Trang

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

SỰ BẾ TẮC CỦA VÔ THẦN

SỰ BẾ TẮC CỦA VÔ THẦN

1. Hãy đưa mắt nhìn khắp nơi và chúng ta sẽ thấy: vũ trụ và muôn loài đều làm chứng về Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô đã nhắn nhủ: Mọi sự đều do Ngài, nhờ Ngài và vì Ngài. Và những ai chối bỏ Thiên Chúa sẽ không thể nào chữa được mình, sẽ không thể nào chạy được tội.

2. Nếu không có vị kiến trúc sư, thì làm sao có được ngôi Nhà Thờ này? Nếu không có vị kỹ sư, thì làm sao có được chiếc đồng hồ tôi đang đeo trên tay? Nếu không có nhà điêu khắc, thì làm sao có được pho tượng? Nếu không có ông họa sĩ, thì làm sao có được bức tranh?

Thế mà có những kẻ đã nhắm mắt chấp nhận sự phi lý khi nói rằng: “Không thể nào có Thiên Chúa.” Và họ chỉ lo tôn thờ khoa học. Nhưng khoa học chỉ có thể khám phá ra một vì sao mới, một định luật mới chứa ẩn trong thiên nhiên, chứ không thể nào tạo ra vì sao đó, định luật đó.

3. Có một người Âu Châu đi du lịch bên Phi Châu. Ngày kia, ông ta gặp một người Ả Rập đang quỳ cầu nguyện ban sáng, ông ta nói với người Ả Rập bằng một giọng mỉa mai: “Làm thế nào mà anh biết được có Thiên Chúa mà lại cung kính cầu nguyện như thế?”

Người Ả Rập bình thản trả lời: “Khi nhìn bãi cát sa mạc này, tôi có thể căn cứ vào những dấu chân mà biết được người hay vật đã đi qua đây. Cũng thế, khi nhìn ngắm vũ trụ, tôi có thể căn cứ vào những dấu ấn mà quả quyết rằng Thiên Chúa đã ngự qua nơi đây.”

4. Tâm trí chúng ta không thể nào được thỏa mãn ở tình trạng còn bấp bênh và mơ hồ. Khoa học càng tiến triển, càng chuyên biệt, thì lại càng khám phá ra sự khôn ngoan diệu kỳ của Thiên Chúa. Càng tiến sâu vào thiên nhiên, chúng ta lại càng nhìn thấy vẻ oai hùng và quyền năng vô song của Thiên Chúa. Cầm một chiếc kính lúp và đặt nó trước tia nắng mặt trời, nhà bác học sẽ nhìn thấy những màu sắc sáng ngời và từ đó ông khám phá ra những định luật về quang học, những đặc tính của ánh sáng. Và chúng ta không hề nghi ngờ gì về những điều ông đã xác quyết.

5. Viễn vọng kính đã cho chúng ta thấy một vũ trụ vô cùng lớn lao. Còn kính hiển vi cho chúng ta thấy một thế giới vô cùng nhỏ bé. Vậy ai là Đấng Tạo Hóa? Tại sao tất cả lại như thế ? Hai chữ “tại sao” đã bộc lộ rõ rệt bản tính con người. Trên đôi môi của trẻ thơ cũng như của mọi người, chúng ta thường thấy lặp đi lặp lại hai chữ “tại sao”? Hai chữ này đã nói lên nỗi khao khát được biết, được hiểu rõ về nguyên nhân, gốc tích. Chúng ta nghi ngờ. Chúng ta phân tích. Chúng ta tìm hoài, chúng ta kiếm mãi cho đến khi tới được nguyên nhân sau cùng, cũng như tới được lý do độc nhất là chính Thiên Chúa.

6. Trong một cuộc leo núi, nhà địa chất học sẽ cắt nghĩa cho chúng ta về cách thức cấu tạo các ngọn núi. Thế nhưng, có người sẽ lên tiếng nói: “Ông có chui vào trong đó đâu mà biết?” Nhà địa chất học trả lời: “Tôi không cần phải chui vào trong đó. Chỉ cần nhìn ngọn suối vọt lên từ lòng đất, chỉ cần khảo sát giòng nước của nó, tôi có thể biết nó xuất phát từ đâu.”

7. Có nguòi đã tôn thờ lý trí để chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng họ là những kẻ đã chống lại lý trí, vì bắt nó phải theo một điều ngược lại bản tính của lý trí.

Thực vậy, đó là một điều chẳng quá đáng chút nào. Chúng ta thử so sánh một bên là tín ngưỡng, còn một bên là vô tín ngưỡng. Một bên là tin tưởng vào Thiên Chúa, còn một bên là chối bỏ Ngài, để xem bên nào có lý.

Tin rằng Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, hay tin rằng vũ trụ này tự mình mà có, đằng nào có lý hơn?

Tin rằng Thiên Chúa là tác giả Sự Sống, hay tin rằng sự sống chỉ là chuyện tình cờ ngẫu nhiên, đằng nào có lý hơn?

Tin rằng Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan tuyệt vời, đã an bài sắp xếp mọi trật tự, hay tin rằng mọi lề luật, mọi mục đích trong vũ trụ chỉ là những hậu quả mà không có nguyên nhân, đằng nào có lý hơn?

Những kẻ khôn ngoan hãy cùng với Thánh Vịnh 18 mà lớn tiếng nói, mà không sợ sai lầm: “Trời cao kể lại ngàn vinh quang Chúa, và không trung tuyên xưng kỳ công Ngài.”

KHUYẾT DANH

(trích từ EPHATA 719 – Dòng Chúa Cứu Thế Saigon)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét