Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Chính trị và xã hội: Đức Phanxicô trao đổi với học giả Dominique Wolton

Chính trị và xã hội: Đức Phanxicô trao đổi với học giả Dominique Wolton

la-croix.com, Claire Lesegretain, 2017-08-31
Trong quyển sách phỏng vấn trao đổi với học giả Pháp Dominique Wolton, sẽ phát hành ngày 6 tháng 9-2017, Đức Phanxicô đã đề cập đến các yếu tố chưa từng được nói đến trong tiểu sử và trong tầm nhìn thế giới của ngài. Chẳng hạn, ngài đã đi trị liệu phân tâm học, trị liệu này đã giúp ngài rất nhiều.
Cách đây một năm, học giả Dominique Wolton gởi cho Đức Giáo hoàng một bức thư qua trung gian một giám chức ở Vatican, ông đề nghị với ngài dự án cho các buổi phỏng vấn lớn. Ngài chấp nhận dành cho ông mười hai buổi, mỗi buổi hai giờ từ tháng 2-2016 đến tháng 2-2017, đối với thói quen của Vatican, đây là một công trình rất đáng kể.
Nhà xã hội học dùng cùng một phương pháp như ông đã dùng trước đây khi phỏng vấn Raymond Aron (1981), Hồng y Jean-Marie Lustiger (1987) và Jacques Delors (1994) về các chủ đề lớn như triết học, tôn giáo và chính trị.
Ông Dominique Wolton viết trong phần giới thiệu: “Góc cạnh được chọn để dùng trong quyển sách này là một trong các vấn đề hiện nay của lịch sử Giáo hội: đâu là bản chất sự dấn thân về mặt xã hội và chính trị của ngài? Đâu là sự khác biệt giữa ngài với một nhân vật chính trị?”
Các bài phỏng vấn này được bổ túc bằng các trích đoạn của mười sáu bài diễn văn lớn Đức Giáo hoàng đã đọc từ khi được bầu chọn ngày 13 tháng 3-2013.
Trong vòng một năm, Đức Phanxicô đã trao đổi với nhà nghiên cứu gia người Pháp Dominique Wolton về các chủ đề làm giao động nhân loại: hòa bình và chiến tranh, chính trị và các tôn giáo, toàn cầu hóa và văn hóa đa dạng, các trào lưu chính thống và thế tục, Âu châu và người di dân, môi sinh, sự không đồng đều trên thế giới, đại kết và đối thoại liên tôn, cá nhân, gia đình, tính khác biệt, thời gian, lòng tin tưởng và niềm vui. Kênh truyền hình France 2 cho biết, kết quả của các cuộc gặp gỡ này là quyển sách có tên Chính trị và Xã hội, một cuộc đối thoại chưa từng có, đề cập hoàn toàn tự do về các chủ đề lớn của thời đại chúng ta, về cuộc hiện sinh.
Ngoài các chủ đề trên, Đức Phanxicô còn đặc biệt đề cập đến vấn đề người di dân, một vấn đề thiết thân đối với ngài: “Lúc này Âu châu sợ, Âu châu đóng cửa, đóng cửa, đóng cửa.” Ngài lặp lại sự chống đối hôn nhân đồng tính, nhưng chấp nhận nguyên tắc của một kết hợp về mặt dân sự của những người đồng tính.
Với nhà phân tâm do thái trong vòng sáu tháng
Và lần đầu tiên, ngài giải thích, ngài đã tham vấn một nhà phân tâm học người do thái, rất chuyên nghiệp trong vòng sáu tháng, lúc ngài 42 tuổi: “Bà rất giỏi, bà đã giúp tôi rất nhiều trong một giai đoạn cuộc đời của tôi, khi tôi cần làm sáng tỏ một số chuyện. Và một ngày bà gọi tôi khi bà sắp mất, không phải để xức dầu vì bà là người do thái nhưng để có một đối thoại thiêng liêng.”
Với tính hiếu kỳ nghiêm túc cố hữu như nhiều người đã biết về học giả Dominique Wolton, ông cũng hỏi Đức Giáo hoàng về tuổi thơ, về tuổi vị thành niên…
Ngài ca ngợi bà nội, bà ngoại, mẹ và các em gái của mình ở Argentina, “họ đối diện hết khó khăn này đến khó khăn khác, kể cả khó khăn bệnh tật”. Ngài cũng nhắc đến các cô bạn tuổi vị thành niên, các ‘cô hôn thê tuổi trẻ’… Luôn tiếp xúc với các phụ nữ này đã làm cho tôi được phong phú, ngài cho biết, “khi đã lớn, tôi thấy phụ nữ nhìn sự việc một cách khác đàn ông và quan trọng là phải lắng nghe cả hai”.
Ngài cũng nhắc đến lòng can đảm của mẹ ngài, bà nuôi dạy năm người con. Bà nội Rose mang tôi về nhà khi mẹ tôi đi sinh và như thế là năm lần. Còn bà ngoại Maria trong ngày nhạc sĩ Prokofiev qua đời, khi nghe tôi nói về âm nhạc và mơ làm nhạc trưởng, bà nói với tôi: “Nhưng để làm nhạc trưởng thì phải học. Và học thì cần rất nhiều cố gắng, nhiều lúc mình không đến đích dễ đâu”. Bà đã dạy cho tôi một cách tự nhiên thế nào là làm việc.
Ngài cũng cho biết, bà Esther Ballestrino de Careaga, một nữ chiến sĩ cộng sản đã có ảnh hưởng trên ngài rất nhiều. Bà bị giết dưới chế độ độc tài ở Argentina (1976-1983) sau khi bà giúp đỡ để thành lập phong trào các bà mẹ Quảng Trường Tháng Năm, các bà mẹ này tố cáo chế độ thủ tiêu các con đã bị ám sát của họ. Tôi đã học ở bà Careaga cách suy nghĩ về thực tế chính trị (…) tôi nợ người phụ nữ này rất nhiều, ngài nhấn mạnh và nói thêm: “Có lần người ta nói tôi ‘Nhưng cha là người cộng sản!’ ‘Không, người cộng sản, đó là các tín hữu kitô. Người cộng sản đã lấy khẩu hiệu của chúng tôi!’” 
“Tôi không bao giờ nghĩ cuối cùng mình ở trong cái lồng này”
Khi nhắc lại việc bầu chọn giáo hoàng, ngài thẳng thắn thú nhận: “Tôi không bao giờ nghĩ cuối cùng mình ở trong cái lồng này. Nhưng trong lòng thì tôi vẫn tự do”. Với cá tính tinh nghịch của ngài, ngài nói đến việc đương đầu với các ký giả như “vào hang cọp”, nhưng thật ra thì ngài rất xuất sắc trong công việc này, ngài điểm xuyết đây đó vài châm ngôn, vài lời nhẹ nhàng rất phù hợp với tình huống.
Học giả Dominique Wolton xác nhận với đài truyền hình France 2: “Sự tiếp xúc với giáo dân đã nâng đỡ ngài, đã làm ngài yên tâm. Đây là người cần tiếp xúc với tín hữu qua sự gần gũi, ngài cần được chạm đến họ. Ngài không phải là một giáo sư, nhưng là một mục tử”.
Quyển sách phỏng vấn này nói lên hình ảnh thật sự của Đức Jorge Mario Bergoglio, giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên trong lịch sử, ngài mong muốn hết lòng, hết sức, hết tâm trí để xây dựng một “giáo hội không mắt che, một giáo hội công đồng, hạ các bức tường và xây các cây cầu”. 
“Không có gì làm tôi hãi sợ”
Trình bày trên đài truyền hình France 2 ngày 30 tháng 8, học giả Dominique Wolton xúc động khi nhắc lại “nụ cười, sự dịu dàng, đôi mắt cực kỳ linh hoạt, trí thông minh…” nơi giáo hoàng Dòng Tên. Trong quyển sách, ông nói đến “mối thiện cảm qua về giữa hai người”, ông cảm nghiệm nơi Đức Phanxicô là người “lắng nghe, có mặt, khiêm tốn, mang Lịch sử vào lòng và không có ảo tưởng về con người”.
Theo học giả Dominique Wolton, câu sâu đậm nhất mà ông nghe ngài nói một cách tự nhiên trong các buổi trao đổi là: “Không có gì làm tôi hãi sợ”.
Dominique Wolton là giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS). Ông là nhà sáng lập và giám đốc tạp chí quốc tế Hermès từ năm 1988. Ông là tác giả của trên ba mươi tác phẩm được dịch ra trong hai mươi thứ tiếng, trong đó có quyển Chọn lựa của Chúa (Le Choix de Dieu), quyển sách phỏng vấn trao đổi với Hồng y-Tổng Giám mục Paris Jean-Marie Lustiger.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét