Trang

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

THÁNH MÁT-THÊU – TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG 1


THÁNH MÁT-THÊU – TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG 1

            Ở thời điểm cách đây 2.000 năm, dân Do Thái thường coi những người thu thuế là những kẻ tội lỗi. Có một người thu thuế trong thành Ca-phac-na-um tên là Mat-thêu (cũng gọi là Lê-vi, con của ông An-phê) đang ngồi trong bàn thu thuế, thì Đức Giê-su đi ngang qua, Người bảo ông: “Hãy theo tôi!”, ông lập tức bỏ tất cả mà đi theo Người. Đồng thời, để bày tỏ sự vui mừng cùng với lòng biết ơn, “Ông làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.” (Lc 5, 29). Sự kiện này khiến đám kinh sư Pha-ri-sêu khó chịu, họ nói với các môn đệ Đức Ki-tô rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế’. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9, 11-13). Như thế, Đức Giê-su kêu gọi ông Lê-vi cũng như trước đó Người kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên (ông Si-mon và người anh là An-rê, ông Gia-cô-bê và người em là Gio-an) chính là để minh họa cho Lời dạy nêu trên vậy.

Từ đó, thánh Mat-thêu đã trở thành một trong 12 môn đệ nền móng của Giáo hội tiên khởi. Sau khi Đức Giê-su về trời, thánh Mat-thêu đã cùng với các anh em Tông đồ ở lại cùng Đức Mẹ. Rồi nhờ hồng ân Thánh Thần ban sự hiểu biết và lòng can đảm, thánh nhân đã mạnh dạn đến với dân chúng để rao giảng và làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh. Trước khi rời Giu-đê-a Pa-let-tin, thánh Mat-thêu đã soạn thảo Phúc Âm đầu tiên bằng tiếng Do Thái vào khoảng năm 50. Ngài là một trong 4 tác giả của 4 sách Tin Mừng, mà Hiến chế Tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa “Dei Verbum” (số 18) đã khẳng định: “Trong mọi thời và khắp nơi, Giáo hội đã và đang quả quyết rằng bốn sách Phúc Âm bắt nguồn từ các Tông đồ. Thực vậy, những gì các Tông đồ rao giảng theo lệnh Chúa Ki-tô, sau này nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, chính các ngài và những người sống bên các ngài viết lại và lưu truyền cho chúng ta như nền tảng đức tin: đó là Phúc Âm trình bày dưới bốn hình thức: theo thánh Mat-thêu, thánh Mac-cô, thánh Lu-ca và thánh Gio-an.”

Sách Tin Mừng theo thánh Mat-thêu phản ánh nếp sống và các vấn đề bận tâm của một Giáo đoàn Ki-tô hữu gốc Do Thái. Sách được biên soạn đúng vào thời điểm Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm. Người Do Thái nhìn thấy nơi biến cố này nguyên nhân chủ yếu là sự bội tín của mình đối với Thiên Chúa. Vậy thì phải trở lại tuân giữ luật Chúa thật nghiêm túc, ngõ hầu được Chúa thứ tha và phục hưng lại sự nghiệp. Trong bối cảnh đó, Mat-thêu trình bày cho tín hữu Ki-tô giáo hiểu thế nào là trở lại với luật Chúa cho đúng nghĩa: Chủ ý không phải cốt lập ra hàng loạt quy định luật lệ, nhưng mục đích là để tiếp nhận sứ điệp của Đức Giê-su, tổ chức nếp sống bước theo chân Người. Việc này vừa đơn giản hơn vừa có nhiều đòi hỏi hơn. Cả cộng đoàn tín hữu phải tiến hành tổ chức sống theo lời dạy và việc làm của Đức Ki-tô Phục Sinh (từ bỏ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại, kẻ mù xem thấy, kẻ què được đi, người câm nói được. Những dấu lạ này vẫn tiếp tục xuất hiện nơi những ai tin tưởng vào sự có mặt của Đấng đã “trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.” – Mt 8, 16-17).

Tin Mừng Mat-thêu quả là một bài học quý giá cho tín hữu về sự xây dựng Giáo hội trong niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, mở ra đón nhận mọi dân tộc đoàn kết yêu thương nhau. Có thể nói sách Tin Mừng theo thánh Mat-thêu được coi là đầy đủ nhất. Bố cục của sách được xây dựng thật công phu: Năm tập sách nhỏ nối tiếp nhau, tập nào cũng gồm những “Bài giảng” và bài giảng nào cũng đều được dẫn nhập bằng những sự việc mà tác giả đã khéo léo chọn lựa. Điều này, cộng với các trình thuật về thời thơ ấu và về cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Ki-tô, tạo thành một tập thể hài hòa gồm 28 Chương trong 7 Mục (I, II, III, IV, V, VI, VII):

Chương 1. GIÁNG SINH VÀ THỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊ-SU

* Gia phả Đức Giê-su Ki-tô
* Truyền tin cho ông Giu-se

Chương 2. * Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi 

            * Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết  
* Từ Ai-cập về đất Ít-ra-en

Chương 3.  I. CÔNG BỐ NƯỚC TRỜI   

* a. PHẦN KÝ THUẬT (Ch. 3-4)  
* Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng 
* Đức Giê-su chịu phép rửa  

Chương 4.  * Đức Giê-su chịu cám dỗ

* Đức Giê-su lánh qua miền Ga-li-lê
* Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên
* Đức Giê-su giảng dạy và chữa bệnh

Chương 5.  2- BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

* Tám mối Phúc
* Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian
* Đức Giê-su kiện toàn Luật Mô-sê
* Đức công chính của người môn đệ
* Đừng giận ghét
* Chớ ngoại tình
* Đừng ly dị
* Đừng thề thốt
* Chớ trả thù
* Phải yêu kẻ thù

Chương 6. * Bố thí cách kín đáo

* Cầu nguyện nơi kín đáo
* Kinh "Lạy Cha"
* Ăn chay cách kín đáo
* Của cải trên trời
* Đèn của thân thể
* Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của
* Tin tưởng vào Chúa quan phòng

Chương 7. * Đừng xét đoán

* Đừng quăng của thánh cho chó
* Cứ xin thì sẽ được
* Khuôn vàng thước ngọc
* Hai con đường
* Cây nào trái ấy
* Môn đệ chân chính
* Cách giảng dạy của Đức Giê-su

Chương 8. III. RAO GIẢNG NƯỚC TRỜI – 1. PHẦN KÝ THUẬT

* Đức Giê-su chữa người bị phong hủi
* Đức Giê-su chữa đầy tớ của một đại đội trưởng
* Đức Giê-su chữa bà mẹ vợ ông Phê-rô
* Đức Giê-su chữa lành mọi kẻ ốm đau
* Người môn đệ phải bỏ mọi sự
* Đức Giê-su dẹp yên biển động
* Hai người bị quỷ ám

Chương 9.  * Đức Giê-su chữa người bại liệt

* Đức Giê-su kêu gọi ông Mát-thêu
* Đức Giê-su dùng bữa với những người tội lỗi
* Tranh luận về việc ăn chay
* Đức Giê-su chữa người đàn bà bị băng huyết và cho con gái một vị thủ lãnh sống      lại
* Đức Giê-su chữa hai người mù
* Đức Giê-su chữa người câm bị quỷ ám
* Đức Giê-su thương dân chúng lầm than

Chương 10. 2- BÀI GIẢNG VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

* Đức Giê-su sai mười hai Tông Đồ đi giảng
* Đức Giê-su tiên báo những cuộc bách hại
* Hãy nói giữa ban ngày, đừng có sợ
* Đức Giê-su đến để gây chia rẽ
* Từ bỏ mình để theo Đức Giê-su
* Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy

Chương 11.  IV. MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI  – PHẦN KÝ THUẬT 

* Nhập đề
* Câu hỏi của ông Gio-an Tẩy Giả và câu trả lời của Đức Giê-su
* Đức Giê-su phán đoán về thế hệ của Người
* Khốn cho những thành đã chứng kiến các phép lạ mà không sám hối
* Chúa Cha và người Con
* Hãy mang lấy ách của tôi

Chương 12.  * Môn đệ bứt lúa ăn ngày sa-bát

* Môn đệ bứt lúa ăn ngày sa-bát
* Đức Giê-su chữa người bị bại tay trong ngày sa-bát
* Đức Giê-su, người Tôi Trung của Thiên Chúa
* Đức Giê-su và quỷ vương Bê-en-dê-bun
* Lòng có đầy, miệng mới nói ra
* Dấu lạ ngôn sứ Giô-na
* Quỷ phản công
* Ai thuộc gia đình của Đức Giê-su?

Chương 13. 2- BÀI GIẢNG BẰNG DỤ NGÔN

* Nhập đề (Mc 4:1-2; Lc 8:4)
*  Dụ ngôn người gieo giống
* Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói?
* Giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống
* Dụ ngôn cỏ lung
* Dụ ngôn hạt cải
*  Dụ ngôn men trong bột
* Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói?
* Giải nghĩa dụ ngôn cỏ lung
* Dụ ngôn kho báu và ngọc quý
* Dụ ngôn chiếc lưới
* Kết thúc:
V. GIÁO HỘI, BƯỚC ĐẦU CỦA NƯỚC TRỜI
1- PHẦN KÝ THUẬT
* Đức Giê-su về thăm Na-da-rét

Chương 14. * Vua Hê-rô-đê và Đức Giê-su

* Ông Gio-an Tẩy Giả bị chém đầu
* Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất
* Đức Giê-su đi trên mặt nước
* Đức Giê-su chữa nhiều người đau ốm tại Ghen-nê-xa-rét

Chương 15. * Tranh luận về truyền thống

* Cái gì làm cho con người ra ô uế?
* Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an
* Đức Giê-su chữa nhiều bệnh nhân tại ven Biển Hồ Ga-li-lê
* Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều lần thứ hai

Chương 16. * Người Do-thái đòi dấu lạ từ trời

* Men Pha-ri-sêu và Xa-đốc
* Ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa
* Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất
* Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su

Chương 17. * Đức Giê-su hiển dung

* Câu hỏi về ngôn sứ Ê-li-a
* Đức Giê-su chữa đứa trẻ bị kinh phong
* Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai
* Đức Giê-su và ông Phê-rô nộp thuế

Chương 18. 2- BÀI GIẢNG VỀ GIÁO HỘI

* Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?
* Đừng làm cớ cho người ta sa ngã
* Con chiên lạc
* Sửa lỗi anh em
* Anh em tha thứ cho nhau
* Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót

Chương 19. VI. NƯỚC TRỜI: TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN GẦN

1- PHẦN KÝ THUẬT
* Câu hỏi về việc ly dị
* Tự nguyện sống khiết tịnh
* Đức Giê-su và trẻ em
* Người thanh niên có nhiều của cải
* Người giàu có khó vào Nước Trời
* Phần thưởng dành cho ai bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su

Chương 20.  * Dụ ngôn thợ làm vườn nho

* Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ ba
* Bà mẹ của hai người con ông Dê-bê-đê
* Ai làm lớn phải phục vụ
* Đức Giê-su chữa hai người mù tại Giê-ri-khô

Chương 21. * Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a

* Đức Giê-su đuổi những người đang mua bán trong Đền Thờ
* Cây vả không ra trái
* Câu hỏi về quyền bính của Đức Giê-su
* Dụ ngôn hai người con
* Dụ ngôn những tá điền sát nhân

Chương 22.  * Dụ ngôn tiệc cưới

* Nộp thuế cho Xê-da
* Kẻ chết sống lại
* Điều răn trọng nhất
* Đức Ki-tô là Con và cũng là Chúa của vua Đa-vít

Chương 23.  * Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình

* Đức Giê-su khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu
* Tội ác và hình phạt
* Đức Giê-su thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem

Chương 24.  2- BÀI GIẢNG VỀ THỜI CÁNH CHUNG

* Nhập đề
* Những cơn đau đớn khởi đầu
* Cơn gian nan khốn khổ tại Giê-ru-sa-lem
* Cuộc quang lâm của Con Người
* Hiện tượng của ngày Quang Lâm
* Thí dụ cây vả
* Phải canh thức và sẵn sàng
* Dụ ngôn người đầy tớ trung tín

Chương 25.* Dụ ngôn mười trinh nữ

* Dụ ngôn những yến bạc
* Cuộc Phán Xét chung

Chương 26. VII. THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH

* Âm mưu hại Đức Giê-su
* Đức Giê-su được xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a
* Giu-đa nộp Đức Giê-su
* Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua
* Đức Giê-su tiên báo Giu-đa sẽ nộp Thầy
* Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể
* Đức Giê-su tiên báo thánh Phê-rô sẽ chối Thầy
* Đức Giê-su cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni
* Đức Giê-su bị bắt
* Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng
* Thánh Phêrô chối Thầy

Chương 27.  * Đức Giê-su bị giải đến tổng trấn Phi-la-tô

* Giu-đa đi thắt cổ
* Đức Giê-su ra trước toà tổng trấn Phi-la-tô
* Đức Giê-su phải đội vòng gai
* Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá
* Đức Giê-su bị nhục mạ
* Đức Giê-su trút linh hồn
* Mai táng Đức Giê-su
* Lính canh mồ

Chương 28.  * Ngôi mộ trống

* Đức Giê-su hiện ra với các phụ nữ
* Các thượng tế lừa đảo
* Đức Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân.

Nước Trời đã được Cựu Ước loan báo và tiên liệu (Con Người sẽ đến rao giảng về Tin Mừng trọng đại này) cần phải được tái lập ở giữa loài người, bằng quyền năng tối thượng của Thiên Chúa với tư cách là Vua. Chính vì vậy mà thánh Mát-thêu viết Tin Mừng giữa môi trường sinh hoạt Do Thái và cho người Do Thái, nên đã đặc biệt chú tâm trình thuật những sự kiện minh chứng rằng “Thánh Kinh đã được ứng nghiệm” nơi chính con người và hành trình thực hiện sứ vụ của Đấng Cứu Thế Giê-su Ki-tô. Đó là lý do giải thích tại sao ở mỗi khúc ngoặt của lịch sử cứu độ được trình thuật trong tác phẩm của mình, thánh Mát-thêu đều dựa vào Cựu Ước để minh hoạ lề luật và lời các ngôn sứ đã được ứng nghiệm như thế nào:

a- Thánh sử Mát-thêu áp dụng những điều đã “ứng nghiệm lời xưa kia Đức Chúa phán qua miệng các ngôn sứ” (Mt 1, 22) cho con người Đức Ki-tô bằng những bản văn Thánh Kinh, ngài quả quyết rằng Đức Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Ap-ra-ham (Mt 1, 1-17), được một trinh nữ hạ sinh tại Bê-lem (Mt 1, 23; 2, 6), Người khởi đầu sứ vụ bằng cách vào hoang địa để “chịu quỷ cám dỗ”, lánh qua miền Ga-li-lê, rồi bỏ Na-da-ret đến ở Ca-phác-na-um (Mt 4, 12-16), Người vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a (Mt 21, 1-10).

b- Thánh Mat-thêu còn áp dụng điều này (“ứng nghiệm lời xưa kia Đức Chúa phán qua miệng các ngôn sứ” – Mt 1, 22)) cho sự việc Đức Giê-su chữa lành bệnh tật cho mọi người (Mt 11, 4-15), cùng với những lời giáo huấn làm cho lề luật nên ứng nghiệm cách trọn hảo (Mt 5, 17-19; 19, 3-9.16-21).

Nói chung, thánh sử Mat-thêu khi soạn sách Tin Mừng trình thuật các sự kiện, chủ yếu là nhằm mục đích làm sáng tỏ lời các ngôn sứ tiên báo từ trong Cựu Ước đã ứng nghiệm nơi chính Đức Giêsu-Thiên-Chúa-làm-người. Tuy thánh Mat-thêu cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ sách Tin Mừng theo thánh Mac-cô, nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng cho tác phẩm của ngài: Vừa có nội dung đầy đủ, vừa có bố cục chặt chẽ, mạch lạc, và nhất là cách hành văn trôi chảy, trong sáng, giản dị. Đó là điều giải thích tại sao sách Tin Mừng theo thánh Mat-thêu đã được Giáo hội thời sơ khai đón nhận và sử dụng với lòng trân trọng. Sau khi rao giảng Tin Mừng cho nhiều người ở nhiều nơi (Ê-thi-ô-pi, Ba Tư…), cuối cùng thánh sử Mat-thêu đã được lãnh phúc tử vì đạo tại Ta-ri-um thuộc Ê-thi-ô-pi. Ngài đã hy sinh mạng sống mình vì Chân Lý đức tin mà ngài rao giảng cũng như trình thuật trong sách Tin Mừng do ngài biên soạn.

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Mat-thêu Tông đồ, tác giả sách Tin Mừng).

JM. Lam Thy ĐVD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét