Trang

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

3 Giáo Hoàng Các Dân Tộc

Chương 3 – Từ Bergoglio đến Giáo hoàng Phanxicô & các trụ cột chính của một tư tưởng thần học và chính trị


Chương 3

Từ Bergoglio đến Giáo hoàng Phanxicô

& các trụ cột chính của một tư tưởng thần học và chính trị

Trích sách Giáo Hoàng Của Dân Tộc, tác giả: Juan Carlos Scannone, chuyển dịch: Nguyễn Tùng Lâm
Giáo hoàng của Quần chúng
Mùa Thu năm 2013, tám tháng sau khi được bầu chọn, Giáo hoàng Phanxicô công bố Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, một tài liệu nền tảng để đọc và để hiểu triều giáo hoàng của ngài1. Trong đường hướng ưu tiên quan tâm đến người nghèo, Bergoglio dùng lại và triển khai các nền tảng tư tưởng thần học và chính trị của mình. Ngài cũng đưa ra các đường nét chính trong chương trình giáo triều của mình, một chương trình to lớn để giải trừ tập trung quyền của Giáo hội Công giáo và để hội nhập văn hóa Phúc Âm tốt hơn.
Theo linh mục Juan Carlos Scannone, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng là cảm nghiệm sâu đậm của nền thần học dân tộc, một trào lưu thần học được khai sinh vào những năm cuối 1960 ở Buenos Aires. Từ năm mươi năm nay, nền thần học này nuôi dưỡng tư tưởng và hành động của Bergoglio, người mà trước đây là tổng giám mục, nay là giáo hoàng. Nếu ngài dùng lại các chủ đề căn bản của nền thần học dân tộc thì Đức Phanxicô đã cho thấy suy tư riêng của mình, nhất là trên các khái niệm trọng tâm của dân tộc và của linh đạo bình dân mà ngài rất gắn bó. Nhờ một tinh thần thần học thể hiện qua các cử chỉ mạnh mẽ, Đức giáo hoàng đã nói với tất cả mọi người như nói với từng người một. Bergoglio, vượt ra ngoài thần học, ngài có một nhãn quan về văn hóa và chính trị của thế giới, của sự toàn cầu hóa làm phong phú thêm cho các khác biệt.
***************************************
 Theo cha, làm thế nào mà nền Thần học Dân tộc lại là cảm hứng cho Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng – Tông huấn của Đức Phanxicô, bản văn to lớn đầu tiên của triều giáo hoàng của mình?
Người ta tìm thấy ở đây rất nhiều khái niệm làm nền tảng cho thần học dân tộc: chủ đề dân tộc, văn hóa và hội nhập, thiêng liêng tính và thần nghiệm bình dân… Đức Phanxicô dùng lại và triển khai thêm. Ngài không chỉ trích ra, cũng không nói chỉ để áp dụng chúng. Chính Bergoglio suy nghĩ về chủ đề này trong một hình thức đặc biệt. Khi người ta mời tôi trình bày Tông huấn ở Đại học Gregorian2 và viết một bài cho báo Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica), trước hết tôi cân nhắc đến các ảnh hưởng của nền thần học dân tộc trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Nhưng khi nghiên cứu tài liệu, tôi thấy Giáo hoàng đã làm nhiều hơn là trích dẫn hoặc lặp lại.
Theo cha, Đức Bergoglio đã mang lại gì mới so với các chủ đề trước đây về Thần học Dân tộc?
Trong khối lượng công việc ở kỳ họp Hội đồng Giám mục Aparecida, ngài dùng lại các chủ đề quan trọng của thần nghiệm và linh đạo bình dân. Ngài nói, một cách nào đó, các chủ đề này tổng thể hóa Phúc Âm3. Trong bốn nguyên tắc được Bergoglio nêu ra, có một nguyên tắc có đại ý như sau, tổng thể thì cao hơn là từng phần. Từ quan điểm này, thần nghiệm bình dân quy tụ tất cả các yếu tố, không những chỉ lòng mộ đạo bình dân4 hay cầu nguyện nhưng còn là tình huynh đệ, đấu tranh, công chính, lễ hội, việc làm, tóm lại là trọn cuộc sống. Vì thần nghiệm bình dân không phải chỉ ở trên mặt tôn giáo mà nó cấu trúc cho cả cuộc sống, kể cả cuộc sống của lương dân.
Kể cả đấu tranh chính trị?
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng không nêu ra chính xác điều này. Đức giáo hoàng nói đến đấu tranh nhưng ngài không nhắc trực tiếp đến đấu tranh chính trị. Đương nhiên nó có thể là chính trị dù không nói rõ ra.
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng còn mang lại những điểm nào khác nữa?
Bergoglio triển khai suy tư của mình trên các khái niệm về dân tộc và văn hóa. Ngài giải thích, đây là dân tộc chứ không phải một “đám đông”. Dân chúng của một dân tộc phải có trách nhiệm với công dân của mình và vì thế có nhiều quan hệ liên can. Trong cương vị Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài đã trình bày chủ đề này trong tài liệu được công bố năm 2010: “Nosotros como ciudadanos, nosotros como pueblo” (“Chúng ta là dân chúng, chúng ta là công dân”). Dân chúng đã được Phúc Âm hóa sẽ trao truyền qua văn hóa, qua đức tin những gì mình được thấm nhập. Đức giáo hoàng giải thích, mỗi thế hệ sẽ mang đến một cái gì mới. Sự trao truyền không nằm yên nhưng năng động. Trong quan niệm của Bergoglio – và đây là một trong những điểm ngài mang lại -, dân tộc không phải đồng hóa như trong hình ảnh của hình cầu, nhưng đa dạng như hình ảnh của một khối đa diện, gìn giữ, trong bản thân mình, các khác biệt của đơn vị.
Dù không hoàn toàn rõ ràng, nhưng Bergoglio có ý tưởng về một dân tộc có một ký ức riêng, một lối sống và một dự án cùng chia sẻ vì lợi ích chung. Dân tộc là dân tộc vì nó có một trách nhiệm công dân cho mỗi giai đoạn của lịch sử. Mỗi thế hệ không phải chỉ lặp lại thế hệ đi trước nhưng nó mang lại một cái gì mới. Tất cả cấu thành một suy tư phong phú trên khái niệm trọng tâm của một nền thần học dân tộc.
Theo cha, lòng mộ đạo bình dân và linh đạo bình dân có quan trọng đối với Đức Phanxicô không?
Bản thân ngài sống linh đạo bình dân này trong lòng. Chẳng hạn, khi ngài được bầu chọn làm giáo hoàng, ngay ngày hôm sau, ngài đến Đền thờ Đức Bà Cả, vào nhà nguyện nơi có tượng Salus populi romani5. Ngài có lòng sùng kính xưa cổ với tượng Đức Mẹ Mở Nút thắt. Cách đây vài năm, trong một lần đi Rôma, tôi còn nhớ ngài nhờ tôi mang về một bức tượng nhỏ này. Buổi chiều ngày được bầu chọn, khi tôi nghe ngài nói ngày mai sẽ đi cầu nguyện với Đức Mẹ, tôi nghĩ ngài sẽ đến Đền thờ Đức Bà Cả, và đúng như vậy!
Giáo hoàng Phanxicô đã hoàn toàn bày tỏ lòng thành kính khi ngài sờ vào tượng Đức Mẹ. Đây là thái độ tiêu biểu của người châu Mỹ La Tinh và Argentina.
Cách đây nhiều năm, tôi có dự một buổi họp ở Panama về lòng mộ đạo bình dân. Có một linh mục  đến từ vùng nói tiếng Pháp của Canada kể, ở Canada giáo dân chiêm ngắm tượng, các tượng gần giống như các bức tượng ở Đông phương. Ở đây, người ta nghiêng về thị giác. Ngược lại, ở châu Mỹ La Tinh, người ta khát khao được sờ chạm. Phải sờ, phải chạm, với một lòng tin mãnh liệt! Và Bergoglio đã làm, ngay cả khi ngài là giáo hoàng! Chúng tôi thường gọi đó là: “nhận ơn”.
Đấy không phải là mê tín dị đoan. Ở một vùng nông thôn miền Bắc Argentina, có một giám mục mà tôi không còn nhớ tên, cho rằng tất cả những chuyện này là dị đoan. Không phải! Trong Phúc Âm, người đàn bà bị băng huyết đã làm gì với Đức Giêsu? Bà sờ vào vạt áo của Ngài. Và bà cảm thấy có một sức mạnh. Và chính sức mạnh này đã chữa lành bà. Chúa Giêsu hỏi: “Ai đã chạm vào áo tôi?” Ai cũng muốn chạm đến ngài. Nhưng chỉ có người đàn bà này cảm nhận có một sức mạnh. “Nhận ơn”, chứ không phải sờ vào vật chất bên ngoài của bức tượng. Sự sờ chạm nơi thạch cao hay thanh gỗ của bức tượng, với tình yêu và đức tin, là chạm vào Đấng Thánh. Khi tôi hôn bức hình của mẹ tôi đang ở xa, thì đó không phải là tôi hôn tờ giấy mà tôi hôn mẹ tôi. “Nhận ơn” qua việc sờ chạm không phải là mê tín dị đoan, nhưng là thấu hiểu tính thiêng liêng của thực tế. Ở Canada là tính nhạy cảm về thị giác, ở châu Mỹ La Tinh là nhạy cảm về xúc giác. Ở Đền thờ Thánh Phêrô, các người đi hành hương hôn chân tượng Thánh Phêrô. Nhưng ở châu Mỹ La Tinh, hôn thôi chưa đủ, họ phải sờ, phải chạm, phải được “nhận ơn”. Và Đức giáo hoàng đã làm như vậy ở Đền thờ. Đây không phải cử chỉ niềm tin của duy nhất một dân tộc.
Triết gia Paul Ricoeursẽ nói gì? Các thần tượng chết, các biểu tượng vẫn còn sống. Ricoeur là một tín hữu Tin lành cải cách. Trong suy tư của ông, ông bắt đầu bằng việc tách đức tin ra khỏi tôn giáo.
Rồi ông triển khai trên vấn đề này. Cá nhân tôi, tôi nghĩ chính lúc ông ở Chicago, nơi ông dạy học đã làm cho ông hướng đến sự tiến triển này. Ở đó, ông gặp Mircea Eliade – sử gia, triết gia thuộc Chính Thống giáo. Giáo phái Kitô chính thống có lòng sùng mộ các ảnh tượng rất lớn. Một trong những bài viết của ông về “tuyên xưng và thể hiện”7, Ricoeur đã suy nghĩ thế nào là một bí tích. Theo ông, bí tích giúp phối hợp được lời nói và chất liệu (như nước trong Bí tích Rửa tội). Theo tôi, tuy ông vẫn là một tín hữu Tin Lành cải cách nhưng ông gần với Chính Thống giáo, với phái Luther và với Công giáo. Để không tách rời đức tin ra khỏi tôn giáo, Ricoeur cậy đến thể loại này của Bí tích. Trên thực tế, nhìn từ đức tin, quan điểm thần học Công giáo có cơ cấu nhập thể và tính bí tích. Giáo sư của tôi, nhà thần học Karl Rahner đã nhấn mạnh rất nhiều đến khía cạnh này.
Lòng mộ đạo bình dân của người châu Mỹ La Tinh là một “hiện tượng đã đầy ắp, đã bão hòa”. Ở đây tôi dùng khái niệm của triết gia Jean-Luc Marion, có nghĩa là lòng mộ đạo có một sự quá mức về trực giác và ý nghĩa, nó đi xa hơn mọi khái niệm8. Tôi không nói rằng Đức Bergoglio nghĩ lòng mộ đạo bình dân là một “hiện tượng đầy ắp”. Nhưng ngài sống trong tâm tư này… Paul Ricoeur nêu lên ý tưởng biểu tượng “mang chất lượng đến để suy nghĩ”. Điều này mở ra rất nhiều nhãn quan.
559d5e2aa1a45.imageTrong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng cũng nêu ra vấn đề lòng mộ đạo bình dân, một chủ đề có trong bản đúc kết của hội đồng Giám mục ở Aparecida.
Công đồng Vatican II cũng không nói đến lòng mộ đạo bình dân, chỉ đến khi Thượng Hội đồng năm 1974 nói đến việc Phúc Âm hóa, lúc đó người ta mới quan tâm đến chủ đề này, nhất là nơi các giám mục châu Mỹ La Tinh. Sau đó Tông huấn Loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI cũng có nói đến, có thể do ảnh hưởng của Giám mục sau này là Hồng y Eduardo Pironio, người Argentina. Nhưng phải chờ đến năm 2007 chủ đề linh đạo bình dân (chứ không phải chỉ là lòng mộ đạo bình dân) mới được bàn đến trong tài liệu cuối cùng của Aparecida.
Và đó là lần đầu tiên Hội đồng Giám mục châu Mỹ La Tinh họp ở một Đền thờ Đức Mẹ. Các buổi họp diễn ra ở tầng dưới đất của Đền thờ, bên trên thì giáo dân quỳ gối, đọc kinh theo nghi thức thông lệ… nên những người tham dự đã có một tiếp xúc trực tiếp với lòng mộ đạo bình dân, trong trường hợp này thì theo phong cách Brasil. Và ngoài dự trù của họ, giáo dân đã có mặt trong các buổi họp này. Điều này đã đánh động rất nhiều đến các giám mục; sau buổi họp, thần học gia Carlos Galli người Argentina đã kể cho tôi nghe như vậy. Khi họ đi đến buổi họp, họ gặp giáo dân đi hành hương. Theo tôi điều này đã ảnh hưởng đến các công việc của Aparecida.
Có một loại thần nghiệm giáo dân nơi Đức Phanxicô không?
Cái này tùy theo bà muốn nói gì… Có một thần nghiệm bình dân nơi Đức Bergoglio, tôi hoàn toàn chấp nhận, có một thần nghiệm của giáo dân trung thành, có. Ngài cảm nhận Giáo hội là dân trung thành của Chúa, điều này không những chỉ có giáo hoàng hay các giám mục nhưng giáo dân cũng cảm nhận. Sau cuộc bầu chọn, ngay buổi tối đầu tiên khi xuất hiện ở ban công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài xin giáo dân chúc lành cho mình, đó là một cử chỉ rất quan trọng. Không phải chỉ có giám mục và giáo hoàng ban phép lành cho giáo dân. Giáo dân cũng ban phép lành. Bởi vì đó là dân trung thành với Chúa.
Khái niệm này rất quan trọng đối với Đức Bergoglio. Trước Thượng Hội Đồng về Gia đình, ngài đã gởi một bản câu hỏi cho tất cả mọi giáo dân của Chúa, để có cảm thức người tín hữu (sensus fideicảm thức người tín hữu) mà Công đồng Vatican II đã vinh danh. Nhà thần học Lucio Gera người Argentina cũng đã nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của cảm thức người tín hữu, áp dụng theo thần học của Thánh Tôma Đacanh về sự hiểu biết do đồng bản tính. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô đã dùng lại nhiều lần. Ngài nói đến sự “hiểu biết được ban cho vì tình yêu”. Theo nhận định của Thánh I-Nhã, trong tuần thứ nhì suy niệm về phần an ủi và sầu khổ, đây là cảm nhận và nếm9. Đây không phải là cảm nhận xúc cảm, không, nhưng đây là một cảm nhận sâu đậm, cảm nhận đến từ quả tim theo nghĩa của triết gia Pascal, Đức Phanxicô cũng ở trong đường hướng này.
Theo cha, tại sao Đức Bergoglio lại thêm chữ “trung thành” vào cách diễn tả cổ điển “dân Chúa”?
Trung thành vì ngài có đức tin… nhưng cá nhân tôi, tôi nghĩ, khi nói “dân Chúa” là bao gồm vừa có đức tin vừa trung tín. Theo tôi, tính từ “trung thành” được kết nối với nội dung, Đức Bergoglio nhận biết tinh thần cảm nhận đức tin của tín hữu như chúng tôi đã nêu trên. Tôi không còn nhớ chính xác ở đâu, nhưng tôi nghĩ là trong Suy niệm cho cho các tu sĩ, một quyển sách xuất bản từ thời Đức Bergoglio còn là tu sĩ Dòng Tên, tôi nghĩ là quyển đó, đúng, trong đó có một ghi chú: để biết cái gì phải tin, thì phải cầu viện đến giáo huấn của Giáo hội, nhưng để biết phải tin như thế nào thì phải cầu viện đến tín hữu trung thành của Chúa, cảm nhận tín hữu trung thành của Chúa10. Tận gốc, thực chất là liên kết đến chủ đề hội nhập văn hóa.
Về mặt triết học, trong ngôn ngữ, người ta phân biệt thời điểm từ nghĩa học (thời điểm của ý nghĩa), và thời điểm thực dụng (thời điểm lúc dùng). Như thế có một sự phân biệt giữa “làm sao” và “cái gì”, cả hai đều quan trọng. Tôi nhắc lại, Ricoeur nghĩ, đối thoại triết lý trong ngôn ngữ anglo-saxonne, nhất là ở Bắc Mỹ, giây phút thực dụng “làm thế nào” của ngôn ngữ rất quan trọng. Nó là một phần của toàn bộ ý nghĩa. “Làm thế nào” của ý nghĩa thuộc vào thành phần của “ý nghĩa”. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng để hiểu Đức Phanxicô. Vì cách ngài nói các sự việc, “làm thế nào” và các cử chỉ của ngài hàm chứa một giá trị tượng trưng rất mạnh.
Đó là những cử chỉ mang tính thần học?
Đúng hoàn toàn, đó là thần học thể hiện.
Xin cha cho chúng tôi ví dụ?
Trong chuyến viếng thăm Đất Thánh, Đức Phanxicô đã đến bức tường phân chia giữa Israel và Palestina, ngài xin dừng xe, ngài đi xuống và đến nghiêng mình trước bức tường và cầu nguyện. Cử chỉ này nói lên rất nhiều hơn tất cả các bài diễn văn. Cũng vậy với sự kiện ngài đến đảo Lampedusa, nước Ý, từ khi được bầu chọn, đó là chuyến đi đầu tiên của ngài ra khỏi Rôma, một chuyến đi nói nhiều hơn bất cứ một thông điệp nào. Ở châu Mỹ La Tinh , một vài người còn nói chuyến đi Lampedusa là thông điệp đầu tiên của Bergoglio. Cũng vậy khi ngài ôm một em bé; giáo dân nhìn đây như một cái gì mang tinh thần Phúc Âm, còn hơn khi họ nghe một bài giảng. Tình yêu của ngài dành cho người lớn tuổi, người bệnh, người khuyết tật nói nhiều đến tinh thần phúc âm hơn bất cứ một bài giảng nào. Cũng vậy khi ngài nói với những người đi hành hương trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư ở Quảng trường Thánh Phêrô. “Cách làm” tăng thêm giá trị cho “nội dung” của điều ngài nói, phối hợp tình cảm trìu mến với các biểu tượng. Chính vì lý do này mà giáo dân đã xúc động.
Pope Francis touches the stones of the Western Wall, Judaism's holiest prayer site, in Jerusalem's Old CityNhững người hoài nghi cho rằng vì Đức Phanxicô có biệt tài giao thiệp.
Đúng, ngài có biệt tài truyền thông, một cách nhân bản và trọn vẹn, một cách biểu tượng và dấu chỉ. Đức Gioan-Phaolô II cũng có biệt tài truyền thông. Khi còn là thanh niên ở Ba Lan, ngài đã tham gia kịch nghệ; ngài là một diễn viên lớn. Đức Gioan-Phaolô II có sức mạnh nơi lời nói. Đức Bergoglio có sức mạnh nơi cử chỉ. Đó là ngôn ngữ đại đồng, mọi nền văn hóa đều hiểu ngôn ngữ này. Đó là những cử chỉ mang tính thần học và dấu chỉ. Đức Bergoglio làm được vì nội tâm ngài sống như vậy nhưng cũng vì nó phù hợp với thần học của ngài – một thần học của thể hiện, một thần học của thấm nhập đức tin. Một thần học mà ở bất cứ đâu, từ Ấn độ, châu Mỹ La Tinh đến Bắc Mỹ, Âu châu hay Nhật Bản đều hiểu giống nhau.
Tôi còn nhớ trong buổi hội thảo về hội nhập văn hóa mà chúng tôi tổ chức năm 1985 – Bergoglio lúc đó là khoa trưởng phân khoa Triết và Thần học ở San Miguel – chúng tôi mời nhiều nhân vật trên thế giới đến tham dự. Có hai linh mục Phi châu, một từ nước Zaire và người kia từ Cameroun, họ bảo vệ cho việc cần phải hội nhập phụng vụ vào văn hóa địa phương. Họ chỉ trích thái độ sợ sệt của Vatican. Và từ năm 1985, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này. Tôi nghĩ bây giờ đường hướng của Đức Phanxicô sẽ cởi mở hơn về việc hội nhập phụng vụ vào văn hóa địa phương. Ít nhất là tôi mong như vậy…
Vấn đề hội nhập văn hóa có thật sự quan trọng với ngài?
Trong bài diễn văn khai mạc hội thảo năm 1985, Đức Bergoglio đã nói đến hội nhập văn hóa. Thần học Argentina luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa. Mặt khác, có một vài người gọi đây là thần học của văn hóa chứ không phải thần học của dân tộc. Còn về phần thần học gia Lucio Gera, ông thích nói là thần học của dân tộc hơn là thần học của văn hóa vì dân tộc là chủ thể của văn hóa. Chữ văn hóa có một cái gì trừu tượng. Phúc Âm hóa của văn hóa và hội nhập hóa Phúc Âm trên thực tế là hai thời điểm khác biệt.
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, cũng có nhiều câu hỏi về Thần Khí.
Theo quan điểm của tôi, chìa khóa chính để đọc các vấn đề về hội nhập văn hóa trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng là sự nhập thể. Nhập thể không phải chỉ bao gồm Kitô học nhưng còn cả Thần Khí học. Chúa Kitô nhập thể nhưng hội nhập văn hóa là phần canh gác của Thần Khí. Điều này đã viết rõ ràng trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Qua các thế kỷ, phần việc của Thần Khí là tiếp tục nhập thể trong các văn hóa và trong con người. Lòng mộ đạo bình dân là hoa trái của sự nhập thể này của Tin Mừng trong các văn hóa qua phần việc của Thần Khí. Nó sẽ khác nhau ở từng nước, Argentina sẽ không giống nước Pháp và nước Pháp sẽ không giống nước Đại Hàn, vì các nền văn hóa khác nhau. Đương nhiên là sẽ có những điểm chung như sự việc tất cả đều là con người. Như thế Argentina cũng có những liên hệ với Âu châu. Vì rất nhiều người Argentina là di dân đến từ Âu châu. Nhưng cũng có những điểm riêng của từng văn hóa. Viết về các khía cạnh này, tôi đã triển khai trong một tài liệu được Đại học Gregorian công bố11. Trong Giáo hội Công giáo, vấn đề hội nhập văn hóa đã tạo ra một suy tư trên nhiều năm.
Cha có thể giải thích?
Đức Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh chủ đề hội nhập văn hóa trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế ban hành ngày 07-12-1990. Ngài đã nói đến tiến trình nhập thể, sự chết và sự sống lại. Bởi vì văn hóa phải chết cho sự bài trừ nó để sống lại và, một cách nguyên thủy, nó trở thành chính nó. Đức Bergoglio đặt tầm quan trọng một mặt cho hội nhập văn hóa, mặt khác cho liên văn hóa; tuy nhiên ngài không dùng từ đối thoại liên văn hóa, vì ngài áp dụng hình mẫu đa góc cạnh cho những quan hệ giữa các dân tộc trên trái đất và cũng cho dân Chúa, một dân mang nhiều hình thức khác nhau về mặt văn hóa.
Một trong những điểm quan trọng của Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng là đề xuất để công nhận quyền uy về giáo điều của các Hội đồng Giám mục. Đây có phải là quan tâm của Đức Phanxicô trong việc hội nhập văn hóa của Phúc Âm không?
Có thể nói ở đây có một mối dây liên hệ. Nhưng tôi nghĩ nhất là quyết tâm của Đức giáo hoàng muốn cho các Hội đồng Giám mục có một quyền uy về giáo điều, nó liên hệ đến tính hợp đoàn. Đức Phanxicô muốn triển khai tính hợp đoàn trong Giáo hội Công giáo.
Cách đây vài năm, phân khoa Thần học Argentina đã mời thần học gia Pháp, ông Hervé Legrand, chuyên gia về Giáo hội học đến Argentina. Ông Legrand đã lưu ý chúng tôi về sự việc, là trong tư cách thần học gia, Đức Ratzinger không trao giá trị giáo điều cho các Hội đồng Giám mục. Trong địa phận của mình, giám mục là người nắm quyền uy về giáo điều. Nhưng trong nhãn quan của Đức Ratzinger, các Hội đồng Giám mục không có uy quyền này. Đức giáo hoàng hiện nay cho rằng phải giao quyền uy này cho các Hội đồng Giám mục. Ngài đặt trọng tâm vào tính hợp đoàn và tính công đồng, một nhãn quan rất gần với cách làm việc của các Giáo hội chính thống hay phái Luther.
Buổi tối ngày được bầu chọn, khi ra ban công ở Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Bergoglio tự giới thiệu mình là Giám mục địa phận Rôma, ngài nói lên trước hết khái niệm hợp đoàn này. Là người đứng đầu Hội đồng Giám mục Argentina, ngài hiểu mình phải lách một số trở ngại. Tôi nghĩ với năng lực hiện nay, Đức giáo hoàng sẽ cho các giáo hội địa phương một vai trò quan trọng hơn. Theo tôi, các giáo hội địa phương sẽ có quyền uy lớn hơn về mặt phụng vụ, mục vụ và giáo điều.
Đức Phanxicô ở La Paz, Bôlivia, bầu khí thổ dân Châu Mỹ và âm lịchĐức Bergoglio cũng bị chỉ trích nhiều về vấn đề toàn cầu hóa…
Ngài không chống toàn cầu hóa nhưng ngài chống một sự toàn cầu hóa thành đồng hóa. Có một loại toàn cầu hóa xấu nhưng từ khi có buổi họp của Diễn đàn Xã hội của Porto Alegre, một toàn cầu hóa khác là điều khả dĩ, những cách thế uyển chuyển là khả dĩ12. Theo tôi, Đức Bergoglio ở trong đường hướng của Đức Gioan-Phaolô II. Trong Tông huấn Giáo hội tại Mỹ công bố ngày 22-01-1999, Đức Gioan-Phaolô II đã nêu lên hai lần vấn đề toàn cầu hóa. Ngài giải thích toàn cầu hóa về mặt kinh tế có điểm tốt điểm xấu. Nhưng Đức Gioan-Phaolô II chỉ trích sự bất bình đẳng xã hội, người giàu thì càng ngày càng giàu hơn, người nghèo thì càng ngày càng nghèo hơn. Trong một đoạn khác, ngài lên án sự đồng hóa về mặt văn hóa. Đức Gioan-Phaolô II không chỉ trích toàn cầu hóa một cách chung chung; điều ngài lấy làm tiếc là những gì đã xảy ra một cách cụ thể về mặt kinh tế và văn hóa.
Ở Mỹ, một vài nhóm Công giáo đã diễn giải không đúng các lời tuyên bố của Đức Phanxicô. Họ cho ngài là nhà xã hội học, người cộng sản mác-xít. Nhưng thật ra, Đức Bergoglio chỉ trích nhiều nhất là sự thiếu công chính trong sự phân chia của cải trên quả đất này. Người ta dịch sai chữ equidad (thiếu công chính) trong tiếng Tây Ban Nha thành “bình đẳng”; một bên là thiếu công chính, một bên là không bằng nhau; thiếu công chính luôn bao gồm một bất công trong việc phân chia của cải. Người nghèo sẽ khá hơn và ngoại trừ một số nước, nạn nghèo khó tuyệt đối gần như không còn. Châu Mỹ La Tinh không còn là lục địa nghèo nhất nhưng vẫn là nơi mà nạn thiếu công chính vẫn tồn tại hiển nhiên nhất. Tình trạng chung đã được cải thiện. Nhưng thiếu công chính, có nghĩa là cách biệt giữa người giàu và người nghèo vẫn nổi trội. Người dân chịu đựng được nạn nghèo khổ nhưng họ không chịu đựng được tình trạng không công chính. Khi Giáo hoàng chỉ trích điều này, ngài không nói tốt hơn là nên nghèo. Ngài chỉ trích nạn độc quyền một cách tuyệt đối của thị trường và hệ thống tài chánh. Ngài không chống đối sự tự do của thị trường, ngài yêu cầu có một sự điều hòa. Kết án ngài là mác xít là một phê phán có tính cách ý thức hệ.
Nhưng hình như ngài rất dè dặt với người Mỹ?
Không phải một sự dè dặt với người Mỹ nhưng với một nước Mỹ bá quyền… Đức giáo hoàng không thích bất cứ một loại bá quyền nào, bất luận đến từ đâu. Ngài thích một thế giới đa dạng. Rất nhiều lần ngài dùng hình ảnh đa diện để tạo nên sự hiệp nhất nhưng không đồng hóa. Tôi không biết từ đâu ngài có hình ảnh này. Đức Phanxicô trước hết áp dụng khái niệm này cho các dân tộc, xây dựng các dân tộc nhưng cũng là khái niệm thần học về dân Chúa.
Chúng ta trở lại với Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Khi đọc Tông huấn này, hình ảnh Đức Phaolô VI xuất hiện rất quan trọng. Có phải như vậy không?
Rất quan trọng, đúng vậy! Đức Phaolô VI có một chỗ rất lớn trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Tôi nghĩ, đối với Đức Bergoglio, Giáo hoàng Phaolô VI là một giáo hoàng rất quan trọng, nhất là Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) công bố ngày 08-12-1975 của ngài.
Cha có thể nói chính xác tại sao?
Đối với trào lưu thần học của dân tộc thì Tông huấn Loan báo Tin Mừng là một tài liệu quan trọng, quan trọng ở chỗ chúng ta có thể tìm ở đây một thần học và một mục vụ của phúc âm hóa. Tài liệu này rất quan trọng đối với châu Mỹ La Tinh. Năm 1979, Đại hội khoáng đại của Hội đồng Giám mục châu Mỹ La Tinh họp ở Puebla đã dùng lại Tông huấn Loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI về những gì Tông huấn nói đến văn hóa, Phúc Âm hóa của một nền văn hóa và của nhiều nền văn hóa. Thần học gia Lucio Gera người Argentina, một trong các nhà sáng lập Thần học của Dân tộc – là biên tập chính cho tài liệu về Phúc Âm hóa của văn hóa. Công đồng Vatican II đã không nhắm đến văn hóa theo cùng một cách như tài liệu của Puebla và của chính Đức Bergoglio. Trong số 53 của Tông huấn Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes) có đề cập đến văn hóa. Đó là lần đầu tiên một tài liệu của Giáo hội nói đến văn hóa, một cấu trúc mục vụ đề cập đến chủ đề này. Trong các đoạn a và b nói đến khái niệm nhân bản của văn hóa, một văn hóa được vun trồng và trong đoạn c có nêu ra một khái niệm khác của văn hóa về mặt xã hội học, dân tộc học, lối sống của một dân tộc. Ở châu Mỹ La Tinh, khi Công đồng được đọc lại, các đoạn a và b được dùng lại từ đoạn c vì người ta đã thêm vào đó: “trong một dân tộc”. Ở Puebla, các biên tập viên của tài liệu về văn hóa đã thêm bốn chữ này, bốn chữ đã thay đổi trọn các đoạn a và b của Tông huấn Vui mừng và Hy vọng: “trong một dân tộc.” Thật ra họ đã đọc lại các đoạn a và b khởi đi từ đoạn c. Không một ai chú ý đến nhưng Tông huấn Vui mừng và Hy vọng đã được diễn giải theo quan điểm của châu Mỹ La Tinh: quan điểm của Thần học Dân tộc. Cá nhân tôi, tôi không ở Puebla. Trong một cuộc họp các giáo sư của phân khoa Thần học ở Buenos Aires, tôi có hỏi ông Gera rằng ông có biết khi thay bốn chữ này là thay cả một nhãn quan không. Ông trả lời là không. Theo bề ngoài là đúng. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, khi Đức Bergoglio trích dẫn Puebla, ngài trích dẫn tài liệu Vui mừng và Hy vọng, có nghĩa là Tông huấn này được đọc dưới cái nhìn của châu Mỹ La Tinh.
Từ cuối Công đồng Vatican II, Công giáo ở châu Mỹ La Tinh đã đóng góp rất nhiều cho Giáo hội phải không?
Giáo hội châu Mỹ La Tinh không chỉ là Giáo hội gương mẫu mà còn là Giáo hội nguồn, theo thành ngữ diễn tả của triết gia Alberto Methol Ferre người Uruguay. Chọn lựa ưu tiên lo cho người nghèo là chọn lựa trong cuộc gặp gỡ của Hội đồng Giám mục châu Mỹ La Tinh ở Medellin, nó được hình thành theo Puebla. Và rồi nó trở nên yếu tố thiết yếu của triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Và hôm nay ở Rôma có một giáo hoàng châu Mỹ La Tinh!
691dca576f

Chương 3: Từ Bergoglio đến Giáo hoàng Phanxicô & các trụ cột chính của một tư tưởng thần học và chính trị

1 – Công bố ngày 26-11-2013.

2 – Đại học Dòng Tên ở Rôma

3 – Đại Hội đồng Giám mục châu Mỹ La Tinh họp năm 2007 ở Đền thờ Đức Bà ở Aparecida, Brasil. Đức Bergoglio đóng vai trò chính trong việc biên tập tài liệu cuối cùng.

4 – Nói lên tính chất dân dã như rước kiệu, sờ tượng, hôn tượng…

5 – Bức tượng Salus populi romani (Đức Mẹ bảo trợ dân La Mã), được đặt trong nhà nguyện của Đền thờ Đức Bà Cả, nổi tiếng làm nhiều phép lạ là biểu tượng rất lớn của lòng mộ đạo bình dân. Ngày 07 -09-2013, trong buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Đức Phanxicô đã xin để bức tượng này được chưng ở Quảng trường Thánh Phêrô, một sự kiện rất hiếm hoi.

6 – Ông là một trong các triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, vì đã phối hợp sự miêu tả hiện tượng với việc giải thích. Tư tưởng của ông nằm trong cùng truyền thống với các nhà giải thích hiện tượng luận khác như Martin Heidegger và Hans Georg Gadamer.

7 – Xem “Thể hiện và Tuyên xưng” của Paul Ricoeur.

8 – Jean-Luc Marion, De surcroit. Études sur les phenomenes saturis, Paris, PUF, 2001.

9 – Trong lúc chờ đợi ở Venise, tháng 6 năm 1537, thánh I-Nhã và các bạn đồng hành của ngài được chịu chức linh mục.

10 – Xem J. M. Bergoglio, Meditaciones para religiosos, San Miguel, Diego de Torres, 1982, tr. 47.

11 – Xem J. C. Scannone, “L’’inculturazione nell’ Evangelii Gaudium: chiavi di lettura”, trong H. M. Yanez (ed.), Evangelii Gaudiumil testo ci interroga. Chiavi di lettura, testimonianze e prospettive, Gregoriann Univ. Press, 2014, tr. 159-170.

12 – Buổi họp đầu tiên diễn ra năm 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét