Trang

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

42 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 42

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 42


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Tân Phúc Âm Hóa là gì? 

Xét về một số phương diện, nói Tân Phúc Âm Hóa không phải là gì dễ hơn nói nó là gì. Thí dụ, các giới chức Giáo Hội thường nhấn mạnh rằng không nên lẫn lộn nó với việc cải đạo (proselytism), nghĩa là các chiến dịch truyền giáo đầy tính xấn xổ và cưỡng ép. Các ngài thường trích dẫn một bản văn năm 2007 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nói về sự khác nhau giữa phúc âm hóa và cải đạo. Ở phần ghi chú, bản văn này định nghĩa cải đạo như sau: “cổ vũ tôn giáo bằng cách dùng các phương thế và vì các động lực trái với tinh thần Phúc Âm; nghĩa là, các phương thế không bảo đảm tự do và phẩm giá của con người nhân bản”.

Tân Phúc Âm Hóa cũng không đơn giản chỉ là gia tăng việc tham dự Thánh Lễ, năng cầu nguyện, v.v… Các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, thay vào đó, đã gợi ý rằng mục đích cốt lõi là đương đầu với các thách đố xã hội và văn hóa nói chung qua lăng kính Kitô Giáo rõ rệt. Trong số các thách đố này, tài liệu liệt kê chủ nghĩa duy tục và tương đối, “não trạng duy khoái lạc và qui hướng về người tiêu thụ”, chủ nghĩa cực đoan và “các thứ đạo” (sects), di dân và hoàn cầu hóa, nền kinh tế, truyền thông xã hội, các tìm tòi khoa học và kỹ thuật, sinh hoạt dân sự và chính trị, tất cả đều cần chứng tá sinh động của Kitô hữu. Theo nghĩa này, Tân Phúc Âm Hóa có thể được hiểu như một cố gắng thể hiện viễn kiến của Đức Bênêđíctô về Kitô Giáo ở Tây Phương, coi nó như “một thiểu số đầy óc sáng tạo” không chịu xụp đổ trong chính mình.

Tài liệu của thượng hội đồng nói rằng “Tân Phúc Âm Hóa đối nghịch với việc tự coi mình đầy đủ, tự rút vào chính mình, chấp nhận hiện trạng (status quo) và một ý niệm cho rằng các chương trình mục vụ đơn giản nên tiến hành như chúng đã được thi hành trong quá khứ”.

Sau cùng, Tân Phúc Âm Hóa không chỉ nhằm tìm ra các chiến lược sáng tạo hơn để giao tế và vận động nhân sự.

Tài liệu của Thượng Hội Đồng cho rằng “Một hoa trái khác của việc truyền bá đức tin là lòng can đảm lên tiếng chống lại sự bất trung và và tai tiếng xuất hiện trong các cộng đồng Kitô hữu”. Tài liệu nói rằng các hoa trái khác bao gồm “lòng can đảm biết thừa nhận và công nhận các lỗi lầm” và “một cam kết cố gắng thanh tẩy và ý chí sẵn sàng đền tội vì các hậu quả do lỗi lầm của ta gây ra”. Tài liệu nói thêm rằng các thất bại trong việc phúc âm hóa có thể phản ảnh việc Giáo Hội thiếu khả năng trở thành “một cộng đồng thực chất, một tình huynh đệ đích thực và một cơ thể sống động, chứ không phải một đồ vật hay một nghiệp vụ máy móc”.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, người Croatia, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, định nghĩa Tân Phúc Âm Hóa bằng cách phân biệt 3 loại cố gắng truyền giáo khác nhau:

• Phúc âm hóa như một hoạt động thường xuyên của Giáo Hội, nhắm vào những người Công Giáo hành đạo;
• Sứ mệnh ad gentes, nghĩa là việc công bố Chúa Kitô lần đầu cho những người và những dân tộc chưa theo Kitô Giáo;
• Tân phúc âm hóa, nghĩa là vươn tay ra với những người Công Giáo đã ra xa lạ với đức tin.

Định nghĩa như thế, Tân Phúc Âm Hóa nhằm vươn tay ra với những người Công Giáo đã ra xa lạ với Giáo Hội, những người trên thực tế đã trở thành duy tục cả trong suy nghĩ lẫn thực hành. Theo nghĩa này, Tân Phúc Âm Hóa gần như là một môn phụ về mối liên hệ bao quát hơn với chủ nghĩa duy tục. Ít ai hoài nghi rằng Âu Châu và Hoa Kỳ là mối lo đặc biệt, vì đó là những nơi “những người Kitô Hữu ra xa lạ” này chiếm phần đông một cách không tương xứng. Tài liệu của Thượng Hội Đồng Giám Mục cho biết: ở Tây Phương, “nhiều người đã rửa tội sống một cuộc sống hoàn toàn phi Kitô Giáo và càng ngày càng có nhiều người hơn tuy giữ liên hệ phần nào với đức tin, nhưng ít hiểu biết hay hiểu biết đức tin một cách nghèo nàn. Đôi khi, đức tin được trình bầy một cách biếm họa hay công khai bị một số nền văn hóa đối xử dửng dưng, nếu không nói là thù nghịch rõ rệt”. Vì các thực tại như thế, tài liệu tuyên bố rằng “nay là lúc phải tân phúc âm hóa ở Tây Phương”.

Liệu có thành công không?

Khó nói được. Các nhà phê bình, trong đó, có nhiều vị ngay bên trong Giáo Hội, cho rằng không một chiến lược phúc âm hóa nào có thể thành công nếu Giáo Hội không trước nhất dọn dẹp sạch sẽ việc trong nhà mình đã, thí dụ, giải quyết điều được tri cảm là “vấn đề phụ nữ” đã nói trên đây. Diễn tả nó bằng ngôn ngữ tiếp thị, các nhà phê bình nói rằng vấn đề thực sự của Giáo Hội không phải là việc quảng cáo của mình, mà là sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo có xác tín tin rằng Giáo Hội không đối diện với cuộc khủng hoảng về giáo huấn và cơ cấu, mà là cuộc khủng hoảng gân cốt. Họ cho rằng nếu Giáo Hội mạnh bạo trong việc công bố sứ điệp của mình, Giáo Hội sẽ thành công, vì sứ điệp này là sự thật, mà trái tim con người thì đã được tạo nên để đáp ứng sự thật.

Dù sao, nếu Tân Phúc Âm Hóa là một thất bại thì hẳn không phải vì thiếu cố gắng. Nhiều cuốn sách đã được xuất bản, nhiều diễn từ đã được trình bầy, nhiều hội nghị đã được tổ chức, nhiều cơ quan đã được lập tại các giáo phận, và nhiều khóa học đã được tổ chức, tất cả dành để nghiên cứu các đường hướng và phương thế Tân Phúc Âm Hóa. Tháng Ba năm 2011, chẳng hạn, Chủng Viện Thánh Gioan của tổng giáo phận Boston tuyên bố phát động Viện Thần Học Tân Phúc Âm Hóa, cấp bằng cao học thần học về Tân Phúc Âm Hóa. Viện này hợp nhất các chương trình đào tạo của chủng viện để dành cho giáo dân, các phó tế và các tu sĩ đã khấn dòng, nghĩa là những người không được huấn luyện để làm linh mục. Một thông cáo báo chí cho biết các chương trình này sẽ cung cấp “việc đào tạo thần học và giáo lý cho việc phúc âm hóa thế giới hiện đại, có đặc điểm càng ngày càng đe dọa phẩm giá và ơn gọi đời đời của con người nhân bản”.

Mặc dù việc hỗ trợ của Đức Bênêđíctô bảo đảm Tân Phúc Âm Hóa sẽ được quảng cáo rầm rộ, nhưng việc lượng định xem liệu nó có thực sự thành công hay không là một việc phức tạp hơn. Vì mục đích không hẳn là lôi cuốn người Công Giáo mới mà là dẫn đưa các người Công Giáo hiện có đi sâu hơn vào đức tin và hành đạo, nên hai biện pháp xem ra thích hợp nhất để đo lường sự hữu hiệu của Tân Phúc Âm Hóa là:

• Tỷ lệ tham dự Thánh Lễ: Vì việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là nghĩa vụ chuyên biệt của người Công Giáo, nên phần đông các nhà quan sát coi nó như mức cam kết tốt nhất. Ở một số nơi tại Âu Châu, tỷ lệ tham dự tụt xuống chỉ còn là một chữ số. Ở Hòa Lan, chẳng hạn, người ta tin chỉ còn 7 phần trăm người Công Giáo tham dự Thánh Lễ hàng tuần mà thôi, trong khi cuộc thăm dò năm 2010 ở Pháp cho thấy tỷ lệ này là 4.5 phần trăm. Trong khi ấy, ở Nigeria, tỷ lệ tham dự ước tính vào khoảng 89 phần trăm. Đối với Hoa Kỳ, tỷ lệ tham dự Thánh Lễ nói chung là 23 phần trăm.

• Tỷ lệ ở lại: Phần trăm các thành viên sinh ra trong đức tin vẫn ở lại trong đức tin này khi đã trưởng thành là một chỉ số khác, dù không chính xác, cho thấy tôn giáo đã làm cách nào để động viên các thành viên hiện có của mình. Như đã đề cập ở chương mười một, tại Hoa Kỳ, Giáo Hội Công Giáo duy trì được 68 phần trăm các thành viên từ lúc còn thơ tới tuổi trưởng thành.

Lẽ dĩ nhiên, con số không phải là thước đo duy nhất có giá trị, và có lẽ không phải là thước đo tốt nhất, để biện phân xem Giáo Hội có thành công hay không. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói trong chuyến tông du Ba Tây năm 2007 của ngài, “Khoa thống kê không phải là khoa thần học của chúng ta”. Thế nhưng hai chỉ số trên sẽ được theo dõi kỹ lưỡng bởi các nhà phân tích muốn tìm ra cách để xác định xem liệu Tân Phúc Âm Hóa có thực sự phục hưng được vận may của Công Giáo hay không. Bất chấp việc không rõ nó sẽ đạt được những gì, nhưng có điều này chắc chắn: Tân Phúc Âm Hóa sẽ là phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu để tìm ra mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và nền văn hóa của xã hội nói chung, nhất là ở Tây Phương, trong một tương lai có thể tiên đoán được.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét