Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

41 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 41

Giáo Hi Công Giáo Dưới Cái Nhìn ca Mt Ký Gi Hoa Kỳ, bài 41
Vũ Văn An

 

Còn Châu Mỹ La Tinh thì sao?

Trong hơn 500 năm, Đạo Công Giáo Rôma gần như hưởng được sự độc quyền ở Châu Mỹ La Tinh: gần như người đàn ông, đàn bà và trẻ em nào cũng coi mình là chi thể của Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng, do các nhân tố như kinh niên thiếu linh mục và mẫu mực mục vụ không trọng việc sở đắc một đức tin trưởng thành, tính thuần nhất Công Giáo của lục địa này chỉ là một thứ ảo giác, một thứ ảo giác tan ra mây khói vào cuối thế kỷ 20 do sự lớn mạnh của các phong trào Ngũ Tuần và, đặc biệt tại các khu vực đô thị, do cả chủ nghĩa duy tục và sự dửng dưng về tôn giáo nữa.

Cha Franz Damen, Dòng Passionist người Bỉ, một nhân viên kỳ cựu của các giám mục Bolivia, kết luận ở thập niên 1990 rằng các cuộc trở lại từ Đạo Công Giáo qua Phong Trào Thệ Phản ở Châu Mỹ La Tinh trong thế kỷ 20 đông hơn các cuộc trở lại thời Cải Cách Thệ Phản ở Âu Châu thế kỷ 16. Một cuộc nghiên cứu do CELAM, tức Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean, ủy nhiệm cuối thập niên 1990 cho thấy 8,000 người Châu Mỹ La Tinh rời bỏ Giáo Hội Công Giáo mỗi ngày. Một cuộc thăm dò năm 2005 của Latinobarometro, một công ty đặt trụ sở ở Chí Lợi chuyên tổ chức các cuộc thăm dò tại 17 quốc gia Châu Mỹ La Tinh, cho thấy 71 phần trăm người Châu Mỹ La Tinh tự coi mình là Công Giáo Rôma vào năm 2004, giảm từ 80 phần trăm vào năm 1995. Nếu xu hướng này tiếp tục ở đà hiện nay, chỉ còn 50 phần trăm người Châu Mỹ La Tinh tự nhận mình là Công Giáo vào năm 2025. (Liệu điều này có thực sự diễn ra hay không thì còn phải chờ xem; các dự phóng thẳng thừng đối với một khoảng thời gian khá dài gần như lúc nào cũng sai).

Thế nhưng, cũng có các dấu hiệu sống mới ở Châu Mỹ La Tinh, và ơn gọi linh mục hiện là một thí dụ tốt. Ở Honduras, chủng viện quốc gia có số sinh viên là 170 người vào năm 2007, cao nhất mọi thời đối với một đất nước tổng số các linh mục chưa quá 400 vị. Hai mươi năm trước đây, chỉ có không quá 40 ứng viên. Bolivia chứng kiến một sự gia tăng đáng kể hơn hết; năm 1972, toàn bộ đất nước chỉ có 49 chủng sinh, trong khi năm 2001, con số này là 714 người, tăng tới 1357 phần trăm. Xét chung, con số chủng sinh ở Châu Mỹ La Tinh tăng 440 phần trăm, theo các số thống kê do trang mạng “Tôn Giáo tại Châu Mỹ La Tinh” thu lượm; trang mạng này do cố linh mục dòng Đa Minh Edward Cleary thuộc Cao Đẳng Providence thiết lập.

Một số chuyên gia tin rằng chủ nghĩa đa nguyên và cạnh tranh tôn giáo đang lớn mạnh ở Châu Mỹ La Tinh thực sự là các phát triển lành mạnh đối với Giáo Hội Công Giáo. Các giám mục Châu Mỹ La Tinh đã đều đặn cam kết nhiều hơn đối với việc mở rộng vai trò của giáo dân để đối phó với cảnh đào ngũ đang tiếp diễn, một phần nhờ nhìn nhận rằng những kẻ cạnh tranh với Giáo Hội đã thành công nhiều hơn nhờ dựa vào mọi tín hữu của họ, chứ không chỉ dựa vào đẳng cấp giáo sĩ mà thôi, trong việc rao giảng tin mừng và xây dựng các cộng đoàn. Cha Cleary lý luận rằng Châu Mỹ La Tinh đang trải qua một cuộc thức tỉnh tôn giáo và dù con số nói chung của Đạo Công Giáo có thể giảm đi, nhưng những người Công Giáo còn lại sẽ được đào tạo tốt hơn và chắc chắn thực hành đức tin tốt hơn.

Đâu là các ưu tiên đối với Giáo Hội Công Giáo ở Châu Mỹ La Tinh?

Hiển nhiên, một trong các ưu tiên là tái xây dựng sức mạnh truyền giáo của Giáo Hội để đối phó với các thách đối mới vừa tả trên đây. Khi tất cả các giám mục Châu Mỹ Latinh họp nhau tại Aparecida, Ba Tây, năm 2007, các ngài kêu gọi một cuộc truyền giáo vĩ đại cho lục địa”; trên thực tế, điều này báo hiệu việc các ngài nhìn nhận rằng các ngài không coi bản sắc Công Giáo của Châu Mỹ Latinh là chuyện đương nhiên nữa. Trọng tâm của cuộc truyền giáo lục địa sẽ là việc vận động hàng ngũ giáo dân. Việc này thực sự diễn ra như thế nào là điều cần chờ xem sao, tuy nhiên ngay ngôn từ cũng đã đánh dấu một điều gì đó xoay chiều đối với Giáo Hội Châu Mỹ Latinh.

Một ưu tiên lâu đời khác dành cho người Công Giáo Châu Mỹ Latinh là cuộc tranh đấu cho công bằng kinh tế và việc bảo vệ người nghèo. Hơn 40 năm qua, trong tư duy Công Giáo, thuật ngữ “ưu tiên chọn người nghèo” đã được liên kết với phong trào thần học giải phóng ở Châu Mỹ Latinh; chính nền thần học này đã đặt thuật ngữ này vào từ vựng Công Giáo. Thế nhưng, ý niệm ưu tiên chọn người nghèo, ngược với công thức thành văn, đã có một gốc gác sâu xa hơn nhiều trong Kitô Giáo. Trong bài diễn văn ngày 13 tháng Năm, 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI quả quyết rằng nó phát xuất từ thuở ban đầu: “Ưu tiên chọn người nghèo đã mặc nhiên có trong niềm tin Kitô học vào vị Thiên Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta, để làm giầu chúng ta bằng cái nghèo của Người”.

Các nhà chuyên môn về lý thuyết xã hội Công Giáo nói tới “sự đồng thuận căn bản của người Latinh” trong Giáo Hội đối với các vấn đề thuộc công bằng kinh tế. Các tác giả Dean Brackley, một linh mục Dòng Tên dạy học tại El Salvador, và Thomas Schubeck, một linh mục Dòng Tên thuộc Đại Học John Carroll ở Cleveland, mô tả điều này như sau: “Thị trường là một phương thế hữu ích, thậm chí cần thiết, cho việc kích thích sản xuất và phân phối tài nguyên. Tuy nhiên, trong ‘nền kinh tế mới’, quá lệ thuộc vào thị trường chỉ làm xấu thêm bất bình đẳng xã hội, đẩy xa hơn việc tập trung giầu có và thu nhập, và để hàng triệu người sa lầy trong cảnh cùng cực”. “Đồng thuận Latinh” không phải chỉ về việc có quá nhiều người nghèo; nó còn cho rằng thị trường tự do, để tự ý, nhất thiết sẽ tạo ra một hố phân cách rộng lớn dần giữa người giầu và người nghèo.

Vì Đạo Công Giáo càng ngày càng có tính hoàn cầu hơn, nên Giáo Hội sẽ phải thích ứng ra sao? 

Thế kỷ 21, vì Đạo Công Giáo đang trở thành một “Giáo Hội thế giới”, nên nó sẽ bị căng ra nhiều cách. Thí dụ, hai vấn đề dai dẳng sẽ trở nên khẩn trương hơn: việc Giáo Hội phân phối các tài nguyên mục vụ của mình và qui mô các trung tâm hành động mới trên bản đồ thế giới của Công Giáo phải có đại diện thích đáng bên trong các hành lang quyền hành.

Hai phần ba người Công Giáo ngày nay đang ở Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu Latinh, nhưng các khu vực này là quê hương của chỉ hơn 1 phần 3 linh mục Công Giáo mà thôi. Điều dễ hiểu là Giáo Hội phải đặt nhiều linh mục ở những nơi đang lớn mạnh. Nhưng, như đã nói, Đạo Công Giáo ngày nay đang làm điều ngược lại hẳn. Càng ngày, các linh mục từ thế giới đang phát triển càng được “xuất cảng” qua Âu Châu và Bắc Mỹ, một phần để giải quyết việc thiếu linh mục ở những nơi này, mặc dù, trên thực tế, việc thiếu linh mục thực ra còn trầm trọng hơn nhiều tại quê nhà. Nhà phân tích Philip Jenkins từng viết rằng: “Nhìn dưới viễn ảnh hoàn cầu, một chính sách như thế chỉ có thể mô tả, nhẹ nhất, cũng là thiển cận, mà tệ nhất, là tự sát đối với vận may Công Giáo”.

Để qua một bên sự rù quyến thần học và linh đạo của việc “truyền giáo ngược”, các giám mục của thế giới đang phát triển thường gửi các linh mục của mình ra ngoại quốc vì các lý do tài nguyên. Các linh mục này được giáo dục tốt hơn ở Tây Phương, và trong khi họ ở ngoại quốc, họ còn có thể đem thu nhập về cho giáo phận ở quê nhà. Các giám mục ở Bắc Mỹ và Âu Châu thường bồi thường cho các giáo hội địa phương vì sự phục vụ của các linh mục; chính các linh mục cũng thường gửi về quê hương một phần lương bổng của mình; ngoài ra, các ngài còn tham dự các buổi đại phúc hàng năm tại các giáo phận chủ nhà, nhờ thế được thu tiền dâng cúng để gửi về giáo hội quê hương. Thường thường các vị linh mục này được tiếp đón nồng hậu, nhưng thiển nghĩ các giáo hội giầu có ở Bắc Bán Cầu nên tự hỏi xem liệu việc mình càng ngày càng dựa vào hàng giáo sĩ ngoại quốc có đang làm cho đời sống ra khó khăn thêm cho các Giáo Hội ở Nam Bán Cầu vốn đã bị căng ra vì thiếu linh mục trầm trọng, mất hết chất sám cần thiết và do đó, quả tình đang lặp lại cùng các chính sách di dân bất công của thế giới nói chung.

Cũng có một sự bất tương xứng ở cấp cao nhất của Giáo Hội, không phản ảnh chính xác việc phân phói dân số về phương diện địa dư. Tây Phương hiện chiếm 2 phần 3 hồng y đoàn, mặc dù 2 phần 3 người Công Giáo ngày nay sống ở ngoài Tây Phương.Vặn lại đồng hồ vào năm 2005, ta thấy Hoa Kỳ có 11 vị hồng y trong mật nghị hội bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, cùng một con số với cả Phi Châu. Ba Tây, nước Công Giáo lớn nhất trên thế giới, chỉ có 3 phiếu bầu. Nghĩa là cứ 6 triệu người Hoa Kỳ thì có một hồng y cử tri, trong khi cứ 43 triệu người Công Giáo Ba Tây mới có 1 hồng y cử tri!

Có nhiều lý do lịch sử có tính thuyết phục giải thích sự chênh lệch này, bắt đầu với việc Đạo Công Giáo không phải là một nền dân chủ, và không hề có hệ thống đại diện theo tỷ lệ trong Giáo Hội. Hơn nữa, nguồn gốc của hồng y đoàn bắt đầu với hàng giáo sĩ Rôma, nên người Ý đương nhiên luôn là khối đông đảo nhất. Ngoài ra, các cơ cấu lãnh đạo của Giáo Hội, trong thiết kế, vốn rất chậm chạp trong việc thay đổi. Trong một số phương diện, Giáo Hội là tuyến phòng thủ cuối cùng, dựng lên để bảo đảm là Giáo Hội không để mình bị cuốn theo các đợt sóng văn hóa. Tuy nhiên, mũ đỏ hồng y vốn rất quan trọng trong Đạo Công Giáo. Thăng vị đứng đầu một giáo hội địa phương lên hàng hồng y là cách trổi vượt nhất và được mọi thời thừa nhận để đức giáo hoàng tỏ dấu hiệu cho thấy giáo hội này rất quan trọng đối với Giáo Hội hoàn vũ. Bởi thế, ngay từ đầu thế kỷ 21 trở đi, các vị giáo hoàng sẽ càng ngày càng bị áp lực phải cử nhiều hồng y hơn cho Nam Bán Cầu.

Phải chăng Giáo Hội Công Giáo ra dấu chỉ cho thấy muốn bỏ Tây Phương?

Ít nhất về phương diện chính thức, câu trả lời rõ ràng là không. Trong một triều giáo hoàng đôi khi bị tố cáo là thiếu phương hướng quản trị, Vatican dưới thời Đức Bênêđíctô XVI có một chủ trương hết sức rõ ràng minh bạch đó là sự khẩn thiết của việc Tân Phúc Âm Hóa, chủ yếu nhắm vào các xã hội truyền thống vốn theo Kitô Giáo ở Tây Phương. Dự án này đã trở nên ưu tiên cao nhất của Giáo Hội Công Giáo dưới sự điều hướng của Đức Bênêđíctô. Cung cách thông thường trong Giáo Hội là khi Đức Giáo Hoàng công bố một dự án nào đó cách minh nhiên tỏ tường, không một chút hàm hồ, phần lớn các viên chức dưới quyền sẽ cố gắng hết sức để thi hành dự án này. Mà Đức Bênêđíctô thì đã minh nhiên cho mọi người biết rõ Tân Phúc Âm Hóa là ưu tiên hàng đầu của ngài.

Quyết tâm của Đức Bênêđíctô đã được giải thích rõ ràng nhiều cách. Bất chấp việc ngài có tiếng không thích hệ thống thư lại, năm 2010, ngài vẫn lập ra cả một cơ quan hoàn toàn mới để đẩy mạnh cố gắng này đó là Hội Đồng Giáo Hoàng để Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa. Ngài cử vị giáo phẩm kỳ cựu người Ý, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, đứng đầu Hội Đồng này, đồng thời cử nhiệm nhiều giáo phẩm Công Giáo hàng đầu trên thế giới làm thành viên của Hội Đồng. Đó là các hồng y Christoph Schonborn của Vienna, Angelo Scola của Venice, George Pell của Sydney, Timothy Dolan của New York, và Marc Oulette của Thánh Bộ Giám Mục. Tất cả được coi là các đồng minh và cố vấn thân cận nhất của Đức Bênêđíctô trên thế giới. Đức Bênêđíctô cũng đã triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười năm 2012 gồm khoảng 300 giám mục và nhiều nhà lãnh đạo khác của Giáo Hội khắp thế giới về chủ đề Tân Phúc Âm Hóa để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét