Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

43 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 43

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 43


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương Mười Ba: Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Khi bạn nói tới một định chế với hơn 2 ngàn năm lịch sử, thì ít khi hạn từ “chưa có tiền lệ” được sử dụng lắm. Như Đức Hồng Y Francis George của Chicago từng nói: “trong Giáo Hội, mọi điều đều đã xẩy ra ít nhất một lần”. Thế nhưng, bi kịch của nửa đầu năm 2013, bắt đầu vào ngày 11 tháng Hai với việc tuyên bố từ nhiệm đầy kinh ngạc của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và xuyên suốt các tháng đầu tiên của vị kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã diễn ra gần như một thứ mới lạ hoàn toàn.

Dù có một số ít các vị giáo hoàng từng từ nhiệm trong quá khứ, nhưng không vị nào làm thế trong suốt 5 thế kỷ nay. Cũng thế, các vị giáo hoàng từng được bầu từ bên ngoài Âu Châu trước đây, nhưng không vị nào được bầu từ Tân Thế Giới, ít nhất đã 1,200 năm nay và chưa bao giờ trước đó.

Vị tân giáo hoàng bất quy tắc này đã chiếm được trái tim thế giới ngay tức khắc. Trong chuyến tông du ngoại quốc đầu tiên của ngài tới Ba Tây hồi tháng Bẩy, Đức Phanxicô đã làm cho một nhóm nữ tu “ra điên loạn” giống hệt các thiếu nữ dự buổi hòa nhạc của Justin Bieber, và ngài thu hút hơn 3 triệu người tới bãi biển Copacabana của Rio de Janeiro, phá vỡ kỷ lục tham dự của Rolling Stone trước đó. Ít nhất trong 50 năm qua, chưa có vị giáo hoàng nào lại khiến cho làn gió thay đổi bay bổng rõ ràng như thế, dù bản chất chính xác của “cuộc cách mạng Phanxicô” vẫn còn là một việc đang diễn biến.

Bất chấp điều gì sẽ xẩy ra sau này, trận cuồng phong thổi cùng khắp Đạo Công Giáo vào năm 2013 cho ta biết rõ điểm này: chính lúc bạn tưởng bạn hiểu thấu Giáo Hội, thì Giáo Hội đã làm bạn phải ngạc nhiên.

Tại sao Đức Giáo Hoàng Bênêđícô từ nhiệm? 

Trong cuộc gặp gỡ với các vị Hồng Y ngày 11 tháng Hai, khi công bố việc từ nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng ngài từ chức vì “sứ khỏe của tôi, do tuổi già, không còn thích hợp để thi hành thỏa đáng thừa tác vụ Phêrô”, tức chức vụ giáo hoàng. Sau đó, Tòa Thánh minh xác rằng Đức Giáo Hoàng không mắc bất cứ khủng hoảng chuyên biệt về sức khỏe nào, mà đúng hơn chỉ do tác động tổng quát của tuổi già và năng lực suy giảm.

Dĩ nhiên, trong một thế giới bão hòa với đủ thứ thuyết âm mưu, thì điều đó không làm ai thỏa mãn cả. Một số người đồ đoán rằng Đức Bênêđíctô XVI từ chức vì tai tiếng rì rỏ của Vatican trong các năm 2011-2012, một tai tiếng mà tột đỉnh là vụ bắt giam kiểu Hollywood người quản gia của ngài, bị coi như một gián điệp. Nhiều người khác nhấn mạnh rằng Đức Bênêđíctô XVI bị ngỡ ngàng trước các tiết lộ liên quan tới “nhóm vận động đồng tính” ở Tòa Thánh, trong một bản tường trình mật về các rì rỏ, do đích thân 3 vị Hồng Y trình lên cho ngài.

Sự thật, Đức Bênêđíctô XVI trước đó vốn đã tiết lộ một vài dấu chỉ cho thấy ngài có thể từ chức, trong đó có cả việc ngài lớn tiếng nói thế trong cuộc phỏng vấn năm 2010 của một nhà báo Đức. Thành thử, nói chung, người ta nên tin lời ngài.

Mặt khác, hiệu quả tích lũy của nhiều trắc trở về quản trị trong triều đại của ngài cũng có thể là thành phần của bức tranh. Đức Bênêđíctô XVI chưa bao giờ coi ngài là một CEO (tổng giám đốc) mà chỉ là một học giả, và một phần của lý do khiến ngài cảm thấy mệt mỏi đến thế có thể là hiệu quả của 8 năm bị đẩy ra ngoài vùng êm ái để nhẩy vào ngọn lửa cai trị.

Mật nghị hội tìm điều gì nơi một vị giáo hoàng?

Nói một cách tóm tắt, 115 vị Hồng Y bước vào Nhà Nguyện Sistine ngày 12 tháng Ba là để tìm sự thay đổi. Trước lúc bỏ phiếu, các vị Hồng Y rất thẳng thừng trước nhu cầu phải thoát khỏi quá khứ theo nghĩa thoát khỏi các mẫu mực làm việc đã thành cổ điển trước đây của Vatican mà các ngài tin là đang gặp bế tắc.

Các vị Hồng Y mệt mỏi trước các tiết lộ không mấy tốt đẹp về các tranh chấp nội bộ trong giáo triều, mệt mỏi trước các tai tiếng của Ngân Hàng Vatican, và hoảng hốt khi thấy mình không thể gửi thư mật cho Đức Giáo Hoàng mà ngay ngày hôm sau không sợ chúng bị tiết lộ trên trang nhất của các nhật báo trong ngày. Dù yêu thương và kính phục Đức Bênêđíctô XVI, các ngài vẫn muốn có một vị giáo hoàng đích thân can dự nhiều hơn vào việc quản trị, có khả năng tạo được tính công khai thẳng thắn (glasnost) mà các ngài tin Vatican hiện rất cần.

Cái tính khí phản cơ chế (antiestablishment) trên có lẽ là điều các ngài có trong đầu khi bầu một người Châu Mỹ La Tinh và là một người hoàn toàn ở bên ngoài, một người chưa bao giờ làm việc tại Vatican, chỉ trong vòng phiếu thứ năm. Đối với nhiều vị Hồng Y cử tri, hình như ngài là lựa chọn lý tưởng: một người nổi tiếng từng lèo lái cơ quan của mình một cách vững tay và hữu hiệu, và là người không bị tì vết chi do liên hệ với bất cứ tai tiếng nào gần đây ở Rôma.

Nhìn trở lui, rất có thể một số vị Hồng Y này nhìn mật nghị hội năm 2013 như một bức minh họa cổ điển cho nguyên tắc “hãy thận trọng về điều bạn muốn”. Thay đổi chính là điều các ngài muốn, và các ngài đang nhận được nó một cách dư thừa.

Các vị nào là các ứng viên dẫn đầu? 

Oái oăm thay, không phải là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenes Aires, người đã xuất hiện ở ban công nhà thờ Thánh Phêrô trong tư cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Phần đông các nhà chuyên môn cho rằng vận may nhất của Đức Hồng Y Bergoglio đã diễn ra rồi vào năm 2005, lúc ngài về nhì sau Đức Bênêđíctô XVI, và coi ngài như khó mà được bầu lần này.

Đến lúc đầu phiếu, phần lớn những người đánh cuộc đưa ra 3 vị dẫn đầu: Đức Hồng Y Angelo Scola của Milan, Ý; Đức Hồng Y Marc Ouelette của Quebec, Gia Nã Đại, vị đứng đầu thánh bộ giám mục hết sức quan trọng của Tòa Thánh; và Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer của Sao Paolo, Ba Tây, vị người Nam Mỹ có thể được bầu hơn cả. Lần đầu tiên, một người Hoa Kỳ cũng đã trở thành một người tranh cử nghiêm túc, đó là Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston, một tu sĩ Dòng Capuchin Phanxicô, nhà cải tổ các tai tiếng lạm dụng tình dục và cũng có tài hấp dẫn ngang ngửa như Đức Hồng Y Bergoglio.

Nhìn lui, dựa theo kết quả, người ta thấy hai nhân tố xem ra trổi vượt.

Thứ nhất, Đức Hồng Y Bergoglio gây ấn tượng nơi nhiều đồng nghiệp Hồng Y với các nhận định của ngài trong các phiên họp toàn thể trước Mật Nghị Hội, tức những phiên họp giúp các Hồng Y cử tri cơ hội suy nghĩ thấu đáo các vần đề và khảo sát các ứng viên. Trong các phiên họp này, ngài nhấn mạnh việc cần phải có một giáo hội truyền giáo hơn, một giáo hội biết vươn tay ra với những con người ở “các vùng ngoại vi hiện sinh” của thế giới hậu hiện đại.

Thứ hai, các vị Hồng Y cũng nghe các đồng nghiệp Châu Mỹ La Tinh của Đức Hồng Y Bergoglio nói rằng ngài là người biết phải cai trị ra sao. Ngài vốn thuộc tầng lớp lãnh đạo suốt cả đời ngài, từng làm giám tỉnh Dòng Tên ở Á Căn Đình lúc mới có 36 tuổi, rồi phục vụ trong tư cách giám mục và tổng giám mục một trong những tổng giáo phận phức tạp nhất thế giới là Buenos Aires trong 20 năm. Nói cách khác, nếu các ngài muốn có một con người có thể đem lại trật tự cho Vatican, thì ngài chắc chắn là con người ấy.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ai?

Khi được hỏi câu trên trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng của một ấn phẩm Dòng Tên hồi tháng Chín, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời “một kẻ tội lỗi… đó là định nghĩa chính xác nhất. Đó không phải là một mỹ từ, một thể văn chương. Mà tôi quả là một kẻ có tội”.

Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio sinh ở Buenos Aires năm 1936, con của một gia đình di dân Ý xuất thân từ Piedmont. Ngài lớn lên tại nước Á Căn Đình đầy sóng gío của hai thập niên 1940 và 1950, được phổ thông hóa nhờ nhạc kịch Evita, phát triển được một khiếu thưởng ngoạn phim ảnh Ý, điệu tango và môn túc cầu. Ngài vốn là người say mê cuốn phim La Strada của Fellini, các văn sĩ như Fyodor Dostoevski, Friedrich Holderlin, và Miguel de Cervantes, và câu lạc bộ túc cầu San Lorenzo ở Buenos Aires. (Trong trận đấu đầu tiên sau khi ngài được bầu, đội banh này mặc áo thung với hình đức tân giáo hoàng trên ngực; và họ đã thắng 1-0).

Lúc 21 tuổi, Bergoglio mắc chứng viêm phổi nặng, buộc các bác sĩ phải cắt bỏ một phần lá phổi bên trái của ngài. Việc gần đụng tới cái chết này có lẽ đã ảnh hưởng tới quyết định gia nhập Dòng Tên sau đó một năm của ngài, dòng này vốn là dòng lớn nhất và “nhiều chuyện” nhất của Giáo Hội Công Giáo. Nổi tiếng từ đầu như một con người có tiềm năng lãnh đạo, Bergoglio trở thành bề trên tỉnh Dòng, tức người đứng đầu Dòng Tên ở Á Căn Đình lúc mới 36 tuổi.

Làm bề trên tỉnh, ngài đụng độ với một số người cùng Dòng, điều sau này được ngài gán cho phong thái quá “độc đoán” trong việc đưa ra quyết định. Thập niên 1980, Bergoglio gần như phải đi biệt xứ, cho tới lúc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử nhiệm ngài làm giám mục ở Buenos Aires vào năm 1992 và nâng ngài lên Tổng Giám Mục năm 1997. Ngài là người tranh chức giáo hoàng năm 2005, trong mật nghị hội bầu Đức Bênêđíctô XVI. Tám năm sau, phần lớn các quan sát viên của Vatican nghĩ thời điểm của ngài đã qua đi, chỉ để thấy ngài xuất hiện trên ban công Nhà Thờ Thánh Phêrô sau 5 lần bỏ phiếu.

Ngoài mấy điểm về tiểu sử trên, có một cuộc tranh luận mạnh mẽ về việc Đức Phanxicô là ai và ngài sẽ mang tới thứ thay đổi nào. Một số người coi ngài chỉ là người dán nhãn hiệu mới cho cùng một sản phẩm tôn giáo, trong khi nhiều người khác coi ngài gần như Che Guevara mặc áo dòng vậy. Nhiều câu hỏi được nêu ra. Người ta bảo ngài chưa bao giờ là người cánh hữu, nhưng điều này có đặt ngài vào cánh tả không? Có ngày ngài bảo Thiên Chúa không phải là người Công Giáo, ngày hôm sau, ngài lại bảo: bất cứ ai không cầu nguyện với Chúa Kitô là cầu nguyện với ma qủy, thành thử không biết ngài cấp tiến hay theo trường phái bảo thủ?

Chiến lược tốt nhất để hiểu các giọng nói chống chọi nhau này có lẽ lả để Đức Giáo Hoàng tự nói cho chính ngài.

Trong Thánh Lễ đầu tiên vào ngày 17 tháng Ba, Đức Phanxicô nói rằng “sứ điệp mạnh nhất của Chúa là lòng thương xót”; câu này ít nhiều cho thấy một chương trình cai trị.

Mọi vị giáo hoàng đều có khuynh hướng đưa ra một ý tưởng thiêng liêng dùng làm chìa khóa mở toang nghị trình của mình. Đối với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là khẩu hiệu “Đừng sợ!”, một lời kêu gọi nhằm phục hồi khí lực truyền giáo. Đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ý tưởng đó là “đức tin và lý trí”, tức ý tưởng cho rằng tôn giáo và văn hóa thế tục cần lẫn nhau.

Đối với Đức Phanxicô, ý tưởng cốt lõi này là lòng thương xót. Khẩu hiệu giáo hoàng của ngài là Miserando atque eligendo, một câu Latinh có nghĩa “nhờ có lòng thương xót và chọn lựa”. Cho nên để trả lời câu hỏi Đức Phanxicô là ai, câu trả lời nói nhiều hơn cả có thể là “Vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót”.

Ngài cấp tiến? Ôn hòa? Hay bảo thủ?

Nói cho ngay, có lẽ những hạn từ trên không hẳn là những hạn từ tốt nhất để ta sử dụng, một phần vì Đức Phanxicô hiểu chúng khác với phần lớn người Tây Phương. Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn của Dòng Tên, ngài nói rằng ngài “không bao giờ là người cánh hữu cả” nhưng điều ngài muốn nói ở đây là ngài không bao giờ ủng hộ nền độc tài quân sự ở Á Căn Đình trong các thập niên 1970 và 1980. Ngài thực sự không tự đặt ngài vào phổ ý thức hệ ở đầu thế kỷ 21.

Còn về việc Đức Phanxicô được người ta tri cảm ra sao, thì phần đông người Công Giáo có lẽ coi ngài là người ôn hòa nhưng hơi nghiêng về cánh tả một chút.

Rõ ràng, ngài không duy tả triệt để. Ngài hoàn toàn chủ trương “không” đối với việc phong chức cho phụ nữ, nói rằng việc này đã được kết thúc dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Được hỏi quan điểm riêng của ngài về phá thai và hôn nhân đồng tính, ngài trả lời đó là lập trường của Giáo Hội mà ngài là “một đứa con của Giáo Hội”.

Thế nhưng, ngài cũng không duy truyền thống cánh hữu. Ngài không mộ mến Thánh Lễ La Tinh như Đức Bênêđíctô XVI; ngài đã đưa ra nhiều dấu hiệu với người cấp tiến cảm thấy bị đẩy qua bên lề thời Đức Bênêđíctô XVI, cho họ thấy ngài muốn lắng nghe họ; và ngài làm nhiều cử chỉ vươn tay ra với các nhóm bị khinh bạc như phụ nữ và những người đồng tính, coi chúng như đặc điểm nổi bật của triều đại ngài.

Một cách xác định ra hướng đi của một nhà lãnh đạo là nhìn vào những người bị ngài làm cho khó chịu và điều xem ra rõ ràng là những phản công lúc ban đầu chống lại Đức Phanxicô phần lớn phát xuất từ cánh hữu Công Giáo, họ sợ rằng ngài dễ dàng đầu hàng trước trận chiến văn hóa và qúa nhẹ tay với các bất đồng nội bộ.

Nói chung, nhiều người Công Giáo mà điểm qui chiếu chính vốn là Công Đồng cải tổ Vatican II (1962-1965) coi ngài là vị giáo hoàng, cuối cùng, có khả năng thực hiện lời hứa của Công Đồng này về một Giáo Hội hiện đại và bao gồm nhiều người hơn.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét