Trang

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

ĐH GL TQ lần V - Thuyết trình 2: ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN, CON NGƯỜI CỦA HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V - Thuyết trình 2: ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN, CON NGƯỜI CỦA HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA






Kính thưa
Quí Cha, quí Tu sĩ nam nữ và quí Anh chị,
Đề tài của bài trình bày này là “Đào tạo Giáo lý viên, con người của hiệp thông với Thiên Chúa”. Để cho có nguồn, có ngọn, đề tài đòi phải có những suy tư thần học cho thấy nền tảng và bản tính của sự hiệp thông với Thiên Chúa để sau đó đề nghị những hướng đi cho việc đón nhận và sống hiệp thông với Thiên Chúa. Do đó, đề tài sẽ có hai đề mục chính:
-          Nền tảng thần học và đặc tính của sự hiệp thông với Thiên Chúa
-          Đường dẫn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa
I.  NỀN TẢNG THẦN HỌC VÀ ĐẶC TÍNH CỦA SỰ HIỆP THÔNG CỦA GIÁO LÝ VIÊN VỚI THIÊN CHÚA
Khi nói đến sự hiệp thông giữa người với người xem ra không có vấn đề, nhưng nói đến sự hiệp thông của giáo lý viên là con người thụ tạo với Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, chúng ta đứng trước một khó khăn căn bản là sự khác biệt về bản tính. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu giáo lý viên có thể hiệp thông với Thiên Chúa không?
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta đi thẳng vào giáo huấn của Giáo Hội và chúng ta có thể trích dẫn một số văn kiện sau đây:
-         Công đồng Vaticanô II: Hiến chế về Mạc Khải “Dei Verbum” (1965); hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới “Gaudium et Spes” (1965);
-         ĐTC Phaolô VI: Tông huấn về việc rao giảng Phúc Âm trong thế giới hôm nay “Evangelii Nuntiandi” (1975);
-         ĐTC Gioan Phaolô II: Sách “Giáo lý Giáo hội Công Giáo” (1992);
-         Bộ Giáo Sĩ: “Hướng dẫn Tổng quát việc dạy Giáo lý” (1997);
-         HĐGMVN: “Hướng dẫn Tổng quát việc dạy Giáo lý tại Việt Nam” (2017).
a)   Hiến chế về Mạc Khải “Dei Verbum”
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Eph 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Eph 2,18; 2P 1,4). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (x. Col 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Zac 33,11; Ga 15,14-15). Ngài đối thoại với họ (x. Bar 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (DV 2);
“Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải để bày tỏ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến phần rỗi nhân loại, nghĩa là cho họ được tham dự vào các ân thiêng hoàn toàn vượt khỏi trí khôn loài người” (DV 6).
b)   Hiến chế mục vụ “Gaudium et Spes”
“Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng ‘theo hình ảnh của Thiên Chúa’ có khả năng nhận biết và yêu mến Ðấng tạo dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và xử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa.ˮ (GS 12).
c)    Tông huấn về việc Rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay “Evangelii Nuntiandi”
“Một phương thức không được coi thường trong việc loan báo Tin Mừng là việc dạy giáo lý. Đây là việc trình bày Đức Tin có hệ thống trong những yếu tố nền tảng, nội dung sống động của chân lý mà Thiên Chúa đã muốn truyền đạt cho chúng ta và Giáo Hội đã cố gắng trình bày cách phong phú qua hành trình lịch sử. Nhiệm vụ của việc dạy giáo lý là tạo ra được một phong tục, một nếp sống kitô, chứ không phải chỉ là dạy cho biết những giáo điều trừu tượng. Dẫn đưa giới trẻ cũng như người lớn đến chỗ khám phá ra được khuôn mặt của Chúa Kitô và cảm thấy nhu cầu phải dâng hiến chính mình cho Chúa.” (EN 44).
d)   Sách “Giáo lý Giáo hội Công Giáo”
“Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm. Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa : thực thế, sở dĩ con người hiện hữu là do Thiên Chúa đã vì yêu thương mà tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; và con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác đời mình cho Đấng tạo dựng mình (GS 19,1).” (GLGHCG 27).
e)    “Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo Lý”
“Loài người, bởi chính bản tính và ơn gọi, có khả năng đón nhận Thiên Chúa, khi lắng nghe từ các thụ tạo, có thể biết chắc chắn là Thiên Chúa hiện hữu và là căn nguyên và cùng đích của tất cả mọi loài và Ngài có thể mạc khải chính mình cho con người. Hiến chế ‘Lời Chúa’ (Dei Verbum) của Công đồng Vaticanô II trình bày sự Mạc Khải như một hành động qua đó Thiên Chúa mạc khải chính mình cho con người. Thực vậy, Thiên Chúa mạc khải mình như Đấng muốn thông truyền chính mình, đồng thời ban cho loài người khả năng tham dự vào bản tính thần linh của Ngài. Bằng cách đó, Ngài thực hiện dự tính tình yêu của Ngài. Trong lòng nhân từ và sự không ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và làm tỏ lộ ý định của Ngài… để mời gọi loài người và đón nhận họ vào sống hiệp thông với mình.” (HDTQ 36).
“Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là dẫn đưa một người không những chỉ tiếp xúc, mà còn có tương quan hiệp thông, thân thiết với Chủa Kitô”. (HDTQ 80).
f)     “Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo Lý tại Việt Nam”
“Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với nhân loại” (HDGLVN 39).
Qua những đoạn trích dẫn từ các văn kiện của Giáo Hội trên đây, chúng ta có thể xác quyết là giáo lý viên, dù chỉ là một con người thụ tạo, vẫn có thể đón nhận Thiên Chúa trong mối tương quan hiệp thông. Từ câu kết luận căn bản này, chúng ta còn phải khai triển thêm hai khía cạnh: nền tảng của khả năng hiệp thông với Thiên Chúa và đặc tính của mối tương quan hiệp thông này.
1.    Nền tảng khả năng sống tương quan hiệp thông với Thiên Chúa
Khả năng sống hiệp thông với Thiên Chúa phát xuất từ chính bản tính loài người do Thiên Chúa tạo dựng nên. Do đó, tương quan hiệp thông với Thiên Chúa không phải là một ân huệ được ban thêm, nhưng đã được Thiên Chúa đặt để ngay trong chính cơ cấu làm người của mỗi người giáo lý viên.
Tuy nhiên, sống hiệp thông không phải chỉ là một khả năng, mà còn là một khao khát thẳm sâu của lòng người vì nguồn mạch của khả năng hiệp thông là tình yêu của Thiên Chúa là “Đấng muốn thông truyền chính mình… (Ngài) mời gọi loài người và đón nhận họ vào sống hiệp thông với mình” (HDTQ 36); “Ngài đối thoại với họ (x. Bar 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (DV 2). Vì vậy, ngay cả “niềm khao khát Thiên Chúa (cũng) được ghi khắc trong trái tim con người bởi vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm.” (GLGHCG 27). Trong luồng tư tưởng này, chúng ta không thể không nhắc đến diễn tả thời danh của thánh Augustinô trong cuốn “Tự thuật” của ngài: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con mãi mãi khắc khoải khi chưa được nghỉ ngơi trong Chúa”.
Đối với giáo lý viên, lòng khao khát hiệp thông với Chúa còn có thêm một nguồn thứ hai là chính việc dạy giáo lý của mỗi giáo lý viên. Theo cuốn “Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo Lý tại Việt Nam” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với nhân loại” (HDGLVN 39). Đi ngược dòng thời gian, vào năm 1975, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” của ĐTC Phaolô VI, đã chỉ ra 3 công tác của việc dạy giáo lý là (1) Trình bày Đức Tin có hệ thống trong những yếu tố nền tảng; (2) Tạo ra được một nếp sống và những phong tục diễn tả Đức Tin đã được chấp nhận; (3) Giúp những người thụ huấn gặp gỡ và sống thân tình mật thiết với Chúa Kitô. Như vậy, chính công tác dạy giáo lý đòi hỏi giáo lý viên phải là người sống hiệp thông với Chúa để có thể dẫn đưa người học giáo lý đi vào tương quan hiệp thông với Chúa.
Chính nhờ hai lý do trên đây, giáo lý viên phải là “người của hiệp thông với Thiên Chúa”. Hiệp thông trở thành một trong những yếu tố cấu tạo nên con người giáo lý viên.
2.    Đặc tính của tương quan hiệp thông với Thiên Chúa
Văn kiện Thượng Hội đồng Giám mục 1985, kỷ niệm 20 năm ngày kết thúc Công đồng Vaticanô II lấy “Hiệp thông” làm chủ đề nền tảng và định nghĩa Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông.
Ý niệm “hiệp thông” (khabar - koinonia) chảy dọc dài xuyên qua Cựu Ước, Tân Ước, Thời các Thánh Giáo phụ, Thời Trung cổ và nhất là Công đồng Vaticanô và thời hiện đại. Do đó, ý niệm “hiệp thông” rất phong phú gồm nhiều khía cạnh bổ túc lẫn nhau. Ở đây, chúng ta chỉ kê ra vài yếu tố cần thiết để xác định đặc tính của mối tương quan giữa giáo lý viên và Thiên Chúa. Đó là: tham dự, kết hiệp, thuộc về, chung nguồn sống.
Dựa trên những phần trích dẫn các văn kiện của Giáo Hội trên đây, sự hiệp thông của giáo lý viên với Thiên Chúa có những ý nghĩa sau đây:
-         Đón nhận và trao ban, dâng hiến: yếu tố hiệp thông này đòi phải biết quên mình, thuận theo ý Chúa, chịu thiệt thòi vì Chúa.
-         Tham dự bản tính thần linh của Thiên Chúa: đặc tính này dẫn đến một hành trình biến đổi tất cả con người về mọi khía cạnh được diễn tả đặc biêt qua ba cơ năng chính yếu của đời sống: ý tưởng, tình cảm và ý chí.
-         Phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng cùa Chúa: trong mọi hoàn cảnh luôn sống trong an bình vì biết mình được Chúa thương yêu.
-         Hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô là yếu tố mấu chốt nhờ đó, con người có thể sống hiệp thông với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với tha nhân, bao gồm cả nhân loại.
II.    ĐƯỜNG DẪN VÀO SỰ HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức, “thuyết trình viên (cần) cống hiến cho các nhà đào tạo đường hướng và những chỉ dẫn cụ thể trong việc giúp giáo lý viên có được đời sống nội tâm sâu xa, cách riêng qua việc đón nhận Lời Chúa và lãnh nhận các Bí tích.” Do đó, từ những suy tư về nền tảng của sự hiệp thông với Thiên Chúa, chúng ta chuyển sang những suy tư về việc sống sự hiệp thông đó, hay nói theo từ ngữ chuyên môn, thì nói là từ suy tư thần học chúng ta chuyển sang suy tư tu đức.
1.    Hành trình tiến vào sự hiệp thông với Thiên Chúa
Mặc dù được tạo dựng với khả năng và lòng khao khát sống hiệp thông với Thiên Chúa, việc sống hiệp thông với Ngài không phải là việc dễ dàng, vì những giới hạn của con người và nhất là vì những hậu quả của tội nguyên tổ. Theo Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, “lý trí con người nhờ sức lực và ánh sáng tự nhiên của mình,có thể nhận biết cách xác thật và chắc chắn về một Thiên Chúa hữu ngã, Đấng bảo vệ và điều khiển thế giới bằng sự quan phòng, cũng như về luật tự nhiên mà Đấng Sáng tạo đã đặt trong tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản lý trí vận dụng hữu hiệu năng lực tự nhiên của nó.Vì những chân lý liên quan đến Thiên Chúa và loài người vượt hẳn lãnh vực khả giác, lại đòi hỏi con người phải xả thân và quên mình khi muốn hành động và sống theo chân lý đó. Để nắm bắt những chân lý như thế, tinh thần con người phải chịu nhiều khó khăn do giác quan và trí tưởng tượng, cũng như những ham muốn xấu xa do nguyên tội gây nên. Vì thế, trong những lãnh vực đó, những điều mà con người không muốn là có thật, thì họ dễ dàng tự thuyết phục mình rằng chúng chỉ là điều dối trá hay mơ hồ” (GLGHCG 37).
Trong thực tại cụ thể đó của con người, các thánh bậc thầy dẫn đàng thiêng liêng đã chỉ ra một hành trình vướt qua ba cửa ải một người muốn đi vào tương quan hiệp thông với Thiên Chúa phải miệt mài dấn thân vượt qua và tiến bước:
a) Cởi trói (via purgativa)
·       Nói theo hình ảnh ơn gọi của các môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20): bỏ thuyền và chài lưới (những gì thiết yếu cho cuộc sống); bỏ cha (cảm tình và liên lạc thân tình và thiết yếu nhất); bỏ những người làm công (những con người, tài trí, trợ vật chất).
·       Nói theo cơ cấu tâm lý của con người, thì có 3 thứ trói buộc con người và đó chính là điều cần phải cởi: ý tưởng, cảm tình, ý chí, nói tắt là ý, tình, chí.
·       Trong nỗ lực cởi trói có ba điều cần chú ý đặc biệt:
- Phải cởi bỏ tất cả, không những điều lớn mà cả điều nhỏ. “Bất kể đó là giây thừng hay sợi chỉ, nếu hai chân bị buộc thì con chim không thể bay bổng lên cõi không trung mênh mông được” (Thánh Gioan Thánh Giá).
- Thành thật với lòng mình để gọi mỗi thứ với tên của nó.
- Cả những điều tốt cũng có thể trở thành cái cũi nhốt con người khi nó được coi như tuyệt đối hay được đồng hóa với chính mình. Vì vậy, phải làm cho lòng mình thanh thản trước tất cả, không những điều xấu mà cả điều tốt. Xem ra có vẻ kỳ cục, nhưng đó lại là điều Chúa đòi hỏi nơi môn đệ của Ngài: “Ai muốn theo tai mà không ghét bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ ta được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo ta, thì không thể làm môn đệ ta được” (Lc 14,26-27).
Nếu không chịu vất đi, thì lại mất, nhưng nếu chịu vất đi, lại không mất, mà giữ được và giữ được cách trung thực (Mt 10,39; Mt 16,25; Mc 8,35; Lc 9,24; Lc 17,33; Ga 12,25). Nói cho cùng thì không phải thực tại xấu, nhưng vì lòng người thoái hoá nên làm hư thực tại.
b) Mở mắt mà nhìn (via illuminitiva)
Phải biết mở mắt và biết nhìn. Cửa ải đầu tiên là cởi trói nhắm mục đích mở mắt. Cởi trói, từ bỏ hay thanh tẩy cũng là một và nhắm đến việc làm cho lòng mình được thanh thoát thênh thang để có thể đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có khác chi một người đeo cả chục cái kiếng cận và đủ loại màu sắc làm cho loạn mắt. Từ từ vứt bỏ được hết các thứ kiếng đủ mầu thì đôi mắt được tự do mở rộng để đón nhận ánh sáng mặt trời, nhờ đó có thể chiêm ngắm và thưởng thức vẻ đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên vạn vật.
Mở mắt rồi còn phải biết nhìn nữa. Cách nhìn đây là nhìn theo kiểu của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ theo trí thức và tình cảm nhân loại. Khi Chúa nói về cuộc tử nạn của Chúa, môn đệ Phêrô đã ngăn cản Chúa thì Chúa trách Phêrô: “Satan, hãy lui lại sau Ta, vì anh không suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên Chúa, mà theo tư tưởng của loài người” (Mc 8,31-33). Môn đệ Phêrô có lòng yêu mến thấy mình, và cũng có lý, nhưng bị Chúa quở trách vì không suy nghĩ theo kiểu của Thiên Chúa, mà theo kiểu của loài người.
 c) Hiệp nhất (via unitiva)
Nói đến hiệp nhất là nói đến tình yêu và nói đến tình yêu là nói đến sức sống làm vươn ra khỏi chính mình để tìm hiểu Chúa, để thấm nhuần tinh thần của Chúa đến độ đồng hóa với Ngài và để dâng hiến, làm những gì Chúa muốn. Giây phút hiệp nhất sâu sa nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là giây phút trong vườn Cây Dầu và trên Thánh Giá.
Không lạ chi, khi Chúa muốn trao cho thánh Phêrô sứ mệnh dẫn dắt Giáo Hội, Chúa chỉ hỏi: “Phêrô, con có yêu Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15-19). Chúa không hỏi xem thánh Phêrô có bao nhiêu bằng cấp, có chương trình gì, sẽ dùng phương pháp nào và có các phương tiện, dụng cụ tân thời không, nhưng Chúa hỏi thánh Phêrô có yêu Chúa thực sự không.
Điểm đặc trưng nhất của tất cả mầu nhiệm ơn cứu chuộc là tình yêu. Vì tình yêu, Thiên Chúa Cha đã ban Con Một mình cho nhân loại (Ga 3,16); vì tình yêu, Chúa Giêsu đã vâng ý Chúa Cha xuống thế làm người, chịu cực hình và chịu chết.
Tình yêu thì bù đắp. Vì vậy, tình yêu tuy đại đồng, luôn để ý đặc biệt đến những người yếu kém. Tuy nhiên, có một thứ tình yêu rất đặc biệt của Chúa Giêsu. Đó là tình yêu cứu độ: tình yêu đối với những người tội lỗi.
2.    Hiệp thông qua đời cầu nguyện
Trong đời sống Đức Tin, người kitô hữu làm nhiều việc gọi là cầu nguyện: dự lễ, lần hạt Mân Côi, tĩnh tâm, xưng tội… Đó là một số các hình thức cầu nguyện mà để hiểu rõ ý nghĩa, cần phải đọc câu định nghĩa của sách Giáo Lý GHCG như sau: “Việc cầu nguyện kitô giáo là một tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Chúa Kitô” (GLGHCG 2564). Đây chính là tương quan hiệp thông đang được nói đến, cũng chính là tương quan tình yêu giao ước.
Như vậy, cầu nguyện chính là đời sống Đức Tin diễn tả như tương quan hiệp thông với Thiên Chúa, như suối nguồn để biến các tương quan với Giáo Hội và với mọi người thành tương quan hiệp thông.

a)   Điểm cốt yếu và đòi hỏi căn bản của đời cầu nguyện
Nhìn cầu nguyện như mối “tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Chúa Kitô” thì cốt tủy của cầu nguyện là tình yêu và là Tình Yêu Giao Ước. Trong các mối tương quan tình yêu, nhất là tình yêu sâu đậm thì nhu cầu đầu tiên và cần thiết nhất là làm những gì người mình thương yêu ưa thích. Vì thế, đòi hỏi căn bản của cầu nguyện là tìm biết và làm theo ý Chúa.

b)  Những diễn tả của cầu nguyện, Tình Yêu Giao Ước
Trong các kinh nghiệm tình nghĩa loài người, có thể lấy những kinh nghiệm tình yêu vợ chồng để giải thích Tình Yêu Giao Ước với Thiên Chúa.

TÌNH YÊU VỢ CHỒNG

CẦU NGUYỆN, TÌNH YÊU GIAO ƯỚC
1.     Hiện diện: nhớ nhau, nghĩ đến nhau ngày đêm. Hình ảnh của người yêu là
-    Sức mạnh nâng đỡ
-    Nguồn gợi hứng
-    Sức mạnh chi phối
T
Ì
N
H

1.     Cầu nguyện liên lỉ, làm mọi sự dưới ánh sáng của sự hiện diện của Chúa. Chúa là:
-    Sức mạnh nâng đỡ
-    Nguồn gợi hứng
-    Sức mạnh chi phối
2.     Gặp gỡ và trò truyện
-    Khen ngợi, nói lên lòng quí mến, cảm phục
-    Cám ơn
-    Xin giúp đỡ
-    Xin lỗi, làm hòa
-    Trò truyện, trao đổi, chia sẻ tâm tư để hiểu nhau, hiệp thông với nhau
Y
Ê
U

G
I
A
O
2.     Giờ kinh nguyện
-    Ngợi khen, thờ lạy Chúa

-    Tạ ơn Chúa
-    Xin ơn
-    Xin ơn tha tội
-    Suy gẫm
Tất cả những yếu tố trên được thực hiện qua việc suy niệm Lời Chúa và đời sống Bí tích
3.     Ở bên nhau
Diễn tả sự dâng hiến chính mình, không bằng lời nói mà bằng sự hiện diện
Ư
C
3. Chiêm niệm
Hiện diện, hiệp nhất, dâng hiến
 
c)   Huấn luyện đời sống cầu nguyện để sống hiệp thông với Chúa
-        Hiểu rõ ý nghĩa và những yếu tố căn bản của cầu nguyện và tầm mức quan trọng trong đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân.
-        Huấn luyện khả năng “đối thoại nội tâm”.
-        Lấy việc tìm kiếm và làm theo ý Chúa là chương trình sống.
-        Uốn nắn con người: thắng lướt những trở ngại (cá nhân, tập thể, văn hóa), luyện tập những tâm tư, thái độ, thân xác thích hợp với sự cầu nguyện (huấn luyện tâm trí, tập tinh thần thinh lặng, tập làm chủ các bản năng, tình cảm…
-        Giải đáp một số vấn nạn thường gặp trong đời sống cầu nguyện, chẳng hạn: Làm sao cầu nguyện khi có quá nhiều chia trí?

d)  Một vài cách thức cầu nguyện trợ giúp cho sự yếu đuối của bản tính nhân loại
i.      Tâm nguyện (Jesus Prayer, The Prayer of the Heart)
-        Ngồi thinh lặng, trong Đức Tin, biết là Chúa hiện diện và thương yêu
-        Thở đều, chậm, sâu
-        Lặp đi lặp lặp lại lời “tâm nguyện”: "Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con tội lỗi". Cũng có thể đổi một câu tâm nguyện khác, chẳng hạn: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”; “Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết tất cả, Chúa biết con yêu Chúa”; “Lạy Chúa Giêsu, này con đây”. Lặp lặp lại với đức tin và lòng mến. Nếu chia trí, chỉ cần để chú ý lại và theo ý nghĩa câu tậm nguyện.
Cách thức cầu nguyện này giúp cho đời cầu nguyện trong nấc I và nấc III của Tình Yêu Giao Ước.
ii.      Chú mục (Mandala)
-        Ngồi thinh lặng
-        Thở đều, chậm, sâu
-        Chiêm ngắm Nhà Tạm hay Chúa Giêsu trên Thánh Giá và trong Đức Tin, biết là Chúa đang hiện diện và thương yêu
Cách thức cầu nguyện này giúp cho đời cầu nguyện trong nấc III của tình yêu giao ước.
iii.      Suy niệm riêng tư Lời Chúa (Lectio Divina)
-        Kêu xin Chúa Thánh Thần
-        Đọc Lời Chúa: lắng nghe. Điều kiện căn bản ở đây là sự tự do nội tâm và tâm tình sẵn sàng.
-        Suy ngắm Lời Chúa: đọc đi đọc lại nhiều lần bản sách Thánh và suy niệm để hiểu sứ điệp của Chúa cho chính mình trong ơn gọi và trách nhiệm của mình.
-        Cầu nguyện: đáp lại lời mời gọi của Chúa đã hiểu được.
-        Chiêm niệm: yên nghỉ trong Chúa đang hiện diện và thương yêu.
-        Lấy ánh sáng Lời Chúa đã suy niệm áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Cách thức cầu nguyện này giúp cho đời cầu nguyện trong nấc II của tình yêu giao ước
iv.      Suy niệm Lời Chúa trong nhóm nhỏ (Collatio)
* Diễn tiến giờ suy niệm
1.    Bắt đầu: làm dấu Thánh Giá
2.    Một người đã được chỉ định đọc bản Kinh Thánh đã được chọn trước
3.    Người hướng dẫn đọc những gợi ý cho việc suy niệm (đã được dọn trước)
4.    Một người khác đọc lại bản Kinh Thánh
5.    Sau ít phút suy niệm trong thinh lặng, mỗi người có thể nói lên chữ hay câu trong đoạn Kinh Thánh thấy được soi sáng và giải thích thêm những gì đã soi sáng cho mình.
6.    Mỗi người dâng một lời kinh cầu nguyện cho nhóm, hoặc cho một nhu cầu trong Giáo Hội và thế giới.
7.    Kết thúc bằng kinh Lạy Cha. Sau kinh Lạy Cha cũng có thể hát một bài kính Đức Mẹ.
* Điều kiện thiêng liêng
-   Thành tâm tìm kiếm ý Chúa cho cuộc sống mỗi người và của cộng đoàn
-   Tinh thần đơn sơ và khiêm nhượng trong việc chia sẻ để tránh cám dỗ “tỏ ra thông minh”, dạy bảo hay chỉ trích
-   Tình yêu chân thành đối với anh chị em dẫn đến chia sẻ vật chất cũng như tinh thần.
-   Tinh thần tự do trong việc chia sẻ: không cần phải nói nếu không có gì để chia sẻ.
Cách thức cầu nguyện này giúp cho đời cầu nguyện trong nấc II của tình yêu giao ước và xây đắp cộng đoàn giáo ước.
Tất cả cách thức cầu nguyện trên đây rất quan trọng, nhưng chúng sẽ chỉ là nhưng cành cây khô cằn, nếu không giữ được sống động trong tâm hồn lòng khao khát Chúa để có thể nói như thánh Augustinô: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con mãi mãi khắc khoải khi chưa được nghỉ ngơi trong Chúa”.

III.    CÂU HỎI ĐỂ SUY TƯ RIÊNG VÀ CHIA SẺ TRONG NHÓM
1.    Trong sứ vụ dạy giáo lý, Bạn có nghĩ đến việc dẫn đưa học viên gặp gỡ Chúa và đi vào tương quan hiệp thông với Ngài hay chỉ dạy những ý niệm và qui luật Đức Tin?
2.    Trong đời sống, Bạn có coi trọng việc tìm kiếm và thực hiện ý Chúa và trong sứ vụ dạy giáo lý, Bạn có ao ước giúp các học viên tìm kiếm và làm theo ý Chúa không?
3.    Đã có bao giờ bạn suy gẫm và chiệm niệm chưa?
4.    Bạn có muốn tập đọc lời nguyện tắt để giữ Chúa hiện diện trong cuộc đời của Bạn không?

Tác giả: + Giuse Đinh Đức Đạo
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét