Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

5 Giáo Hoàng của Dân Tộc

Chương 5

Phanxicô, nhà cải cách hay viễn cảnh của một triều giáo hoàng

Trích sách Giáo Hoàng Của Dân Tộc, tác giả: Juan Carlos Scannone, chuyển dịch: Nguyễn Tùng Lâm
Giáo hoàng của Quần chúng
Từ khi được bầu chọn lên ngai giáo hoàng, Đức Phanxicô đã thổi một làn gió mới vào Giáo hội, ngài làm đảo lộn các suy nghĩ và cách quản trị quen thuộc. Dựa trên kinh nghiệm của mình ở Argentina, ngài mong đem đến một viễn cảnh mới và một sức sống mới cho Giáo hội của mình. Ngài muốn Giáo hội mang tính Phúc Âm và truyền giáo, ít tính cách giáo hóa và nhiều lòng thương xót, ít tính cách ý thức hệ và nhiều mục vụ hơn.
Theo lời của thần học gia Juan Carlos Scannone thì thông điệp thay đổi là ngay lúc này! Và, qua cách của mình, Đức Phanxicô đã làm cách mạng triều giáo hoàng. Cuộc cách mạng đang tiến hành, tựu chung đó là cuộc cách mạng thiêng liêng. Để làm được điều này, trước hết Đức Phanxicô đã mang lại cho Giáo hội khả năng thảo luận của mình. Trong Giáo hội Công giáo không còn vấn đề gì gọi là cấm kỵ ngay cả các vấn đề gai góc như người ly dị tái hôn hay vấn đề giới tính. Dù Đức Phanxicô biết ngài muốn đi về đâu nhưng ngài không theo tiến trình mà linh mục Scannone gọi là tiến trình “áp đặt”. Ngài để thì giờ cho sự chín muồi và cho đồng thuận. Thay vì dùng quyền, ngài muốn tính tập đoàn. Một trong những điều chủ chốt của sự thay đổi này là giải tập trung vào thể chế và một cách nào đó là “giải giáo quyền hóa”. Vì Bergoglio trung thành với khái niệm Dân Chúa, dựa trên lòng trung tín của giáo dân, sự tinh ý của các con chiên và mơ một sự hội nhập văn hóa sâu đậm của Phúc Âm.
**********************
Đâu là các kỷ niệm cha giữ lại trong lần bầu chọn Đức Phanxicô?
Lúc đó tôi có buổi họp với nhóm Lasalle, ở trung tâm thành phố Buenos Aires, gần trường Salvador. Chúng tôi là nhóm “Amerindia” nghiên cứu thần học và sự giải phóng trong toàn châu Mỹ La Tinh. Ở Argentina, người điều phối lúc bấy giờ là một sư huynh Lasalle. Một vài người xem tin tức trên máy vi tính cá nhân. Họ nói đã có giáo hoàng, nhưng chúng tôi chưa biết ai… Chúng tôi chờ nhưng vì chờ lâu quá nên chúng tôi tiếp tục họp. Khi đài loan báo sắp có tin, chúng tôi lại xem truyền hình. Đầu tiên, chúng tôi chưa biết ai là “Giorgium”, chúng tôi nghe chưa rõ lắm. Nhưng khi Bergoglio xuất hiện ở ban công đền thờ Thánh Phêrô, tôi ngạc nhiên thấy cha không mặc áo quàng ngắn màu đỏ, cũng không mang giây các thánh. Ngài chỉ mang giây này khi ban phép lành.
Tối hôm đó, tôi đặc biệt chú trọng đến hai chuyện: ngài tự giới thiệu mình là giám mục địa phận Rôma và ngài xin giáo dân chúc lành cho mình. Khi chỉ tự cho mình là giám mục địa phận Rôma, ngài muốn nâng cao tinh thần đồng đội và đối thoại với các giáo hội Kitô khác. Chuyện thứ hai quan trọng theo tôi là, ngài xin giáo dân chúc lành cho mình trước khi ngài ban phép lành cho giáo dân. Đối với tôi, đó là thái độ liên kết với thần học dân tộc và với khái niệm của Đức Bergoglio về dân trung tín của Chúa. Tự giới thiệu mình là giám mục địa phận Rôma và xin phép lành của Dân Chúa là hai việc liên quan đến khái niệm thần học, đến Giáo hội học. Trong hai cử chỉ, Đức Phanxicô đã cho thấy rất nhiều quan điểm mục vụ và cách quản trị Giáo hội của mình.
Vài tháng sau khi tôi gặp ngài ở Nhà trọ Thánh Mácta, ngài cho tôi biết là chiều hôm đó ngài không chuẩn bị gì, ngài chỉ tự phát làm những cử chỉ đó. Tôi nghĩ bụng, đó là việc của “Chúa Thánh Thần” làm. Ngay lúc đó, không ai nghĩ gì về đằng sau những hành động này, nhưng đó là cả một nền Giáo hội học. Hành vi này được làm không do đầu óc chỉ bảo, nhưng là của một nền thần học rất sâu đậm. Không cần một soạn thảo nào cả; chỉ đơn giản làm hai hành vi này.
Trên quan điểm cá nhân, cha có ngạc nhiên về việc Đức Phanxicô được bầu chọn không?
Có và không… Điều tôi không mong chờ là số tuổi của ngài. Nhưng tôi biết trong lần bầu chọn Đức Bênêđictô XVI năm 2005, ngài cũng đã có nhiều phiếu. Các nhà Vatican-học cũng đã kể chuyện này. Nhưng tôi cũng biết qua một nguồn tin khác. Một hồng y không phải là người Argentina cũng đã nói và một giám mục bạn từ Argentina với ngài, cũng kể cho tôi. Trong một cuộc đối thoại, hồng y này không để ý đến việc Bergoglio cũng đã có nhiều phiếu và các nhà Vatican-học cũng đã kể các chuyện này đúng như vậy. Vì thế theo tôi, cuộc bầu chọn Đức Phanxicô vẫn có một khả năng. Nhưng vì số tuổi của ngài, tôi nghĩ dù sao thì cũng lấn cấn. Sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, tôi nghĩ các hồng y sẽ lựa người nào trẻ hơn. Nhưng theo tôi, việc bầu chọn ngài không hoàn toàn ngạc nhiên vì năm 2005 ngài đã có một số phiếu khá cao.
Từ khi làm giáo hoàng, ngài có thay đổi nhiều không?
Tôi thấy ngài được Chúa Thánh Thần ở cùng. Đôi khi ngài có vẻ mệt, đúng… Có một lần, tôi dự thánh lễ của ngài ở Nhà nguyện Thánh Mácta. Vào cuối thánh lễ, ngài vui vẻ chào từng người với tấm lòng nhân hậu. Dù ngài lớn tuổi, tôi có cảm tưởng ngài được hồi sinh. Từ khi ngài làm giáo hoàng, tôi gặp ngài hai lần. Ngài tiếp tôi vào một buổi chiều ở Nhà trọ Thánh Mácta. Chúng tôi nói chuyện với nhau một giờ. Lần kia thì sau thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta, ngài mời tôi ăn sáng và chúng tôi lại có dịp nói chuyện với nhau.
Có lẽ cũng hơi tò mò khi hỏi cha đã nói chuyện gì với Đức giáo hoàng?
Tôi kể là tôi đã viết một vài bài với các chủ đề về ngài, mang tính thần học, đặc biệt là “thần học của bình tâm, thần học của quỳ gối” của hồng y Walter Kasper. Ngài nói đùa, hy vọng rằng Phủ Quốc vụ khanh sẽ cho đăng bài của tôi1! Sau đó, người ta gởi cho ngài tờ tạp chí… Và ngài đã nhận. Trước đó, như bà biết đó, cả Đức Bênêđictô XVI cũng không nhận được báo Văn Minh Công Giáo (Civiltà Cattolica). Họ gởi bưu điện đến cho ngài, nhưng ngài không nhận được. Rõ ràng, các tờ báo đã đi lạc… Từ đó, mọi chuyện đã được thu xếp. Bây giờ thì chính thư ký của ngài đưa tận tay cho ngài. Cũng vậy đối với Đức Bênêđictô XVI.
Cha tiếp tục xưng hô thân mật với ngài?
Đương nhiên rồi…
Và cha gọi ngài là “cha Jorge”?
Không, tôi gọi là “Giáo hoàng Phanxicô”.
Ngài vẫn giữ tính chan hòa thân tình với mọi người?
Dĩ nhiên. Ngài vẫn tiếp tục điện thoại cho người thân để chúc sinh nhật họ. Cá nhân tôi, ngài gởi cho tôi một lá thư khi tôi còn ở Argentina. Nhưng trước lá thư này, tôi có một cuộc tiếp xúc nhỏ. Tôi thuộc về một nhóm suy tư về giáo huấn xã hội của Giáo hội. Trong cả châu Mỹ La Tinh, có mạng lưới của các tổ chức, các nhóm, các trung tâm lên chương trình hành động và dạy dỗ… Trước cuộc bầu chọn tân giáo hoàng, chúng tôi – thành viên của nhóm – có sáng kiến gởi tài liệu đến các hồng y. Mỗi người trong chúng tôi gởi cho hồng y trong vòng quen biết của mình. Về phần tôi, tôi gởi cho hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga2 mà tôi rất thân và tôi cũng đã gởi cho Bergoglio. Sau đó, sau cuộc bầu chọn, ngài gởi thư cám ơn tôi, đó là tiếp xúc đầu tiên sau ngày ngài làm giáo hoàng.
Tiếp theo, tôi được vô số các ký giả phỏng vấn. Người đầu tiên là một nữ ký giả Pháp của nhật báo công giáo La Croix. Kế đó là tờ Osservatore Romano và họ đã nhanh chóng đăng vào ngày 2 tháng 4, bài báo có tựa đề: “Bergoglio, học trò của tôi”. Ngài đã đọc và tôi nhận lá thư ngài viết tay cho tôi, có ghi địa chỉ sau phong bì: F., Casa Santa Marta, Roma… Khó có thể đoán ra ai là người gởi. Bây giờ thì dĩ nhiên mọi người đều biết! Khi ấy, tôi nhận thư đó như bất cứ một thư nào khác. Chữ F. có thể là bất cứ ai, nhưng đó là giáo hoàng!
Đức Phanxicô có phản hồi bài viết trên Osservatore Romano không?
Có, ngài cám ơn tôi. Nhưng ngài còn viết: “Cha toàn kể chuyện tốt, không kể chuyện xấu!”
Theo cha, là giáo hoàng, ngài có một chương trình nào không?
Chính Bergoglio đã đưa ra chương trình của mình trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Đó là Tông huấn, một tài liệu thường được công bố sau một thượng hội đồng, nhưng trong trường hợp này, dù Tông huấn dùng lại nội dung của thượng hội đồng rất nhiều, nhưng theo tôi, trước hết đó vẫn là chương trình của Giáo triều Phanxicô. Ngài đề cập trong đó, chẳng hạn về cải cách Giáo triều. Và theo tôi nghĩ, chương trình cải cách Giáo triều này đang tiến hành. Bắt đầu là việc thành lập nhóm hồng y cố vấn. Chỉ có hai hồng y trong số đó là người của Giáo triều; các hồng y khác đến từ các châu lục khác nhau và đại diện cho Giáo hội hoàn vũ.
Còn về Thượng Hội Đồng, Đức Phanxicô cũng đã thay đổi các bộ phận quản lý. Giai đoạn đầu của Thượng Hội Đồng về Gia đình là giai đoạn hỏi ý kiến Dân Chúa qua bản câu hỏi gởi cho các địa phận. Và trước khi hội đồng nhóm họp lần thứ nhì vào tháng 10-2015, một cuộc hỏi ý tín hữu cũng đang được dự trù. Những ai đã tham dự Thượng Hội Đồng vào tháng 10-2014 đều cho biết đã có một sự tự do phát biểu ý kiến rất lớn ở đây, không có một chủ đề nào bị cấm kỵ. Trước đây, trong lòng Giáo hội, có một vài vấn đề không được nêu ra như vấn đề rước lễ của người ly dị rồi tái hôn hay hôn nhân của người đồng tính. Bây giờ, đã có một sự tự do phát biểu hoàn toàn. Mỗi giám mục đều có thể nói lên những gì mình nghĩ. Vì Thượng Hội Đồng kéo dài qua hai kỳ nên nó có thì giờ để được chín muồi. Đức Phanxicô có nói với tôi, ngài muốn lắng nghe tất cả mọi người. Các giám mục phát biểu tự do và họ không ngại giáo hoàng sẽ nghĩ gì về phát biểu của họ.
Ở Buenos Aires, Bergoglio đã đối thoại rất nhiều với người Do Thái và Hồi giáo. Các hành động ngài đã làm khi còn là tổng giám mục bây giờ mang một tầm mức hoàn vũ. Trong chuyến đi Đất Thánh ngài đã ôm hôn giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka và giáo sư Hồi giáo Omar Aboud ở Bức tường Than Khóc. Đó là những cử chỉ nói lên rất nhiều ý nghĩa. Ai sẽ là người đọc Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng? Một vài người… Đa số giáo dân chắc chắn là không rồi. Nhưng ai là người thấy các cử chỉ của giáo hoàng? Tất cả. Ngài đến đảo Lampedusa, nước Ý, nơi có nhiều người Phi châu tị nạn cập bến để cầu nguyện, ngài đến chân tường chia cắt Israel và Palestina, tất cả những cử chỉ này nói lên lời.
Ở Argentina, Bergoglio không mấy trả lời phỏng vấn của báo giới. Bây giờ ở cương vị giáo hoàng, ngài trả lời. Ngài bắt đầu trả lời sau chuyến đi Ngày Giới Trẻ, trên chuyến bay từ Ba Tây về Rôma. Đó là phương cách phúc âm hóa đã tác động đến mọi người. Quyền lực báo chí là quyền lực quan trọng thứ tư. Bergoglio đã đem quyền lực này lên tầm mức hoàn vũ.
Nhưng những người gièm pha chỉ trích ngài ít có quyết định?
Ngài đã có! Và dần dần… Ngài đã thực hiện rất nhiều chuyện, nhất là các vấn đề kinh tế của Vatican, ngân hàng Vatican. Cải cách Giáo triều thì đi chầm chậm. Nhưng ngài cần tham vấn. Trong các hồ sơ ấu dâm, theo con đường của Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra, Đức Phanxicô đã phản ứng rất nhiều. Ngài đã quản thúc cựu sứ thần của Saint Domingue3 tại Vatican. Thượng Hội Đồng về Gia đình đã tiến hành và đã có một bước tiến quan trọng. Đó không phải chỉ là các cử chỉ, đó là thực tế…
 
Đâu là các ưu tiên của Đức Phanxicô?
Cải cách Giáo hội. Nhưng với ý tưởng chủ đạo là làm cho Giáo hội mang tính phúc âm hơn, truyền giáo hơn. Ngài muốn Giáo hội “không tự quy”: Ngài muốn Giáo hội đi ra ngoài để rao giảng Tin Mừng… Trong cương vị giáo hoàng, tôi nghĩ ngài mong muốn nhất là có một Giáo hội truyền giáo.
Ngoài ra, Bergoglio cũng đã tự khẳng định mình là nhà lãnh đạo không hẳn về mặt tôn giáo mà thôi. Ngài cổ động cho hòa bình, ngài đã đọc diễn văn ở nghị trường Âu châu. Ưu tiên của ngài, điều quan trọng đối với ngài, đó là một trật tự quốc tế mới. Ở Trung Đông, ngài thấy vấn đề không phải chỉ với các tín hữu Kitô mà còn với tất cả mọi người, dù là tín hữu hay không… Ở đó tình trạng thật bi đát. Vào cuối Thượng Hội Đồng về Gia đình, ngài đã triệu tập công nghị để nói về tình trạng ở Trung Đông. Khởi đi từ Phúc Âm, Đức Giáo hoàng đã đóng một vai trò xã hội và chính trị. Thế giới thiếu một nhà lãnh đạo; ngài không nghĩ mình sẽ là nhà lãnh đạo, nhưng trên thực tế, ngài đã khẳng định cương vị lãnh đạo này.
Đâu là tầm nhìn về thế giới của ngài?
Bergoglio cho rằng mọi thực tế sẽ được nhìn rõ hơn khi nhìn từ vùng ngoại vi. Khi còn ở Buenos Aires, ngài đã giải thích tầm nhìn của giáo phận sẽ trọn vẹn hơn nếu nhìn từ các khu phố ổ chuột, những khu phố này người Buenos Aires gọi là villas miseria. Không phải là ngài không quan tâm đến giới trí thức, nghệ sĩ hay người giàu, không… Nhưng theo ngài, nếu nhìn từ trung tâm thì cái nhìn sẽ phiếm diện. Sẽ không thấy được vùng ngoại vi. Nếu nhìn khởi đi từ vùng ngoại vi, người ta sẽ thấy tất cả. Ở Buenos Aires, ngài đặt tầm quan trọng đặc biệt cho việc tông đồ ở các khu phố ổ chuột này trên mặt kinh tế, xã hội, hiện sinh. Điều này cho ngài có một nhãn quan về thế giới, một  tầm nhìn về thế giới.
Trong nhiều thế kỷ, các giáo hoàng đều là người Ý. Trước khi bầu chọn Đức Karol Wojtyla ngày 16 tháng 10 năm 1978, giáo hoàng Adrien VI thế kỷ 16 là giáo hoàng cuối cùng không phải người Ý vì ngài là gia sư của vua Charles Quint. Cuộc bầu chọn giáo hoàng Ba Lan là cả một cuộc cách mạng lớn. Nhưng bây giờ lại là một giáo hoàng không phải Âu châu. Đương nhiên cú sốc lại còn lớn hơn nếu ngài không phải là người châu Mỹ La Tinh. Một cách nào đó, người châu Mỹ La Tinh thuộc về vùng ngoại vi Âu châu. Âu châu luôn có ảnh hưởng lớn ở châu Mỹ La Tinh. Tôi nghĩ, Giáo hội chưa sẵn sàng để có một giáo hoàng Phi châu hay Á châu. Đó là vấn đề của chuyển tiếp.
Nhưng dù sao với Đức Phanxicô, đã có một tầm nhìn khác với tầm nhìn của một giáo hoàng Âu châu. Là người châu Mỹ La Tinh, điều này là một lợi thế. Đối với ngài, ngài cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với người Phi Luật Tân hay người Hàn quốc. Là giáo hoàng, Bergoglio đến các vùng ngoại vi. Ở Á châu, trước hết ngài đến Hàn quốc chứ không đến Nhật bản. Ở Âu châu, ngài đến Albania chứ không đến nước Pháp hay nước Đức trước. Và đúng vậy, rất nhiều người không xem người Albania là người Âu châu. Tôi đã đến đó năm 1996, thật khủng khiếp! Đó là một đất nước rất nghèo…
Các quyết định sẽ theo sau?
Ngài đã có nhiều quyết định, các quyết định khác đang được chuẩn bị.
Đức Phanxicô có thể cho phép các hội đồng giám mục có quyền phong chức cho các ông đã lập gia đình không?
Cũng có thể. Tôi nghĩ bây giờ ngài đang lắng nghe tất cả mọi người. Dần dần, đường hướng sẽ sáng ra. Dù sao “cách làm như thế nào” thì cần phải có thời gian.
Bergoglio có thể xem lại thông điệp Sự sống Con người của Đức Phaolô VI và việc cấm dùng thuốc ngừa thai gọi là “giả tạo” không?
Có thể, nếu các giám mục đồng ý và phân biệt các thể loại khác nhau của cái gọi là “giả tạo”. Ngài không muốn tiến hành theo kiểu “áp đặt”. Trong các triều giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI, để được làm giám mục thì phải theo truyền thống. Nếu ai chỉ trích Thông điệp Sự sống Con người thì người đó sẽ không được làm giám mục hay tổng giám mục. Nhưng bây giờ không còn chủ đề nào cấm kỵ, đã có một sự tự do phát biểu.
Đây đó, nhất là ở Âu châu, người ta ngạc nhiên khi thấy Đức giáo hoàng nhấn mạnh đến quỷ. Một khái niệm ít xuất hiện trong các bài diễn văn của các giáo hoàng trước đây. Theo cha, tại sao Đức Bergoglio lại nhấn mạnh đến quỷ như thế?
Tôi nghĩ ngài khiêu khích một chút để gây choáng cho một xã hội chỉ sống trong bầu khí rất thế tục…
Ngài tin có quỷ?
Đúng, nhưng không phải quỷ có sừng! Sự dữ tồn tại, đúng và tôi muốn nói, không phải chỉ sự dữ của loài người. Có một cái gì khác… Von Balthasar hay Paul Ricoeur đã suy nghĩ về điều này, trên sự việc có một cái gì khác hơn là sự dữ của loài người. Nơi triết gia Kant, người siêu lý lẽ, người ta cũng thấy ông đề cập đến chủ đề sự dữ tận căn.
Rốt cuộc thì Đức Phanxicô sẽ đi đến đâu?
Như chúng tôi đã nói, ngài mong có một Giáo hội mang tính phúc âm hơn, truyền giáo hơn, một Giáo hội không tự quy… Tính tập đoàn sẽ trở nên một cái gì rất quan trọng. Điều được phác họa lên là quyền uy về giáo luật của các hội đồng giám mục, chẳng hạn hội nhập văn hóa về phụng vụ, các quyết định sẽ do địa phương đảm nhận, không phải cái gì cũng hỏi Rôma… Tóm lại là giải trừ khỏi trung tâm, như chính Đức Phanxicô đã nói. Bằng cách nào? Điều này tùy thuộc các lời khuyên ngài sẽ nhận và cách Giáo hội phản ứng. Tôi nghĩ đa số giáo dân sẽ theo chương trình này, dù có một thiểu số ở Mỹ xem Đức Phanxicô như người cộng sản. Đối với các giám mục, thì cần phải xem thêm. Theo quan điểm của tôi, họ chưa trả lời đủ với những gì Đức Phanxicô yêu cầu. Tôi nghĩ sự tự do phát biểu trong Thượng Hội Đồng sẽ có một tác động không những trên hội nghị nhưng còn trên các giám mục. Khi trở về địa phận của mình, họ sẽ cổ động một phong cách khác, một lối cư xử khác với giáo dân địa phương. Ở châu Mỹ La Tinh, tôi thấy giáo dân nhiệt thành với Đức Phanxicô hơn hàng giáo sĩ.
Nhưng ngài có thì giờ để tiến hành các cải cách của mình không?
Dĩ nhiên… Nhưng chính các chủ tịch hội đồng giám mục địa phương mới là người thúc đẩy mọi chuyện. Với Thượng Hội Đồng ngoại thường tháng 10 năm 2015, mỗi hội đồng giám mục phải chọn ra các đại diện của mình, một bản câu hỏi khác đã được gởi đến giáo dân. Với sự tham khảo này, có những hội đồng giám mục rất tích cực, có những hội đồng khác thì không. Tổ chức hai Thượng Hội Đồng cách nhau một năm là cách tổ chức rất khéo léo, họ có một năm để thảo luận. Một vài hội đồng đã có công bố, một vài hội đồng khác đã trả lời. Điều đã được thực hiện không phải là quyền lực nhưng là tiến trình trong thời gian và sẽ có tác động dài hạn. Một mình giáo hoàng không thể làm gì được.
Tất cả các giám mục ngày nay đều được phong dưới thời của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Họ sẽ không đồng ý với những thay đổi này?
Đương nhiên. Nhưng các giám mục cũng có thể thay đổi! Đó là điều đã xảy ra với chân phước giám mục Romero4. Rất nhiều người nói có một bầu khí rất mục vụ trong Thượng Hội Đồng này. Giám mục là một mục tử. Nếu họ gặp khó khăn với một vấn đề nào, họ có thể bắt đầu suy nghĩ một cách khác. Và nếu họ cảm thấy được tự do, họ sẽ phát biểu. Bergoglio đã tạo ra một động năng làm người ta thay đổi. Nhưng không phải tất cả… Nhưng nếu đa số thay đổi cách suy nghĩ, và nếu họ cảm thấy Đức Giáo hoàng đi trong chiều hướng này, và nếu họ cảm thấy được xác nhận, mọi sự có thể tiến tới.
Hội đồng Giám mục Ý đã đặt ra những nguyên tắc không lay chuyển. Các giám mục đã dùng hết sức mình để bảo vệ những vấn đề mà theo quan điểm của họ là không lay chuyển được, như việc phá thai hay hôn nhân của người đồng tính. Tất cả sức lực của họ hướng về chuyện này thay vì hướng về Phúc Âm! Về phần mình, Bergoglio nói những chuyện này đương nhiên là quan trọng nhưng không phải đó là điều thiết yếu của Phúc Âm. Những não trạng thay đổi. Và nếu những não trạng thay đổi thì con người sẽ thay đổi thái độ. Và đó là điều mà Đức Giáo hoàng đang tiến hành. Tôi không phải là ngôn sứ nhưng tôi nghĩ con người có thể thay đổi theo tiến trình sự việc. Bergoglio có một đường hướng chính trị đích thực, không phải theo nghĩa chính trị thường. Nhưng ngài luôn biết cai trị và đưa đến một sự đồng thuận chung.
Ngài thích như vậy?
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ngài như vậy.
Cha lạc quan?
Đúng, tôi lạc quan. Điều này đến từ Chúa. Tôi nghĩ đến sự can thiệp của Gamaliel ở Hội đồng Công tọa Giêrusalem mà các tông đồ phải đối diện. Sau sự can thiệp của Gamaliel, Hội đồng Công tọa không thể chống lại họ. Nếu sự gì từ con người thì nó sẽ tự kết thúc một mình nó. Nếu sự gì thuộc về Chúa, nó sẽ được thực hiện. Và tôi nghĩ sự cải cách Giáo hội do Đức Phanxicô tiến hành đến từ Chúa. Tôi rất tin tưởng. Đó là công việc của Thần Khí.

Chương 5: Phanxicô, nhà cải cách hay viễn cảnh của một triều giáo hoàng

1 – Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015, cha đã luân phiên sống ở Buenos Aires và Rôma, cha được tờ báo uy tín của Dòng Tên Ý Civiltà Cattolica mời cộng tác, tờ báo được sáng lập từ thế kỷ 19. Theo truyền thống, trước khi đăng, các bài báo được Phủ Quốc vụ khanh đọc và chuẩn phê.

2 – Hồng y Tổng Giám mục địa phận Tegucigalpa của Honduras, là nhân vật chính của triều Bergoglio, thành viên và điều hợp viên của Hội đồng Hồng y, được Đức Phanxicô chỉ định để tham dự trong việc cải cách Giáo triều.

3 – Joseph Weslowski bị cắt chức vào tháng 8-2013. Cuộc điều tra hình sự đang tiến hành về các cáo buộc tội ấu dâm.

4 – Oscar Romero, Tổng Giám mục San Salvador bị ám sát chết năm 1980. Án phong thánh đang tiến hành trong thời điểm quyển sách này được viết, bây giờ ngài đã được phong thánh. Là người bảo thủ, ngài đã rất xúc động sau cái chết của một linh mục trong địa phận của mình, ngài đã trở thành người bảo vệ nhiệt thành cho nhân quyền và tố cáo các tội ác của quân đội nước mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét