Trang

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Có còn các cuộc trở lại chớp nhoáng như cuộc trở lại của Thánh Phaolô không?

Có còn các cuộc trở lại chớp nhoáng như cuộc trở lại của Thánh Phaolô không?

 fr.aleteia.org, Ban biên tập Aleteia, 2013-10-16

Các cuộc trở lại như cuộc trở lại của Thánh Phaolô trên “đường Đa-mát” ngày hôm nay vẫn còn. Rất nhiều người đương thời với chúng ta được ơn đặc biệt này: ơn được gặp Chúa Kitô. 
  1. Thánh Phaolô bị “cú sét” khi Chúa Kitô hiện ra trên Đường Đa-mát. Kinh nghiệm thần bí này đã biến đổi một trong những người bách hại kitô hữu lớn nhất thành một Tông đồ vĩ đại của Chúa Kitô.
  1. Con đường Đa-mát chắc chắn không phải là con đường quen thuộc nhất để đến với Chúa, nhưng kinh nghiệm này không phải là hiếm, ngược lại với thành kiến: rất nhiều người nói họ không tin hoặc tin rất ít có thể làm chứng cho kinh nghiệm thần bí, hoàn toàn bất ngờ, đã làm biến đổi họ một cách sâu đậm.
  1. Các cuộc trở lại này xảy ra cho nhiều người do thái, và thường họ trở thành những người “do thái thiên sai” sau các mạc khải đặc biệt này.
  1. Các người hồi giáo cũng có nhiều kinh nghiệm này, nhưng họ thường khép mình, họ có một thái độ ít nhiều kín đáo.
  1. Kinh nghiệm của ông Jean-Marc Potdevin ở trong số các cuộc gặp lạ lùng mà đôi khi Chúa Kitô ban cho những người có vẻ như không mong chờ gì ở Ngài, nhưng sẵn sàng thay đổi đời sống mình qua ánh sáng Chúa Giêsu tỏ hiện cho họ.
  1. Thánh Phaolô bị “cú sét” khi Chúa Kitô hiện ra trên Đường Đa-mát. Kinh nghiệm thần bí này đã biến đổi một trong những người bách hại kitô hữu lớn nhất thành một Tông đồ vĩ đại của Chúa Kitô.
Trong sách Công vụ Tông đồ, quyển sách thứ năm của Tân Ước, giai đoạn trở lại của Thánh Phaolô được nhắc đến ba lần, nhất là ở chương 9:
“(…) Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông… ” (Cv 9, 1)
Phaolô-Saolô là một người do thái có học, trở thành công dân La Mã. Ông học ở Giê-ru-sa-lem và nghe các người rao giảng nói về một người có tên là Giêsu, bị người La Mã đóng đinh mấy năm trước đó. Chúng ta đang ở vào năm 34 của kỷ nguyên này, vào thời bách đạo của Giáo hội sơ thủy. Sao-lô được tòa Sanhédrin (tòa án do thái ở Đền thờ) cho phép săn đuổi người kitô hữu ở Syria. Và trên đường đưa ông đến Đa-mát đã xảy ra vụ “té” lịch sử này. (CV 9, 1)
“Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ Ông nói: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người đáp: ‘Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.’ (Cv 9, 1)
Ông đứng dậy, nhưng sau cuộc gặp gỡ này thì ông bị mù. Ba ngày sau khi ở Đa-mát ông được lành do một đồ đệ là ông Kha-na-nia-a chữa lành, sau đó ông theo kitô giáo và xin rửa tội: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en”, Chúa đã nói với ông Kha-na-ni-a trong một thị kiến để  thuyết phục ông đừng cự lại mà không rửa tội cho người bách hại này.
Và từ đó, Phao-lô càng ngày càng sốt sắng rao giảng, có nhiều người theo cũng như nhiều người không theo, dù bị nguy cơ bách hại có thể nguy đến tính mạng:
“Rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: ‘Ông này chẳng phải là người ở Giê-ru-sa-lem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giê-su sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9, 1) 
  1. Con đường Đa-mát chắc chắn không phải là con đường quen thuộc nhất để đến với Chúa, nhưng kinh nghiệm này không phải là hiếm, ngược lại với thành kiến: rất nhiều người nói họ không tin hoặc tin rất ít có thể làm chứng cho kinh nghiệm thần bí, hoàn toàn bất ngờ, đã làm biến đổi họ một cách sâu đậm.
Các ơn trở lại thình lình có thể xảy ra trong mọi trạng huống của cuộc sống. Claudel năm 1886, André Frossard năm 1935, Bruno Cornacchiola năm 1947 là những ví dụ danh tiếng:
André Frossard (1915-1995) xuất thân từ môi trường văn hóa-xã hội rất xa đức tin công giáo (thân phụ ông là một trong các nhà sáng lập Đảng cộng sản Pháp), ông đã bước qua ngưỡng cửa nhà nguyện Đức Mẹ Tôn Kính ở Paris và trở lại ngay, không phải vì một thị kiến nhưng nhưng do một cái nhìn mới trọn vẹn về thế giới và về chính mình. Ông viết chứng từ trong quyển sách: “Chúa hiện hữu, tôi đã gặp Ngài”.
Cuộc trở lại của Paul Claudel (1868-1995) vào cuối thế kỷ 19 thì gần như ngay lập tức, vào một ngày Noel, đằng sau một trong các cột của Nhà thờ Đức Bà Paris. Nhưng nhà thơ, nhà ngoại giao tương lai không có gì là thù địch với công giáo; xét theo một chừng mực nào đó, ông lại được chuẩn bị về mặt nhân bản cho một cuộc trở lại như vậy.
Còn về phần ông Bruno Cornacchiola (1913-2001) thì hoàn toàn bất ngờ. Ông là tín hữu tin lành cực đoan, thù ghét Giáo hội và giáo hoàng (thậm chí ông còn muốn giết ngài), ông đã thấy Đức Mẹ ở gần tu viện Tráp, nơi gọi là Ba Dòng Suối ở Rôma.
Chúng ta đang ở vào thời buổi của năm 1947. Trong một cuộc đi dạo, khi để ba đứa con đi chơi banh ở xa xa, ông ngồi viết một bài gay gắt chống Đức Mẹ. Lo lắng không thấy con quay về, ông đi tìm và thấy chúng ở trước cửa hang đá, tay chắp lại, mặt xanh và ở trong trạng thái ngây ngất: “Bà Xinh Đẹp… Bà Xinh đẹp”, chúng lần lượt kêu lên, mắt dính chặt vào hang đá. Mới đầu ông Bruno bực mình, rồi ông bị giao động, ông vào hang đá và ông cũng kêu lên: “Bà Xinh Đẹp, Bà Xinh Đẹp”. Trước mặt ông là hình bóng một phụ nữ trẻ trong hào quang ánh sáng vàng chói.
Kinh ngạc, ông Bruno ngây ngất quỳ xuống. Khi đó Đức Mẹ bắt đầu nói trực tiếp với ông, hay đúng hơn là nhẹ nhàng xin ông:
“Con bách hại Ta, con ngừng ngay bây giờ! Con hãy quay về nhà thờ […] Nơi giáo dân cầu nguyện và lần chuỗi hàng ngày cho sự trở lại của những người có tội, những người không tin, và cho sự hợp nhất của Giáo hội”.
Ngày hôm đó ông khắc trên hòn đá của hang đá: “Trong hang đá này, Đức Mẹ đã hiện ra với tôi. Mẹ yêu thương mời gọi tôi vào Giáo hội công giáo tông truyền và la mã…”.
Ông Bruno còn được Đức Mẹ hiện ra nhiều lần khác, năm sau đó, có một lần Đức Mẹ hiện ra có sự hiện diện của một linh mục. Từ đó, sự trở lại không kìm lại được và giữa hàng ngàn thăng trầm của cuộc sống, ông đến Rôma để xin lỗi Đức Piô XII vì đã có ý muốn giết ngài. Ba mươi năm sau, năm 1978, ông gặp Đức Gioan-Phaolô II, ngài nói với ông: “Con đã thấy Mẹ Thiên Chúa, như vậy con phải trở thành thánh!” 
  1. Các cuộc trở lại này xảy ra cho nhiều người do thái, và thường họ trở thành những người “do thái thiên sai” sau các mạc khải đặc biệt này.
Ngày nay ở Israel có những người do thái vẫn giữ căn tính do thái của mình, nhưng nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng Thiên Sai của Israel (người ta gọi họ là ‘người do thái thiên sai’). Qua các cuộc hiện ra, sự trở lại của họ mang tính cách rất đặc sủng, được mạc khải hay có thị kiến riêng theo hình ảnh của những gì đã xảy ra cho nhiều nhân vật do thái đáng kể trong quá khứ: 
Israel Zoller (1881-1956) là người do thái sinh tại Ba Lan, Đại Giáo sĩ ở Trieste, sau đó ở Rôma trong thời Thế Chiến Thứ Hai, ông là giáo sư chú giải Kinh Thánh ở Đại học Padoue. Vào ngày lễ Yom Kippour tháng 10 năm 1944, Chúa Kitô đã bất ngờ hiện ra với ông khi ông đang ở trong hội đường lớn ở Rôma. Israel trở lại đạo công giáo năm ông 65 tuổi, ông lấy tên là “Eugenio Pio” để vinh danh Đức Giáo hoàng Piô XII vì ngài đã bảo vệ người do thái trong Thế Chiến Thứ Hai.
Còn về phần ông Alphonse Ratisbonne (1814-1884), một thanh niên trẻ vô thần ở hậu bán thế kỷ thứ 19 thì có thị kiến thấy Đức Mẹ khi ông vào trong một nhà thờ ở Rôma. Đức Mẹ hiện ra với ông, hai tay giang ra và ra dấu cho ông quỳ xuống. Sau này ông viết: “Đức Mẹ như nói với tôi: Rất tốt! Mẹ gần như không nói gì với tôi, nhưng tôi hiểu tất cả”. Sau đó, người thanh niên trở lại đạo công giáo, ông thêm tên “Marie” vào tên rửa tội của mình. Tháng 6 năm 1842 ông vào Dòng Tên và chịu chức năm 1848, ông đến ở Palestina và cống hiến đời mình để dạy giáo lý cho những người trở lại gốc do thái.
Gần chúng ta hơn là ông Roy Schoeman, người Mỹ gốc do thái, ông sinh năm 1951 trong một gia đình trốn nước Đức quốc gia xã hội chủ nghĩa, ông cũng là một trường hợp trở lại chớp nhoáng. Ông kể trong quyển sách “Sự Cứu Rỗi từ những người do thái”: “Trong một cuộc đi dạo nhiều giờ trong thiên nhiên mà tôi nhận được ân sủng phi thường nhất đời mình. Tôi đi một mình nghe tiếng chim hót trước khi mọi người thức dậy, khi tôi “như từ trên trời rơi xuống”, (tôi không tìm được chữ khác). Có nghĩa là tôi cảm nhận một cách có ý thức, một cách cụ thể sự hiện diện của Chúa. Cuộc đời tôi, cho đến bây giờ, trải ra trước mặt tôi, những gì làm cho tôi vui và những gì làm cho tôi hối tiếc. Trong khoảng khắc, tôi biết mục đích đời tôi là yêu kính và phục vụ Thiên Chúa, Chúa của tôi”.
Một đoạn khác ông viết: “Tên của Chúa này mạc khải cho tôi, ý nghĩa và mục đích đời sống của tôi, tôi không cảm nhận đó là Chúa của Cựu Ước như tôi vẫn hình dung trong trí tưởng tượng khi còn nhỏ. Tôi cầu nguyện để biết tên của Ngài, để biết tôn giáo nào có thể cho tôi phục vụ và tôn thờ Ngài”.
Roy Schoeman xin Chúa cho ông biết tên của Ngài, nhưng lại ra một điều kiện: nhưng tên của Ngài đừng là tên Chúa Kitô và mình phải thành tín hữu kitô. Vậy mà một năm sau đó, ông có một giấc mơ, “ơn lớn nhất lần thứ nhì” trong đời ông:
Ông, người nói không biết gì nhiều về kitô giáo, đặc biệt không có thiện cảm gì với kitô giáo, bỗng tỉnh ngộ “trở thành người sốt sắng yêu mến Mẹ Maria” và không muốn gì hơn là “hoàn toàn trở nên một tín hữu kitô”.
  1. Các người hồi giáo cũng có nhiều kinh nghiệm này, nhưng họ thường khép mình, họ có một thái độ ít nhiều kín đáo.
Joseph Fadelle là tác giả của tác phẩm đau nhói “Giá phải trả” (Le prix à payer). Ông là người hồi giáo Irak trở lại đạo công giáo, ông tị nạn ở Pháp và phải sống ẩn mình để tránh luật fatwa ra lệnh phải hành quyết ông. Tên thật của ông là Mohammed al-Sayyid al-Moussaoui, ông xuất thân từ một trong các gia đình lớn của giới quý tộc chiit của Irak, thuộc giòng dõi của Đại Imam Ali, em họ của Nhà Tiên Tri. Năm 1987, trong khi thi hành nghĩa vụ quân dịch, ông gặp Massoud, một tín hữu kitô, hai người đã có các buổi thảo luận về kitô giáo và hồi giáo. Rồi, một đêm, ông có một giấc mơ làm đảo lộn: một người mặc áo trắng ở bên cạnh dòng suối đưa tay ra cho ông và nói: “Ta là bánh hằng sống”. Rúng động, ông mở quyển Thánh Kinh của Massoud và ông thật sự như bị sét đánh với những gì ông đọc, ông đọc ngấu nghiến và ông trở lại. Cùng với vợ ông, bà cũng trở lại, ông khổ sở khó nhọc để đến với Giáo hội ở Irak, sau đó ông bị đầu độc, bị đánh, bị hạ, bị tra tấn bởi chính gia đình mình, ông phải trốn sau khi bị chính người anh của mình âm mưu giết mình. 
Một trường hợp trở lại bất ngờ khác là cuộc trở lại của bà Nahed Mahmoud Metwalli, bà là người Ai Cập, phó giám đốc của trường dạy cho các Thiếu Nữ Cairô (Jeunes Filles du Caire) một trường có 4000 học sinh ở khu vực Zeitoun, không xa đền thánh được dựng lên sau các lần Đức Mẹ hiện ra năm 1968-69. Trong thời gian ở chức vụ này, bà đã bách hại rất nhiều tín hữu kitô. Bà tị nạn ở Hà Lan, trong một lời gởi cho tất cả người hồi giáo trong những xứ mà quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng, bà thú nhận: “Tôi bách hại họ rất nặng và tôi đối xử với họ rất nghiêm khắc. Tôi nghĩ bổn phận tôi là phải làm như vậy. Cho đến ngày tôi gặp Chúa Giêsu. Ngài mạc khải cho tôi và tôi dâng hiến đời tôi cho Ngài vì tình dịu dàng và tình yêu vô bờ của Ngài. Tôi bỏ đất nước tôi và tất cả mọi chuyện vì Chúa Kitô và để làm chứng cho Danh Ngài”.
Đó là nhờ một cô thư ký mới, một kitô hữu mà qua cách đối xử gương mẫu của cô, đã mở mắt cho bà. Một ngày nọ, khi bà đang nói chuyện với cô trong văn phòng của mình, bà chế giễu tượng Đức Mẹ cô đang đeo thì hai người thấy Đức Mẹ hiện ra trước mắt họ, Mẹ mặc áo và khăn choàng màu xanh. Một thị kiến xảy ra trong một ngày khác, lần này là thị kiến chính Chúa Kitô nói với bà Nahed: “Bình an cho con, con sẽ có một sứ mệnh và sứ mệnh này sẽ cho con biết khi thời khắc đến”.
Nahed để một thời gian để hiểu ai là người bà vừa thấy rất gần đó, nhưng sự trở lại của bà đã được bắt đầu và thái độ bức bách của bà thay đổi hoàn toàn cho đến ngày trở lại đích thực bằng lễ rửa tội ngày 30 thág 11 năm 1988. Người đi bách hại bây giờ lại trở thành người bị bách hại trong xứ của mình, bà xém bị bắt cóc nhiều lần và cuối cùng phải tị nạn ở Âu châu, nơi bà dành toàn cuộc đời để rao giảng Phúc Âm… ngày nay ở Hà Lan.
Từ cuộc trở lại của mình, bà Nahed Mahmoud Metwalli đã viết quyển sách: Cuộc gặp gỡ của tôi với Chúa Kitô.
  1. Kinh nghiệm của ông Jean-Marc Potdevin ở trong số các cuộc gặp lạ lùng mà đôi khi Chúa Kitô ban cho những người có vẻ như không mong chờ gì ở Ngài, nhưng sẵn sàng thay đổi đời sống mình qua ánh sáng Chúa Giêsu tỏ hiện cho họ.
Sau đây là một vài trích đoạn trong chứng từ của Jean-Marc Potdevin, chúng tôi ghi lại dưới dạng hỏi đáp: 
Vậy ông đã gặp Chúa?
Jean-Marc Potdevin: Chính Ngài đến gặp tôi. Diện đối diện. Và rất ấn tượng, xảy ra một cách tình cờ. Tôi đến nhà nguyện Puy-en-Velay trong giờ chầu Thánh Thể – tôi không biết đó là giờ chầu -, và gần như ngay lập tức, Chúa hiện ra trước mặt tôi, Ngài rất cao lớn, rất ấn tượng. Tôi thì chưa bao giờ hút, cũng như chưa bao giờ dùng thuốc tâm thần, nên tôi có thể nói, thật là kỳ cục để thấy điều siêu nhiên xảy đến như vậy.
Một cuộc trở lại, nó thay đổi cái gì?
Nó thay đổi tất cả. Nó lật ngược mọi chuyện. Cuối cùng thì nó làm ngay thẳng lại cho chính xác hơn, đó là đảo ngược tiêu điểm. Gần giống như Alice lạc vào thế giới thần tiên của Lewis Caroll, khi cô đi qua phía bên kia cái gương. Bên phía kia, thế giới đổi ngược: bên trái thành bên mặt, người mạnh thành người yếu, các yếu kém của tôi thành sức mạnh của tôi. Điều xáo trộn nhất là nhận thức tác động của nó, theo cách mà ân sủng hành động trên thế giới. Tôi phải học lại mọi chuyện: học đi, học nói, học viết, học cư xử. Vì một khi tất cả luật lệ của thế giới bị đảo ngược, thì người ta tái bắt đầu lại thế giới này như một đứa bé mới sinh. 
Ông muốn chuyển đến độc giả điều gì trong quyển sách của ông?
Sau khi gặp Chúa, tôi nhận ra tôi là một tín hữu mà tôi không biết tin là như thế nào. Và tôi đã làm rất nhiều chuyện lộn ngược. Tôi có thể chuyển điều này. Khía cạnh thứ nhì quan trọng đối với tôi trong quyển sách này là: vai trò của chứng nhân. Tôi có thể giữ kho tàng này riêng cho tôi. Cũng hơi khó để nói lên những chuyện riêng tư, những chuyện của đức tin. Nhưng tôi không thể giữ riêng cho tôi kho tàng này: tôi phải cho. Nhiều người không biết. Dù sao cũng có một số người không biết và tôi không thể giữ nó.
Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét