Trang

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Cuộc trở lại chớp nhoáng: Israël Zoller hay lời hứa của hội đường do thái

Cuộc trở lại chớp nhoáng: Israël Zoller hay lời hứa của hội đường do thái



fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-08-06
Vừa ra khỏi Thế Chiến Thứ Hai và sau cuộc trở lại bất thình lình, Đại giáo sĩ thành phố Rôma xin rửa tội. Ông lấy tên là Eugenio để vinh danh Đức Piô XII và để biết ơn ngài đã giúp người do thái trong thời kỳ chiến tranh.
Israël Zoller, mà tên họ được lấy theo tiếng Ý là Zolli theo luật bài do thái của Mussolini, sinh năm 1881, ở Brody vùng Galicie (đông-nam Ba Lan) thuộc lãnh thổ của nước Áo-Hung. Gia đình bên mẹ xuất thân từ dòng dõi lâu đời của các giáo sĩ, bà mơ con mình sẽ là giáo sĩ. Ông học cấp cao ở Vienna, rồi ở Florence, song song vào đó ông còn theo học trường giáo sĩ của thành phố. Năm 1918, khi mới 39 tuổi, ông được đề cử làm Đại Giáo sĩ ở Trieste – một trong các trung tâm do thái quan trọng nhất của Âu châu -, chức vụ mà ông đảm trách trong vòng hai mươi năm. Năm 1939, khi Âu châu ở trong thời Thế chiến, ông được đề cử làm Đại Giáo sĩ thành phố Rôma. Khi nước Đức xâm chiếm một phần lớn nước Ý năm 1943, cộng đoàn do thái địa phương lâm vào cảnh kinh hoàng của các vụ trục xuất và hành quyết hàng loạt do những người nazi và đồng lõa của họ thực hiện.
Hiện ra bất thình lình
Trong cơn chao đảo này, bỗng Chúa Kitô thình lình hiện ra với ông vào ngày lễ ăn năn sám hối Yom Kippour, một ngày tháng 10 năm 1944, lúc ông đang ở trong hội đường lớn của người do thái ở Rôma:
“Như thử có một màn sương mù buông xuống dần trong tâm hồn tôi. Màn sương càng lúc càng dày đặc và tôi mất hết mọi tiếp xúc với những người chung quanh (…) Bỗng chốc, với con mắt của thần trí, tôi thấy một cánh đồng lớn và đứng giữa cánh đồng cỏ xanh là Chúa Giêsu mặc áo măng-tô trắng… Khi thấy cảnh này, tôi cảm nhận có một sự bình an sâu đậm trong lòng và tận đáy lòng tôi, tôi nghe những lời này: “Con ở đây là lần cuối. Kể từ bây giờ con theo Ta”. Tôi đón nhận những lời này một cách thanh thản lạ lùng và lòng tôi trả lời ngay: “Ước gì được như vậy, ước gì phải được như vậy”… Một giờ sau, sau bữa ăn tối, khi tôi ở trong phòng, vợ tôi nói với tôi: “Hôm nay khi anh đứng trước Vòm Kinh Torah, em thấy hình ảnh trắng của Chúa Giêsu đặt tay lên anh như ban phép lành cho anh”. Tôi kinh ngạc… Lúc đó, Myriam, con gái nhỏ nhất của tôi đang ở trong phòng cháu, cháu không nghe gì hết, cháu gọi tôi và nói: “Ba đang nói chuyện với Chúa Giêsu Kitô. Ba biết không, chiều nay con thấy trong giấc mơ một Chúa Giêsu cao cả mặc áo trắng”. Tôi chúc hai mẹ con ngủ ngon và không thắc mắc gì, tôi tiếp tục suy nghĩ về sự trùng hợp phi thường của hai sự kiện này.
Không từ chối tiếng gọi của Chúa
Vài ngày sau, Đại giáo sĩ từ nhiệm, ông đi tìm một linh mục để học về các chân lý của đức tin. Sự trở lại của ông đã được quyết định, ông giải thích sau này trong quyển Ký ức của mình, khi Chúa gọi thì phải trả lời:
“Con người không chọn giây phút mình trở lại, nhưng họ trở lại khi nhận tiếng gọi này của Chúa. Vậy thì chỉ có một chuyện để làm: vâng lời. Không có gì là suy tính trước, chuẩn bị trước: chỉ có Người Tình, Tình Yêu, Người yêu. Đó là một động thái đến từ Tình yêu, một kinh nghiệm sống dưới ánh sáng của Tình yêu; tất cả được hoàn tựu trong sự nhận biết chính Tình yêu đã trao ban”. 
Sau rửa tội, sống bấp bênh và bị vu khống
Ngày 13 tháng 2 năm 1945, khi quân Đức bị đẩy lui ra khỏi phần lớn nước Ý, ông nhận phép rửa tội và chọn tên thánh là Eugenio để tỏ lòng biết ơn Đức Piô XII vì hành động quyết tâm của ngài để bảo vệ người do thái trong thời kỳ chiến tranh. Bà Emma vợ của ông cùng rửa tội với ông. Myriam, con gái ông, sau một năm suy nghĩ mới rửa tội. Một quyết định không phải là không có hậu quả: Eugenio Zolli bỗng đối diện với các vấn đề khó khăn của cuộc sống – một tình trạng mà ông chấp nhận với thái độ hoàn toàn không bám dính: “Tôi xin nước rửa tội chứ không xin gì hơn. Tôi nghèo và tôi vẫn hoàn nghèo. Tôi tin tưởng vào Chúa Quan Phòng” – thêm vào đó là một trận bão vu khống, theo đó, ông trở lại vì có lợi. Lợi nào? Cái nghèo của ông là câu trả lời: “Không có động lực lợi lộc nào thúc đẩy tôi làm chuyện này; khi vợ tôi và tôi đến với Giáo hội, chúng tôi mất tất cả những gì chúng tôi có ở thế gian này. Bây giờ chúng tôi phải làm việc; Chúa sẽ giúp chúng tôi”. Mặt khác, ông thố lộ trong quyển Ký ức của ông, “người do thái trở lại hôm nay, cũng như Thánh Phaolô ngày xưa, về đời sống vật chất họ mất tất cả, nhưng về đời sống ân sủng thì họ có được tất cả”.
Và khi người ta hỏi ông Zolli vì sao ông bỏ hội đường để vào Giáo hội, ông không do dự một giây: “Nhưng tôi không bỏ hội đường. Kitô giáo là bước hoàn tựu của hội đường. Vì hội đường là lời hứa và kitô giáo là hoàn tựu lời hứa này. Hội đường chỉ dẫn cho kitô giáo; kitô giáo giả định trước cho hội đường. Vì thế, bạn thấy cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia. Vì thế tôi trở lại với một kitô giáo sống động”. 
“Người trở lại như người được phép lạ…”
Quả vậy, đối với ông Eugenio Zolli, rửa tội là kết quả của một tiến trình thiêng liêng lâu dài:
”Trong tâm hồn tôi, sự kiện này như sự đi đến của một người khách yêu thương. Tôi chỉ bắt đầu nghe tiếng Chúa Kitô nói một cách rõ hơn, mạnh hơn trong Phúc Âm. Trong tâm hồn tôi, Chúa không mạc khải bằng các phương tiện như cơn bão hay lửa cháy, nhưng qua tiếng thì thầm nhẹ nhàng… Tôi ý thức, tôi có một Chúa mà tôi yêu thương, một Chúa muốn mình yêu thương Ngài và chính Ngài cũng yêu thương… Người trở lại, cũng như người được phép lạ, là khách thể (người nhận), chứ không phải chủ thể (tác giả) của sự kỳ diệu. Sẽ là sai lầm nếu nói ai đó trở lại là do sáng kiến riêng của họ. Người ta không nói người được phép lạ là người lành bệnh mà là người đã được lành. Người được trở lại, cũng phải nói như vậy”.
Ông Eugenio Zolli qua đời ngày 2 tháng 3 năm 1956. Đối với nhiều sử gia uy tín, chứng từ của ông về sự giúp đỡ, các việc tốt lành, sự nâng đỡ của Giáo hội với các nạn nhân vụ diệt chủng người do thái, là xác quyết để gỡ nút thắt các tranh luận về sự “im lặng” của Đức Thánh Cha đứng trước các việc làm tàn bạo của nazi, nhưng sứ điệp lớn của ông ngày nay là lời kêu gọi “củng cố sợi dây thiêng liêng kết hiệp người do thái và tín hữu kitô, một sợi dây đã có từ lâu”.
Marta An Nguyễn dịch
Ông Israël Zolli (bên mặt) cùng với linh mục Gosselino Birola, người che giấu ông ở Học viện Gregorian để khỏi bị Nazi bắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét