Trang

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Đọc sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu

Đọc sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Tác giả: Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J., ngày 14 tháng 1 năm 2017
------------------------------

Chu trình Phụng Vụ đưa chúng ta trở lại với Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong năm 2017. Xin gởi bạn đọc ít hàng có thể giúp việc đọc sách Tin Mừng này hứng thú hơn.

Mở sách Tân Ước, chúng ta thấy ngay sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu đứng đầu bốn sách Tin Mừng. Sở dĩ thế là vì hai lý do. Một là theo truyền thuyết thì thánh Mát-thêu là người đầu tiên viết sách Tin Mừng bằng tiếng A-ram, tức là thứ tiếng người Do Thái thời Chúa Giê-su sử dụng, ngày nay còn tồn tại trong ngôn ngữ phụng vụ của Hội Thánh Sy-ri-a. Tuy nhiên chưa ai tìm được bản gốc bằng tiếng A-ram. Hai là sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, như thấy trong bản sách Tân Ước bằng tiếng Hy-Lạp, có tính cách sư phạm trường lớp, giống như một thủ bản giáo lý, lời giảng dạy của Chúa đươc ghi thành năm bài giảng, đặt xen kẽ với phần kể chuyện. Vì thế rất tiện dụng cho người rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý. Thánh Đa-minh chỉ mang theo cuốn Tin Mừng này trong bị, khi đi rao giảng khắp đó đây.

Hai chương đầu kể về nguồn gốc của Đức Giê-su trong dòng dõi Áp-ra-ham và Đa-vít, với chuyện bị Hê-rô-đê tìm giết và phải trốn sang Ai-cập, rồi trở về đất Ít-ra-en, gợi nhớ chuyện dòng dõi Áp-ra-ham di cư sang Ai-cập, bị bách hại, rồi Thiên Chúa sai ông Mô-sê đưa ra khỏi Ai-cập.

Hai chương này không nhằm thỏa mãn tò mò của chúng ta về thời thơ ấu của Chúa Giê-su, nhưng là mở ra một cái nhìn về mầu nhiệm “Đức Giê-su Ki-tô, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, qua lời trích dẫn sách I-sai-a 7,14 (Mt 1,22). Lời trích dẫn đầu tiên này là chìa khóa đưa chúng ta vào Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu: cách nhìn mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô và đời sống môn đệ, ở cả chiều kích cá nhân và cộng đoàn Hội Thánh.

“Sách Gia-phả” của Chúa Giê-su mở đầu nêu danh hai vị tổ phụ Đa-vít và Áp-ra-ham, theo chiều đi lên, như một tựa đề. Rồi bắt đầu kể từ Áp-ra-ham như điểm khởi đầu, đi xuống tới Đa-vít, từ Đa-vít xuống thời lưu đầy Ba-bi-lon, từ lưu đầy Ba-bi-lon tới Chúa Giê-su, như điểm kết thúc. Sau đó là lời tổng kết: ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 14 đời.

Nhưng đếm kỹ lại thì chúng ta thấy từ thời lưu đầy tới Giu-se chỉ có mười hai đời, Chúa Giê-su là đời thứ mười ba, thế là chúng ta bị “ông Mát-thêu người thu thuế” che mắt khi lướt tay trên bàn tính. Chúng ta đếm kỹ và hỏi lại: “Ông có đếm lầm không đấy?” Ông sẽ mỉm cười trả lời: “Cân, đo, đong, đếm và bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia thuộc nghề thu thuế của ta, làm sao lầm được! Nhưng nghề nghiệp cũng dạy ta biết cách đếm theo ý mình, muốn cho đủ là đủ, muốn cho thiếu là thiếu! Ta “trổ nghề” để thử tài con thôi. Con giỏi lắm, con nhận ra cách đếm của ta, không phải ai cũng nhận ra đâu. Nhưng con có biết tại sao ta lại đếm kiểu đó không? Con thông minh tinh mắt, nhận ra thì ta giải thích cho con nhé! Giữa ông Giu-se và Chúa Giêsu có một khoảng trống, bởi vì ông Giu-se không sinh ra Chúa Giê-su, mặc dù ông là “chồng của bà Ma-ri-a, do bà này mà Đức Giê-su được sinh ra, gọi là Ki-tô” (Mt 1,16). Đọc kỹ thì con thấy đã bốn lần ở trên ta nhắc tới bốn người phụ nữ khác nhau, với công thức mở rộng: “ông A sinh ra ông B do bà C”; trong khi kể về các ông khác thì ta kể vắn gọn “ông A sinh ông B”. Đến đây ta lại phá lệ mà kể “Ông Giu-se là chồng bà Ma-ri-a, do bà này mà Đức Giê-su được sinh ra”; cố ý gây thắc mắc cho người đọc, để họ chú ý tìm hiểu xem tại sao ta lại phá lệ như vậy. Sau cái bản kết toán nhanh gọn làm con hoa mắt thì ta mới giải thích tại sao. Con đọc tiếp đi.”

Ba chuỗi 14 kế tiếp nhau từ Áp-ra-ham tới Chúa Giê-su. Sự đều đặn xuyên thời gian mười tám thế kỷ chứng tỏ là Thiên Chúa đã điều khiển dòng lịch sử theo kế hoạch của Ngài. Nhưng tại sao dòng lịch sử lại nối Chúa Giê-su với Đa-vit và Áp-ra-ham? Vì đó là hai vị đã nhận được những lời hứa mà Thiên Chúa sắp thực hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Tổ phụ Áp-ra-ham nhận được lời hứa gồm ba điều: một miền đất, một dòng dõi và phúc lành cho muôn dân (St 12,1-3; 15,5; 17,1-6; 22,16-18). Về lời hứa cho một miền đất, thì đến khi ông Áp-ra-ham chết ông cũng chỉ sở hữu có một mảnh đất đã mua làm phần mộ cho bà vợ (St23,17-20). Lời hứa cho một dòng dõi làm ông trăn trở đợi chờ, mấy lần Thiên Chúa đến củng cố lòng tin cho ông (St 15; 17,15-22; 18,9-15). Mãi tới khi đầy trăm tuổi ông mới sinh được I-xa-ác (St 21,1-7). Rồi Thiên Chúa lại bảo ông đem I-xa-ác đi tế lễ cho Ngài “trên ngọn núi Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 22,2). Ông cũng sẵn sàng làm theo. Nhưng phút chót Thiên Chúa đã cản tay ông, trả lại đứa con duy nhất cho ông, và long trọng tuyên lại lời hứa cho ông có dòng dõi đông đúc và nên phúc lành cho muôn dân (St 22,16-18).

Tổ phụ Đa-vít cũng nhận được một lời hứa liên quan tới dòng dõi: “muôn đời làm vua” (2 Sm 7,5-16). Giữa một cơn khủng hoảng tuyệt vọng thời vua A-khát, thì Thiên Chúa sai ngôn sứ I-sai-a cho vua một dấu hiệu để khỏi mất lòng tin (Is 7,14). Mặc dầu vậy, vương quốc của nhà Đa-vít vẫn bị tiêu diệt với cuộc lưu đầy Ba-bi-lon, và từ đó chẳng có người nào trong dòng dõi Đa-vít lên ngôi vua nữa. Thách đố lớn. Phải chăng lời hứa của Thiên Chúa đã không được thực hiện?

Mát-thêu cho thấy lời hứa ấy cũng thành tựu nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Dòng dõi Đa-vít không còn ngôi vua, nhưng vẫn tồn tại. Ông Giu-se thuộc dòng dõi Đa-vít. Ông là chồng của bà Ma-ri-a, do bà mà Đức Giê-su được sinh ra gọi là Ki-tô. Bà thụ thai do quyền năng Thánh Thần, nhưng sinh con trong nhà Đa-vít, và ông Giu-se chồng bà đặt tên cho người con trai do bà sinh ra. Thế là lời hứa do I-sai-a công bố cho nhà Đa-vít đuợc thực hiện một cách siêu phàm, vượt trên mọi tưởng tượng của loài người. Khi I-sai-a công bố lời hứa ấy thì người ta chưa thể hiểu hết những gì bao hàm trong đó. Trong bản văn tiếng Híp-ri thì người mang thai không nhất thiết là trinh nữ, có thể chỉ là một người nữ trẻ tuổi. Nhưng bản Hy-lạp thì đã dùng từ “parthenos” có ý nghĩa rõ rệt là TRINH NỮ. Sứ thần giải thích cho ông Giu-se. Ông Giu-se thức dậy liền thi hành lệnh đã nhận: ông rước vợ về nhà, bà sinh con trai, ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su như lời sứ thần đã báo. Mát-thêu kết luận bằng việc khẳng định và trích dẫn Is 7,14: “Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Mát-thêu lại gây cho ta một thắc mắc nữa. Ta cứ đến hỏi ông: I-sai-a loan báo “tên con trẻ là Em-ma-nu-en” cơ mà? Ông sẽ mỉm cười bảo: “Con đọc tiếp đi, hồi sau sẽ rõ!”

Lời hứa cho Đa-vít không thể nào thành sự thật bao lâu vẫn là những con người phải chết kế tiếp nhau lên ngôi. Tính từ thời lưu đầy đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ, chẳng hề có vương quốc của Đa-vít, cũng chẳng có ngườì nào thuộc dòng dõi Đa-vít lên làm vua. Chúa Giê-su sẽ bị chế diễu như là vua, rồi bị đóng đinh với danh hiệu “Vua Người Do Thái”. Sau khi sống lại, Chúa nhắn các môn đệ về Ga-li-lê, họ sẽ gặp Ngài ở đó. “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Chúa Giê-su đã truyền cho các ông đến… Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,16-20). Lời hứa cho Đa-vít được thực hiện vượt sức tưởng tượng của loài người nhờ ĐấngEm-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, chính là Đức Giê-su do Trinh Nữ Ma-ri-a sinh hạ bởi quyền năng Thánh Thần, nay được trao mọi quyền trên trời dưới đất.

Đến đây thì lời hứa cho Áp-ra-ham cũng được thực hiện một cách bất ngờ. Ta tuởng dòng dõi Áp-ra-ham kết thúc với Chúa Giê-su. Không. Dòng dõi ấy còn tiếp tục bằng cách trở nên phúc lành cho muôn dân: muôn dân được chúc phúc vì được trở thành dòng dõi Áp-ra-ham, nhờ trở thành môn đệ của Đấng Em-ma-nu-en. Thiên Chúa đã long trọng nhắc lại lời hứa ấy sau khi Áp-ra-ham đem con lên “ngọn núi Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông” để tế lễ; Chúa Giê-su đến gặp các môn đệ “trên ngọn núi Chúa đã truyền”, để công bố Ngài là Em-ma-nu-en và sai các ông đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Điều này còn đuợc gợi lên trong câu chuyện sáng ngày thứ nhất trong tuần, hai bà cùng tên là Ma-ri-a đi ra mộ, thấy thiên sứ lật tảng đá lấp cửa mồ, ngồi lên trên và báo tin: “Người không còn ở đây, vì Người đã trỗi dậy như lời Người đã nói”. Câu chuyện gợi nhớ hai bà đỡ bên Ai-cập đã trái lệnh Pha-ra-ô để cho các trẻ Híp-ri sống. Khi bị hỏi thì họ trả lời: “Đàn bà Híp-ri khoẻ lắm, bà đỡ chưa tới nơi thì họ đã sanh rồi” (Xh1,19). “Ma-ri-a” lại là tên người chị của Mô-sê đã rình xem chuyện gì sẽ xảy ra cho em mình, rồi đề nghị giúp công chúa tìm vú nuôi cho em bé Môsê. Trong mạch văn này, việc lãnh đạo Do Thái đã niêm phong cửa mồ, đặt lính canh để không cho Chúa Giê-su ra khỏi mồ, gợi nhớ lệnh của Pha-ra-ô không cho con trai Híp-ri được sống. Đức Giê-su là dòng dõi Áp-ra-ham sinh bởi quyền năng Thánh Thần, sống lại bởi quyền năng Thánh Thần nên không gì ngăn cản đuợc. Muôn dân sẽ trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, dòng dõi mới của Áp-ra-ham, bởi Thánh Thần mà họ đón nhận nhờ đức tin và phép rửa. Nơi Chúa Giê-su Ki-tô, cả lời Thiên Chúa hứa cho Đa-vít và lời Thiên Chúa hứa cho Áp-ra-ham được thành sự.

Bản “kết toán” với ba chuỗi 14 cũng trở nên rõ nghĩa. Ba chuỗi 14 tức là 6 x 7. Con số 7 chỉ sự tròn đầy. Sáu lần số 7 cho thấy còn thiếu. Chúa Giê-su mới làm cho tròn đầy. Với Chúa Giê-su, dòng dõi Áp-ra-ham mới thật sự đông đúc như sao trời cát biển, và sẽ tồn tại cho đến tận thế, bao trùm muôn dân.

Suốt sách Tin Mừng này, Mát-thêu dùng công thức trích dẫn “Điều ấy xảy ra để ứng nghiệm lời ngôn sứ…” để cho thấy màu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô đã được các sách Cựu Ước báo trước, nhờ thế mà chúng ta nhận ra Ngài là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” trong cuộc sống trên trần gian, khổ nạn và phục sinh vinh hiển, và mãi mãi là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Hệ quả thứ nhất của màu nhiệm này là chúng ta đang sống trong Giao Ước Mới như I-sai-a đã loan báo:

“Ánh sáng ban ngày của ngươi sẽ không còn là mặt trời nữa, và ban đêm ngươi chẳng cần đến ánh trăng soi. Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ. Mặt trời của ngươi sẽ không bao giờ lặn, mặt trăng của ngươi cũng chẳng hề tàn, vì Đức Chúa sẽ là ánh sáng muôn đời cho ngươi” (Is 60,19-20).

Hệ quả thứ hai của màu nhiệm này bao trùm mọi chiều kích của cuộc sống chúng ta, vì chúng ta sống trong ánh sáng của “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

Đây là lời dẫn nhập của cuốn sách sắp xuất bản với nhan đề TỰ ĐÁY LÒNG (Antôn&Đuốc Sáng) nhằm giúp đọc và cầu nguyện với Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét