Trang

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

4 Giáo Hoàng Các Dân Tộc

Chương 4 – “Huyền thoại đen” của Bergoglio hay các day dứt của một bề trên tỉnh dòng

Chương 4

“Huyền thoại đen” của Bergoglio hay các day dứt của một bề trên tỉnh dòng

Trích sách Giáo Hoàng Của Dân Tộc, tác giả: Juan Carlos Scannone, chuyển dịch: Nguyễn Tùng Lâm
Giáo hoàng của Quần chúng
Năm 1973, trong các bối cảnh bi thảm, Jorge Mario Bergoglio được nhiều người xem như nhà “lãnh đạo bẩm sinh” đã được bổ nhiệm làm Bề trên giám tỉnh Dòng Tên của Argentina. Cha mới 36 tuổi – tuổi quá trẻ để đảm trách một chức vụ nhiều trách nhiệm như vậy. Sau Công đồng Vatican II là thời buổi sôi động về mặt tri thức và thần học trong Giáo hội Công giáo, đặc biệt ở châu Mỹ La Tinh nơi khai sinh của thần học giải phóng. Chính bản thân nước Argentina cũng đang trải qua một thời kỳ dao động chính trị rất mạnh, và kết thúc bằng một cuộc đảo chánh quân đội năm 1976. Đại tướng Videla cai trị với một bàn tay sắt và đẫm máu, một chế độ độc tài giáng xuống đất nước này. Hàng ngàn người bị bắt cóc, bị tra tấn và bị mất tích.
“Cách cai trị có tính cách độc tài và đôi khi khiến tôi đưa ra những quyết định vội vàng đã tạo ra những vấn đề nghiêm trọng, và tôi bị cáo buộc là quá bảo thủ”, bốn mươi năm sau Đức Bergoglio thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn-tự thú dài với nhiều tạp chí Dòng Tên. Ngài cũng thú nhận là đã “điên” khi nhận chức vụ giám tỉnh ở tuổi quá trẻ như vậy. Trong những năm dao động và bạo lực này, chung quanh Bergoglio xây dựng lên một “huyền thoại đen”, người có cá tính rất mạnh mẽ này vừa tạo ra một sự gắn kết vừa tạo ra một sự bác bỏ, linh mục Juan Carlos Scannone đã nêu ra ở đây tình trạng này. Giữa các tranh luận mà sau này bị chính trị hóa thì xảy ra vụ Yorio-Jalics, hai linh mục Dòng Tên bị quân đội độc tài bắt cóc vào tháng 5 – 1976, họ bị quân đội giam giữ trong nhiều tháng.
***************************
Bergolio với cha Scanonne (đeo kính)
Năm 1957, cha là giáo sư của Bergoglio…
Đúng, trước khi Bergoglio vào Dòng Tên. Vì Bergoglio theo học các môn kỹ thuật, tuy Bergoglio đã đậu tú tài nhưng cha không học các môn La Tinh và Hy Lạp cổ điển. Trong nhóm học sinh này, tôi nhớ có cả một bác sĩ. Đó là một nhóm đặc biệt của tiểu chủng viện. Học sinh phải học hai năm để theo kịp môn La Tinh và học thêm một ít tiếng Hy Lạp. Trong các năm này họ còn học cả văn chương.
Trong năm học đó, chúng tôi phải ngưng một tháng vì có nạn dịch cúm rất nặng. Một nửa chủng sinh bị đau. Bergoglio và một học sinh khác của chủng viện bị biến chứng sưng phổi. Bergoglio bị giải phẫu cắt một phần lá phổi. Cha đã can đảm chịu đựng thử thách này. Sau khi lành bệnh, tháng 3 năm sau cha vào nhà tập Dòng Tên ở Cordoba.
Cha còn nhớ gì về cậu học sinh sẽ là giáo hoàng này không?
Bergoglio là một học sinh rất giỏi. Cha không phải là người giỏi nhất. Nhưng cũng là một trong nhóm các học sinh giỏi nhất mà tôi đã gặp trong suốt ba mươi năm dạy học, nhóm này học với tôi môn Hy Lạp và văn chương. Sau hai năm theo chương trình đặc biệt này ở tiểu chủng viện, Bergoglio phải học triết lý ở đại chủng viện nhưng cha đã vào nhà tập. Phần tôi, hai năm sau, tôi đi Âu châu để học tiếng Đức và học thần học ở Innsbruck với thần học gia Karl Rahner. Tôi ở lại Âu châu tám năm: bốn năm thần học ở Áo, một năm ở Pháp, ba năm triết lý ở Munich, Đức. Năm 1967, tôi về Argentina làm giáo sư dạy môn triết. Lúc đó Bergoglio là sinh viên thần học ở San Miguel.
Tôi dự thánh lễ mở tay của Bergoglio trong một nhà nguyện của các nữ tu ở hạt Flores, một trong bốn hạt của địa phận Buenos Aires và là khu phố của thời thơ ấu của cha. Ở đó, tôi khám phá ra chị Estela Quiroga de Arenaz, một trong các chị họ của tôi là cô giáo trường tiểu học của cha Bergoglio. Cha biết ơn và rất yêu mến xơ Estela. Cho đến trước khi xơ qua đời, cha vẫn hay đến thăm dù khi đã làm hồng y. Tôi còn nhớ trong một buổi diễn thuyết tổ chức trước mặt Tòa Tổng Giám mục Argentina, vào giờ giải lao, tôi có dịp nói chuyện với cha về bà dì và người chị họ này. Khi là giáo hoàng, trong một buổi gặp gỡ với các học sinh, cha kể chuyện là cha đã học được rất nhiều ở nhà trường. Và tình yêu mái trường chính là do cô giáo tiểu học đã mang lại cho cha. Và đó là người chị họ của tôi…
Ở cấp tiểu học, Bergoglio có học giỏi không?
Tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi này với chị họ của tôi vì tôi không biết ngài sẽ là giáo hoàng… Tôi nghĩ là học giỏi (cười).
Tại sao năm 1973, Bergoglio lại được bổ nhiệm làm giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina?
Trước hết, Bergoglio đã là bề trên nhà tập. Hồi đó chúng tôi làm một thử nghiệm. Ai muốn thì có thể ra sống trong một cộng đoàn nhỏ. Chúng tôi có một văn phòng (despacho) ở Colegio Maximo, nơi có các phân khoa thần học và triết học. Nhưng chúng tôi muốn sống trong một cộng đoàn nhỏ hơn.
Thời đó có nhiều thử nghiệm như thế này không?
Có, dĩ nhiên rồi. Cộng đoàn Muniz của tôi ở sát bên cạnh San Miguel, chỉ cách một nhà ga. Tôi sống với các linh mục, các sinh viên khoa thần học và với một thầy Dòng Tên… Mỗi tuần chúng tôi có một buổi họp cộng đoàn để cùng nhau nói chuyện về đời sống thiêng liêng và cùng nhau dâng thánh lễ. Mỗi lần đều có một người từ bên ngoài tới tham dự, một người cùng đồng hành thiêng liêng. Và chúng tôi, chúng tôi nhờ Đức Bergoglio. Lúc đó, tôi bắt đầu trao đổi với cha về các chủ đề thiêng liêng. Kinh nghiệm cộng đoàn này tiếp tục cho đến đầu năm 1975.
Cuối cùng là cha Bergoglio là bề trên tỉnh dòng của Dòng Tên Argentina trong những bối cảnh khá bi thảm…
Đó là năm Peron trở lại Argentina. Lúc đó chính tôi cũng bị bệnh; tôi bị sưng phổi. Tôi vào bệnh viện ở Rodriguez, gần Lujan1, một bệnh viện lớn trị các bệnh về đường phổi. Đa số các trại đều dành riêng cho những người bị ho lao, nhưng cũng có các bệnh nhân bị sưng phổi hoặc có nước trong màng phổi. Trong thời gian tôi ở đó, Bergoglio đến thăm tôi. Cha Joaquin Ruiz Escribano, phụ tá cha Ricardo O’Farrell Bề trên tỉnh dòng, qua đời trong một tai nạn xe hơi. Tất cả mọi người đều nghĩ cha sẽ kế vị cha Ricardo O’Farrell. Cha lo về tu đức nhưng cũng dạy môn thần học cho những sinh viên theo học triết. Khi Bergoglio đến thăm tôi, tôi nói với cha: “Anh sẽ là bề trên tỉnh dòng!”
Tại sao?
Sau khi làm “năm ba” ở Tây Ban Nha về, Bergoglio đã là Bề trên nhà tập.
Đâu là các khả năng của Bergoglio để ngài trở thành Bề trên tỉnh dòng ở tuổi 36 quá đặc biệt này?
Bergoglio là người rất được quý mến, có một chiều sâu thiêng liêng, rất được kính trọng qua cách cha đảm trách chức vụ Bề trên nhà tập. Sau cái chết vì tai nạn của cha Ruiz Escribano, rất nhiều người nghĩ Bergoglio sẽ là bề trên tỉnh dòng.
Bergoglio đã có các khả năng của một người cầm quyền?
Mới đầu nhiệm kỳ giám tỉnh của mình, Bergoglio đến ở hạt Flores, địa phận Buenos Aires. Đó là khu vực cha đã sinh ra và lớn lên. Vị tiền nhiệm Ricardo O’Farrell đã ở đây với phụ tá2, thư ký, thủ quỹ, một cộng đoàn nhỏ của văn phòng giám tỉnh. Rồi Bergoglio về trường Colegio Maximo. Trong sáu năm làm giám tỉnh, tôi nghĩ cha ở trường Colegio Maximo bốn năm. Lúc đó, tôi ở cùng cộng đoàn với cha. Làm bề trên tỉnh dòng, Bergoglio đi kinh lý rất nhiều vì cha phải đi thăm các cộng đoàn của cả nước, nhưng chúng tôi ở chung một nhà.
Làm giám tỉnh khi còn rất trẻ, lại ở trong một giai đoạn dao động, nhìn lại, Bergoglio cho mình đã điên khi nhận chức vụ này…
Ở Argentina lúc đó Peron đã trở lại, ông được bầu làm tổng thống. Lỗi lầm lớn của ông là chọn Isabel, vợ của ông làm phó tổng thống. Bà không có một khái niệm gì về chính trị và đó là một tai họa! Cuối cùng là có quân phản loạn, có chế độ độc tài quân sự…
Vào thời đó đã có những cuộc tranh luận trong nội bộ Dòng Tên không?
Theo những gì tôi còn nhớ thì có nhiều sự việc xảy ra lúc đó, nhưng không hẳn là tranh luận nội bộ trong Dòng Tên. Đúng là chúng tôi có những người ít nhiều dấn thân vào lãnh vực chính trị, nhưng tất cả chúng tôi đều bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra trong xứ và trong toàn châu Mỹ La Tinh. Bầu khí ở Argentina lúc đó rất dao động, đầy những biến động chính trị. Từ cuộc đảo chính quân đội vào tháng 3 năm 1976, nhiều người bắt đầu bị mất tích. Những người thuộc tổ chức chính trị-quân đội (Montoneros) trở thành những người theo mác-xít. Còn về phía Hiệp hội Chống Cộng Argentina (Triple A) thì họ bắt đầu có những cuộc mưu sát3
Orlando Yorio, bị quân đội bắt cóc vào tháng 5-1976 cùng với Jalics, Yorio có ở cánh tả không?
Có, nhưng ở trong chủ thuyết Peron.
Yorio là người theo chủ thuyết Peron?
Yorio có cảm tình với chủ thuyết này nhưng không phải là đảng viên, cũng không theo chủ thuyết mác-xít hay cộng sản; cha không thuộc một đảng phái nào.
Quan hệ của cha với cha Yorio như thế nào?
Cá nhân tôi, tôi rất thân với Yorio. Cha là giáo sư và là phó khoa trưởng phân khoa thần học ở San Miguel. Chúng tôi dạy các môn học chung về chủ đề Thiên Chúa.
Cha Yorio thì dạy về thần học, còn tôi về triết học. Chúng tôi có một suy nghĩ chung, một sự hợp tác về mặt trí thức. Yorio sống trong một cộng đoàn nhỏ ở khu phố Rivadavia với vài người khác trong đó có linh mục Franz Jalics. Tôi có đến đó thăm cha Yorio mấy lần.
Trước tiên, cha đến ở khu phố Castelar, gần San Miguel. Cuối cùng, cộng đoàn này dời về Rivadavia, ở khu phố Bajo Flores, một khu phố bình dân. Đây không phải là khu phố nghèo khổ, villa miseria4. Ở đây có rất nhiều người Đại Hàn. Là người lớn lên ở Buenos Aires, tôi biết nhiều di dân người Nhật, Ả rập, Ai len… Đương nhiên người Ý và người Tây Ban Nha vẫn chiếm đa số trong số di dân đến đây từ đầu thế kỷ 20. Người Nhật có các tiệm bán hoa hay tiệm giặt ủi. Bên cạnh Bajo Flores là khu phố nghèo. Yorio không sống ở đó nhưng làm việc tông đồ ở đó rất nhiều.
Cương vị của cha Bergoglio lúc đó như thế nào?
Vấn đề không phải là cha có một cương vị chính trị. Là Bề trên tỉnh dòng, Bergoglio không muốn bất cứ một tu sĩ Dòng Tên nào bị mất tích hay bị giết.
Trong cuộc phỏng vấn với linh mục Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo, Civiltà cattolica, Đức Phanxicô nói mình chưa bao giờ là người bảo thủ5
Đúng vậy, Bergoglio không bao giờ là người bảo thủ. Cha luôn bị chỉ trích vì cho là có quan điểm bảo thủ hay theo cánh hữu, về mặt giáo hội nhiều hơn là về mặt chính trị. Tôi nói ở đây, đúng, về mặt giáo hội. Vào thời đó có những quan điểm tiền Công đồng, bảo thủ bên trong Giáo hội và theo nghĩa này thì Bergoglio chưa bao giờ là người bảo thủ.
Còn về mặt chính trị?
Đó là một người cởi mở. Giống như nhiều người Argentina, tôi nghĩ cha có một cảm tình nào đó với chủ thuyết Peron, nhưng cha không theo chủ thuyết Peron cũng không thuộc một đảng nào, cha gần với đường hướng dân tộc và quốc gia.
Là một nhiệm vụ khó khăn khi làm bề trên tỉnh dòng vào lúc đó?
Đúng vậy, lẽ dĩ nhiên rồi, cũng như làm giám mục. Bầu khí chính trị rất căng thẳng, rất nặng nề, với rất nhiều vụ ám sát. Chế độ độc tài của quân đội thật khủng khiếp. Một bầu khí kinh hoàng ngự trị. Nếu người ta nghi ngờ ai đó thì người đó phải chứng minh mình vô tội. Rất nhiều người bị mất tích. Đó là giai đoạn rất khó khăn, cực kỳ khó khăn.
Với bản thân cha, Bergoglio có đòi hỏi cha phải cẩn thận trong thời chế độ độc tài của quân đội không?
Các linh mục tuyên úy quân đội đã báo cho Bergoglio biết. Tôi bị “để ý” vì tôi viết những bài về chủ đề giải phóng. Bergoglio nói cho tôi biết là đừng bao giờ đi một mình ở khu phố tôi làm mục vụ. Đó là khu phố của công nhân, La Manuelita, gần trường Colegio Maximo.
Năm 1967 khi cha từ Âu châu về, cha khám phá ra phong trào này sẽ trở thành thần học dân tộc. Về phía cha, cùng với người bạn triết gia Enrique Dussel của cha, cha suy nghĩ về một nền thần học giải phóng. Năm 1970, cùng với ông Dussel, cha tổ chức các Ngày Hàn Lâm San Miguel, qua đó có rất nhiều nhà trí thức châu Mỹ La Tinh về tham dự. Các hoạt động của những ngày này sau đó đã được công bố trên tạp chí Stromata. Nhưng đến năm 1976, dưới sự đe dọa của quân đội, những Ngày Hàn Lâm San Miguel đã không được tổ chức…
Chúng tôi đã chuẩn bị nhưng quân đội nắm chính quyền vào tháng Ba và sẽ rất nguy hiểm cho những ai đến San Miguel. Thật sai lầm, những người trong quân đội cho chúng tôi là cộng sản, là theo mác-xít vì chúng tôi thảo luận các chủ đề về giải phóng, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội, về đối thoại… Có thể có một vài người theo chủ nghĩa mác-xít nhưng không phải tất cả! Còn chúng tôi thì chắc chắn là không! Nhưng tất cả chúng tôi đều bị nghi ngờ! Những năm trước đó có khoảng một trăm năm mươi người đến từ khắp châu Mỹ La Tinh để tham dự Ngày Hàn Lâm. Họ ở trường Colegio Maximo hay ở Đài quan sát Vật lý hoàn vũ cũng do các linh mục Dòng Tên điều khiển. Quân đội không nhìn những chuyện này với cặp mắt thiện cảm. Chúng tôi nói về giải phóng! Theo quan điểm của họ, chúng tôi là người cánh tả… Conrado Eggers Lan, một giáo sư triết lý người Hy Lạp, chuyên gia lớn về triết gia Platon, cho biết vào thời đó, đối với những người quân đội, tín hữu Kitô theo cánh tả thì còn xấu hơn là cộng sản. Đó là quan điểm của họ, quá nguy hiểm! Trong nhiệm kỳ tổng thống của bà Isabel Peron, Triple A đã đặt một quả bom gần nhà ông Enrique Dussel. Không phải để giết ông nhưng để dằn mặt làm cho ông sợ. Sau đó, ông nhận một chức dạy học ở Mễ Tây Cơ, vợ và các con còn nhỏ của ông quá sợ hãi.
Trở lại việc của hai linh mục Yorio-Jalics. Tại sao Bề trên tỉnh dòng muốn đóng cửa các cộng đoàn nhỏ?
Vào đầu năm 1975, chúng tôi còn sống trong những cộng đoàn nhỏ, sau đó Bergoglio xin chúng tôi về lại trường Colegio Maximo. Và đa số đã trở về.
Năm 1976, cũng như Bergoglio, tôi sống ở trường Colegio Maximo. Cha biết là tôi rất thân với cha Yorio. Khi Yorio và Jalics bị mất tích, mỗi ngày cha kể cho tôi nghe tin tức cha nhận được, cũng như giám mục phó của hạt Flores, giám mục Serra, cha xin để họ được thả ra. Vì lý do đó, tôi không nghĩ là cha có dính líu gì trong việc họ bị bắt.
Bergolio, Giám tỉnh dòng Tên Argentina
Bergolio, Giám tỉnh dòng Tên Argentina
Bergoglio đã làm gì?
Việc đầu tiên là biết xem ai bắt cóc và ai đang giam giữ Yorio và Jalics. Những người đến bắt họ không mặc đồng phục thì có thể đó là những người trong biệt động quân, hải quân, không quân hay cảnh sát. Ở khu phố nghèo nơi Yorio làm việc thì cũng có một nhóm giáo dân làm việc ở đó. Và một vài giáo dân đã bị bắt trước. Theo một vài luồng tin, một cô dạy giáo lý trong nhóm có quan hệ với phiến quân. Bỗng nhiên, hai linh mục Dòng Tên bị nghi ngờ. Vì lý do đó mà Yorio và Jalics bị bắt. Điều này, bây giờ chúng tôi mới biết. Vào thời đó, chúng tôi không có những thông tin này… Qua các cha tuyên úy quân đội, Bergoglio và giám mục Serra biết được Yorio và Jalics bị giam giữ ở Trường Cơ khí, một trung tâm của hải quân. Sau đó hai người đã làm tất cả để Yorio và Jalics không bị hành quyết. Nhiều tháng sau, họ được trả tự do.
 Cha nghĩ gì về những cáo buộc đối với  Bergoglio?
Bergoglio kể cho tôi nghe cha đã làm tất cả những gì phải làm để họ được trả tự do. Ngài chiến đấu để Yorio và Jalics tìm lại được tự do! Nói rằng ngài dính líu trong việc bắt bớ, tôi không thể nào tin được. Trước khi họ bị bắt, là Bề trên tỉnh dòng, cha muốn họ rời khu phố đó, cha muốn họ giải tán cộng đoàn. Họ chỉ còn ba người trong cộng đoàn: Yorio, Jalics và Dourron, một linh mục trẻ vắng mặt lúc hai người bị bắt. Sau khi được trả tự do, Yorio kể cho tôi biết, những người trong quân đội biết ngay là họ vô tội và họ không dính líu gì với phiến quân. Nhưng vấn đề là quân đội không biết xử lý như thế nào với họ… Bởi vì họ đã chối là họ không bắt giữ hai linh mục.
 Yorio có kể cho cha nghe về việc bị bắt giữ?
Mới đầu, Yorio và Jalics không bị tra tấn. Tra tấn là bị cột, bị bịt mắt, bị phải đi vệ sinh trên người mình, không được đi nhà vệ sinh, không được tắm rửa. Yorio kể cho tôi nghe, để giữ vững tinh thần, họ bắt đầu làm các bài tập linh thao, họ cùng nhau làm. Họ suy niệm nhiều giờ mỗi ngày và dùng thì giờ để kết hiệp với Chúa. Sau một thời gian, họ được tắm rửa, được thay áo quần. Tại sao những người canh tù đối xử với họ như vậy? Tôi không biết. Tại sao họ nhận ra là Yorio và Jalics vô tội? Tôi cũng không biết.
Nhưng sự việc sẽ có thể xảy ra rất xấu. Jalics khá ngây ngô. Một ngày nọ, cha đã cho các người canh tù có lý do để giết cha vì khi họ hỏi cha có biết ai bỏ tù hai cha không, cha trả lời là hải quân… Làm sao Jalics biết được chuyện này? Cha bị bịt mắt nhưng cha có thể nhìn xuống để thấy. Cha thấy có huy hiệu mỏ neo nơi tay áo của một trong những lính canh. Tôi nghĩ nếu cha Bề trên tỉnh dòng và giám mục phó của hạt Flores không khuấy động trời đất thì Yorio và Jalics sẽ có thể bị hành quyết.
Nhưng sau đó Yorio tố cáo Bergoglio…
Không bao giờ Yorio nói với tôi điều gì về Bergoglio. Sau khi được trả tự do, tôi có gặp cha trước khi cha ra nước ngoài. Sau đó tôi có gặp cha lại ở Rôma và vài lần ở Argentina. Nhưng không bao giờ cha nói với tôi điều gì về Bergoglio. Tôi biết cha có viết một bức thư nói lên các nghi ngờ của mình. Chị của cha giữ bức thư đó. Jalics cũng chia sẻ sự nghi ngờ này. Tôi hay đi Đức, nơi Jalics sống sau đó. Người ta thường hay đặt câu hỏi này: chuyện gì đã xảy ra với Bề trên tỉnh dòng? Cá nhân tôi, tôi luôn bảo vệ Bergoglio. Tôi luôn nói, theo quan điểm của tôi, các nghi ngờ này không xác thực.
Sau khi Yorio qua đời, tôi không biết làm thế nào mà Franz Jalics nhận ra các nghi ngờ này không xác thực. Rất nhiều năm trước khi Bergoglio trở thành giáo hoàng, linh mục phụ tá giám tỉnh Juan Luis Moyano có gặp Jalics. Jalics quả quyết Bergoglio không làm gì chống hai người. Như tôi đã kể, Đức Bergoglio chỉ muốn ngưng công việc của cộng đoàn Rivadavia.
Vì lý do nào? Vì vấn đề an ninh?
Vì lý do tôn giáo? Vì vấn đề an ninh? Tôi không biết. Có thể vừa lý do tôn giáo vừa lý do an ninh… Cũng như với chúng tôi, chắc chắn Bergoglio cũng không nói cho họ biết lý do nào. Dù sao, Yorio cũng không nói cho tôi biết. Cộng đoàn nhỏ Rivadavia muốn tiếp tục làm việc, họ không muốn đóng cửa. Thậm chí họ còn muốn bỏ Dòng Tên, lập một dòng tu khác dưới quyền của một giám mục. Tôi nghĩ lúc đó là lúc các nhà quân sự tạo áp lực trên họ, theo dõi thư từ và điện thoại của họ.
Dĩ nhiên thư tín bị kiểm soát rất chặt. Tôi còn nhớ, tôi phải đích thân đi bưu điện gởi một tài liệu về thần học giải phóng. Bergoglio dặn tôi đừng gởi ở bưu điện San Miguel. Sau khi được phóng thích, Yorio kể cho tôi nghe, một trong những người hỏi cung ở hải quân, người này đã đọc một tài liệu cha đăng trong một tạp chí Thánh Kinh. Tất cả đều bị theo dõi. Theo tôi, chắc chắn những người trong quân đội đều nghĩ trong giai đoạn chuyển tiếp này, Yorio và Jalics sẽ rời Dòng Tên, thì họ sẽ không còn được tỉnh dòng cũng như giám mục bảo vệ… Nhưng, khi hai người bị bắt thì Bề trên tỉnh dòng cũng như giám mục ở hạt Flores đều lo cho họ.
Theo cha, vì sao Yorio và Jalics cuối cùng lại được quân đội phóng thích?
Họ nhận ra là hai người này vô tội… Yorio và Jalics không thể nào nói gì hơn là họ bị hải quân bắt giữ. Trước mặt Bergoglio và giám mục hạt Flores, những người trong quân đội chính thức phủ nhận chuyện này. Theo tôi, giải pháp của họ là phóng thích sau vài tháng giam giữ. Khi được phóng thích, Yorio và Jalics không thể nào thấy được gì. Họ bị cho uống thuốc mê, làm cho ngủ lì bì. Các người trong quân đội hay dùng phương pháp này đối với các tù nhân khi họ vứt các nạn nhân xuống biển hay bỏ rơi ở Rio de la Plata. Họ làm cho hai người ngủ mê man và bỏ đâu đó trên một cánh đồng gần Canuelas, cách Buenos Aires khoảng năm chục cây số.
Yorio và Jalics thức dậy và tự hỏi mình đang ở đâu. Họ thấy một căn nhà và họ đi tới. Những người ở trong nhà nói với hai người là họ thấy một chiếc máy bay trực thăng. Nhưng họ không biết đó là máy bay quân đội hay máy bay dân sự. Yorio và Jalics không có tiền. Gia đình đó cho họ tiền và họ đi xe buýt về Buenos Aires.
Sau đó, Bergoglio nói họ nên rời Argentina vì rất nguy hiểm đối với họ. Trước khi đi, Yorio đến gặp tôi báo cho tôi biết cha sẽ đi nước ngoài, một giám chức người Ailen của sứ thần Tòa Thánh đưa ra phi trường vì quá nguy hiểm, cha sợ Yorio sẽ bị bắt lại. Sau đó, tôi gặp Yorio ở Rôma. Sau khi rời Dòng Tên, cha làm cha xứ ở giáo xứ  Quilmes, vùng ngoại ô Buenos Aires. Sau đó cha được gởi đi học ở Rôma, trường Pio Latino để học về giáo luật. Cha Yorio được linh mục Candido Gavina bảo trợ, cha Gavina là Bề trên nhà tập và tỉnh dòng Argentina. Thời đó, cha Gavina là thư ký riêng của Bề trên tổng quyền Arrupe6. Bức thư Yorio viết các nghi ngờ của mình đối với Bergoglio được gởi đến linh mục người Ba Tây Laercio Dias de Moura, phụ tá của linh mục Arrupe.
Theo cha, quan hệ giữa Bergoglio và Yorio như thế nào? Rất nhiều tài liệu đã viết về vấn đề này, nhất là giải thích cho biết quan hệ này không được tốt.
Tôi không nghĩ vậy. Bề trên tỉnh dòng đã quyết định giải thể cộng đoàn. Trong Dòng Tên, đức vâng lời là trên hết. Tôi còn nhớ, chính tôi đã nói với Bergoglio, sẽ là một dấu hiệu cho biết nếu họ chấp nhận quyết định của Bề trên tỉnh dòng hay không. Và nhóm đã không chấp nhận. Trước mặt Chúa, họ nghĩ là họ phải duy trì cộng đoàn, và rời Dòng Tên. Về điểm này, rõ ràng là có đụng chạm và có bất đồng. Còn có chuyện gì khác nữa giữa Bergoglio và Yorio thì tôi không biết.
Yorio có bị Bergoglio cắt chức dạy học ở San Miguel như trong bức thư đã viết không?
Tôi không biết Bergoglio có làm hay không và khi nào thì cha làm. Tôi cũng không nhớ là có sự cắt chức hay Yorio từ chức dạy học. Nhưng nếu có chuyện xảy ra như vậy thì chắc chắn tôi sẽ chú ý đến vì tôi là bạn của Yorio và chúng tôi cùng dạy học chung! Thật sự tôi không nhớ. Có chuyện gì xảy ra trước giữa Yorio và Bergoglio cũng như giữa linh mục Rafael Tello và hồng y Aramburu7 không, tôi cũng không thể khẳng định được gì.
Người ta nói rằng Orlando Yorio, người cầm đầu những người tiến bộ trong số các linh mục Dòng Tên ở Argentina, có người còn khẳng định Yorio theo chủ nghĩa mác-xít. Cha nghĩ sao?
Mác-xít, chắc chắn là không. Yorio ở trong đường hướng thần học giải phóng thì có. Cũng như chính tôi vậy… thuộc cánh tả, có. Cha có tinh thần phóng khoáng, phê phán chủ nghĩa tự do. Còn gần với nhóm phản loạn, chắc chắn là không. Nếu cha gần với nhóm phản loạn thì quân đội đã không trả tự do cho cha. Về mặt chính trị thì chắc chắn Yorio cũng không thiên tả hơn Bergoglio.
Còn về phần linh mục Jalics, cha có hoạt động chính trị không?
Cha chỉ đơn giản sống trong khu phố bình dân, can thiệp vào vài việc ở khu phố nghèo này nhưng không làm nhiều như cha Yorio, cha Yorio thì rất dấn thân.
Theo cha, tại sao sau khi được trả tự do, Yorio lại nghi ngờ Bergoglio đã tố cáo họ với quân đội?
Tôi không biết. Không bao giờ Yorio nói với tôi về điểm này. Nhưng trước khi Bergoglio làm giáo hoàng, Jalics cũng nghi Bergoglio nhưng sau đó thì cha thay đổi về những điều mình nói.
Bergoglio có gây tranh luận nơi các tu sĩ Dòng Tên không?
Chắc chắn là có. Trong các tu sĩ Dòng Tên, cha có những người ủng hộ cha rất mạnh, nhưng cũng có những người chỉ trích cha cũng rất mạnh. Hồi đó là như vậy! Bergoglio là người có cá tính rất mạnh mẽ. Cha tạo ra nhiều sức hút cũng như tạo ra nhiều sự phản đối. Nhất là trong thời gian của những năm 70… Trong cuộc phỏng vấn với linh mục Spadaro báo Văn Minh Công giáo (Civiltà cattolica), chính Đức Bergoglio cũng thú nhận mình rất độc đoán. Tôi nghĩ bây giờ ngài cởi mở với mọi người hơn. Chung quanh ngài có hai khuynh hướng, một là thuận theo ngài và một là chống ngài. Hai khuynh hướng, đúng… Và tình trạng này kéo dài. Năm 1979, Bergoglio không còn đảm trách chức vụ tỉnh dòng. Nhưng sau đó, cha là viện trưởng trường Colegio Maximo và vẫn có rất nhiều ảnh hưởng.
Cho đến khi ngài làm giáo hoàng?
Không, không… Giữa những năm 90, tình trạng đã dịu xuống khi linh mục Alvaro Restrepo, người Colombia được bổ nhiệm làm Bề trên tỉnh dòng. Chính tỉnh dòng Argentina xin. Trước đó, linh mục Restrepo có đến giảng linh thao ở đây. Với việc bổ nhiệm này, vấn đề đã được giải quyết.
Tại sao lại có những căng thẳng đó? Những căng thẳng này dựa trên căn cứ nào?
Theo tôi, những căng thẳng này không dựa trên các vấn đề ý thức hệ. Đúng hơn là trên vấn đề con người và quan hệ cá nhân. Sau khi hết đảm trách chức vụ giám tỉnh, Bergoglio vẫn là viện trưởng trường Colegio Maximo. Văn phòng của cha ở bên cạnh văn phòng linh mục giám tỉnh. Cha vẫn có ảnh hưởng rất mạnh, nhất là trên các sinh viên.
Nhưng Bergoglio bị loại ra. Có phải cha bị gởi đi Cordoba năm 1990 không?
Trước hết, năm 1986 cha được gởi đi Đức. Khi trở về, cha sống ở College Salvador, trung tâm thủ đô Buenos Aires. Nhưng cha vẫn còn rất gần với San Miguel và ngài còn giữ quan hệ rất tốt với các sinh viên. Một vài người còn nghĩ các sinh viên phải nên vâng lời Bề trên tỉnh dòng nhiều hơn là vâng lời cha Bergoglio. Theo tôi, chính vì lý do đó mà Bề trên tỉnh dòng gởi cha đi Cordoba năm 19908. Thật ra không phải là một hình phạt theo đúng nghĩa hình phạt! Nhưng Bergoglio có một liên hệ rất mật thiết với các sinh viên mà lúc đó họ đang theo chương trình học thần học và triết học ở San Miguel, và cha cũng là Bề trên nhà tập ở San Miguel, không xa trường Colegio Maximo bao nhiêu.
Lúc đó quan hệ của cha với Đức Bergoglio như thế nào?
Lúc ngài làm viện trưởng, tôi hợp tác chặt chẽ với ngài. Khi ngài từ Đức về, tôi ít lui tới hơn. Nhưng hình như khi ở Cordoba, ngài trải qua một giai đoạn kiểu “đêm đen tối”.
Đó là do ngài kể?
Không, không, Bergoglio nói đó là “thanh tẩy”. Khi gặp cha, cảm giác của tôi là ngài bị tính tự quy, ít giao thiệp, là người đang ở trong giai đoạn sầu khổ. Chính vì nhìn gương mặt của ngài và vì câu chuyện sau đó mà tôi gọi là “đêm đen tối”.
Ngài qua một cơn khủng hoảng?
Tôi nghĩ có… Sau đó ngài là giám mục phụ tá của Buenos Aires.
Trước đó ngài khác hơn?
Khi ngài làm viện trưởng Colegio Maximo, ngài là người điều khiển. Ngài có thể nhảy từ việc này nhảy qua việc khác một cách dễ dàng, từ rửa chén đến thảo tài liệu cho sứ thần hay cho hồng y Quarracino, rồi lo đến các việc mục vụ thiêng liêng… Bergoglio làm tất cả các việc này, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ với một sức tập trung cao độ. Ngài có khả năng làm nhiều việc. Chẳng hạn ngài còn biết nấu bếp và ngài nấu rất ngon. Thường thường đến các dịp lễ như Giáng sinh hay Phục sinh, ngài tự tay nấu bếp. Và nấu ngon. Ngài thích vậy, thích chuẩn bị các bữa ăn.
Làm sao Bergoglio lại trở thành giám mục phụ tá của địa phận Buenos Aires?
Hồng y Quarracino9 đánh giá ngài rất cao. Khi Bergoglio làm viện trưởng trường Colegio Maximo, họ rất gần nhau. Tôi không biết trước khi Bergoglio làm Bề trên tỉnh dòng, họ có quen nhau trước không. Một ngày nọ, cha thố lộ với tôi, cha đang soạn một bài diễn văn cho hồng y Quarracino vì ngài nhờ cha viết. Và đó là dấu chỉ ngài tin tưởng, đúng không? Sau đó hồng y Quarracino kể cho tôi nghe, Bergoglio trở thành giám mục phụ tá được các linh mục Buenos Aires yêu mến nhất. Tôi nghĩ, cứ mỗi giai đoạn trong cuộc đời của Bergoglio, cha đã chín chắn, đã tiến bộ, đã lớn lên… Là giám mục phụ tá, quả thật cha được các linh mục rất yêu mến. Một ngày nọ, có một người đến Mar del Plata cách Buenos Aires 400 cây số. Ông bị đau. Bergoglio bỏ hết mọi chuyện để đến săn sóc. Hành vi này đã làm cho rất nhiều người xúc động. Khi đó ngài đã là giám mục.
Bergoglio cũng từ chối có tài xế riêng. Ngài lái xe rất giỏi nhưng kể từ khi làm giám mục, ngài không còn dùng xe nữa. Ngài dùng phương tiện công cộng để di chuyển. Và điều này là một điều mới mẻ cho các linh mục… Bây giờ là giáo hoàng, ngài tiến lên và càng ngày càng tiến nhiều hơn.

Chương 4: “Huyền thoại đen” của Bergoglio hay các day dứt của một bề trên tỉnh dòng

1 – Nhà thờ kính Đức Mẹ rất lớn, ở cách Buenos Aires khoảng sáu mươi cây số.

2- Phụ tá nhưng cũng như phó bề trên tỉnh dòng.

3 – Hiệp hội Chống cộng Argentina (Alianza Anticomunista Argentina, gọi tắt là AAA hay Triple A), được ông Jose Lopez Rega thành lập, được gọi là đại đội của thần chết ở Argentina trong cuộc “Chiến tranh bẩn” trong những năm 70. Ước lượng có khoảng 1500 nạn nhân của Triple A.

4 – Chữ này dùng để chỉ các khu phố ổ chuột ở Buenos Aires, tương đương với chữ favelas của Ba Tây.

5 – Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào mùa hè năm 2013 và được đăng tải vào tháng 9 năm 2013 trong nhiều tạp chí của Dòng Tên trên khắp thế giới.

6 – Bề trên tổng quyền Dòng Tên từ năm 1965 đến năm 1981, linh mục Arrupe là một khuôn mặt lớn trong Giáo hội Công giáo. Ngài là trọng tâm mâu thuẫn giữa Dòng Tên và Đức Gioan-Phaolô II.

7 – Thần học gia Rafael Tello, một trong các khuôn mặt của thần học dân tộc, đã bị hồng y Aramburu ngưng chức vì những lý do không rõ. Năm 2006, hồng y Bergoglio, lúc đó là tổng giám mục Buenos Aires đã phục hồi vinh dự của linh mục Tello ở Đại học Công giáo Argentina.

8 – Một thành phố ở Trung Argentina, cách Buenos Aires 700 cây số, một trong các cơ sở lịch sử của Dòng Tên ở Argentina. Vào cuối những năm 50, Bergoglio làm tập sinh ở đó.

9 – Hồng y Antonio Quaraccino gốc Ý và là Tổng giám mục Buenos Aires năm 1990, một năm trước khi ngài phong Bergoglio làm phụ tá giám mục hạt Flores, khu phố thời thơ ấu của Bergoglio. Năm 1991, ngài được Đức Gioan-Phaolô II phong hồng y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét