Trang

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Đức Phanxicô có đi quá không?

Đức Phanxicô có đi quá không?

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2017-09-06
Các quan điểm của ngài lặp đi lặp lại và dứt khoát để bảo vệ các người di dân bắt đầu làm bực mình. Dù vậy, ở đây Jorge Bergoglio cho thấy ngài có một lòng can đảm phi thường.
Đức Phanxicô ở Medellín! Chuyến tông du từ ngày 6 đến 10 tháng 9 đến Colombia, đất nước có 48 triệu người dân, nơi đạo công giáo là vua, sẽ đánh dấu bởi chuyến thăm của giáo hoàng Dòng Tên vào trọng tâm của cựu thủ lãnh độc chiếm Pablo Escobar và băng nhóm buôn ma túy của ông. Vị đại diện của Chúa ở trong hang nguy hiểm của quỷ: một trong các điểm chính của chuyến tông du năm ngày là để giải hòa quốc gia giữa chính quyền Colombia và lực lượng vũ trang lâu đời nhất của Nam Mỹ.
Một cuộc giải hòa chưa ăn sâu vào tâm trí dù có cuộc “ngưng bắn vĩnh viễn” được Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang ký và việc tước bỏ hoàn toàn vũ khí của họ được kết thúc vào ngày 15 tháng 8 vừa qua, cũng như một thỏa hiệp với Lực lượng Quân đội Giải phóng ELN, lực lượng vũ trang cuối cùng, được ký vào ngày thứ hai. Người ta không thể nào trong một phút xóa đi 50 năm xung đột vũ trang đãcó 8 triệu nạn nhân, trong đó có một triệu người bị chết vì bị giết, theo Bản tổng kết duy nhất các nạn nhân (RUV). Quan điểm của Tổng thống Juan Manuel Santos, người được Giải Nobel Hòa bình nhờ hành động của ông trên con đường này ngược với quan điểm của người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Álvaro Uribe, ông này vẫn là đối thủ dai dẳng chống sự giải hòa quốc gia này. Tháng 12 năm 2016, hai người gặp nhau ở Vatican, tuy nhiên Đức Giáo hoàng không thể làm cho họ đồng ý với nhau.
Sắp 81 tuổi, Đức Phanxicô thể hiện một lòng can đảm vĩ đại trên trường quốc tế, nhất là trên các quan điểm tận căn và lặp đi lặp lại để bảo vệ cho người di dân. Người ta biết Jorge Bergoglio đặt vấn đề này vào trọng tâm triều giáo hoàng của mình, chúng ta nhớ lại chuyến đi đầu tiên trong nước Ý của ngài là đến với người di dân ở đảo Lampedusa. Ngài cũng là một trong các lãnh đạo đầu tiên nhắc đến số phận của họ trên trường quốc tế, nhất là tại Strasbourg tháng 11 năm 2014 khi ngài xin các nghị viên Âu châu làm thế nào để “biển Địa Trung Hải đừng là nấm mộ khổng lồ”. Giáo hoàng Dòng Tên người Argentina, con của một gia đình di dân Ý ở bên cạnh người di dân trên tất cả mọi nơi có sự rạn nứt, – các biên giới, như ngài nói theo một phong cách rất Ignaxiô -, ở đảo Lesbos, Hy Lạp hay ở – Ciudad Juárez, biên giới Mêhicô-Mỹ.
Các quan điểm làm bực tức một cách nghiêm trọng
Ngày 15 tháng 8, Đức Phanxicô ký một bức thư chung – phải gọi là không tôn trọng gì truyền thống – ngài kê một loạt 21 điểm rất cụ thể để ủng hộ cho một đường lối chính trị cởi mở với người di dân. Ngài đã không ngần ngại nhấn mạnh “an ninh cá nhân” của người di dân phải trước “an ninh quốc gia”, xin cho người di dân có chiếu khán nhân đạo và cổ động cho việc đoàn tụ gia đình. Ngài khẳng định: “Tôi mong có nhiều nước hưởng ứng chương trình bảo lãnh tư nhân cũng như cộng đoàn và mở các hành lang nhân đạo cho các người tị nạn yếu đuối nhất”. Ngài thúc đẩy một sự hội nhập không phải là “đồng hóa dẫn đến việc loại bỏ hay quên đi bản sắc văn hóa của họ” và nhấn mạnh “sự cần thiết phải làm thuận lợi cho văn hóa gặp gỡ trong mọi trường hợp”.
Trong một diễn đàn, ông Pierre Lellouche, cựu bộ trưởng Ngoại giao Pháp về các vấn đề Âu châu tố cáo một văn bản “tàn phá, vượt ngoài chức năng của tác giả vì nó nằm ở trọng tâm quyền hạn của Quốc gia, trước hết là an ninh của công dân của quốc gia và sự kiểm soát biên giới”. Một cách tế nhị và minh bạch hơn, nhà trí thức công giáo Rémi Brague bác bỏ chính sách của Đức Giáo hoàng trong vấn đề này, ông cho rằng “dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu không áp dụng cho Quốc gia”. Trong hàng ngũ của các người công giáo bảo thủ, không có gì cho thấy quan điểm của Đức Giáo hoàng bắt đầu làm cho họ bực mình nhiều. Jorge Bergoglio có làm quá? “Giáo hoàng có ở cánh tả không?” như tựa của báo Figaro Magazine gần đây.
Ngài khiêu khích, ngài gây sốc, ngài đụng chạm
Đó có thực sự là câu hỏi? Không phải vì cách đi đến cùng của ngài đụng chạm đến lương tâm mà nó sai. Đức Phanxicô muốn là người “xây cầu” chứ không phải người “xây tường”, như ngài lặp đi lặp lại nhiều lần, “Xây cầu chứ không xây tường vì các bức tường sẽ sập”, ngài nói chính xác trong cuộc trao đổi với học giả Dominique Wolton ( Chính trị và Xã hội, Nxb Observatoire). Nhưng, trong một môi trường co rúm quốc tế mạnh mẽ như môi trường của chúng ta, để đào các kẻ hở trong các bức tường, trong các thành trì kiên cố của “chủ nghĩa ích kỷ Quốc gia”, ngoài kinh cầu của giáo hoàng, thì cần phải… đập cửa như người điếc đập. Vì thế, Đức Phanxicô đập cửa như người điếc. Ngài khiêu khích, ngài gây sốc, ngài đụng chạm. Ngài làm quá? Vậy thì sao? Vậy thì ngài làm đúng vai trò của mình!
Thật vậy, Đức Phanxicô không phải là nhà điều hành chính trị nhưng là nhà lãnh đạo thiêng liêng. Ngài không chịu trách nhiệm về an ninh của một Quốc gia, ngài chiến đấu để các tâm hồn được triển nở. Ngài nói với trái tim nhiều hơn với lý trí, với phân định, nét chủ đạo của Dòng Tên. Người phục vụ cho hy vọng nói đến điều tuyệt đối, về người di dân cũng như về các đề tài khác, kệ cho ai không bằng lòng, đó không phải là vấn đề. Không như bất cứ một vị tiền nhiệm nào trước đây, ngài đưa các người bị loại trừ vào trọng tâm của Giáo hội công giáo. Có gì đúng với sứ điệp Tin Mừng hơn không?
“Thần học của chúng ta là thần học của những người di dân, Đức Phanxicô nhấn mạnh trong quyển sách trao đổi với học giả Dominique Wolton. Bởi vì tất cả chúng ta, kể từ khi Abraham được gọi, với tất cả các cuộc di cư của người Israel, rồi đến chính Chúa Giêsu, Ngài cũng là người tị nạn, người di dân. Và rồi, một cách hiện sinh bằng đức tin, chúng ta cũng là những người di dân. Nhân phẩm con người tất yếu là “người đi trên đường”. Khi một người nam, một người nữ không đang trên đường, họ là xác ướp. Đó là một vật của viện bảo tàng. Người đó không còn sống. Không phải mình chỉ đi trên đường, mình phải làm con đường. Chúng ta làm con đường. Có một câu thơ Tây Ban Nha nói: Con đường được làm khi đi và đi, đó là giao tiếp với người khác. Khi chúng ta đi, chúng ta gặp. Đi có thể là nền tảng của nền văn hóa gặp gỡ.”
Vào năm 2017, những lời này được xem như những lời khai phá.
Marta An Nguyễn dịch
Đức Phanxicô trên chuyến bay đi Colombia ngày 6 tháng 9-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét