Phỏng vấn nhà văn Dominique Wolton về tư tưỏng của ĐTC Phanxicô
Ngày mùng 6 tháng 9 vủa qua nhà văn Dominique Wolton, người Pháp cho ra mắt cuốn sách tựa đề “Chinh trị và xã hội” liên quan tới tư tưởng của ĐTC Phanxicô. Cuốn sách là kết quả 12 lần gặp gỡ giữa nhà văn Wolton và Đức Phanxicô từ tháng 2 năm 2016 tới tháng hai năm 2017, cộng thêm 2 lần cùng ngồi lại để duyệt lại bản thảo cuốn sách với sự trợ giúp của ông Louis de Romanet thông dịch viên chuyên nghiệp. Cuốn sách đã được giới thiệu với ĐGH ngày 28 tháng 8 năm ngoái. Sách gồm 8 chương đề cập tới các vấn đề: chiến tranh và hoà bình; tôn giáo và chính trị; Âu châu và sự khác biệt văn hoá; văn hóa và truyền thông; sự khác biệt, thời gian và niềm vui; lòng thương xót; truyền thống; một số phận, và sách kết thúc với gương mặt của Đức Phanxicô. Các đề tài chú ý tới các vấn đề chính trị và xã hội của thời đại chúng ta. Sách do nhà xuất bản Đài quan sát do ông Muriel Beyer làm giám đốc phát hành, đã được nhật báo Le Figaro giới thiệu trong số ra ngày mùng 1 tháng 9.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn tác giả Dominique Wolton về cuốn sách này.
Hỏi: Thưa nhà văn Wolton, ý tưởng cho ra cuốn sách này đã đến từ đâu?
Đáp: Tôi là một người tìm tòi thông tin chính trị. Vì thế nên ảnh hưởng việc truyền thông của ĐTC Phanxicô đã khiến cho tôi ngạc nhiên ngay từ khi ngài xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng. Ngài đã lập tức dấy lên sự thiện cảm tổng quát; với một thứ từ vựng đơn sơ đồng thời dấn thân ngài đã gợi hứng cho việc chấp nhận tức khắc. Tôi đã trông thấy một người không đuợc biết đến, đi ra từ chỗ không, nhưng tìm ra các lời đúng đắn, và như vậy đã chứng minh cho thấy một khả năng truyền thông không thể tin được. Trên thế giới này có rất ít người có thể làm được điều đó. Nếu Đức Gioan Phaolô II đã là một vị Giáo Hoàng của thế giới, thì Đức Phanxicô đã trở thành, trong ít giây, vị Giáo Hoàng của việc toàn cầu hoá. Điều hấp dẫn tôi còn là niềm vui và sự đơn sơ của ngài nữa: ngài không có gì là “duy truyền thống” của một Giáo Hội công giáo đã luôn luôn được cảm nhận như là chính thức, nghiêm nghị, thê thảm hay không thể nào tới gần được. Ngài đã gần gũi với dân chúng. Trông thấy một vị lãnh đạo thế giới như thế, có khả năng nói ít lời với toàn thế giới, và nhất là làm cho người ta hiểu mình, đã khiến cho tôi có ý tưởng đề nghị với ngài một cuốn sách phỏng vấn để hiểu biết hơn con người của ngài.
Hỏi: Ông đã làm thế nào để thuyết phục ĐTC Phanxicô?
Đáp: Tôi không phải là một chuyên viên về tôn giáo. Tôi đã chỉ có kinh nghiệm về cuốn sách phỏng vấn ĐHY Lustiger. Tôi đã quyết định vượt hàng rào bằng cách gửi cho ĐTC một điện thư với dự định của một cuốn sách gồm ba trang, phần mục lục và tiểu sử cuộc đời tôi. Nó đã giống như là vứt một cái chai có chứa đựng một sứ điệp vào lòng đại dương… Thế mà 3 tháng sau tôi đã nhận được một điện thư của Hội đồng nghiên cứu khoa học cho biết rằng ĐTC sẵn sàng tiếp tôi. Cho tới bây giờ tôi vẫn không tin được!
Hỏi: Cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra khi nào thưa ông?
Đáp: Khi ĐTC bước vào căn phòng vô danh của nhà trọ Thánh Marta nhanh như một ánh chớp chụp ảnh. Trước hết tôi bị đánh động bởi trông thấy chiếc áo trắng ngài mặc, rồi bởi sự dễ thương và lòng tốt trong cái nhìn của ngài. Tôi đã giữ khoảng cách của người nghiên cứu, nhưng tôi đã rúng động vì tính nhân bản của ĐTC. Tôi đã không biết các luật lệ tiếp kiến của Toà Thánh, và tôi cũng không biết sự kiện tiếp tôi có nghĩa là chấp nhận ý tưởng về cuốn sách hay không. Tôi đã tưởng tượng là chúng tôi sẽ nói chuyện về khả thể của dự tính. Vì thế tôi tự giới thiệu ngay, và nghĩ rằng ĐTC sẽ khảo xét tôi. Một chút sau thì thông dịch viên nói nhỏ vào tai tôi: “Tôi tin là ĐTC muốn chúng ta bắt đầu ngay…” Tôi đã không có gì với mình lúc đó, máy thu thanh và giấy bút, cũng như các câu hỏi. Các trường hợp của cuộc sống thật là vượt lên trên mọi phương pháp của chúng ta. Tôi đã kéo chiếc smartphone của tôi từ trong túi ra để thu, và chúng tôi đã bắt đầu. Thiện cảm đã làm những gì còn lại…
Hỏi: Điều gì nơi ĐTC đã đánh động ông
nhất?
Đáp: Chúng tôi không sống trong cùng không gian và thời gian. Một nhà khoa học có 4-5 thế kỷ của sự sâu sắc, còn ĐTC thì vượt biển thoải mái trên ba ngàn năm lịch sử. Tôi đã bị đánh động ngay lập tức bởi đức tin, niềm vui, lòng tốt, sự khiêm nhường và sáng suốt của ngài. Nhưng liên quan tới bản tính nhân loại ngài không để cho mình bị lừa dối. Lại càng không để cho mình bị lừa dối liên quan tới các guồng máy quyền lực và thống trị… Ngài không phải là người ngô nghê, nhưng thường nói “Giáo Hội đã trông thấy biết bao chuyện như thế rồi”, nó không phải là một vấn đề. Trái lại Ngài ít khi quy chiếu Thiên Chúa. Ngài rất tiết kiệm trong việc dùng từ vựng tôn giáo. Trong sự kiện này thì ĐTC Phanxicô là một người “đời”. Có rất nhiều Giám Mục khi nói chuyện thích thú trong một loại “mứt thần học ý niệm”, điều này đặt để giáo dân đời như chúng tôi trong một tình trạng thấp kém hay phản loạn. ĐTC là một người bình thường, và thiên tài của ngài là ở chỗ đó. Có nhiều người nghĩ rằng càng tối tăm khó hiểu bao nhiêu, thì họ lại càng thông minh bấy nhiêu. Nhưng thật ra đâu có phải thế, không có tư tưởng mà không có sự trình bầy rõ ràng. Người ta càng thông minh bao nhiêu, thì lại càng rõ ràng bấy nhiêu. Và ĐTC Phanxicô thường rất trong sáng.
Hỏi: Ông bị ngài thu hút, có đúng thế không?
Đáp: Chúng tôi khác nhau biết bao, nhưng đồng thời lại gần gũi nhau. Tôi là một giáo dân, một giáo dân Pháp, học đại học, nghiên cứu công cộng… Tôi có nền văn hoá kitô, công giáo, nhưng tôi là người thờ ơ với tôn giáo. ĐTC Phanxicô có một chiều kích tinh thần có thể trông thấy nơi niềm vui và đức tin của ngài, nhưng cũng hoàn toàn là giáo dân trong kiểu hoạt động của ngài. Ngài có thể đối thoại một cách thanh thản với bất cứ ai. Ngài là một chính trị gia. Nhưng sự giao thoa thường hằng này giữa con người của đức tin và giáo dân đời đã hấp dẫn tôi.
Hỏi: Đức Phanxicô là một Giáo Hoàng đời?
Đáp: Ngài là một người phân biệt một cách tự phát giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Rõ ràng là có các ảnh hưởng đối với nhau, nhưng đối với ngài không có nối kết nào giữa quyền bính chính trị và quyền bính tôn giáo. Quyền bính chính trị không được dựa trên quyền bính tôn giáo. Quyền bính tôn giáo phải ở trong chỗ của mình. Và đây không chỉ liên quan tới luật tách biệt đạo đời ban hành năm 1905, già một thế kỷ rồi, mà là vấn đề chính của thế kỷ tới, nhất là đối với Hồi giáo. Từ sự tách biệt các quyền bính này tuỳ thuộc nền hoà bình hay chiến tranh của ngày mai.
Hỏi: Thế giới đời không chờ đợi gì nơi Giáo Hội công giáo, cả khi nó ở tại chỗ của mình… có đúng thế không thưa ông?
Đáp: Không có tính cách đời 100%. Có một sự không thông truyền giữa một người theo khuynh hướng đời và một người có tôn giáo. Và chúng tôi đã sống kinh nghiệm trong các cuộc phỏng vấn này. Người chủ truơng đời cũng như người có tôn giáo cả hai đều có lý. ĐTC Phanxicô ủng hộ một tính cách đời rộng mở cho các vấn đề tinh thần. Và người chủ trương đời chỉ có thể hiện hữu, vì có tôn giáo. Họ lấy hứng từ đó, cả khi họ không luôn luôn thừa nhận nó. Người ta có thể vô thần, nhưng thật là ngô nghê nghĩ rằng có thể huỷ bỏ các đề tài của tôn giáo. Bởi vì đề tài tôn giáo là đề tài siêu hình. Không con người nào có thể tránh thoát khỏi nó. Không ai có thể nói rằng mình không đặt vấn nạn liên quan tới mình là ai, đi đâu, và liên quan tới sự kiện một ngày kia mình sẽ chết. Một vài người vô thần có thể nói rằng tôn giáo vô lý, nhưng sẽ không có ai tránh thoát được các câu hỏi nó đặt ra. Giải pháp là ở chỗ sống chung, trong đó mỗi người tôn trọng người khác.
Hỏi: Trong lãnh vực tư tưởng còn có điều gì đánh động ông nhất?
Đáp: Quan niệm quốc tế của ngài về sự nghèo túng là một ám ảnh bởi các bất bình đẳng giữa miền bắc và miền nam bán cầu. Tôi còn nói rằng ngài tức giận, cả khi ngài tự kiềm chế.
Hỏi: Nhiều người nói rằng vị Giáo Hoàng này thiên tả…Ông nghĩ sao?
Đáp: Tiêu chuẩn phải trái không áp dụng cho vấn đề tôn giáo. Hay ít nhất chỉ một phần thôi. Dầu sao đi nữa, nó không đủ. Thiên tả, thiên hữu, có thật, có người thống trị, có kẻ bị trị, nhưng sức mạnh của tinh thần và của tôn giáo đó là chỉ cho thấy có các chiều kích khác. Giản lược các tôn giáo vào một tiếp cận khuynh tả khuynh hữu là một việc làm cho nghèo nàn đi, nguy hiểm đối với thế giới.
Hỏi: Tất cả những gì ông nói trong sách trên bình diện xã hội và chính trị có tương xứng với một lịch trình làm việc xã hội và dân chủ không?
Đáp: Tôi sẽ nói rằng ngài khuynh hữu, vì nền đào tạo gần các tu sĩ dòng Tên Argentina. Ngài không có một nền đào tạo khuynh tả, nhưng đã mau chóng hiểu xã hội châu mỹ latinh. Sống gần gũi dân nghèo như vậy ngài đã nhìn về bên trái. Từ đó nỗi ám ảnh của ngài đối với người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Nhưng ngài không phải là người mác xít. Và rơi vào đó theo ngài là một sai lầm đối với Giáo Hội. Từ đó phát xuất ra cuộc tranh luận giữa nền thần học giải phóng và nền thần học của nhân dân. ĐTC không thích kiểu nói “thần học nhân dân”, nhưng ngài tìm một câu chú ý tới sự nổi loạn không thể tránh được của nhân dân châu Mỹ Latinh, mà không rơi vào chủ thuyết mác xít.
Hỏi: Nói cho cùng ông tin rằng đó là lập trường của ĐTC Phanxicô?
Đáp: Tôi nghĩ rằng ngài là người “vô kỷ luật!” Không thể khép kín ngài trong một phòng. Vị Giáo Hoàng này sống thoải mái giữa những người nghèo, những người bị khắc phục, những người bị loại trừ. Ngài yêu dân chúng. Ngài chỉ sống thoải mái giữa dân chúng. Ngài chỉ hạnh phúc khi tiếp xúc với các con người. Bài học lớn nhất mà tôi rút tiả được từ các cuộc gặp gỡ này đó là vị Giáo Hoàng này sống theo Tin Mừng. Ngài chỉ nói những gì tìm thấy trong Tin Mừng. Điều trao ban ý nghĩa cho cuộc sống của con người là những người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Những người giầu trong một cách thế nào đó luôn luôn thoát được hoàn cảnh này, nhưng họ sẽ không bao giờ hạnh phúc. Và ngài có một sức mạnh không thể tin được…
Hỏi: Tại Âu châu các lập trường của ĐTC liên quan tới sự rộng mở cho di cư bị người ta nhìn với đôi mắt xấu, có đúng thế không thưa ông?
Đáp: Trong 30 năm nữa người ta sẽ nói, thật may là Đức Phanxicô đã nói điều đó, nếu không các nền dân chủ của chúng ta sẽ phải chịu chiến tranh. Chúng ta ở trong một thế giới trong sáng. Các nước nghèo trông thấy những người chết trong biển Địa Trung Hải và sự thờ ơ của người giầu. Nếu không nói gì cả, nếu không làm gì cả, bạo lực sẽ kinh khủng. Vì thế ĐTC có lý hàng ngàn lần. Quý vị hãy nghĩ rằng đây là một trong các gương mù gương xấu lớn nhất của sự toàn cầu hoá. Các nước giầu đã tạo ra tình trạng này với các cuộc chiến, và chế độ tư bản rừng rú đã gia tốc tất cả điều đó trong 30 năm cuối cùng này. Ngày nay các nạn nhân kinh tế và chính trị của sự kiện này tìm tới các nước giầu dân chủ, và các nước này bảo họ đi đi. Sự giận dữ và tức bực mà ĐTC Phanxicô dấy lên có nghĩa là ngài đã đánh trúng trong dấu chỉ. Có sư thù ghét đối với điều ĐTC đã nói về người di cư. Nhưng sẽ không thể ra khỏi đó với chính trị của con đà điểu dấu đầu trong cát để không trông thấy nguy hiểm. Vì thế ĐTC đã đóng góp một phục vụ vô biên cho nhân loại, khi nói với nhân loại điều mà không ai muốn nghe nói.
Hỏi: ĐTC Phanxicô có ý thức được là cũng đã có một sự chống đối bên trong Giáo Hội công giáo hay không?
Đáp: Tôi đã không muốn đẩy mình đi xa hơn, bởi vì mục đích cuốn sách đã không phải là rơi vào trong các tranh luận của Giáo Hội công giáo. Đức Phanxicô, trái lại, bị ám ảnh bởi sự hiệp thông giữa tất cả mọi người trong Giáo Hội. Ngài rất lưu tâm tới dân kitô để không có các đổ bể. Ngài không phải là một con người của sự xung đột, một con người của sự đổ vỡ. Ngài muốn hiệp nhất, liên tục hiệp nhất. Liên quan tới các thù nghịch, các cuộc tính sổ, các tương quan sức mạnh bên trong Giáo Hội, tôi đã ngạc nhiên trông thấy rằng ngài không cho rằng cuộc sống của ngài tuỳ thuộc các vấn đề ấy. Ngài nhìn các sự việc một cách xa rộng, ngài tín thác nơi thời gian, với sự kiên nhẫn vô cùng, không nổi nóng, với một loại tin tưởng gây ấn tượng. Tôi đã không bao giờ thấy ngài hiếu chiến hay nổi cáu. Trái lại, như là người thơ ơ với tôn giáo tôi kinh ngạc khi trông thấy mức độ tin tưởng của ngài. Và như là người thờ ơ tôi có thể nói rằng, phải, đức tin hiện hữu. Và điều này tiếp tục khiến cho tôi kinh ngạc. Tôi tôn trọng các cơ quan trung ương của Toà Thánh, chẳng hạn có sự khôi hài, nhưng không có sự giận dữ. Thật là hiếm có, bởi vì vừa có được quyền bính là có bạo lực ngay. Và khi người ta ở Roma thì đó là quyền bính quốc tế.
Hỏi: ĐTC đã có thi hành một việc kiểm duyệt hay không?
Đáp: Không có sự kiểm duyệt nào. Chắc chắn là có các điều ngài đã không nói trong cuộc nói chuyện, nhưng liên quan tới bản thảo thì đã không có gì bị lấy đi, cả các chuyện mà đối với tôi xem ra quá cá nhân đi nữa. Ngài đã chỉ lo lắng làm sao để không ai có thể nhận ra mình trong các thí dụ ngài đã đưa ra.
Hỏi: Không có đề tài cấm kỵ nào hay sao?
Đáp: Không có đề tài cấm kỵ nào! Khi tôi nói với ngài là tôi đã quên hỏi ngài về các phụ nữ, ngài đã cười, và chúng tôi đã bắt đầu nói về nữ giới.
(Oss.Rom. 2-9-2017)
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét