Trang

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

0 Giáo Hoàng Của Dân Tộc


Dẫn nhập

416
Trích sách Giáo Hoàng Của Dân Tộc, tác giả: Juan Carlos Scannone, chuyển dịch: Nguyễn Tùng Lâm
Giáo hoàng của Quần chúng
Kín đáo một cách tự nhiên và với một mức độ lịch thiệp hoàn hảo, trong thời gian gần đây, linh mục Juan Carlos Scannone đã tiếp không biết bao nhiêu ký giả, các nhà làm phim truyền hình đến xin phỏng vấn để biết về một giáo hoàng, mà như chính ngài tự mô tả trong ngày bầu chọn 13 tháng 3 năm 2013, “đến từ tận cùng trái đất” trong  ý tưởng là để cải cách sâu đậm Giáo hội Công giáo. Linh mục Scannone sống ở trường Colegio Maximo cách trung tâm thành phố Buenos Aires khoảng ba mươi cây số. Người đầu tiên đến gõ cửa xin phỏng vấn là một nữ ký giả Pháp, phóng viên đặc biệt được báo La Croix gởi đến Argentina – một miền đất xa xôi nếu nhìn từ Âu châu. Nhanh chóng, báo Osservatore Romano cũng gởi phóng viên của mình đến. Kết quả của cuộc phỏng vấn này là bài báo gây chú ý: “Bergoglio, học trò của tôi”.
Và đúng vậy, một ít lâu sau, linh mục Carlos Scannone ngạc nhiên nhận một bức thư. Đằng sau phong bì có ghi hàng chữ viết tay hơi khó nhận ra “F.” và địa chỉ người gởi thì khó đoán sai: Casa Santa Martha, Roma… Trong lá thư, Đức Phanxicô (vì đó chính là ngài) đã cám ơn “Cacho”, tên gọi thân mật của Juan Carlos Scannone, hóm hỉnh trách cha chỉ kể chuyện “tốt” mà không kể chuyện “xấu” của mình. Cùng thế hệ nên hai người lúc nào cũng xưng hô thân mật, từ lâu họ có chung những câu chuyện chung với nhau. Và đôi khi chuyện của họ cũng sôi nổi không kém.
Họ quen biết nhau vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Một, là Juan Carlos Scannone, triết gia và là nhà thần học nổi tiếng của Châu Mỹ La Tinh, là giáo sư tiếng Hy Lạp của người kia. Người kia là Jorge Mario Bergoglio, chủng sinh trẻ đầy hứa hẹn mà ngày 13 tháng 3 năm 2013 mang tên là Phanxicô, vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo La Mã. Sau mười lăm năm của một thời gian phúc lợi, dao động và bi thảm, thứ trật quan hệ của họ bị đổi ngược. Năm 1973, sự nghiệp của Bergoglio lên như diều gặp gió, ngài được bầu làm giám tỉnh Dòng Tên Argentina và như thế là thành bề trên của linh mục Scannone. Sau khi xong nhiệm kỳ giám tỉnh khó khăn, đặc biệt dưới chế độ độc tài quân sự giáng xuống khủng khiếp trên đất nước Argentina, Bergoglio làm viện trưởng trường Colegio Maximo, trong đó có các phân khoa thần học và triết học của các tu sĩ Dòng Tên ở Argentina. Scannone, nhà trí thức; Bergoglio người nắm quyền, một “nhà lãnh đạo bẩm sinh” – thuộc tính được những người ở gần ngài ghi nhận. Hai người đã cùng nhau chia sẻ trong suốt những năm tháng ở đây.
Các điểm chung của họ là gì? Trước hết, họ là người “Argentina”, một loại căn tính lai, bám rễ ở Argentina nhưng lại thừa hưởng di sản của Âu châu. Từ đầu thế kỷ 20, trên lục địa Châu Mỹ La Tinh, Argentina là đất tiếp cư của một đợt di dân rộng lớn đến từ Tây Ban Nha và nước Ý, vì thế đây là nước “Âu châu” nhất ở vùng này. Từ sự kiện này, “nơi tận cùng thế giới”, chiếc nôi của Đức Phanxicô, luôn bị các nước láng giềng nhìn với cặp mắt ngờ vực và tức tối. Những gì mà Bergoglio và Scannone cùng chia sẻ là văn hóa và linh đạo Dòng Tên, một sự trộn lẫn rất chặt chẽ giữa tri thức và thực dụng của con người. Chắc chắn sắc diện mang tính tôn giáo này là một trong những chiếc chìa khóa nền tảng để hiểu cách đặc biệt người chống chủ nghĩa thủ cựu khi Bergoglio làm giáo hoàng.
Cùng một độ tuổi, hai con người của Giáo hội cùng có chung một văn hóa. Cả hai được sinh ra và được đào tạo trước Công đồng, họ đã sống từ bên trong cuộc cách mạng tôn giáo của Công đồng Vatican II. Mỗi người với đặc sủng riêng của mình, người là thần học gia và triết gia, người là tổng giám mục và hồng y; họ đều quan tâm đến các tiến triển của Giáo hội Công giáo hậu Công đồng. Đối với Châu Mỹ La Tinh, đó là giai đoạn phong phú, trong đó nền thần học Châu Mỹ La Tinh triển nở dưới sự giám hộ của Âu châu. Bergoglio và Scannone, mỗi người theo cách của mình đã tham dự vào phong trào này. Được nhà thần học người Péru Gustavo Gutierrez khởi xướng, thần học giải phóng quan tâm đến số phận của những người nghèo, người bị bách hại và đã được khẳng định trong những năm 70. Trong đường hướng này, ở Buenos Aires có một chiều hướng thần học đặc biệt, đó là thần học dân tộc, muốn đòi lại vị trí thuộc về một gia đình lớn của mình là thần học giải phóng. Là triết gia và là thần học gia, Juan Carlos Scannone là một trong những khuôn mặt lỗi lạc. Và cho đến bây giờ, chiều hướng thần học dân tộc này vẫn còn thần hứng mạnh nơi Đức Phanxicô. Để hiểu triều giáo hoàng của ngài và để hiểu cuộc cải cách ngài đang hướng dẫn thì cần thiết phải quay một vòng về Châu Mỹ La Tinh để xem xét thần học, chủ thuyết công giáo bình dân, với lựa chọn ưu tiên lo cho người nghèo của thần học châu lục này.
Chắc chắn, từ những chuyện này, Juan Carlos Scannone là nhân chứng quan trọng, không kể đến cha là một trong những người “giải mã” đúng nhất về Đức giáo hoàng Phanxicô và về Giáo triều của vị giáo hoàng cải cách này.
Trong buổi giới thiệu sách
Mặt khác, chính các tu sĩ Dòng Tên cũng qua cha để hiểu hơn các trục chính của tư tưởng và hành động của Đức Bergoglio. Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015, cha đi đi về về giữa Buenos Aires và Rôma. Trong năm vừa qua, cha được linh mục Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí rất uy tín của Dòng Tên, tờ Văn Minh Công Giáo (Civiltà cattolica) mời về đây phỏng vấn.
Và ở đây chính là nơi chúng tôi gặp để nói chuyện. Đây là tòa nhà xưa cổ được một người Nga giàu có xây từ thế kỷ thứ 19, ở gần Pincio, nơi có các ngôi vườn nhìn xuống Rôma và bao chung quanh khu biệt thự Borghese. Nhờ tình bạn của linh mục Dòng Tên Pierre de Charentenay, nên linh mục Scannone vui vẻ và quảng đại nhận lời đề nghị của chúng tôi để thực hiện quyển sách phỏng vấn này. Linh mục Charentenay là cựu chủ bút tạp chí tiếng Pháp Études của Dòng Tên mà sau một thời gian dài làm việc ở Phi Luật Tân, cha đã về làm việc cho báo Văn Minh Công Giáo.
Đối với những ai quen thuộc với Rôma, tháng Mười là tháng lý tưởng để đến đây. Người La Mã gọi tháng này là tháng “lễ hội”. Khí hậu dễ chịu, ánh sáng tuyệt đẹp. Lúc Vatican mở các cuộc họp của Thượng Hội Đồng về gia đình, một trong những giai đoạn quan trọng của triều Giáo hoàng Phanxicô, là lúc linh mục Scannone hẹn chúng tôi để có những buổi nói chuyện này. Con người là sinh vật sống theo thói quen, chúng tôi có những thói quen của mình. Mỗi chiều chúng tôi gặp nhau ở phòng khách nhỏ của tòa soạn báo. Thường khi màn đêm buông xuống và khi chuông reng báo hiệu giờ cơm của cộng đoàn thì chúng tôi xong buổi nói chuyện.
Chúng tôi xin cha Juan Carlos Scannone cho chúng tôi một vài chỉ dẫn về tiến trình mà chính ngài tự viết ra trong quyển sách tiểu sử của mình. Ở tuổi ngoài tám mươi, mỗi cuộc sống đều có độ dày của số phận. Để tóm tắt cuộc đời của linh mục Scannone, chắc chắn chữ phù hợp nhất đối với cha là chữ dấn thân. Dấn thân về mặt tu hành, dấn thân về mặt trí thức, dấn thân về mặt xã hội. Cha vào nhà tập Dòng Tên năm 1949 lúc mới 17 tuổi và đã làm cho quả tim của người mẹ đau lòng, người mẹ đã một mình nuôi nấng đứa con trai duy nhất sau khi người cha chết sớm. Cũng như Bergoglio, Scannone là một “portègne” chính cống, portègne là tên đặt cho người dân sống ở Buenos Aires. Là con của một gia đình trưởng giả, cha lớn lên ở trung tâm thành phố Buenos Aires, đại lộ Corrientes, nơi gần các nhà hát, các rạp chiếu phim, nơi hẹn hò của đời sống thủ đô về đêm, nhưng gần nhất là nhà thờ Cứu Thế, nhà thờ của trường Dòng Tên mà cha có thói quen đi xem lễ mỗi buổi sáng. “Chính đời sống tu hành lôi cuốn tôi nhiều hơn là làm linh mục”, cha nói để giải thích sự chọn lựa của mình. Thiên bẩm có một khả năng trí tuệ xuất chúng, năm 1950 cha được gởi qua Âu châu, đến Innsbruck nước Áo để học với nhà thần học danh tiếng Karl Rahner. Trong vòng tám năm ở châu lục cổ này, cha Scannone cũng đã từng ở Đức và Pháp.
Thường được cho là nhà thần học nhưng cha thích tự cho mình là triết gia “phục vụ thần học và mục vụ”. Về mặt thần học, các quy chiếu của cha Scannone là các quy chiếu của Đức, đặc biệt là của Karl Rahner và Urs von Balthasar. Nhưng về mặt triết lý thì cha được nuôi dưỡng bởi tư tưởng Pháp của các triết gia Emmanuel Levinas, Paul Ricoeur, Maurice Blondel và ngày nay là của Jean-Luc Marion. Là người am tường các tác phẩm của Ricoeur, cha đã đến gặp tác giả tại nhà, ở Chatenay-Malabry, vùng Paris. Người hướng dẫn, triết gia người Pháp chỉ cho cha thấy đền thờ Tin Lành cải cách mà ông đến dự lễ mỗi sáng chúa nhật.
Cho đến bây giờ, các tác phẩm của linh mục Scannone được biết đến nhiều nhất ở vùng nói tiếng Tây Ban Nha. Chính cha cũng tự cho mình là thuộc trường phái thần học giải phóng và thần học dân tộc, “trường phái thần học của Buenos Aires”. Trong đường hướng này, trước hết cha làm việc với bạn mình là Enrique Dussel để khai triển một triết lý của sự giải phóng. Quan tâm chọn lựa hàng đầu dành cho người nghèo, cha Scannone cũng suy nghĩ về mặt triết học chủ thuyết công giáo bình dân, như cha mô tả với các tài liệu của Marion là “hiện tượng đã đầy”. Gần đây, cha làm việc về triết và thần học hội nhập văn hóa và khái niệm về liên hội nhập văn hóa và về ơn ban.
Luôn sẵn sàng và tập trung, chính xác đến tỉ mỉ, trong các buổi nói chuyện của chúng tôi, cha Juan Carlos Scannone không bao giờ né tránh dù với các câu hỏi gây rất nhiều tranh luận về hai linh mục Dòng Tên Orlando Yorio và Franz Jalics bị quân đội độc tài bắt cóc năm 1976, và về liên hệ phức tạp giữa Đức Bergoglio và Dòng Tên. Là bạn của linh mục Orlando Yorio, cha Scannone kể các kỷ niệm và thảo luận của mình trong giai đoạn tranh cãi này. Với sự hiểu biết tinh tế, với chiều sâu thiêng liêng không thay thế được, triết gia và thần học gia này đã cho chúng tôi chất liệu để hiểu tiến trình đã dẫn đưa cựu học sinh của mình thành giáo hoàng và đưa ra những chìa khóa để hiểu những điều thiết yếu về triều giáo hoàng lạ thường của Đức Phanxicô.
Cha Scanonne tại Colegio Máximo de San Jose ở San Miguel, Buenos Aires.
Bernadette Sauvaget

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét