Đạo đức không phải là những chuyện “mình có thể làm, mình không thể làm”
Đạo đức không phải là những chuyện “mình có thể làm, mình không thể làm” hoặc “mình phải làm, mình không được làm”, Đức Phanxicô khẳng định như trên trong quyển sách phỏng vấn trao đổi với học giả Dominique Wolton, ngài cho biết ngài sợ sự “cứng ngắc” và mong các mục tử đừng giảm thiểu các bài giảng đạo đức của mình chỉ “ở dưới thắt lưng”.
Tác phẩm “Đức Phanxicô: các cuộc gặp với Dominique Wolton: Chính trị và Xã hội (Nxb Observatoire) sẽ phát hành vào ngày 6 tháng 9 là thành quả của 12 cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và nhà trí thức xã hội học Dominique Wolton 70 tuổi.
Trong các cuộc gặp này, Đức Phanxicô đã đề cập đến vấn đề “đạo đức” với học giả Dominique Wolton, ngài nhấn mạnh: “ Chúng ta không thể dạy với các lời dạy như: “Con không được làm vậy, con không được làm kia, con phải làm vậy, con phải làm kia, con không thể, con có thể.”
Theo ngài: “Đạo đức là hệ quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Đó là hệ quả của đức tin cho người công giáo chúng ta. Còn cho các người khác, đạo đức là hệ quả của một gặp gỡ với một lý tưởng, hoặc với Chúa, hoặc với chính mình, nhưng với phần tốt nhất của mình. Đạo đức luôn là một hệ quả”.
Đừng giảm thiểu đạo đức “xuống dưới thắt lưng”
Ngài cảnh giác có một số người thích nói về đạo đức trong các bài giảng hay trong các ghế thần học. Có một hiểm nguy cho các người đi giảng, các nhà giảng thuyết, hiểm nguy rơi vào sự tầm thường. Để chỉ duy lên án đạo đức “dưới thắt lưng”. Còn các tội khác nặng hơn như hận thù, tham lam, kiêu ngạo, huênh hoang, giết người, lấy mạng sống người khác…, những tội này người ta không nói nhiều đến như vậy.
Ngài nói rõ về vấn đề rước lễ của những người ly dị tái hôn, ngài không đồng ý với các chuẩn mực cứng ngắc. Ngài trả lời với học giả Dominique Wolton: “Có những việc tôi làm sau hai kỳ thượng hội đồng, Tông huấn Amoris laetitia, Niềm vui Yêu thương … Đó là một cái gì rõ ràng và tích cực, có một số người có khuynh hướng quá truyền thống chống lại, họ nói đó không phải là giáo điều thật sự. Về vấn đề các gia đình bị tổn thương, tôi nói trong chương tám, có bốn tiêu chuẩn: đón nhận, tháp tùng, nhận định các tình trạng và hội nhập. Và đó không phải là tiêu chuẩn cố định. Đó là mở ra một con đường, con đường hiệp thông. Ngay lập tức, người ta hỏi tôi: ‘Nhưng chúng ta có thể cho người ly dị được rước lễ?’ Tôi trả lời: ‘Hãy nói chuyện với người đàn ông ly dị, người đàn bà ly dị, hãy đón nhận, tháp tùng, nhận định và hội nhập!’ Than ôi, chúng tôi, các linh mục, chúng tôi quen với các tiêu chuẩn cố định. Và thật khó cho chúng tôi “tháp tùng trên con đường hội nhập, nhận định, nói tốt”. Nhưng đề nghị của tôi là như vậy. (…) Trên thực tế, điều thật sự xảy ra là nghe giáo dân nói: ‘Những người này không được rước lễ’, ‘họ không được làm này, họ không được làm kia’: cám dỗ của Giáo hội là ở đó. Nhưng cám dỗ không ở đó, không và không! Loại cấm đoán này chúng ta đã thấy trong thảm kịch của Chúa Giêsu với người pharisêu. Cùng một thảm kịch! Những người cao cả trong Giáo hội có tầm nhìn cao hơn, vượt lên trên, những người hiểu chuyện: các nhà truyền giáo.
Một phụ nữ nhớ đến con mình, bởi vì thường là như vậy, bà khóc, khóc bao nhiêu năm trời vì bà không đủ can đảm đi gặp linh mục… khi bà nghe tôi nói như vậy… ông có biết là có bao nhiêu người cuối cùng đã thở nhẹ nhõm không?”
Đức Phanxicô lưu ý, “đằng sau sự cứng ngắc là thiếu một khả năng giao tiếp… đó là hình thức theo trào lưu chính thống. Khi tôi gặp một người cứng ngắc, nhất là khi người đó còn trẻ, tôi nghĩ ngay, người này bị bệnh. Hiểm nguy là họ đi tìm an toàn. Tôi, tôi sợ sự cứng ngắc. Tôi thích một thanh niên mất trật tự, với những vấn đề bình thường, người hay nổi nóng… vì tất cả các mâu thuẫn này sẽ giúp anh lớn lên”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét