriba có nghĩa là “cãi cọ”, mà chương 20 sách Dân Số đặt để gần Cadesh, bắt đầu chặng cuối cùng dẫn dưa dân Do thái vào ngưỡng cửa Đất Hứa (Ds 20,2-13).
“Từ vực thẳm vĩ đại”: trong vũ trụ quan của Thánh Kinh và thế giới Đông phương vực thẳm là đại dương bên dưới, gồm nước ngọt từ đó vọt ra các nguồn và suối nước, như viết trong thánh vịnh 74 “chính Ngài đã khơi nguồn cho suối tuôn thác đổ, chính Ngài làm cạn khô sông đang chảy dạt dào.” (Tv 74,15). Thánh vịnh 114 cũng viết: “Người biến đá tảng thành hồ ao, và sỏi đá nên mạch nước dồi dào.” (Tv 114,8).
“Thế mà họ tái phạm tội chống lại Ngài”: chúng ta đang ở trước một lược đồ nền tảng của việc “xưng thú” tội lỗi. Đáp lại các ân huệ của Thiên Chúa dân Israel trả lời với sự vô ơn và nổi loạn, như viết trong thánh vịnh 106: “Xưa bên Ai-cập, tổ tiên chúng con đã không hiểu những kỳ công của Chúa, đã chẳng nhớ ân huệ vô vàn, và phản loạn ở nơi Biển Đỏ…Trong sa mạc, lòng buông theo dục vọng, chốn hoang vu, họ thách thức Chúa Trời… Bên dòng nước Mơ-ri-va, họ trêu giận Người, khiến Mô-sê vì họ mà chuốc hoạ vào thân, bởi họ làm ông trí lòng bực bội, mở miệng ra ông đã lỡ lời… Đã bao lần Chúa thương giải cứu, nhưng họ vẫn cố tình phản nghịch, đắm chìm trong tội ác của mình.” (Tv 106, 7.14.32-33.43).
“Và họ thử thách Thiên Chúa”: sự thử thách cổ điển mà dân Do thái đã làm trong sa mạc là sự thử thách tại Massa và Meriba, và được nhắc tới nhiều lần trong các Thánh vịnh (Tv 95,9; 106,32) cũng như trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,16; 33,8). Liên quan tới phép lạ bánh manna trong hai trình thuật sách Xuất Hành chương 16 và sách Dân Số chương 11 nó chỉ xuất hiện trong khung cảnh của việc lẩm bẩm kêu trách Thiên Chúa, câu 19. “Chúng thử thách Thiên Chúa trong tâm lòng bằng cách xin bánh cho các ham muốn của chúng”: kiểu nói này cũng được tìm thấy trong thánh vịnh 106 câu 15 với cùng bối cảnh và quy chiếu văn bản sách Dân Số chương 11 câu 34 cho biết Giavê đánh phạt tội ham ăn uống của họ, liên quan tới biến cố chim cút ở gần Qibrot Hatta’awah, dịch sát chữ là “các mồ chôn của sự thèm muốn”.
“Bánh … thịt” diễn tả trước bánh manna và thịt chim cút sẽ được nhắc tới trong các câu 23-29. “Giavê nghe thấy các lời lẩm bẩm than trách của họ” và cơn thịnh nộ của Ngài bùng lên, và nổ tung lửa chống lại họ và thiêu rụi đầu trại.” Đề tài cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trước và sau giai thoại chim cút hoàn toàn vắng bóng trong giai thoại bánh manna của chương 16 sách Xuất Hành.
Tuy dân Israel không tin nơi Thiên Chúa và không hy vọng vào sự cứu rỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn cho mưa manna xuống trên họ. “Bánh của những người mạnh mẽ”: abbirim ở đây là từ ám chỉ các “binh sĩ giỏi” cũng như các vị chỉ huy quân đội hay một lớp người. “Bánh của người mạnh mẽ” có nghĩa là bánh khiến cho binh sĩ nên cường tráng, áp dụng cho điều kiện hầu như quân đội của dân Israel tiến bước trong sa mạc hướng về Đất Hứa. Văn bản Thánh Kinh Hy Lạp Bẩy Mươi dịch là “bánh của các thiên thần”, từ đó phát xuất ra kiểu gọi phụng vụ của bánh thánh thể là “bánh của các thiên thần” bằng cách cho từ abbirim số nhiều cùng nghĩa của số ít abbir trong tính từ gọi Thiên Chúa “Abbir Đấng Mạnh Mẽ của Giacóp” (st 49,34; Is 49,26) hay của Israel (Is 1,24), là tính từ phát xuât tử ngôn ngữ chiến tranh. Như vậy theo văn bản Hy Lạp Bẩy Mươi “abbirim” ám chỉ các nhân vật thiên quốc, vì thế nên dịch là các thiên thần, cũng gần như elim hay bene el hoặc bene elohim dịch sát là “các thần”, các con cái của El hay các con cái của các thần, hay của Thiên Chúa.
“Người cho gió đông thổi tới và cho mưa chim cút xuống trại của dân Israel: Chương 11 sách Dân Số miêu tả một cách thậm xưng theo tâm thức đông phương như sau: “Một luồng gió do Giavê khơi dậy đã lùa chim cút từ phía biển tới, và thổi chúng dạt xuống trại thành một đường dài đi một ngày mới hết, ở bốn phía chung quanh trại, dày tới một thước trên mặt đất. Dân bận rộn lượm chim cút suốt ngày suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau; người lượm ít nhất cũng được hai trăm thùng, và họ đem phơi chung quanh trại” (Ds 11,31-32). Nhưng tội tham ăn ấy của một phần dân Israel đã bị Thiên Chúa đánh phạt. Và sách Dân Số miêu tả như sau: “Thịt còn đang ở giữa hai hàm răng, chưa kịp nhai thì cơn thịnh nộ của Giavê đã bừng lên trút xuống dân và Giavê đã đánh phạt dân dữ dội. Và người ta đã đặt tên cho nơi đó là Kíp-rốt Ha Ta-a-va, vì ở đó họ đã chôn đám dân thèm ăn.” (Ds 11,33-34)
TV 78 B
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét