Trang

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Rudolf BULTMANN (1884 – 1976) Một nền thần học hiện sinh

Rudolf BULTMANN (1884 – 1976) Một nền thần học hiện sinh





Ròng rã suốt hơn 30 năm trời giảng dạy tại Đại học Marbourg (Đức), tuy nhiên, vị giáo sư nầy chắc hẳn sẽ chẳng được công luận biết đến, nếu như ông đã không làm bùng ra một luồng gió giật ào ào khủng khiếp là cái từ gây bão táp “giải huyền thoại” (démythologisation). “Thế giới Tân ước là thế giới có đặc tính huyền thoại”. Một bài viết năm 1941 của BULTMANN đã được bắt đầu như thế. Ngày nay, người ta cũng chỉ mới quen dần được với BULTMANN một phần nào đó mà thôi. Đằng sau cái vẻ ngổ ngáo ưa khiêu khích đó, BULTMANN quả thực muốn tiến hành cái nỗ lực dai dẳng và kiên tâm nầy là nhằm hướng Kitô-giáo vào cuộc đối thoại, chứ không có mục đích làm cho nó suy yếu đi.

Quét sạch đi cái gây xì căng đan không cần thiết.
Sinh năm 1884, BULTMANN đồng thế hệ với BARTH (1886), với TILLICH (1886) và với TEILHARD (1881), cả ba con người đều cùng có chung một niềm ưu tư: làm thế nào để giới thiệu Tin mừng với những con người của thời đại chúng ta? BULTMANN cùng chung với họ nỗi ưu tư nầy, nhưng chiến thuật áp dụng thì lại khác. Nhà thần học tin lành nầy, hơn bất cứ ai khác, đã gây nên những cuộc cãi vã chưa từng có, vì nhiều người có cảm tưởng BULTMANN hoàn toàn nhượng bộ con người thời nay và quét sạch khỏi Tin mừng cái gây xì-căng-đan của nó nhằm làm cho người ta dễ dàng chấp nhận Tin mừng. Giải thích BULTMANN như thế là phản bội lại với dự kiến của ông ta. Cũng như BARTH, BULTMANN muốn mình hoàn toàn trung thành với Lời của Thiên Chúa, nhưng, như TILLICH và TEILHARD, BULTMANN ý thức một cách sâu sắc mình liên đới với tâm thức của thời đại mình đang sống.
Nỗ lực của BULTMANN hoàn toàn không có một chút gì là phát xuất từ một sự ngẫu hứng. Là nhà chú giải, sử gia, nhà thần học, BULTMANN có thể chơi được trên nhiều loại dây đàn. Công trình chú giải bình luận của BULTMANN có giá trị của một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Dựa trên cơ sở nghiên cứu về những hình thái và những truyền thống mà Kitô-giáo đã thâm nhập vào, BULTMANN đã du nhập được nhiều phương pháp phong phú và từ đó đã rút ra được những kết luận thần học mà những nhà thần học nghiêm túc ngày nay cũng phải đồng tình: các sách Tin mừng phản ánh về đời sống của Đức YÊSU thì ít mà về niềm tin của những tín hữu đầu tiên thì nhiều. Vì thế, cần phải đọc chúng như là những chứng tác của niềm tin nầy: “Đúng ra, đấy là một lời rao giảng hơn là một tường thuật” (GOGUEL).
BULTMANN không tự nhốt kín mình như một trí thức phòng trà. BULTMANN còn là nhà thuyết giảng và là mục sư, cháy bỏng vì một vấn đề cấp bách: làm sao rao báo Tin mừng để Tin mừng có được tiếng dội lại trong cuộc sống của con người? Trong khi BARTH băn khoăn từ góc độ của người thuyết giảng, BULTMANN, ngược lại, đứng từ phía thính giả để hạch hỏi mình. Nhưng, đối với BULTMANN, không có vấn đề làm sao thích nghi Lời Thiên Chúa cho phù hợp với thị hiếu thời trang, bằng cách giản lược Lời Thiên Chúa vào ý nghĩa chủ quan của con người. BULTMANN thẳng tay bác bỏ chiến thuật của những nhà thần học tự do của thế kỷ XIX. Ông muốn giữ cho Tin mừng mãi mãi có được sức mạnh sinh động của nó, nhưng đồng thời cũng muốn gạt ra khỏi nó tất cả những chướng ngại vật không cần thiết ngăn cản con người tìm đến với nó.
“Giải huyền thoại”, đó là từ chủ chốt. Nhưng, huyền thoại là gì? Đó là việc diễn tả những thực tại thuộc một chiều kích khác bằng những hình ảnh và những biểu tượng của thế giới chúng ta đang sống. Huyền thoại diễn đạt cái mà trên thực tế không thể nào đối tượng hoá được, bằng những ngôn ngữ loài người và như vậy cho phép con người có thể sử dụng được chúng. BULTMANN không có ý giản lược Tin mừng vào một thứ huyền thoại, nhưng ý đồ của BULTMANN là muốn giải phóng Tin mừng ra khỏi tất cả những gì là huyền thoại, nhằm hoàn toàn trả lại cho Tin mừng sức mạnh uyên nguyên và giá trị hiện sinh đích thực của nó. Là huyền thoại, thí dụ, một thế giới có phân cấp bậc, trong đó thiên thần cũng như ma quỷ tự do đi lại, việc sinh nở đồng trinh, vv... Nỗ lực bóc đi khỏi sách Tin mừng những lớp vỏ huyền thoại là một việc làm hết sức cần thiết, nhất là vì trên thực tế những trước tác của Tân ước đã là một công trình chuyển dịch sứ điệp đó trong một môi trường văn hoá nhất định, chứ không còn là môi trường mà chúng ta đang sống ngày nay và vì thế có thể tạo ra cho chúng ta một nguyên cớ gây xì-căng-đan không ích lợi gì. Giải huyền thoại là nhằm cởi ra khỏi Tin mừng cái áo mà Tin mừng đã mượn để mặc vào mình. Nó không phải là một sự thích nghi có thể miễn chước cho con người khỏi phải tin.

Tính chất tuyệt đối của Lời Chúa.
Giả như thần học có thể giúp vượt qua được khoảng cách so le văn hoá ngăn cách giữa con người thời nay và cái thế giới tinh thần ngày xưa nơi mà Tin mừng được bày tỏ, thì thần học vẫn sẽ không bao giờ đạt được tới chỗ hoàn toàn xoá nhoà đi được cái thực sự vẫn gây xì-căng-đan trong Kitô-giáo, đó là biến cố Thiên Chúa tự mạc khải mình ra và hành động nơi Đức KITÔ. Sự kiện Đức KITÔ nầy không thể vẽ vời nắn nót nên hình dạng được. Sự kiện đó đặt con người trước một quyết định phải chọn lựa có tính chất hiện sinh, chứ không phải đem lại cho con người điều kiện để có thể chiếm hữu đưọc nó theo cung cách thông thường của thực tại nhân loại, cũng chẳng tạo điều kiện để con người có thể tự ẩn náu mình đàng sau những lời bào chữa giả dối. Ở đây, người ta gặp lại một luận đề cải cách khá nổi tiếng là chỉ có Lời Chúa, được đón nhận trong đức tin, mới công chính hoá con người. Thần học không thể khấu trừ khỏi Lời nầy bất cứ điều gì hầu có thể làm cho Lời đó bớt phần triệt để đi.
Phải chăng như thế có thể nói là chúng ta bị kết cái án phải mang số phận niềm tin của dân thuyền chài? BULTMANN khá nhạy cảm với những đòi hỏi của lý trí con người. Lý trí muốn thông hiểu. Tin và hiểu đi đôi với nhau. Nhưng, không phải lý trí chinh phục Đức tin mà chính Đức tin rọi soi lý trí, biểu lộ ra cho con người cái bị che dấu, đem ra ánh sáng cái bị che khuất. Đức tin có thể hiểu được, vì Đức tin tiết lộ ý nghĩa. Nơi tất cả mọi người đều có một thứ “tiền thức” (précompré- hension) về Tin mừng mà con người rút ra được từ thực tế hiện sinh riêng tư của mình. Tri thức về Thiên Chúa thông qua tri thức về con người. “Biết Thiên Chúa, đối với con người, trước tiên, đó là một tri thức về chính bản thân của mình, về những giới hạn của mình. Thiên Chúa xuất hiện ra như là cái quyền lực bẻ gãy những giới hạn của con người và như vậy Ngài nâng con người đạt đến tình trạng đích thực của riêng nó”.
Dưới con mắt của BULTMANN, như vậy, là đã hình thành được một “thực tại đồng nhất” (identité) – một “thực tại tương đồng sinh động” (affinité vivante) – giữa con người trong cuộc, tự phát hiện ra mình là: “tính thể sinh ra để chết”, nói theo ngôn ngữ của HEIDEGGER, và Thiên Chúa, Đấng tự thông ban chính mình như Lời tình yêu, tha thứ, sự sống, như được chứng thực trong cái chết và sự phục sinh của Đức KITÔ. “tiền thức”, từ chìa khoá của tư tưởng của HEIDEGGER, nhằm chỉ cái tri thức mà con người có về chính mình, về tình trạng hữu hạn của mình và về tình trạng chưa đích thực của mình, nhưng, đồng thời cũng có nghĩa là khả năng nắm bắt ý nghĩa do Đức KITÔ trao ban.
Nhưng, thực tại đồng nhất nầy vẫn không loại trừ được cái gây xì-căng-đan, vì sự kiện Đức KITÔ không xếp được vào loại thực tại có thể đối tượng hoá được - nghĩa là thực tại mà người ta có thể nắm bắt được qua con đường suy luận hoặc những xác minh lịch sử (“Thiên Chúa chỉ hiện ra trong lịch sử cho người nào tự để mình cho lịch sử nghiền nát”). Sự kiện Đức KITÔ thuộc về thực tại những chân lý hiện sinh. Nó tự trao ban mình  cho người nào muốn tiếp nhận nó, chứ không ép buộc được. Nếu lời ân sủng, được Đức KITÔ nói ra, giải phóng con người, chính là trong điều kiện con người tự mở toang cửa lòng ra đón nhận nó và quyết định thiết lập ở đấy chân lý của hiện hữu của mình. Vì thế, con người cần phải rũ bỏ ra khỏi mình tất cả mọi ý muốn quyền lực, vì Thiên Chúa chỉ xen mình vào trong thực tại hiện sinh nào mà Ngài thấy là đã lột trần hết tất cả những gì không phải là Ngài. Người ta không đến với Thiên Chúa xuất phát tự con người, nhưng người ta đến với con người xuất phát từ Thiên Chúa. Chính mạc khải cho phép để mình được nhận biết và cho phép thực tại đang trở thành (devenir) có một nội dung ý nghĩa.

Nói Tin mừng ngày hôm nay.
Nói Tin mừng làm sao mà vẫn không xén bớt đi một chút gì và cũng không phải là chạy theo thị hiếu thời trang, nhưng là làm sao để cho con người ngày hôm nay có thể hiểu được, trong một thứ ngôn ngữ dễ tiếp cận, trong cái nội dung ý nghĩa mang đầy tính hiện sinh của nó, đó là nội dung ý nghĩa nỗ lực của BULTMANN. Nếu sứ điệp đó không còn nuốt trôi được nữa, đó là do tình trạng “phải nói bằng hai thứ tiếng” (bilingue) của chúng ta (EBELING): ngôn ngữ Kitô-giáo hết thời rồi không còn xài được nữa, chẳng còn để ý gì đến tâm thức của thời đại ngày nay, đang trầm mình trong một thế giới văn hoá khác trước. Nhà thần học cần phải trong cùng một lúc có hai nỗ lực: tìm kiếm lại Sứ điệp Tin mừng trong thực trạng nguyên tuyền của nó (nỗ lực giải huyền thoại) đồng thời chuyển dịch Sứ điệp đó sang thứ ngôn ngữ và văn hoá của con người thời nay (nỗ lực thích nghi vào các nền văn hoá). Đó là hai công tác mà khoa chú giải phải cố gắng hoàn thành.
Vì thế, người ta nhận thấy công trình của BULTMANN gồm hai cực. Một cực, căn bản hơn cả, nhưng đôi khi ít được người ta biết đến, nhấn mạnh tính siêu việt tuyệt đối của Lời Thiên Chúa: giải huyền thoại là một hành động tích cực nhằm trả về lại cho Lời Thiên Chúa nội dung ý nghĩa hiện sinh của nó; cực thứ hai dễ thấy hơn, và là cực duy nhất gây nhiều chú ý, nhằm “thích nghi” Lời nầy với tâm thức thời đại, chuyển dịch nó vào trong những ý niệm diễn tả đầy đủ thực tại hiện sinh của con người. BULTMANN không nhập cuộc vào bất cứ trò xảo thuật trí thức nào nhằm làm cho Tin mừng dễ được người ta chấp nhận. Ngược lại, BULTMANN đẩy nỗ lực minh giáo về sự công chính hoá chỉ nhờ Đức tin đến những hậu kết tận cùng của nó: trong thực tại hiện sinh của mình, hôm qua cũng như hôm nay, con người được đặt trước lời mời gọi của vị Thiên Chúa đòi phải có một quyết định. Đối với người nào muốn sở hữu hoá cho mình ý nghĩa của thực tại hiện sinh không có một con đường nào khác hơn là chấp nhận cái ý nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho cách nhưng không nơi Đức YÊSU KITÔ.
Đâu là giá trị tích cực của công việc của BULTMANN? Nó đã không thoát khỏi những chỉ trích phê bình. Người ta trách BULTMANN là đã “tước khéo” sử tính của Đức YÊSU, đã làm cho việc giải thích Sứ điệp Kitô-giáo lệ thuộc vào triết học “về những phạm trù hiện sinh” (philosophie existentiale) của HEIDEGGER, đã “cá thể hoá” niềm tin, không lưu tâm gì tới chiều kích tập thể của nó, không quan tâm đầy đủ tới Cựu Ước, đã nói về một “con người trừu tượng”, “chẳng có ai lân cận cũng chẳng có lai lịch lịch sử gì”, vv... Đã hẳn, tất cả những cái đó đều có một phần sự thật. Vẫn có những lỗ hổng trong công trình đó. Nhưng, cái quan trọng là phải lưu giữ cái ý đồ hướng tới của nó: Tin mừng liên can đến thực tại hiện sinh của mỗi người; Tin mừng tồn tại cho cả con người của ngày hôm nay; Đức KITÔ, Đấng đang liên can với tôi đấy trước tiên là “người đồng thời với tôi”.
Giả như nếu phải gạt qua một bên những khía cạnh khác, BULTMANN vẫn muốn giữ lại điều nầy là Sứ điệp Đức KITÔ có sức mạnh tạo cho thực tại hiện sinh có được nội dung ý nghĩa của nó. Nhưng, không nhằm “giản lược” Thiên Chúa vào một chiều kích của con người, BULTMANN đã nhấn mạnh tính siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa: Thiên Chúa là “Đấng hoàn toàn khác”, vượt ra ngoài những nắm bắt của con người, duy chỉ có thể đến gần được với Ngài trong hành động lựa chọn Đức KITÔ, một hành động tạo ra giá trị hiện sinh cho con người.
Marcel NEUSCH

X     X
X

Giải huyền thoại và ý nghĩa của thực tại hiện sinh.
Giải huyền thoại nhằm mục đích lột trần ra cái ý đồ đích thực của huyền thoại; ý đồ đó đúng là muốn nói về hiện sinh của con người, về nền tảng của thực tại hiện sinh đó và về giới hạn của thực tại hiện sinh nầy, dựa trên cơ sở một sức mạnh của thế giới bên kia, không lệ thuộc vũ trụ (non cosmique) và vô hình tượng đối với cái thứ tư tưởng ưa thích đối tượng hoá của con người.
Giải huyền thoại, vì thế, nói theo cách tiêu cực, là một nỗ lực phê phán thế giới huyền thoại, trong chừng mực mà thế giới nầy che đậy ý đồ đích thực của huyền thoại. Nói cách tích cực, đó là một nỗ lực biện giải nhằm đưa ra ánh sáng những phạm trù hiện sinh của nó (une interprétation existentiale) nhằm làm cho người ta nhận ra được ý đồ của huyền thoại và tham vọng nói về thực tại hiện sinh con người của nó.
(...) Hướng nỗ lực chú giải về vấn đề thực tại hiện sinh của chúng ta như thế, có nghĩa là muốn cho khoa chú giải phải biện giải đưa ra ánh sáng những phạm trù của thực tại hiện sinh. Việc khoa chú giải phê phán những bản văn Kinh Thánh không phải có mục đích loại trừ những bản văn huyền thoại mà thực ra là để giải thích chúng. Đó không phải là một thủ đoạn nhằm loại trừ, mà là một phương pháp của khoa chú giải (... ).
Vì thế, bây giờ đã rõ, nỗ lực giải huyền thoại được xem như nỗ lực biện biệt nhằm đưa ra ánh sáng những phạm trù hiện sinh và, trong khi phê phán thế giới huyền thoại của Kinh Thánh, không ngừng tìm cách làm nổi bật lên giá trị nội dung ý nghĩa của chính các bản văn, bằng cách giải phóng chúng khỏi vòng cương toả của trạng thái được ý niệm hoá do cái lối tư tưởng đối tượng hoá tạo nên, thứ tư tưởng của huyền thoại.  Nhưng cũng không phải là nhằm chuyển qua hiện trường đối tượng của khoa học. Nói rõ hơn: giải huyền thoại nhắm mục đích giải phóng tri thức Kinh Thánh ra khỏi tất cả mọi thứ hình ảnh của thế giới trần tục nầy, như thứ tư tưởng đối tượng hoá vẫn thường sử dụng, dù đó là hình ảnh huyền thoại hay là hình ảnh của khoa học (... ).
(... ) Những lối diễn tả của Kinh Thánh về thực tại hiện sinh và trong chính cái thực tại hiện sinh sờ sờ ra đó không phải là đối tượng để được báo cáo ở nơi công cộng, như kiểu đối tượng của các thứ khoa học mà mỗi lần muốn nghiên cứu một sự vật nào đó người ta phải đối tượng hoá nó ra thành khách thể, thứ khoa học mà không thể nào không chế định thực tại hiện sinh tuỳ theo nhãn giới của mình. Ngược lại, nỗ lực giải huyền thoại nhờ trong khi phê phán thế giới của Thánh Kinh giải phóng con người hiện đại ra khỏi cái gây xì-căng-đan mà Kinh Thánh tất yếu phải làm cho nó đụng phải, nhưng, cũng chính nhờ đó, để cho con người ngày nay được tự do khi phải đối diện với cái gây xì-căng-đan thực sự mà con người ngày nay cũng như bất kỳ ai khác, đều gặp phải ở nơi Kinh Thánh. Cái gây xì-căng-đan nầy, đó chính là sự kiện Lời Thiên Chúa mời gọi con người đến với Thiên Chúa, khởi từ tình trạng thao thức xao xuyến của con người cũng như khởi từ tình trạng an toàn giả tạo mà con người tự tạo ra cho mình. Lời Thiên Chúa mời gọi con người đi đến với thực tại hiện sinh đích thực và trong cùng lúc kêu gọi con người tự giải thoát mình ra khỏi thế giới, cái thế giới ngụy tạo mà con người tự mình xây dựng nên trong tư tưởng đối tượng hoá của khoa học.
(Rudolf BULTMANNL’interprétation du Nouveau TestamentParis, Aubier, 1955, pp. 189 à 194, passim.)

Tài liệu tham khảo:
Trước tiên, chúng ta ghi ra đây những tác phẩm của BULTMANN đã được xuất bản bằng tiếng Pháp: Le christian- isme primitif dans le cadre des religions antiques, Paris, Payot, 1950, coll. “PBP”, n0 131. L’interprétation du Nouveau Testament, Paris, Aubier, 1955Foi et compréhension, t. I: Historicité de l’homme et de la révélation: t.2: Eschatologie et démytholo- gisation, Paris, Seuil, 1970 et 1969. Histoire de la tradition synoptique (avec le complément de 1971), Paris, Seuil, 1973.
Giữa những tác phẩm nhập môn tư tưởng của BULTMANN, bạn có thể đọc:
·  Collectif, Comprendre Bultmann, un dossier par Georges COTTIER, A. VOGTLE, O. CULLMANN, L. MALEVER et Karl BARTH, Paris, Seuil, 1970.
·  André MALET, Bultmann, Paris, Seghers, 1968, coll. “Philosophes de tous les temps”, n045.
                   //           , La pensée de Rudolf Bultmann, Genève, Labor et Fides, 1971.
·  Joseph FLORKOWSKI, La théologie de là Foi chez Bultmann, Paris, Cerf, 1971, coll. “Cogitatio Fidei”, n0 61.
René MARLÉ, Bultmann et l’interprétation du Nouveau Testament, Paris, Aubier-Montaigne, 1966, coll. “Théologie”, n0 33 (éd. Revue et augmentée).
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

http://giaolyductin.org/rudolf-bultmann-1884-1976-mot-nen-than-hoc-hien-sinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét