Trang

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Sau các buổi trao đổi với Đức Phanxicô, học giả Dominique Wolton trả lời độc giả báo Thập giá


Sau các buổi trao đổi với Đức Phanxicô, học giả Dominique Wolton trả lời độc giả báo Thập giá

la-croix.com, Gauthier Vaillant, 2017-09-06
Tác giả quyển sách phỏng vấn với Đức Phanxicô Chính trị và Xã hội phát hành ngày 6 tháng 9, nhà xã hội học đã trả lời các câu hỏi của độc giả báo Thập giá
Báo Thập giá: (Câu hỏi của Dominique) Ý tưởng nảy sinh quyển sách này như thế nào? Theo ông, vì sao Đức Phanxicô đã chọn ông?
Dominique Wolton: Tôi quan tâm bởi việc, đây là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên và cuối cùng là giáo hoàng của thời đại toàn cầu hóa. Nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên qua thành công truyền thông chính trị của ngài.
Trước hết là giai đoạn đơn độc, tôi tự xây bố cục quyển sách một mình. Tôi gởi cho ngài lý lịch và gởi thư xin phỏng vấn. Tôi nhận thư trả lời của Vatican ấn định ngày đó, giờ đó cho buổi hẹn. Mới đầu tôi tưởng, nếu Vatican cho tôi buổi hẹn đầu tiên là để bàn thảo về dự thảo. Nhưng sau đó tôi hiểu, nếu Vatican cho tôi cuộc hẹn là Đức Giáo hoàng đã đồng ý và đó là buổi nói chuyện đầu tiên ngay lập tức. Chuyện bắt đầu là như thế.
Tôi nghĩ ngài nhận lời tôi đề nghị vì tôi là một nhà khoa học, một người thế tục bên ngoài thế giới tôn giáo, thêm nữa tôi là người Pháp. Ngài lại thấy trên lý lịch tôi không phải là người chuộng hình thức, tôi đã viết rất nhiều, và điều này làm ngài hài lòng về mặt tri thức. Và tôi nghĩ, sau đó lựa chọn của ngài được khẳng định qua gặp gỡ giữa con người và con người, với các điểm chung cũng như các điểm bất đồng của chúng tôi… Tôi nghĩ ngài thích sự tự do trong cách trao đổi của chúng tôi.
Câu hỏi của Mo Giroux: Buổi phỏng vấn trong thứ tiếng nào?
Tôi đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp, vì ngài nói tiếng Pháp một chút, nhưng ngài hiểu rất rõ. Ngài trả lời bằng tiếng Ý và tôi có người thông dịch.
Câu hỏi của Louis: Vì sao ngài không đến nước Pháp? Ông có hỏi ngài không?
Đương nhiên chúng tôi có nói chuyện này. Trên thế giới ngài xem có những nơi mọi chuyện ít nhiều đã tốt và ít cần đến ngài. Ông nhìn các nơi ngài đi: ngài luôn đi đến các nước nhỏ, những nước có các vấn đề trầm trọng. Lúc này ngài đang đi Colombia và sắp tới là Bangladesh… Ngài không theo thứ trật cổ điển của Giáo hội, muốn ngài đến thăm “trưởng nữ của Giáo hội”. Chắc chắn ngài sẽ đi vì ngài rất thích Âu châu, dù ngài cho Âu châu là “bà già”… 
Câu hỏi của Marcel Maizy: Đức Giáo hoàng có ý thức các lo lắng của một số người công giáo Pháp về hồi giáo không? Và nếu có, ngài trả lời như thế nào về các nỗi sợ này?
Có, và ngài trả lời hai chuyện. Trước hết, sẽ có một ngày hồi giáo phải làm như người công giáo đã làm, là phải học chú giải các bản văn trong tinh thần phê phán. Thứ hai, ngài nói phải tôn trọng người hồi giáo, và không nói đến sự “xâm nhập”, vv. Ngài luôn nghĩ phải xây cầu, không được nói đến người hồi giáo như kẻ thù của người công giáo. Đối với ngài, đối thoại với người hồi giáo cũng quan trọng như đại kết.
Câu hỏi của Nathalie và Christian Mignonat: Đức Giáo hoàng có ý thức đến sự chống đối về việc cho người ly dị tái hôn rước lễ mà ngài khuyên trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương không?
Ngài có ý thức. Ngài nói phải cần thời gian. Theo ngài, đây không phải là vấn đề cơ bản. Nếu phải mô tả thứ trật đạo đức của ngài thì dưới mắt ngài, các vấn đề tình dục sẽ ít quan trọng hơn. Quan trọng dưới mắt ngài là đạo đức giả, tham nhũng, chủ trương độc tài, những chuyện làm tâm hồn con người đồi bại. Theo ngài, đó mới đúng là tai ương. Cũng theo ngài tín điều về gia đình thì mọi người đều biết, và đương nhiên là phải gìn giữ nó nhưng cũng phải biết thích ứng với các thực tế của thời đại hiện nay.
Câu hỏi của Béné: Các cuộc trao đổi này có làm ông thay đổi? Có làm ông tiến bước trong đức tin của ông không?
Về đức tin, tôi không trả lời vì đây thuộc lãnh vực riêng tư. Tôi là người công giáo trong giáo dục, trong văn hóa nhưng ngoài công chúng, tôi tự cho mình là người bất khả tri, như thế là đủ.
Về mặt nhân bản, những gì tôi giữ lại, là khó nói chuyện với một giáo hoàng. So với nói chuyện với một chính trị gia hay một tổng thống nước Pháp thì có vẻ dễ hơn! Vì trong các trường hợp này, các nguyên tắc luật lệ đã được ấn định. Còn với giáo hoàng thì không có một tiêu chuẩn nào, nó đi mọi phương hướng. Đôi khi ngài không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, đôi khi ngài trả lời bên cạnh… Và đây cũng là điều tôi giữ lại: sự ngạc nhiên của cả hai, sự phong phú của cuộc gặp gỡ. Điều này giải thích cho độ dài các cuộc trao đổi của chúng tôi: mười bốn buổi, mỗi buổi một giờ rưỡi. Ngoài ra khó khăn nhất để ghi lại trong quyển sách: bầu khí, sự hòa hợp… có một kiểu như thuật giả kim khó để ghi lại.
Câu hỏi của Nathalie Serruques: Triết gia Kierkegaard có nói “vừa cần thiết và cũng vừa không thể được là tín hữu kitô”. Ông nghĩ gì về chuyện này sau một loạt gặp gỡ với Đức Phanxicô?
Tôi sẽ nói chính xác ngược lại là đàng khác. Như văn hào Claudel đã nói, “đức tin là ơn của Chúa, nó “rơi xuống” chúng ta. Tôi không nói cho tôi, vì tôi không ở trong tình trạng này ngày hôm nay, nhưng ai biết? Sẽ có thể có một hiệu ứng “nảy lên” của cuộc phiêu lưu này ở một thời gian nào đó… Nhưng khi thấy lòng nhân hậu của một người như vậy, sự kiên nhẫn, lòng quảng đại, đức tin rõ rệt, ý chí muốn giữ các mối dây liên lạc, muốn xây dựng cầu… ngoại trừ là một người vô thần dữ tợn, thì buộc lòng phải bị tác động.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét