Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Đức Phanxicô: Các trích đoạn của quyển sách mà ngài nói tất cả

Đức Phanxicô: Các trích đoạn của quyển sách mà ngài nói tất cả


lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2017-08-31
“Chính Chúa Giêsu cũng là một người di dân, một người tị nạn”
Báo Figaro Magazine đăng các trích đoạn của quyển sách sắp phát hành của Đức Phanxicô. Một quyển sách đối thoại gặp đâu nói đó, đầy cả ngạc nhiên. 
Dấn thân cho người di dân
Dominique Wolton: Tháng 1 năm 2016, cha đã nói ở đảo Lesbos, Hy Lạp, một câu rất hay và hiếm khi được nghe: “Chúng ta tất cả đều là người tị nạn, chúng ta tất cả đều là người di dân.” Ở thời buổi mà các cường quốc Âu châu và phương Tây đóng cửa, còn nói gì được ngoài câu nói tuyệt vời này? Phải làm gì?
Đức Phanxicô: Tôi có nói một câu – các trẻ em mặc áo t-shirt có hàng chữ: “Tôi không phải là một nguy hiểm, tôi đang bị nguy hiểm.” Thần học của chúng ta là thần học của những người di dân. Bởi vì tất cả chúng ta, kể từ khi Abraham được gọi, với tất cả các cuộc di cư của người Israel, rồi đến chính Chúa Giêsu, Ngài cũng là người tị nạn, người di dân. Và rồi, một cách hiện sinh bằng đức tin, chúng ta cũng là những người di dân. Nhân phẩm con người tất yếu là “người đi trên đường”. Khi một người nam, một người nữ không đang trên đường, họ là xác chết. Đó là một vật của viện bảo tàng. Người đó không còn sống.
(…) Dominique Wolton: Một năm rưỡi sau khi cha nói câu này ở Lesbos, tình trạng còn tệ thêm. Rất nhiều người ngưỡng phục những lời cha nói, nhưng sau đó thì không có gì. Cha có thể nói gì ngày hôm nay?
Đức Phanxicô: Vấn đề bắt đầu ở những quốc gia mà người di dân đến. Tại sao họ lại rời đất đai của họ? Do thiếu công việc, hoặc do chiến tranh. Đây là hai lý do chính. Việc thiếu việc làm, bởi vì họ bị khai thác – tôi nghĩ đến người Châu Phi. Châu Âu đã khai thác Châu Phi… Tôi không biết liệu chúng ta có thể nói như vậy! Nhưng ở một vài thuộc địa Âu châu… đúng, họ khai thác người Châu Phi. Tôi đã đọc. Tôi có đọc, một vị nguyên thủ quốc gia châu Phi mới được bầu, hành động đầu tiên của ông là trình lên Quốc hội dự luật trồng rừng lại, và luật đã được ban hành. Quyền lực kinh tế thế giới đã đốn rừng. Phải trồng lại rừng.
Đất khô cằn vì bị khai thác quá mức và không còn công việc nữa. Điều đầu tiên phải làm, như tôi đã nói trước Liên Hiệp Quốc, trước Hội đồng Âu châu, khắp mọi nơi, là phải tìm ở đó các nguồn tạo công ăn việc làm, và phải đầu tư vào đó. Và Âu châu cũng phải đầu tư tại châu của mình. Ở đây, cũng có vấn đề về thất nghiệp. Một lý do khác để người dân ra đi, đó là chiến tranh. Chúng ta có thể đầu tư, mọi người sẽ có công ăn việc làm và họ không cần phải ra đi, nhưng còn chiến tranh, họ cũng phải đi trốn. Vậy thì ai gây chiến tranh? Ai cung cấp vũ khí? Chúng ta. 
Đức Phanxicô: Tôi nghĩ Âu châu đang trở thành một “bà già”. Nhưng tôi muốn thấy Âu châu là một bà mẹ. Về vấn đề sinh sản, nước Pháp đứng đầu các nước phát triển với tỉ số sinh sản 2%. Trong khi ở Ý chỉ có 0, 5 %, rất yếu. Tây Ban Nha cũng vậy. Châu Âu có thể đánh mất ý nghĩa văn hóa và truyền thống của mình. Tôi nhấn mạnh, Âu châu là đại lục duy nhất có một nền văn hóa rất phong phú. Âu châu phải tìm thấy mình trong gốc rễ của mình. Và không được sợ. Không được sợ mới có thể thành Âu châu mẹ. (…)
Dominique Wolton: Nỗi lo lắng chính, niềm hy vọng chính của cha đối với Âu châu?
Đức Phanxicô: Tôi không thấy có thêm Schuman, có thêm Adenauer…
Dominique Wolton: (cười) Dù vậy có cha. Và nhiều người khác nữa…
Đức Phanxicô: Giờ đây Âu châu đang sợ. Âu châu đóng cửa, đóng, đóng…
(…) Và rồi châu Âu, đó là lịch sử của một hội nhập văn hóa, đa văn hóa như ông nói, rất mạnh. Những Longobards, các Lombards của chúng ta ngày nay, là những người man rợ đã đến đây từ rất lâu… Và rồi tất cả đến trộn lẫn và chúng ta có văn hóa của mình. Nhưng đâu là văn hóa Âu châu? Làm thế nào để tôi xác định văn hóa châu Âu ngày hôm nay? Đúng, Âu châu có gốc rễ kitô giáo rất quan trọng, và đúng vậy. Nhưng chưa đủ để xác nhận nó, Có tất cả khả năng của chúng ta. Khả năng hội nhập, khả năng tiếp nhận người khác. Và còn ngôn ngữ trong văn hóa. Trong tiếng Tây Ban Nha của chúng tôi, có 40 % là tiếng Ả rập. Tại sao? Bởi vì họ ở đó trong vòng bảy thế kỷ. Họ để lại dấu vết của họ.
(…)
Dominique Wolton: Nơi cái gì cha cảm thấy mình là người Argentina? Theo cha, nơi cái gì là bản sắc Argentina?
Đức Phanxicô: Ở Argentina, có người bản địa. Chúng tôi có các dân tộc bản địa. Căn tính của Argentina là lai. Đa số người Argentina là người lai. Vì có các làn sóng nhập cư trộn lẫn vào nhau, pha trộn và hỗn hợp… Tôi nghĩ nước Mỹ cũng như thế, làn sóng người di dân đã pha trộn dân tộc. Hai quốc gia này tương đối giống nhau. Và tôi, tôi luôn cảm thấy một chút như thế. Đối với chúng tôi, thật là bình thường khi ở trường học có nhiều tôn giáo khác nhau.
(…) Một số quốc gia đã có thể hội nhập các người di dân vào trong đời sống của họ. Nhưng có những quốc gia khác, trong hai hoặc ba thế hệ, đã nhét họ trong các khu biệt cư. Không hội nhập. 
Giáo hội và xã hội 
Đức Phanxicô: Nhà nước thế tục là một điều lành mạnh. Có một dạng thế tục lành mạnh. Chúa Giêsu đã nói, cái gì của Xêda trả cho Xêda, cái gì của Chúa trả cho Chúa.
Chúng ta tất cả bình đẳng trước mặt Chúa. Nhưng tôi nghĩ, ở một vài nước như nước Pháp, dạng thế tục ở đây mang đậm nét di sản của Thời kỳ Khai Sáng rất mạnh, tạo một ảo tưởng tập thể, theo đó các tôn giáo bị xem như một thứ phẩm của văn hóa. Tôi nghĩ nước Pháp – đây là ý kiến riêng của tôi, không phải ý kiến chính thức của Giáo hội – phải “nâng” mức độ thế tục lên một chút, trong nghĩa, nó phải nói các tôn giáo là một phần của văn hóa. Làm thế nào để diễn tả điều này một cách thế tục? Bằng mở ra với siêu việt. Mọi người có thể tìm cho mình một hình thức mở ra. Trong di sản của nước Pháp, Thời kỳ Khai Sáng đè quá nặng. Tôi hiểu di sản này là của Lịch sử, nhưng công việc phải làm là mở rộng ra. Có các chính quyền, có các kitô hữu hay không, những người không chấp nhận thế tục. Một Quốc gia thế tục “mở ra với điều siêu việt” là gì? Các tôn giáo là một phần thuộc về văn hóa, tôn giáo không phải là văn hóa phụ. Khi người ta nói không được mang thánh giá trên cổ, hoặc phụ nữ không được mang cái này mang cái kia, thật là ngu xuẩn. Vì cả hai đều thể hiện một văn hóa. Người mang thánh giá, người mang cái khác, giáo sĩ đội mũ kippa, giáo hoàng mang mũ chỏm! (cười)… Và đó là thế tục lành mạnh! Công đồng Vatican II nói rất rõ điều này. Tôi nghĩ, trên các vấn đề này, có những thái quá, nhất là khi thế tục được đặt lên trên tôn giáo. Các tôn giáo không phải là một phần của văn hóa sao? Như thế nó là văn hóa phụ à? 
Đức Phanxicô: Từ bỏ dục tính và chọn con đường khiết tịnh, hoặc giữ trinh khiết là cả một đời sống thánh hiến. Và đâu là điều kiện mà không có điều kiện này thì con đường này sẽ chết? Chính con đường này là con đường dẫn đến tình phụ tử, tình mẫu tử. Một trong những điều không tốt cho Giáo hội là Giáo hội có các linh mục “trai già”, các nữ tu “gái già”. Bởi vì họ đầy cay đắng. Ngược lại, những ai có được tình phụ tử thiêng liêng, dù họ làm ở giáo xứ, ở trường học, ở bệnh viện, họ làm việc tốt… Và cũng vậy đối với các nữ tu, họ là các “bà mẹ”  (…) Đó là sự từ bỏ tự nguyện. Giữ trinh khiết, dù nam hay nữ là truyền thống tu viện có trước thời công giáo. Đó là sự tìm kiếm của con người: từ bỏ để đi tìm Chúa từ gốc, để chiêm niệm. Nhưng một từ bỏ phải là một từ bỏ phong phú, để duy trì một hình thức từ bỏ khác với từ bỏ xác thịt, từ bỏ tình dục. Ngay cả trong Giáo hội cũng có các linh mục lập gia đình. Tất cả các linh mục đông phương đều lập gia đình, và vẫn còn tồn tại. Nhưng từ bỏ hôn nhân vì nước Chúa, đó là một giá trị tự chính nó. Điều này có nghĩa, từ bỏ để được phục vụ, để chiêm niệm tốt hơn. 
Đức Phanxicô: Trước đây người ta thuyên chuyển linh mục, nhưng vấn đề đi theo với người linh mục. Đường lối hiện nay là đường lối của Đức Bênêđictô XVI, và tôi, cách đây hai năm, chúng tôi thành lập Hội đồng Giám hộ các trẻ Vị thành niên tại Vatican. Giám hộ tất cả các trẻ vị thành niên. Điều này nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này. Giáo hội dạy cách ngăn ngừa, làm sao để cho trẻ em nói chuyện, làm sao để trẻ nói sự thật với cha mẹ, kể những gì đã xảy ra, vv. Đó là con đường xây dựng. Giáo hội không được đi trên tư thế phòng vệ. Nếu linh mục là người đi lạm dụng, thì đó là người bệnh hoạn. Trên bốn người đi lạm dụng, có hai người đã bị lạm dụng khi họ còn nhỏ. Đây là con số thống kê của các nhà tâm thần học.
Đức Phanxicô: Còn hôn nhân của những người cùng giới? “Hôn nhân” là chữ có từ đầu trong lịch sử, chứ không phải chỉ có trong Giáo hội, đó là một người đàn ông, một người đàn bà. Người ta không thể thay đổi điều này… (…) Người ta không thể thay đổi chuyện này. Đó là nằm trong bản chất. Nó là như vậy. Chúng ta hãy gọi đó là “kết hiệp dân sự”. Chúng ta đừng đùa với các sự thật. Đúng là đàng sau các chuyện này là một ý thức hệ về giới. Trong sách cũng vậy, trẻ con được dạy mình có thể chọn giới tính. Bởi vì giới tính, là đàn ông hoặc đàn bà, là một sự lựa chọn chứ không phải tự bản chất? Điều này dễ tạo sai lầm. Nhưng chúng ta phải gọi sự việc theo đúng sự thật của nó: hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Đó là thuật ngữ chính xác. Chúng ta hãy gọi sự kết hiệp cùng giới là “kết hiệp dân sự”. 
Đức Phanxicô: Truyền thống phát triển như thế nào? Truyền thống phát triển cũng như một người phát triển: qua đối thoại, cũng như việc cho con bú. Đối thoại với thế giới chung quanh mình. Đối thoại làm tăng trưởng. Nếu chúng ta không đối thoại, chúng ta không thể tăng trưởng, chúng ta khép kín, thấp nhỏ. Tôi không thể để mình đi với khăn bịt mắt, tôi phải nhìn và phải đối thoại. Đối thoại làm phát triển và làm truyền thống phát triển. Khi đối thoại và khi nghe một ý kiến khác, như trong trường hợp án tử hình, nạn tra tấn, nạn nô lệ, tôi có thể thay đổi quan điểm. Nhưng không thay đổi tín điều. Tín điều phát triển với sự hiểu biết. và đó là nền tảng của truyền thống.
(…)
Ngược lại, ý thức hệ theo chủ nghĩa gìn giữ truyền thống có một đức tin như vậy (ngài làm cử chỉ bịt mắt): làm phép phải làm như vậy, các ngón tay trong thánh lễ phải làm như vậy, mang găng tay như ngày xưa… Công đồng Vatican II đã thay đổi rất nhiều trong nghi thức phụng vụ. Bởi vì công đồng đã mở ra cho giáo dân tham dự vào việc thờ phượng Chúa. Bây giờ giáo dân tham dự vào thánh lễ. 
Dominique Wolton: Còn về đối thoại với hồi giáo, có nên yêu cầu một tinh thần hỗ tương qua về không? Tín hữu kitô đã thật sự không có tự do ở các nước Ả-rập Xê-út và trong một vài nước hồi giáo. Những người theo chủ nghĩa cực đoan hồi giáo giết người nhân danh Chúa… 
Đức Phanxicô: Họ không chấp nhận nguyên tắc hỗ tương. Một vài nước vùng Vịnh đã mở ra, họ giúp chúng ta xây dựng nhà thờ. Tại sao họ mở ra? Vì họ có các công nhân Phi Luật Tân, các người công giáo, các người Da Đỏ… Vấn đề ở Ả-rập Xê-út là vấn đề tâm lý. Tuy nhiên với hồi giáo, đối thoại đang đi trên con đường tốt, vì, tôi không biết ông đã biết chưa, đại giáo sĩ Al-Azhar đã đến thăm chúng tôi. Và nếu có một cuộc gặp gỡ ở đó: tôi sẽ đi. Tôi nghĩ sẽ là tốt nếu họ học kinh Coran trong tinh thần phê phán, cũng như chúng ta đã làm với Sách Thánh của mình. Phương pháp giải thích lịch sử và phê phán chú giải sẽ làm cho họ tiến hóa.
Các thách thức của Giáo hội
Đức Phanxicô: Có những tội của các nhà lãnh đạo Giáo hội, thiếu thông minh hoặc để bị thao túng. Nhưng Giáo hội không phải là các giám mục, các giáo hoàng, các linh mục. Giáo hội là giáo dân. Và Công đồng Vatican II đã nói: “Dân của Chúa, trong toàn thể, không lầm.” Nếu chúng ta muốn biết Giáo hội, hãy vào một làng nơi có Giáo hội sống. Vào bệnh viện nơi có các tín hữu kitô, các giáo dân, các nữ tu làm việc… Hãy đến Phi châu, nơi có bao nhiêu là nhà truyền giáo. Họ cống hiến đời sống của họ ở đó. Và họ đã có những cuộc cách mạng thật sự. Không phải để trở lại, đó là vào một thời khác nhưng bây giờ là để phục vụ. 
Đức Phanxicô: Có rất nhiều sự thánh thiện. Đó là chữ tôi muốn dùng cho Giáo hội ngày nay, theo ý nghĩa thánh thiện hàng ngày, trong gia đình… Và điều này là một kinh nghiệm cá nhân. Khi tôi nói đến sự thánh thiện bình thường này, cái mà có lần tôi gọi là thánh thiện của “tầng lớp trung lưu”… ông biết nó gợi lên trong tôi điều gì không? Là Kinh Truyền Tin của họa sĩ Millet (Angélus de Millet). Bức tranh đến trong đầu tôi. Sự đơn sơ của hai nông dân khi họ cầu nguyện. Một dân tộc cầu nguyện, một dân tộc phạm tội và họ ăn năn tội mình. Có một hình thức thánh thiện ẩn giấu trong Giáo hội. Có những anh hùng đi sứ vụ. Người Pháp các ông đã làm rất nhiều, có một số người đã hy sinh mạng sống của mình. Đó là điều làm tôi xúc động nhất trong Giáo hội: sự thánh thiện bình thường, phong phú. Khả năng thành thánh mà không làm mình nổi lên.
Đức Phanxicô: Nhưng chúng ta, người công giáo, làm sao chúng ta dạy đạo đức? Chúng ta không thể dạy với các lời dạy như: “Con không được làm vậy, con không được làm kia, con phải làm vậy, con phải làm kia, con không thể, con có thể.” Đạo đức là hệ quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Đó là hệ quả của đức tin cho người công giáo chúng ta. Còn cho các người khác, đạo đức là hệ quả của một gặp gỡ với một lý tưởng, hoặc với Chúa, hoặc với chính mình, nhưng với phần tốt nhất của mình. Đạo đức luôn là một hệ quả.
Dominique Wolton: Sứ điệp tận căn nhất của Giáo hội từ muôn thuở, từ Phúc Âm là lên án sự điên cuồng của tiền bạc. Tại sao sứ điệp này không được nghe?
Đức Phanxicô: Có thật nó không bao giờ được nghe không? Nhưng vì có một số người thích nói về đạo đức trong các bài giảng hay trong các ghế thần học. Có một hiểm nguy cho các người đi giảng, các nhà giảng thuyết, hiểm nguy rơi vào sự tầm thường. Để chỉ duy lên án đạo đức “dưới thắt lưng”, tôi xin lỗi. Còn các tội khác nặng hơn như hận thù, tham lam, kiêu ngạo, huênh hoang, giết người, lấy mạng sống người khác…, những tội này người ta không nói nhiều đến như vậy.
Đức Phanxicô: (…) Có những việc tôi làm sau hai kỳ thượng hội đồng, Tông huấn Amoris laetitia, Niềm vui Yêu thương … Đó là một cái gì rõ ràng và tích cực, có một số người có khuynh hướng quá truyền thống chống lại, họ nói đó không phải là giáo điều thật sự. Về vấn đề các gia đình bị tổn thương, tôi nói trong chương tám, có bốn tiêu chuẩn: đón nhận, tháp tùng, nhận định các tình trạng và hội nhập. Và đó không phải là tiêu chuẩn cố định. Đó là mở ra một con đường, con đường hiệp thông. Ngay lập tức, người ta hỏi tôi: “Nhưng chúng ta có thể cho người ly dị được rước lễ?” Tôi trả lời: “Hãy nói chuyện với người đàn ông ly dị, người đàn bà ly dị, hãy đón nhận, tháp tùng, nhận định và hội nhập!” Than ôi, chúng tôi, các linh mục, chúng tôi quen với các tiêu chuẩn cố định. Và thật khó cho chúng tôi “tháp tùng trên con đường hội nhập, nhận định, nói tốt”. Nhưng đề nghị của tôi là như vậy. (…) Trên thực tế, điều thật sự xảy ra là nghe giáo dân nói: “Những người này không được rước lễ”, “họ không được làm này, họ không được làm kia”: cám dỗ của Giáo hội là ở đó. Nhưng cám dỗ không ở đó, không và không! Loại cấm đoán này chúng ta đã thấy trong thảm kịch của Chúa Giêsu với người pharisêu. Cùng một thảm kịch! Những người cao cả trong Giáo hội có tầm nhìn cao hơn, vượt lên trên, những người hiểu chuyện: các nhà truyền giáo. 
Đức Phanxicô: Trong Năm Thánh Lòng thương xót, các linh mục đã được nới rộng quyền tha tội phá thai. Cẩn thận, điều này không có nghĩa là tầm thường hóa việc phá thai. Phá thai là nghiêm trọng, là tội trọng. Đó là giết một người vô tội. Nhưng nếu đã phạm tội thì phải tạo điều kiện để họ được tha thứ. Và sau đó, tôi quyết định, biện pháp này sẽ là mãi mãi. Từ nay mỗi linh mục đều có quyền giải tội này.
Dominique Wolton: Quan điểm cởi mở và nhân đạo của cha đã tạo các chống đối trong Giáo hội công giáo.
Đức Phanxicô: Một phụ nữ nhớ đến con mình, bởi vì thường là như vậy, bà khóc, khóc bao nhiêu năm trời vì bà không đủ can đảm đi gặp linh mục… khi bà nghe tôi nói như vậy… ông có biết là có bao nhiêu người cuối cùng đã thở nhẹ nhõm không? 
Đức Phanxicô: Đằng sau mỗi sự cứng ngắc, thì không có khả năng thông hiệp. Và tôi luôn tìm thấy… Lấy ví dụ các linh mục cứng ngắc, họ sợ giao tiếp, lấy ví dụ các chính trị gia cứng ngắc… Đó là một hình thức theo trào lưu chính thống. Khi tôi gặp một người cứng ngắc, nhất là khi người đó trẻ, tôi nghĩ ngay, người này bị bệnh. Hiểm nguy là họ đi tìm an toàn. Về chuyện này, tôi kể cho ông nghe một giai thoại.
Năm 1972 khi tôi là bề trên tập viện, tôi trông coi các chủng sinh, theo dõi các ứng viên một hoặc hai năm trước khi họ vào Dòng. (…)
Tôi còn nhớ một trong các chủng sinh, anh hơi cứng ngắc, nhưng anh rất thông minh và tôi thấy anh có trình độ cao. Cũng có các chủng sinh khác ít xuất sắc hơn, tôi tự hỏi không biết họ có vượt qua được không. Tôi nghĩ họ sẽ bị từ chối vì họ có những khó khăn, nhưng cuối cùng họ được nhận vì họ có khả năng phát triển, có khả năng thành công. Và khi có kết quả của chủng sinh đầu tiên, họ nói không ngay lập tức.
“Nhưng tại sao? Anh ấy thông minh, anh ấy có nhiều đức tính.
–  Anh ấy có một vấn đề, anh hơi cứng cỏi, hơi giả tạo về một vài việc, anh hơi cứng ngắc.
– Nhưng tại sao anh lại như vậy?
– Bởi vì anh không tự tin.
Người ta thấy, những người này, một cách vô thức, họ cảm thấy mình là “người có bệnh tâm lý”. Họ không biết, họ cảm nhận. Và vì thế họ đi tìm các tổ chức vững mạnh để bảo vệ họ trong cuộc sống. Họ thành cảnh sát, họ vào trong quân đội hoặc trong Giáo hội. Các tổ chức mạnh để tự vệ. Họ làm tốt công việc của mình, và khi họ cảm thấy mình đủ an toàn, một cách vô thức, căn bệnh sẽ biểu hiệu. Và lúc đó các vấn đề xảy ra.
Và tôi đã hỏi: “Nhưng thưa bác sĩ, làm thế nào để giải thích chuyện này? Tôi không hiểu rõ.” Và bà bác sĩ cho tôi câu trả lời này: “Cha không bao giờ tự hỏi, vì sao có các cảnh sát đi tra tấn sao? Các thanh niên trẻ này khi họ vào quân đội, họ là các chàng thanh niên dũng cảm, tốt, nhưng bệnh hoạn. Và khi họ trở nên tự tin thì lúc đó bệnh phát ra.” Tôi, tôi sợ sự cứng ngắc. Tôi thích một thanh niên mất trật tự, với những vấn đề bình thường, người hay nổi nóng… vì tất cả các mâu thuẫn này sẽ giúp anh lớn lên.
Tâm sự riêng tư
Dominique Wolton: (…) Đâu là vai trò các phụ nữ trong đời của cha?
Đức Phanxicô: Cá nhân tôi, tôi cám ơn Chúa đã cho tôi biết các phụ nữ đích thực trong đời tôi. Bà nội, bà ngoại của tôi rất khác nhau, nhưng hai bà là những phụ nữ đích thực. Họ là các bà mẹ, họ làm việc, họ can đảm, họ bỏ hết thì giờ cho các cháu… Họ luôn có chiều kích phụ nữ này… (…) Rồi đến mẹ tôi. Mẹ tôi.. Tôi thấy bà đau đớn, sau lần sinh cuối, bà có năm người con, và khi bà bị nhiễm trùng, bà không thể đi đứng được trong vòng một năm. Tôi thấy bà đau đớn. Tôi thấy bà thu xếp để không phí phạm một chuyện gì. Cha tôi làm kế toán, ông chăm chỉ làm việc nhưng lương của ông vừa đủ đến ngày cuối tháng. Và tôi thấy mẹ tôi, cách bà đương đầu hết vấn đề này đến vấn đề khác… (…) Đó là một người phụ nữ, một người mẹ. Rồi các em tôi… Rất quan trọng cho một người đàn ông có chị em gái, rất quan trọng. Rồi tôi có các cô bạn tuổi vị thành niên, các “cô hôn thê bé nhỏ”… Luôn được tiếp xúc với các phụ nữ làm cho tôi được phong phú, tôi hiểu, ngay cả khi là người lớn, người đàn bà nhìn sự việc một cách khác đàn ông. Và đứng trước một quyết định phải lựa chọn, đứng trước một vấn đề, quan trọng là phải nghe cả hai. 
Dominique Wolton: Cha đã gặp các phụ nữ, sau thời thơ ấu và vị thành niên, ai là người đã tác động lên cha?
Đức Phanxicô: Có. Có một bà đã dạy cho tôi suy nghĩ về thực tế chính trị. Bà là người cộng sản.
Dominique Wolton: Bà còn sống không?
Đức Phanxicô: Không… Trong thời chế độ độc tài, bà “bị thương”, bị giết. Bà bị bắt trong nhóm hai nữ tu người Pháp, họ ở trong nhóm với nhau. Bà là hóa học gia, trưởng phòng thí nghiệm brômat nơi tôi làm việc. Bà là người cộng sản Paraguay, thuộc đảng Febrerista ở đó. Tôi còn nhớ bà cho tôi đọc bản tuyên án tử hình các người Rosenberg! Bà cho tôi thấy hậu trường của bản tuyên án này. Bà cho tôi các sách cộng sản, nhưng bà dạy cho tôi suy nghĩ về chính trị. Tôi nợ bà rất nhiều.
(…) Dominique Wolton: Tên của bà?  
Đức Phanxicô: Esther Balestrino De Careaga.
(…) Có lần người ta nói tôi: “Nhưng cha là cộng sản!” Không. Người cộng sản, đó là các kitô hữu. Người cộng sản đã lấy khảu hiệu của chúng tôi!
Dominique Wolton: Nguồn gốc Châu Mỹ La Tinh và đào tạo Dòng Tên của cha có làm cho cha sống một cách khác đi không?
Đức Phanxicô: Một gương mẫu đến trong đầu tôi, nhưng tôi không biết cách nào diễn tả: tôi tự do. Tôi cảm thấy mình tự do. Điều này không có nghĩa là tôi làm những gì tôi muốn, không. Nhưng tôi không cảm thấy mình bị giam tù, mình ở trong lồng. Ở trong lồng Vatican này, đúng, nhưng không bị giam về mặt thiêng liêng. Tôi không biết đó là… Với tôi, không có gì làm tôi hãi sợ. Có thể đó là vô thức hoặc chưa trưởng thành!
Dominique Wolton: Cả hai!
Đức Phanxicô: Mà đúng, sự việc đến như vậy, mình làm những gì mình có thể làm, mình xem tự nhiên, việc gì đến thì đến, mình tránh làm những việc, có người đi, có người không đi… Có thể đó là bề ngoài, tôi không biết. Tôi không biết làm thế nào để gọi. Tôi cảm thấy mình như con cá trong nước. 
Đức Phanxicô: (…) Đến một lúc trong đời tôi, tôi cảm thấy cần được tham vấn. Tôi đi tham vấn ở một nhà tâm thần học người do thái. Trong vòng sáu tháng, mỗi tuần tôi đến nhà bà một lần để làm sáng tỏ một vài chuyện. Bà rất giỏi. Bà rất chuyên nghiệp trong nghề bác sĩ, trong vai trò nhà phân tâm học, nhưng bà luôn ở trong quan điểm của mình. Và đến một ngày, khi bà sắp qua đời, bà gọi tôi. Không phải vì các bí tích, bà là người do thái, nhưng là để có một đối thoại thiêng liêng. Bà là người rất tốt. Trong vòng sáu tháng, bà đã giúp tôi rất nhiều, lúc đó tôi 42 tuổi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét